Bột vẹm nâu thúc đẩy tăng trưởng và khả năng chịu lạnh của tôm thẻ chân trắng

with Không có phản hồi

Bổ sung bột vẹm nâu vào khẩu phần ăn giúp tôm tăng trọng lượng thân cuối, cải thiện tốc độ tăng trưởng và giảm đáng kể tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR).

Giá trị dinh dưỡng cao 

Bột vẹm nâu có giá trị dinh dưỡng tương tự bột cá về axit amin và lipid. Ngoài ra, vẹm còn loại bỏ nitơ và phosphate ra khỏi nước bằng cách lọc các hoạt khoáng chất và vi sinh vật, đồng thời chuyển hóa những chất không phải thức ăn thành thức ăn.

Vẹm nhỏ không đạt tiêu chuẩn thực phẩm, hoặc vẹm được nuôi để lọc nước đều có thể tận dụng để sản xuất bột vẹm. Nếu sử dụng bột vẹm làm nguyên liệu thay thế trong thức ăn thủy sản, nitơ và phosphate được lọc sinh học còn vỏ vẹm có thể làm thức ăn cho gia cầm, từ đó góp phần giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất.

Bột vẹm có tiềm năng thay thế bột cá trong thức ăn tôm. Ảnh: ST

Một số nghiên cứu đã chứng minh bột vẹm từ nhiều loài khác nhau có thể làm nguyên liệu thức ăn và là một lựa chọn tốt để thay thế 25 – 50% bột cá mà không ảnh hưởng đến hiệu suất tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn của một số loài cá biển. Ngoài ra, bổ sung 60% bột vẹm trong chế độ ăn không ảnh hưởng đến tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn và tỷ lệ sống của tôm sú.

Do giá trị kinh tế cao, người nuôi đã mở rộng diện tích tôm thẻ chân trắng (TTCT) sang các vùng cận nhiệt đới. Tuy nhiên, nhiệt độ thấp là một trong những yếu tố hạn chế bởi nó ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm, ức chế miễn dịch và làm rối loạn các quá trình sinh lý khác. Ở miền Nam Trung Quốc, tỷ lệ tôm chết vào mùa đông luôn là trở ngại lớn đối với các trại nuôi suốt nhiều thập kỷ qua. Phía Nam Brazil, nơi thời tiết bất ổn, sốc nhiệt lạnh chính là tác nhân làm bùng phát dịch bệnh trên TTCT. Vẹm có hàm lượng cao một số axit amin tự do và axit béo không bão hòa đa (PUFA) và là nguồn cung vitamin, khoáng chất phong phú. Những chất dinh dưỡng này liên quan đến khả năng chống chịu lạnh ở các loài cá.

Cải thiện tăng trưởng và chống sốc nhiệt 

Thí nghiệm được thực hiện tại Phòng thí nghiệm tôm biển (LCM/UFSC) ở Barra da Lagoa, Florianópolis, Brazil với nguồn tôm từ phòng thí nghiệm thương mại Aquatec, Brazil. TTCT được nuôi trong bể ương 50 m3 với hệ thống biofloc đến khi đạt trọng lượng thí nghiệm yêu cầu (3,5 ± 0,5 g).

Năm nghiệm thức bột vẹm nâu theo tỷ lệ 0, 1, 2, 3 và 4%, lặp lại 4 lần trong 20 bể polyethylene 400 lít. Mỗi bể thả 40 con tôm (3,5 ± 0,5 g), đầy nước biển, sục khí liên tục và duy trì nhiệt độ 28,4 ± 0,4°C. Sau tám tuần, đánh giá tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm, đồng thời thực hiện sốc nhiệt để xem xét hiệu quả của bột vẹm đối với khả năng chịu lạnh của tôm. Vào ngày thứ 57 (một ngày sau khi kết thúc thí nghiệm), tăng áp lực nhiệt đột ngột cho 10 con tôm đến gần ngưỡng gây chết (sốc lạnh). Thử nghiệm sốc nhiệt chứng minh tác động của bột vẹm lên hệ thống miễn dịch của tôm khi đối mặt thay đổi nhiệt độ đột ngột thường gặp ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Chuyển cùng lúc 10 con tôm (18,0 ± 1,8 g) từ các bể nước mặn ở nhiệt độ 28,4 ±  0,4°C sang bể 60 ± 25 lít nước mặn với nhiệt độ 10,9 ± 0,1°C và sục khí liên tục trong 1 giờ. Sau giai đoạn này, tôm được chuyển sang bể ± 30 lít nước biển nhiệt độ 28,5 ± 1,0°C và theo dõi tỷ lệ chết trong 48 giờ. Nước biển thử nghiệm sốc nhiệt có cùng nguồn gốc với độ mặn 30,5 ppt.

