Bệnh phân trắng trên tôm: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng trị hiệu quả

with Không có phản hồi

Hiện nay đang trong mùa mưa, thời tiết trong ngày thay đổi bất thường dẫn đến các yếu tố môi trường ao nuôi dễ bị biến động, nguy cơ phát sinh mầm bệnh cao, trong đó điển hình là bệnh phân trắng trên tôm (White Feces Syndrome – WFS).

Nguyên nhân gây bệnh phân trắng trên tôm

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh phân trắng, cụ thể:

– Thức ăn kém chất lượng: Thức ăn không đảm bảo chất lượng, thức ăn bị mốc và chứa độc tố khi cho tôm ăn các loại thức ăn này sẽ bị bệnh đường ruột. Thức ăn cho ăn bị dính trên thành bạt, cầu nhá, máy quạt… lâu ngày bị nhiễm nấm mốc, vi khuẩn rơi xuống tôm ăn dẫn đến bệnh lây lan.

Tôm bị bệnh phân trắng. Ảnh: ST

– Do tảo độc: Một số ao nuôi có sự phát triển các nhóm tảo lam với mật số cao hoặc các nhóm tảo độc khác ảnh hưởng đến tôm. Các loài tảo này có thể tiết ra độc tố trong môi trường ao nuôi hoặc khi tôm ăn phải các loại tảo độc sẽ làm rối loạn chức năng đường ruột dẫn đến tôm không tiêu hóa được thức ăn.

– Nội ký sinh trùng Gregarines: Sự hiện diện của Protozoa Gregarines trong đường ruột tôm và hệ gan tụy có thể dẫn đến tình trạng tôm bị phân trắng. Khi ký sinh trong đường ruột tôm chúng gây tổn thương các biểu mô, tắc nghẽn ruột, tổn thương niêm mạc ruột, do đó ruột tôm sẽ không hấp thu được chất dinh dưỡng. (Mastan, 2015).

– Vi khuẩn Vibrio spp: Một số loài Vibrio có thể gây ra bệnh phân trắng, khiến phân của tôm trở nên trắng đục. Điều này thường liên quan đến sự suy yếu chất lượng nước và ảnh hưởng đến sức kháng của tôm, gây ra sự giảm trưởng và thất thoát kinh tế.

Đặc điểm bệnh phân trắng trên tôm

Bệnh phân trắng thường xảy ra tại giai đoạn nuôi tôm từ 2 tháng trở lên, có thể làm giảm năng suất 20 – 30% và giảm giá trị sống. Tỷ lệ tử vong của tôm mắc bệnh này có thể đạt đến 60%. 

Bệnh thường xuất hiện vào giai đoạn giao mùa mưa nắng; nắng nóng hay mưa kéo dài; ngày rất nóng, oi bức, đêm mát mẻ hơn nhiều (chênh lệch từ 8 – 10ºC).

Dấu hiệu bệnh phân trắng trên tôm

Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh phân trắng. Ảnh: Semanticscholar

Bệnh có thể dễ nhận biết với dấu hiệu đặc trưng là những đoạn phân có màu trắng đục nổi trên mặt nước ở gốc cuối gió từng đoạn từ 0,3 – 1 cm, có khi còn dính ở hậu môn tôm;

– Tôm giảm ăn, màu sắc chuyển sang màu sậm hơn;

– Gan tụy chuyển màu nhợt, mềm nhũn; ruột và phân chuyển sang màu vàng hoặc trắng;

– Tôm mềm vỏ;

– Mang chuyển sang màu tối;

– Ruột tôm bị lỏng, ruột đứt khúc, cong vẹo, đường ruột ở đốt thân cuối của tôm (gần gai đuôi) bị đứt khúc và có màu trắng đục (như gạo hặc mủ đuôi).

