Quy trình ương tôm càng xanh theo công nghệ biofloc

with Không có phản hồi

Ứng dụng công nghệ biofloc trong ương ấu trùng tôm càng xanh giúp tạo ra con giống có chất lượng, đáp ứng nhu cầu cho người nuôi.

Xây dựng trại 

Vị trí xây dựng trại ương ấu trùng tôm càng xanh có khí hậu thuận lợi, nguồn nước tốt, điện lưới quốc gia và giao thông thuận lợi.

Trại được đặt ở vùng nước lợ có độ mặn ổn định từ 12 – 15‰, hoặc vùng nước ngọt có giao thông thuận lợi để vận chuyển nước ót (nước mặn từ ruộng muối) về pha với nước ngọt để được nước ương ấu trùng tôm càng xanh.

Tôm càng xanh mẹ mang trứng và ấu trùng tôm càng xanh mới nở

Các chỉ tiêu môi trường thích hợp cho ương ấu trùng tôm càng xanh là: Nhiệt độ 28 – 32°C, độ mặn 12 – 15‰, pH 7,5 – 8,5, ôxy > 5 mg/lít, độ kiềm 100 – 120 mg CaCO3/lít, TAN < 0,1 mg/lít, NO2– < 0,1 mg/lít.

Trại được thiết kế kiên cố, có phòng để thức ăn, hóa chất, khu ấp Artemia, khu nuôi tôm càng xanh mẹ mang trứng, khu bể ương ấu trùng, khu bể lắng, khu bể chứa nước và khu xử lý nước.

Trại được lợp bằng mái tole tối xen mái tole trong suốt để có ánh sáng. Xung quanh trại ương được xây tường che kín làm tăng nhiệt độ vào ban ngày đồng thời giữ nhiệt vào ban đêm.

Bể chứa nước: Bể dùng để chứa nước ngọt, nước ót, hoặc nước lợ. Bể có thể làm bằng xi măng hay composite. Tùy theo vị trí trại giống, quy mô trại giống, độ mặn nước chứa… để xác định thể tích bể chứa phù hợp nhằm chủ động sản xuất quanh năm.

Bể nuôi tôm mẹ mang trứng: Bể composite hay nhựa có thể tích từ 0,5 đến 2 m3 để nuôi tôm mang trứng.

Bể ương ấu trùng: Bể ương có thể là bể tròn, hình chữ nhật hay vuông và được làm bằng composite, nhựa cao cấp hay xi măng có đáy chóp. Bể ương nên có màu có thể tích 0,5 – 4 m3.

Bể ấp Artemia: Nên bằng composite có đáy hình chóp và có van khóa nước ở đáy, thểtíchtừ20-50lít.Bể đặt nơi có ánh sáng, nhưng tránh ánh nắng trực tiếp làm ảnh hưởng đến tỷ lệ nở của trứng.

Ngoài ra, trang trại cần đảm bảo hệ thống nước, điện, máy thổi khí và các thiết bị, dụng cụ kiểm tra chất lượng nước như máy đo độ mặn, máy đo pH, nhiệt kế, bộ test môi trường nước ương tôm, Chlorine, cân…

Chọn tôm mẹ 

Tôm mẹ mang trứng màu xám đen có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc nuôi trong ao, tốt nhất nên chọn tôm nuôi từ các cơ sở nuôi tôm bố mẹ. Chọn tôm mẹ khỏe mạnh, phụ bộ đầy đủ, khối lượng trung bình từ 30 – 50 g/con.

Tôm càng xanh mẹ được thuần với độ mặn 12‰, buổi chiều chọn tôm càng xanh mẹ mang trứng màu xám đen, trứng có 2 điểm mắt cho vào bể nở.

Trước khi cho vào bể nở cần tắm cho tôm càng xanh mẹ bằng formol 200 ppm trong 30 phút. Người nuôi cũng có thể mua ấu trùng tôm càng xanh toàn đực chất lượng tốt có nguồn gốc rõ ràng, ấu trùng hướng quang mạnh, đồng đều, đồng màu, khi quan sát kính hiển vi không bị ký sinh trùng bám.

Thu ấu trùng 

Tôm càng xanh nở vào ban đêm, thu ấu trùng vào buổi sáng. Ngừng sục khí bể tôm nở, che tối bể, để một góc có ánh sáng hoặc dùng ánh sáng của đèn để tập trung ấu trùng lại một góc rồi dùng vợt vớt ấu trùng ra.

