An Giang: Khuyến Nông giúp tăng lợi ích cho nông dân

Trên cơ sở những cây trồng, vật nuôi mà nông dân đã có kinh nghiệm sản xuất, Trung tâm Khuyến nông An Giang và các Trạm Khuyến nông cấp huyện hỗ trợ áp dụng mô hình tiến bộ, cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật nhằm tăng hiệu quả sản xuất, mang lại lợi nhuận cao hơn. Từ đó, khuyến khích nhân rộng trong cộng đồng.

Tăng cường liên kết

Ở ấp Hưng Lợi (xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú) đã hình thành được Tổ hợp tác (THT) sản xuất lúa do nông dân Nguyễn Thiện Chí làm Tổ trưởng. Vụ thu đông 2022, được Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú triển khai mô hình “Sản xuất lúa theo hướng tiêu chuẩn SRP (có áp dụng cơ giới hóa) gắn liên kết doanh nghiệp tiêu thụ”, THT đã mạnh dạn đăng ký tham gia, gồm 21 thành viên sản xuất trên diện tích 50ha.

Với mô hình này, 21 nông dân cùng sử dụng giống lúa Đài Thơm 8 cấp xác nhận 1. Bằng phương pháp sạ lúa theo cụm, lượng giống gieo sạ chỉ 60kg/ha (chỉ bằng khoảng 50% so sạ bình thường). Được Trung tâm Khuyến nông An Giang tập huấn sản xuất trong 4 ngày, nông dân tăng cường ứng dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng, đảm bảo canh tác theo Bộ tiêu chuẩn SRP về sản xuất lúa gạo bền vững với 8 chủ đề, 41 tiêu chí. Nông dân được hướng dẫn cách chấm điểm, kinh nghiệm khắc phục các lỗi chưa đạt tiêu chí SRP.

“Bộ tiêu chuẩn SRP nhấn mạnh đến các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường với tầm nhìn phát triển bền vững. Yếu tố kinh tế đảm bảo khía cạnh tăng năng suất và giá bán; yếu tố môi trường kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phù hợp, giảm thiểu khí thải nhà kính. Trong khi đó, yếu tố xã hội của bộ tiêu chuẩn tập trung vào các vấn đề, như: An toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe người lao động. Bộ tiêu chuẩn này còn kiểm soát các yếu tố khác, gồm cả vấn đề nữ quyền và nghiêm cấm sử dụng lao động trẻ em” – ông Nguyễn Thiện Chí phân tích.

Nuôi gà trên đệm lót sinh học.

Được hướng dẫn của cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú, ông Chí cùng các thành viên THT nhận thấy, khi sản xuất theo tiêu chuẩn SRP (có áp dụng cơ giới hóa) thì phải bón phân cân đối và áp dụng triệt để chương trình “1 phải, 5 giảm”, nhất là giảm giống gieo sạ và thuốc BVTV, chi phí đầu tư thấp hơn khoảng 4 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng. “Canh tác lúa theo hướng tiêu chuẩn SRP giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nông dân, tăng thu nhập cũng như chất lượng lúa. Đây là mô hình mang lại rất nhiều lợi ích, cần nhân rộng” – nông dân Nguyễn Thiện Chí nhấn mạnh.

Khi tham gia mô hình, tất cả 21 hộ đều được THT Hưng Lợi liên kết bao tiêu sản phẩm lúa giống (xác nhận 2), giúp nông dân an tâm đầu ra.

Hướng đến bền vững

Từ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông An Giang, năm 2019, Trạm Khuyến nông TP. Long Xuyên hỗ trợ ông Đào Hữu Nghĩa (ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên) tham gia mô hình trình diễn “Chăn nuôi gà thịt trên đệm lót sinh học kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học EM”. Thấy hiệu quả của mô hình, ông Nghĩa duy trì thực hiện đến nay.

Ông Nghĩa cho biết, được cán bộ chăn nuôi của Trạm Khuyến nông TP. Long Xuyên hướng dẫn kỹ thuật, ông đã hạn chế được chi phí đầu tư (thức ăn, công quét dọn chuồng, thuốc điều trị bệnh…), hạn chế ô nhiễm môi trường, đàn gà khỏe mạnh, phát triển đồng đều. Khi sử dụng chế phẩm sinh học EM, giúp đàn gà tăng sức đề kháng chống chịu dịch bệnh, hạn chế việc sử dụng kháng sinh. Nhờ vậy, thịt gà thơm ngon hơn và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, đệm lót sinh học giúp giảm tỷ lệ bệnh tật, đặc biệt là bệnh về đường tiêu hóa.

Nâng cao hiệu quả canh tác lúa.

Cũng theo ông Nghĩa, với chế phẩm sinh học Balasa, giúp phân hủy phân gà, giảm mùi hôi thối, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn. Qua đó, tạo môi trường sống tốt cho vật nuôi, ít ảnh hưởng sức khỏe người chăn nuôi, tạo điều kiện phát triển chăn nuôi ngay cả gần các khu dân cư. Với đệm lót sinh học, vì không có nước để muỗi sinh sản, không có phân để ruồi đẻ trứng nên giúp hạn chế tối đa ruồi, muỗi lây truyền mầm bệnh, giảm nhân công thú y và chi phí thuốc thú y.

Sau mỗi lứa nuôi 3 tháng, ông Nghĩa thu hoạch gà thịt. Nhờ chất lượng sản phẩm ngon, an toàn nên gà nuôi trên đệm lót sinh học của ông Nghĩa được nông trại Ếch Ộp (TP. Long Xuyên) liên kết tiêu thụ, giúp đầu ra ổn định. Ngoài ra, ông còn tận dụng được đệm lót sinh học để bón cho cây trồng.

Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP của THT Hưng Lợi hay chăn nuôi gà thịt trên đệm lót sinh học của ông Đào Hữu Nghĩa chỉ là 2 trong số 65 điểm trình diễn mô hình khuyến nông trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản mà Trung tâm Khuyến nông An Giang hỗ trợ triển khai trên toàn tỉnh năm 2022, giúp tăng hiệu quả sản xuất, lợi nhuận của nông dân, THT, hợp tác xã (HTX) tham gia.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang Huỳnh Đào Nguyên cho biết, cùng với triển khai các hoạt động khuyến nông theo kế hoạch năm 2023, ngành khuyến nông tăng cường mời gọi doanh nghiệp liên kết tiêu thụ với hợp tác xã, THT, nông dân; xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, khép kín trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ mới…

NGÔ CHUẨN (Báo An Giang)


Công ty TNHH Tiệp Phát được thành lập từ năm 2001 trước những đòi hỏi khắc khe của thị trường về sản phẩm chất lượng dành cho thủy sản nuôi. Qua gần 20 năm hình thành và phát triển Tiệp Phát tự hào là một trong doanh nghiệp dẫn đầu về phân phối và sản xuất các sản phẩm Thuốc Thủy Sản tại Việt Nam. Tiệp Phát cũng là nhà nhập khẩu lớn các loại nguyên liệu chất lượng cao dùng trong Nông Nghiệp.