Nam Định: Ngành Thủy Sản nỗ lực vượt qua thách thức

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng được sự quan tâm của các cấp, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, ngành thủy sản đã nỗ lực vượt qua thách thức, đạt nhiều kết quả tích cực và đang tiếp tục khẳng định hướng đi đúng đắn góp phần tăng thu nhập cho người nuôi thủy sản và phát triển kinh tế của tỉnh.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), năm 2021 diện tích nuôi thủy sản của toàn tỉnh đạt trên 16.300ha, trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 1.070ha, tăng 70ha; sản lượng ước đạt 3.870 tấn. Sản xuất giống thủy sản tiếp tục phát triển.

Nông dân xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) thu hoạch cá nuôi trong lồng bè trên sông Hồng.

Để ngành nuôi thủy sản phát triển bền vững, ngay từ đầu năm, Sở NN và PTNT đã phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức vận động, hướng dẫn nông, ngư dân cải tạo, vệ sinh ao, đầm và tập huấn kỹ thuật nuôi từng đối tượng con nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn, bảo đảm vệ sinh thực phẩm; thống nhất thời gian tổ chức đồng loạt nạo vét hệ thống kênh dẫn nước, cải tạo ao đầm, bãi triều nuôi ngao; phối hợp triển khai tốt kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi thủy sản nhằm giảm rủi ro cho người nuôi.

Phân công cán bộ bám sát địa bàn, giám sát việc xả thải của người dân nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Phối hợp điều tiết lịch cấp nước phục vụ bà con cải tạo ao nuôi thuận lợi; tổ chức nạo vét kênh, mương nội đồng, hệ thống kênh tiêu nước. Khuyến khích các hộ nuôi thủy sản theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp với đối tượng nuôi chủ yếu là tôm thẻ chân trắng.

Phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát, tư vấn kỹ thuật sản xuất con giống, quản lý chất lượng sản phẩm cũng như vấn đề vệ sinh vùng nuôi. Tăng cường thu hút các doanh nghiệp tổ chức liên kết chuỗi giá trị, quản lý chặt chẽ các loại vật tư đầu vào, kiên quyết không để các loại vật tư không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng lưu hành trên địa bàn, ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất con nuôi. Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm, thủy sản tăng cường hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các biện pháp nuôi thủy sản an toàn, bền vững và kiểm soát vi chất, kháng sinh trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời thực hiện kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh của các cơ sở kinh doanh thức ăn, hóa chất, các chất xử lý, cải tạo môi trường và các chế phẩm sinh học dùng trong nuôi thủy sản.

Tổ chức thu mẫu quan trắc tại vùng nuôi tôm, ngao để phân tích, đánh giá và nhanh chóng xử lý các vấn đề môi trường phát sinh, khuyến cáo các chủ ang, đầm nuôi biện pháp xử lý. Năm 2021, các địa phương, HTX thủy sản đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ao nuôi, hệ thống đường giao thông, thủy lợi khu vực đầm nuôi bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP và được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Tích cực vận động các hộ nông dân tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, đưa các loại con giống có chất lượng tốt, thức ăn thủy sản bảo đảm chất lượng vào nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích canh tác. Khuyến khích các hộ có diện tích nuôi thích hợp tổ chức sản xuất ngao giống, đáp ứng nhu cầu của người nuôi, mở hướng phát triển kinh tế mới cho người dân địa phương. Thường xuyên mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi để giúp bà con tháo gỡ khó khăn trong quá trình nuôi; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ngao tại địa bàn để xuất khẩu, tạo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị ngao nuôi; tạo điều kiện để các hộ nuôi hình thành các nhóm, tổ hợp tác nuôi thủy sản tại địa phương…