Nghiệm thức 1 và 2% bột vẹm có kết quả tốt hơn hẳn các nghiệm thức khác về trọng lượng thân cuối, tăng trọng và tốc độ tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng của nhóm tôm bổ sung bột vẹm đạt 2 g/tuần, tương tự giá trị thu được từ TTCT ăn 35% protein và bột mực.

Tôm ăn bổ sung 1% bột nhuyễn thể krill chỉ đạt tăng trưởng hàng tuần 1,01 ± 0,07 g trong hệ thống nước trong với mật độ tương tự như nghiên cứu với bột vẹm (100 con tôm/m3). Nghiệm thức 3 – 4% bột vẹm cho kết quả tương tự nhóm đối chứng, với tăng trọng hàng tuần 1,85 g. Tỷ lệ tôm chết ở các nghiệm thức bột vẹm nhìn chung đều thấp.

Các loại đạm động vật biển như bột nhuyễn thể krill, bột mực và bột vẹm chứa nhiều thành phần kích thích tôm ăn và có thể làm tăng tiêu thụ thức ăn, giảm chất thải. Trong nghiên cứu trên, bổ sung 1% và 2% bột vẹm làm tăng lượng ăn vào. Điều này cho thấy, ở một mức nhất định, bột vẹm có thể sử dụng làm chất kích thích tôm ăn. Cạnh đó, những con tôm này còn tăng trưởng tốt hơn, dẫn đến FCR thấp hơn so với tôm ở các nghiệm thức khác. Đưa một lượng nhỏ bột vẹm vào thức ăn của tôm góp phần cải thiện hiệu suất chăn nuôi.

Nhiều nghiên cứu khác đã báo cáo bột vẹm có tiềm năng thay thế bột cá trong khẩu phần ăn của một số loài cá nuôi với hiệu quả tăng trưởng tương tự hoặc tốt hơn. Trong nghiên cứu hiện trên tôm, các chuyên gia tại Brazil nhận thấy lượng ăn của tôm tăng khi bổ sung bột vẹm ở tỷ lệ 1,73 – 2%.

Bột vẹm giàu hợp chất như khoáng, axit béo với công dụng cải thiện sức khỏe của tôm. Các nhà nghiên cứu đã báo cáo chế độ ăn giàu axit béo không bão hòa mang lại nhiều lợi ích liên quan đến khả năng chịu đựng căng thẳng và phản ứng miễn dịch của TTCT giống, cũng như cải thiện khả năng điều hòa áp suất thẩm thấu.

Trong nghiên cứu trên, các chuyên gia không phát hiện sự khác biệt về tỷ lệ sống của tôm ở các nghiệm thức sau sốc lạnh (10,9 ± 0,1°C), có thể do trọng lượng thân cuối của tôm cao ban đầu thử nghiệm. Ngoài ra, khả năng chịu lạnh có thể liên quan trực tiếp đến nồng độ axit béo không bão hòa trong chế độ ăn. Ở nghiệm thức 4% bột vẹm, tôm có tỷ lệ chết thấp nhất trong những giờ đầu tiên thử thách sốc nhiệt mặc dù tỷ lệ chết tích lũy không khác biệt về mặt thống kê sau 48 giờ.

 

Theo Global Aquafeed