Lập trình dinh dưỡng sớm cho cá rô phi

with Không có phản hồi

Hạn chế protein trong khẩu phần ăn cho ấu trùng cá rô phi trong 14 ngày đầu hấp thụ noãn hoàng làm tăng đáng kể chiều dài, trọng lượng và hiệu quả sử dụng thức ăn của cá sau 56 ngày nuôi.

Cắt giảm protein 

Lập trình dinh dưỡng là quá trình bổ sung chất dinh dưỡng trong khẩu phần hoặc tác động các yếu tố môi trường trong giai đoạn phát triển sớm để cải thiện cấu trúc hoặc chức năng của sinh vật, từ đó tạo ra những thay đổi về tăng trưởng và trao đổi chất. Dinh dưỡng sớm có thể thay đổi chức năng của đường tiêu hóa do ảnh hưởng đến sự phát triển của niêm mạc bảo vệ vật nuôi chống lại mầm bệnh và khả năng hấp thu chất dinh dưỡng.

Nhóm chuyên gia tại Viện khoa học Sinh học, Đại học North Carolina, Mỹ đã tiến hành thử nghiệm đánh giá tác động của chế độ ăn hạn chế protein cho cá rô phi Nile trong 7 – 21 ngày đầu tiên đối với tăng trưởng, hệ vi khuẩn và hệ phiên mã đường ruột. Ở khẩu phần khởi động (ST), lượng protein thô bị hạn chế 25% hoặc 48% tối đa 21 ngày, sau đó chuyển sang khẩu phần tăng trưởng (GO) hạn chế 25% hoặc 38% protein thô.

Nguồn cung rô phi mới nở do trang trại Louisiana Specialty Aquafarm (Harvey, LA, Mỹ) cung cấp và được chuyển đến Phòng thí nghiệm thủy sản Grinnell, thuộc Đại học North Carolina. Tại đây, toàn bộ rô phi được thả trong bể AHAB 10 lít với mật độ 38 con/ lít (0,46 g/lít), 260C; chu kỳ 12 giờ sáng, 12 giờ tối.

Cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn 

Do protein là thành phần tốn kém chi phí nhất trong công thức thức ăn nên giảm hàm lượng protein có thể nâng cao đáng kể hiệu quả sản xuất cá rô phi. Nhóm chuyên gia tại Đại học North Carolina đã kiểm tra tác động của việc hạn chế protein trong chế trong chế độ ăn của cá rô phi Nile trong 7, 14 hoặc 21 ngày sau khi hấp thụ khối noãn hoàng. Theo đó, việc cung cấp chế độ ăn khởi đầu (ST) 25% protein thô (CP) trong 7 hoặc 14 ngày; sau đó chuyển sang chế độ ăn tăng trưởng 38% protein thô (GO) không tác động tiêu cực đến tăng trưởng hoặc tỷ lệ sống so với cá được cho ăn khẩu phần 48% CP trong thử nghiệm 56 ngày.

Thực tế, cá được cho ăn chế độ ít protein hơn trong 14 ngày lớn hơn đáng kể so với cá đối chứng sau 56 ngày nuôi. Điều này chứng tỏ việc điều chỉnh dinh dưỡng sớm cho phép chuyển đổi thức ăn tốt hơn và cải thiện sự phát triển của xương và trọng lượng thân cá. Tuy nhiên, hạn chế protein trong 21 ngày đã dẫn đến tình trạng giảm tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống. Do đó, quá trình hạn chế protein không nên kéo dài quá 14 ngày sau giai đoạn cá hấp thụ khối noãn hoàng.