Trị bệnh bệnh phân trắng trên tôm

Khi phát hiện tôm bị bệnh phân trắng, cần thực hiện các biện pháp theo phác đồ sau:

– Dừng cho ăn hoàn toàn trong vòng 1 – 2 ngày.

– Tăng cường chạy quạt nước để đảm bảo cung cấp ôxy nhiều nhất có thể.

– Tiến hành thay nước ao nuôi bằng nguồn nước sạch đã được xử lý. Thay khoảng 30 – 50% lượng nước ao nuôi. Người nuôi cần thay chậm để không làm tôm sốc).

– Để làm giảm nồng độ các chất hữu cơ trong ao, cần sử dụng các biện pháp thích hợp. Trường hợp ao nuôi được xi phông thường xuyên thì dùng chất lắng tụ rồi xi phông sạch ra ngoài. Nếu ao không được xi phông trước đó thì dùng chế phẩm sinh học để xử lý.

– Xử lý nước ao bằng chế phẩm sinh học với liều cao gấp 3 lần so với liều thông thường.

– Người nuôi trộn xen kẽ các nhóm vi sinh tiêu hóa và tỏi (10 g/kg) vào thức ăn để cho tôm ăn (không trộn tỏi cùng vi sinh vì tỏi có thể làm bất hoạt vi sinh).

– Các giải pháp trên cần được thực hiện đồng bộ trong vòng 5 ngày liên tục.

Phòng bệnh phân trắng trên tôm

– Thực hiện tốt quy trình cải tạo ao. Diệt các vật chủ trung gian mang mầm như hai mảnh vỏ, ốc, giáp xác và nhuyễn thể tại các ao lắng, ao sẵn sàng giúp loại bỏ sự xâm nhập của chúng vào ao nuôi khi cấp nước.

– Chọn thức ăn chuyên dùng cho tôm, thức ăn có chất lượng, đầy đủ dưỡng chất và nên cho tôm ăn đúng kích cỡ cho từng giai đoạn nuôi với thức ăn phù hợp và không bị dư thừa. Nên bảo quản tốt thức ăn, không nhiễm nấm mốc, độc tố.

– Lựa chọn tôm giống chất lượng và sạch bệnh: xét nghiệm PCR, test kiểm tra, sốc độ mặn, hóa chất, thuần hóa theo quy trình.

– Nuôi với mật độ phù hợp, giảm mật độ nuôi cũng có thể giúp hạn chế bệnh phân trắng.

– Định kỳ xi phông ao nuôi.

– Kiểm tra thường xuyên các yếu tố môi trường như pH, độ kiềm, khí độc NH3, NO2 để có biện pháp xử lý kịp thời.

– Định kỳ bổ sung các dòng chế phẩm vi sinh vào ao nuôi với thành phần lợi khuẩn: Bacillus subtilis, Bacillus amyloliquefaciens, Saccharomyces cerevisiae… – Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra khuẩn Vibrio trong mẫu nước ao nuôi bằng đĩa thạch để có biện pháp diệt khuẩn, hạn chế phát triển vượt mức tối đa.

– Bổ sung các sản phẩm có thành phần từ alcin (chiết xuất tỏi) và Glucan (Aspergillus oryzae) vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho tôm.

– Quản lý tốt các yếu tố môi trường như pH, độ kiềm, độ mặn, độ trong… luôn nằm trong ngưỡng thích hợp. Khi trời mưa dầm, thời tiết lạnh nên cắt cữ ăn hoặc giảm ăn 30 – 50% lượng thức ăn để tránh dư thừa thức ăn làm bẩn đáy ao, tăng cường chạy quạt đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan trên 5 mg/l. Định kỳ 2 lần/tuần kiểm tra và khống chế mật số vi khuẩn có hại (khuẩn Vibrio) trong ao nuôi.

– Thường xuyên theo dõi biểu hiện bên ngoài của tôm như ruột lỏng, ruột đứt khúc, đuôi phân trắng để phát hiện sớm và phòng trị kịp thời.

 

TSVN