CPTPP là hiệp định có tiêu chuẩn rất cao về sở hữu trí tuệ. Đối với ngành thủy sản, các cam kết CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership) về sở hữu trí tuệ có liên quan trực tiếp là bảo hộ chỉ dẫn địa lý và độc quyền dữ liệu đối với nông hóa phẩm.
Chỉ dẫn địa lý
Chỉ dẫn địa lý, hiểu đơn giản là các chỉ dẫn về sản phẩm có nguồn gốc từ một khu vực hay vùng lãnh thổ nhất định, và là một đối tượng được bảo hộ sở hữu trí tuệ (viết tắt: SHTT).
Đối với ngành thủy sản Việt Nam, cam kết về chỉ dẫn địa lý chủ yếu liên quan tới các sản phẩm như nước mắm, sản phẩm thủy sản khô…
CPTPP là gì?
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership), là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên là: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, và Việt Nam. Theo: Wikipedia
Cam kết về chỉ dẫn địa lý trong CPTPP có hai nội dung đáng chú ý sau:
Về cơ chế bảo hộ: Các nước CPTPP có thể lựa chọn bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo cơ chế riêng hoặc bảo hộ theo cơ chế chung với nhãn hiệu thương mại.
Trên thực tế Việt Nam đã và đang bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo cơ chế riêng, không trùng với cơ chế bảo hộ nhãn hiệu thương mại.
Về quyền ưu tiên: Trường hợp có nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với một chỉ dẫn địa lý mà nhãn hiệu lại được bảo hộ trước (đã đăng ký trước hoặc đã trở nên nổi tiếng trước), mặc dù chỉ dẫn địa lý vẫn được bảo hộ nhưng quyền của chủ nhãn hiệu sẽ được ưu tiên hơn.
Bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với nông hóa phẩm
Nông hóa phẩm là các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón… Liên quan tới thủy sản, nông hóa phẩm sử dụng phổ biến là các loại thuốc cho thủy sản.
Cam kết SHTT đặc thù nhất trong CPTPP đối với nông hóa phẩm là cam kết về thời hạn bảo hộ đối với kết quả thử nghiệm, các dữ liệu khác về tính an toàn/hiệu quả của nông hóa phẩm chưa công khai – còn gọi là “Độc quyền dữ liệu” khi đăng kí lưu hành nông hóa phẩm.
Cụ thể, cam kết này bao gồm các nội dung cơ bản sau:
Nếu người nộp đơn xin phép lưu hành một nông hóa phẩm mới phải cung cấp các kết quả thử nghiệm/dữ liệu khác chưa công bố về mức độ an toàn và hiệu quả của sản phẩm thì trong vòng 10 năm sau đó, cơ quan cấp phép sẽ không được dựa trên các thông tin này để cho phép người khác lưu hành nông hóa phẩm cùng loại/tương tự trừ khi được người đã cung cấp thông tin đồng ý.
Cam kết tương tự với trường hợp cấp phép lưu hành nông hóa phẩm, dựa trên bằng chứng về việc đã được cấp phép lưu hành trên thị trường nước ngoài.
Trong CPTPP, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với các nước thành viên CPTPP để không bị kiện ra cơ chế giải quyết tranh chấp của CPTPP trong vòng 5 năm sau năm thứ 5 kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Nói cách khác Việt Nam có 10 năm để chuẩn bị cho việc thực thi nghĩa vụ này.
Đánh giá về tác động của các cam kết về độc quyền dữ liệu đối với nông hóa phẩm:
Tạo ra lợi thế lớn cho các chủ thể lần đầu đưa ra dữ liệu thử nghiệm khi đăng ký lưu hành nông hóa phẩm (bởi sau đó 10 năm, không ai được tự động sử dụng dữ liệu thử nghiệm đó nữa dù có thể dữ liệu thử nghiệm đó công khai, đáng tin cậy, và việc thử nghiệm lại cũng chỉ cho kết quả tương tự).
Hạn chế khả năng đăng ký lưu hành với sản phẩm tương tự, qua đó khiến giá của nông hóa phẩm đã lưu hành ít có khả năng giảm do ít cạnh tranh.
Phùng Nguyệt – Nguồn: Kinh tế Tiêu dùng