Điều thú vị là, cá được cho ăn khẩu phần ST 25% CP trong 14 ngày, sau đó tới khẩu phần GO 25% CP có chiều dài và trọng lượng cuối tương tự nhóm cá ăn khẩu phần ST 48% CP; Nhóm cá bị hạn chế protein trong 21 ngày chuyển đổi thức ăn tốt hơn đáng kể so với nhóm ST 25% CP, nhóm hạn chế protein 7 ngày và nhóm ST 48% CP. Các nghiên cứu trước đây cho thấy cá rô phi ở chế độ ăn CP thấp hơn (25 – 27%) có thể tăng trưởng tương tự so với chế độ ăn giàu protein hơn, mặc dù hiệu quả có thể giảm đi nếu rô phi được cung cấp chế độ ăn CP thấp hơn ở giai đoạn cá bột (0,5 g) muộn hơn so với thử nghiệm nói trên.

Cải thiện tốc độ tăng trưởng 

Kết quả trên cho thấy, lập trình dinh dưỡng cho cá phi khả thi nếu việc hạn chế protein bắt đầu ngay sau khi hấp thụ khối noãn hoàng và được giới hạn ở thời điểm dưới 14 ngày. Giảm hàm lượng protein trong khẩu phần ăn khởi động có thể cải thiện tốc độ tăng trưởng và nâng cao hiệu quả sản xuất cá rô phi giống trong bể nuôi. Ngay cả khi sử dụng khẩu phần tăng trưởng có hàm lượng protein thấp hơn cũng tác động không đáng kể đến tốc độ phát triển của cá rô phi. Tuy nhiên, do nghiên cứu kết thúc ở ngày 56, nên nhóm chuyên gia cần xác định thêm xu hướng tăng trưởng của cá ở giai đoạn nuôi vỗ.

Thiết lập hệ lợi khuẩn đường ruột để tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng góp phần NTTS bền vững và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các nghiên cứu trước đây trên cá rô phi Nile chỉ ra rằng, hệ vi khuẩn đường ruột đa dạng sẽ thúc đẩy chuyển đổi thức ăn tốt hơn. Trong nghiên cứu của nhóm chuyên gia Đại học North Carolina, mức độ đa dạng của hệ vi khuẩn đường ruột ở nhóm cá 25% ST CP và 48% CP không khác biệt. Điều này cho thấy, hạn chế protein trong khẩu phần ăn sẽ không tác động tiêu cực đến hệ vi sinh đường ruột ở cá rô phi. Tuy nhiên, mức độ đa dạng của hệ vi sinh đường ruột sẽ khác biệt khi chuyển từ chế độ ăn ST sang chế độ GO, bất kể hàm lượng protein. Nguyên nhân có thể do sự khác biệt về thành phần thức ăn ST thường bao gồm bột huyết và gluten mỳ, trong khi khẩu phần GO không có các thành phần này.

Nhóm chuyên gia Đại học North Carolina cũng đánh giá tác động của chế độ ăn hạn chế protein đối với tăng trưởng, tỷ lệ sống, đồng thời sử dụng phương pháp phiên mã để xác định ảnh hưởng tới hệ gen trong ruột khi hạn chế protein sớm. Theo đó, tác động của lập trình dinh dưỡng tới tăng trưởng vẫn cần phải nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia khẳng định, lập trình dinh dưỡng sớm cho cá rô phi sẽ làm tăng hiệu quả sản xuất bằng cách giảm mức protein trong thức ăn khởi đầu sau khi cá non hấp thụ khối noãn hoàng.

 

>> Hiệu quả của lập trình dinh dưỡng co cá rô phi Nile (Oreochromis niloticus) vẫn chưa được hiểu rõ, mặc dù sản lượng nuôi cá trên toàn cầu vẫn tăng cao. Có một số bằng chứng cho thấy trong giai đoạn nhịn ăn, hiệu quả hấp thu chất dinh dưỡng ở ruột được tăng cường. Vì vậy, cắt giảm một số chất dinh dưỡng nhất định trong giai đoạn sớm có thể làm tăng hấp thu và sử dụng chất dinh dưỡng đó trong giai đoạn nuôi thương phẩm. 

 

Theo Globalseafood