Tại nhiều địa phương, nghề nuôi thủy sản đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Những khu vực nuôi tôm, ngao, vạng… tập trung đã được các địa phương quy hoạch thành vùng, người dân mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống ao nuôi, thủy lợi phục vụ việc lấy nước, tiêu nước quy củ, tạo thuận lợi cho việc nuôi thả. Diện tích nuôi nước ngọt vẫn được duy trì tương đương năm 2020 là 9.350ha, sản lượng đạt 61.500 tấn, tăng 10,24% so với năm 2020. Diện tích nuôi thủy sản mặn lợ là 6.650ha, tăng 150ha so với năm 2020, sản lượng ước đạt 62.300 tấn, tăng 6,67% so với năm 2020. Trong năm 2021, các vùng nuôi ngao thương phẩm của tỉnh phát triển ổn định trở lại với tổng diện tích nuôi ngao là 2.350ha, sản lượng ngao ước đạt 43.670 tấn, tăng 5,47% so với năm 2020. Nhiều hộ nuôi đã mạnh dạn đưa đối tượng cá biển vào nuôi tại các vùng nuôi mặn lợ với diện tích 565ha; sản lượng ước đạt 5.700 tấn, tăng 12,58% so với năm 2020. Nhờ đó, năm 2021, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 181.750 tấn, bằng 104,45% kế hoạch và tăng 10.658 tấn so với năm 2020, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 123.800 tấn, bằng 106,8% kế hoạch năm và tăng 8,22% so với năm trước.

Cùng với đẩy mạnh nuôi thủy sản, Sở NN và PTNT phối hợp chặt chẽ với các huyện ven biển, Bộ đội Biên phòng tỉnh làm tốt công tác quản lý tàu cá, hướng dẫn ngư dân tổ chức lại sản xuất trên biển. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân các quy định của pháp luật liên quan đến chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định thông qua các hội nghị, lớp tập huấn; in và phát hàng nghìn tờ rơi, bản đồ ranh giới các vùng biển Việt Nam, vận động các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm ranh giới các vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Cùng với việc phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của ngư dân, Sở NN và PTNT, UBND các huyện ven biển tích cực vận động chủ tàu thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) theo quy định nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động khai thác hải sản.

Nhờ đó đến cuối năm 2021, toàn bộ 530 tàu cá phải lắp đặt VMS theo quy định đã hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác thủy hải sản và từng bước gỡ bỏ rào cản của Ủy ban châu Âu đối với hải sản của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT đã phân quyền sử dụng hệ thống giám sát tàu cá cho các đơn vị trực thuộc theo Quyết định số 599/QĐ-TCTS-TTTS ngày 17-10-2019 của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) về thực hiện quy chế quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu giám sát tàu cá… Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã nhắc nhở các chủ tàu, thuyền trưởng không vi phạm trong quá trình khai thác trên biển, thường xuyên duy trì hoạt động của hệ thống VMS; hoạt động quản lý đối với người, tàu hoạt động ra, vào, làm ăn trên biển được giám sát chặt chẽ; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm tàu cá khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài và tích cực hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển khai thác hải sản. Nhờ đó đến nay, công tác quản lý tàu cá đã đi vào nền nếp, số lượng tàu thuyền đánh cá của các huyện được tiến hành phân loại toàn bộ theo chiều dài, theo nghề và theo vùng biển hoạt động của từng huyện. Sản lượng khai thác thủy sản ước 57.950 tấn, trong đó khai thác biển 55.570 tấn, vượt 1,13% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Những kết quả ngành thủy sản đạt được trong năm 2021 đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Văn Đại (Báo Nam Định)


Công ty TNHH Tiệp Phát được thành lập từ năm 2001 trước những đòi hỏi khắc khe của thị trường về sản phẩm chất lượng dành cho thủy sản nuôi. Qua gần 20 năm hình thành và phát triển Tiệp Phát tự hào là một trong doanh nghiệp dẫn đầu về phân phối và sản xuất các sản phẩm Thuốc Thủy Sản tại Việt Nam. Tiệp Phát cũng là nhà nhập khẩu lớn các loại nguyên liệu chất lượng cao dùng trong Nông Nghiệp.