Ấu trùng được tắm trong nước có nồng độ formol 200 ppm trong 30 giây, sau đó định lượng bố trí ấu trùng vào bể ương đã được chuẩn bị sẵn.

Nước ương ấu trùng có độ mặn 12‰, sục khí liên tục cho bể ương với số lượng 2 – 3 đá bọt/m³. Mật độ ương ấu trùng là 60 con/lít.

Chăm sóc 

Hàng ngày theo dõi tình trạng hoạt động và cho ấu trùng, hậu ấu trùng tôm càng xanh ăn. Trong suốt quá trình ương không thay nước, không xi phông. Định kỳ 3 ngày/lần xử lý 5 ml formol//m³ để ngừa ký sinh trùng phát triển trong bể ương. Sử dụng thức ăn là Artemia và thức ăn nhân tạo cho ấu trùng tôm.

Tạo và duy trì Biofloc 

Đường cát vàng có 55,54‰ C được pha bằng nước ấm 60°C, với tỷ lệ 1:3 (1 đường: 3 nước theo khối lượng), khuấy đều + vi sinh (Bacillus subtilis: 0,22 x 109 cfu, Bacillus licheniformis: 0,24 x 109 cfu, Bacillus polymyxa: 0,24 x 109 cfu, Bacillus circulans: 0,5 x 109 cfu, Bacillus laterasporus: 0,22 x 109 cfu, Bacillus megaterium: 0,24 x 109 cfu, Bacillus mensentericus: 0,24 x 109 cfu, Nitrosomonas spp: 0,5 x 109 cfu, nitrobacter spp.: 0,54 x 109 cfu, Saccharomyces boulardii: 0,36 x 109 cfu), ủ trong 48 giờ trước khi cho vào bể ương tôm. Đường cát được bổ sung mỗi ngày dựa trên lượng thức ăn cho tôm trong ngày. Lượng đường cát cần bổ sung vào bể để tạo biofloc với tỷ lệ C/N=17,5, được tính dựa theo công thức của Avnimelech (2015). Đường cát được bổ sung khi bể ương có ấu trùng xuất hiện giai đoạn 4.

Cho tôm ăn 1 g thức ăn nhân tạo thì bổ sung  1,21g đường cát + vi sinh đã ủ rồi cho vào bể ương. Kiểm soát thể tích biofloc < 3 ml/lít nước ương. Thể tích biofloc (FV) được đo bằng cách đong 1 lít nước bể ương cho vào bình nón imhoff và để lắng khoảng 30 phút, ghi nhận thể tích lắng theo đơn vị ml/lít, nếu thể tích biofloc lắng xuống đáy để rồi xi phông ra, sau đó cấp nước mới vào để bù lại lượng nước xi phông ra.

Quản lý 

Thường xuyên theo dõi, quan sát và đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng thích hợp. Ấu trùng bắt đầu chuyển sang giai đoạn hậu ấu trùng (postlarvae) sau 17 – 23 ngày ương, lúc này có thể cho giá thể bằng lưới hay chùm dây nilon để tôm bám, tránh hiện tượng ăn nhau.

Khi ấu trùng đã chuyển hết sang postlarvae, cần phải hạn dần độ mặn trong khoảng 3 – 4 ngày để chuyển tôm sang nước ngọt hoàn toàn. Sau 30 – 35 ngày có thể thu hoạch tôm hoàn toàn để chuyển sang ương tôm giống hoặc bán cho người nuôi thương phẩm.

Vận chuyển postlarvae 

Tôm thường được vận chuyển trong bọc nilon có bơm ôxy. Bọc chứa 1/3 nước và 1/3 khí. Bọc vận chuyển thường chứa khoảng 1,5 – 2 lít nước.

Tùy theo kích cỡ tôm và thời gian vận chuyển mà có thể vận chuyển với mật độ khác nhau. Khi vận chuyển trong 3 – 4 giờ thì mật độ 400 – 500 con/lít, 10 – 15 giờ, nên chuyển ở mật độ thấp 200 – 300 con/lít đối với tôm 1 – 1,2 cm.

Nếu vận chuyển thời gian dài nên bổ sung Artemia để tôm có thức ăn trong thời gian vận chuyển. Nên giảm nhiệt độ xuống còn 20 – 23°C trong suốt thời gian vận chuyển để nâng cao tỷ lệ sống.

 

Nguồn: Dự án nâng cấp trường Đại học Cần Thơ