Bệnh hoại tử cơ trên tôm do Infectious myonecrosis virus (IMNV) gây ra. Đây là một bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan trong môi trường nuôi rộng, làm tôm bị chết hàng loạt và khó khống chế nếu không phát hiện sớm.
Tác hại
Bệnh thường xuất hiện giai đoạn tôm thẻ chân trắng (TTCT) trên 45 ngày tuổi, hiện tượng ban đầu phần cơ đuôi trở nên trắng đục sau đó lan dần khắp cơ thể. Ở mức độ nặng có thể dẫn đến hiện tượng hoại tử và đỏ ở phần cơ này, tôm chết và rớt đáy với tỷ lệ khá cao. Tôm chết do nhiễm IMNV có thể bị cấp tính và mãn tính. Thể cấp tính thường xảy ra do điều kiện môi trường căng thẳng (như chài tôm, biến động môi trường nước…) và có thể gây chết lên đến 70% quần đàn. Thể mãn tính có thể gây chết 40 – 50% và tiếp nối giai đoạn cấp tính.
Dấu hiệu lâm sàng của TTCT bị nhiễm bệnh IMNV. Ảnh: Researchgate
Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh
Có một số biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của IMNV bao gồm kiểm dịch và kiểm soát lây nhiễm, sử dụng tôm giống không có IMNV, bổ sung men vi sinh, khử trùng ấu trùng và trứng tôm, thu hoạch khẩn cấp, tiêu hủy tôm bị nhiễm bệnh, xử lý vật chủ bị bệnh, khử trùng các trang trại bị nhiễm bệnh và kiểm soát véc tơ truyền bệnh. Không áp dụng tiêm phòng, hóa trị liệu hay tăng cường hệ miễn dịch để kiểm soát IMNV.
Thực hành nuôi tốt và đảm bảo an toàn sinh học: Sử dụng tôm Post và tôm bố mẹ sạch bệnh SPF đã được kiểm tra bằng RT-PCR. Khuyến cáo tránh sử dụng thức ăn tươi cho tôm bố mẹ có nguồn gốc từ vùng dịch. Các nghiên cứu chưa công bố đã chỉ ra rằng virus vẫn lây nhiễm trong nước ở một khoảng thời gian dài, nghiên cứu cũng cho biết các cơ sở vật chất bị phơi nhiễm vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được khử trùng đúng cách.
Một chiến lược có thể phòng bệnh là phơi khô cơ sở vật chất bị nhiễm bệnh và sau đó bố trí lại vào ao nuôi có tôm không nhiễm IMNV.
Tôm có một hệ thống miễn dịch bẩm sinh chống lại nhiễm virus, chỉ liên quan đến các phản ứng sinh lý không đặc hiệu. Tăng cường khả năng kháng bệnh thông qua việc kích thích hệ thống miễn dịch bẩm sinh bằng cách đưa 1,3/1,6-glucan (0,1%) vào thức ăn của tôm.
Khử trùng trứng và ấu trùng là một trong những phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Cần lựa chọn, sàng lọc và thả tôm giống không bị nhiễm bệnh IMNV ra môi trường ao nuôi. Trong trường hợp bệnh hoại tử cơ xuất hiện trên tôm giống có chiều dài khoảng 2 – 3 cm thì không có cách nào điều trị. Khi đó phải hủy bỏ, diệt khuẩn tránh lây nhiễm cho các con giống khác.
Đối với ao nuôi khi vừa xuất hiện một vài con tôm chết có dấu hiệu của bệnh lý thì cần thực hiện các biện pháp sau:
– Ổn định môi trường ao nuôi, chú trọng đến các yếu tố: nhiệt độ, độ mặn và độ pH. – Tăng cường sục khí để cấp đủ ôxy cho ao nuôi.
– Ngừng hoặc giảm lượng thức ăn cho tôm.
Nếu gặp trường hợp bệnh hoại tử cơ xảy ra với tỷ lệ chết cao, cần xử lý khử trùng ao nuôi để tránh lây lan.
Kiểm soát lây lan từ cơ sở bị nhiễm bệnh bao gồm:
– Ngăn cấm vận chuyển tôm sống và chưa chế biến từ các trang trại mang bệnh đến các khu vực không có IMNV và các nhà máy chế biến ở ngoài khu vực;
– Hạn chế hoặc không được thả tôm và nước ao từ cơ sở bị nhiễm bệnh vào môi
trường nước;
– Không xả nước thải
từ nhà máy chế biến mà không được xử lý vào các cơ sở bị nhiễm bệnh;
– Kiểm soát xử lý tôm chết;
– Kiểm soát sự tiếp cận của chim biển đến tôm sống và cả tôm chết trong cơ sở bị nhiễm bệnh;
– Hạn chế hoặc cấm việc sử dụng và di chuyển thiết bị và phương tiện giữa các trang trại trong khu vực bị nhiễm bệnh.
> Việc bổ sung men vi sinh làm chất chống virus là rất phổ biến trong ngành nuôi tôm. Theo Oktaviana và cộng sự, 2014, tôm được cho ăn một loại synbiotic có chứa vi khuẩn Vibrio alginolyticus và prebiotic (oligosacarit từ khoai lang) được chứng minh là có tỷ lệ sống cao hơn và tăng trưởng tốt hơn so với các nhóm đối chứng trong các thử nghiệm thách thức với IMNV.
TSVN