(Thuốc Thủy Sản Tiệp Phát) Tổng hợp tin tức về nông nghiệp – thủy sản tháng 1/2023.
Nâng cao giá trị sản phẩm thương hiệu “Tôm Trà Vinh”
Việc không có thương hiệu khiến giá trị ngành tôm của tỉnh Trà Vinh vẫn ở mức thấp, gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của nông dân.
Tổng diện tích nuôi thủy sản hàng năm của tỉnh Trà Vinh khoảng 60.000ha; trong đó, diện tích tôm sú 23.200ha, tôm thẻ chân trắng 8.200ha, tôm càng xanh 2.007ha, tổng sản lượng đạt gần 90.000 tấn/năm.
Những năm qua, người nuôi tôm ở Trà Vinh thường gặp khó khăn trong cung ứng sản phẩm cho thị trường như: tôm thương phẩm thường bán với giá thấp hơn so với các tỉnh trong khu vực; chưa được công nhận rộng rãi trên thị trường về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như trách nhiệm môi trường – xã hội. Do chưa thực hiện liên kết giữa người nuôi thủy sản và doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến sản phẩm cung ứng thị trường xuất khẩu còn nhỏ lẻ, chưa có thương hiệu… nên giá trị từ con tôm mang lại chưa cao, người nuôi tôm thường chịu nhiều tác động tiêu cực từ thị trường.
Việc không có thương hiệu khiến giá trị ngành tôm của tỉnh Trà Vinh vẫn ở mức thấp, gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của nông dân. Một phần do chi phí thức ăn tăng cao (trên 5.000 đồng/kg trong năm 2022) cùng với đó giá con tôm giống tăng… bình quân chi phí nuôi tôm tăng khoảng 10 triệu đồng/tấn tôm thương phẩm (so với năm 2021), nhưng giá tôm thương phẩm không tăng, thậm chí nhiều đợt tôm giảm giá, ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của người nuôi tôm (chưa kể rủi ro do dịch bệnh). Người nuôi tôm mong muốn giá trị của con tôm Trà Vinh phải được thị trường biết đến, tạo thương hiệu để nâng giá trị khi xuất khẩu. Với kỳ vọng trong thời gian tới sẽ giúp cho ngành tôm của tỉnh nâng cao sức cạnh tranh, thu hút khách hàng, mở rộng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, được nhiều thị trường tìm đến với tôm Trà Vinh.
Để xây dựng được thương hiệu ổn định và bền vững mang nhãn hiệu “Tôm Trà Vinh”, đòi hỏi doanh nghiệp, người nuôi tôm cần chuẩn bị phương án lâu dài: vùng nuôi đáp ứng các tiêu chuẩn chứng nhận (do doanh nghiệp tự nuôi hay liên kết các trang trại, hộ nuôi) đạt chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, có xác nhận nguồn gốc, đạt được các chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP, ASC…
Thực hiện chia sẻ trách nhiệm khi sử dụng thương hiệu “Tôm Trà Vinh”, đối với các doanh nghiệp, người nuôi phải tuân thủ đạo đức trong sản xuất, kinh doanh, phải có trách nhiệm xã hội, phải quan tâm xây dựng, thực hành sản xuất tốt, thân thiện môi trường để phát triển bền vững… Tất cả phải được thực hiện, đánh giá, chứng nhận nhằm từng bước khẳng định tính ưu thế sản phẩm như: an toàn, bổ dưỡng, truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao sức thuyết phục khách hàng, người tiêu dùng và nâng tầm thương hiệu “Tôm Trà Vinh” theo định hướng mà tỉnh xây dựng.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trà Vinh cho biết: khi sản phẩm phụ thuộc thị trường, chưa có thương hiệu, người nuôi tôm gặp khó khăn. Do hiện nay, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong ngành thủy sản còn ít, khiêm tốn về tài chính, nhân lực marketing ở mức trung bình, chưa thể hiện nổi trội khiến việc xây dựng thương hiệu gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu “Tôm Trà Vinh”, nâng cao giá trị sản phẩm là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay./.
Phú Đức (ĐCSVN)
Sau Tết giá tôm thẻ tăng vọt, người nuôi lãi lớn
Mấy ngày sau Tết, giá tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Bến Tre và Tiền Giang tăng vọt, hút hàng, người nuôi loại thủy sản này có lãi cao.
Hiện nay, đầu ra con tôm thẻ rất hút hàng, giá tăng cao. Tôm loại 30 con/kg giá trên dưới 230.000 đồng/kg, tôm loại 40 con/kg giá hơn 190.000 đồng/kg, tăng hơn trước Tết cổ truyền từ 20-30%. Với mức giá này người nuôi tôm thẻ có lãi cao, nhất là mô hình nuôi tôm công nghệ cao rất hiệu quả.
Do hút hàng nên các ao tôm đến giai đoạn thu hoạch đều có thương lái xa gần đến hợp đồng thu mua. Tôm thẻ tăng giá do vào vụ nghịch và thời tiết lạnh nên diện tích thả nuôi tôm giảm; đặc biệt ở phía Bắc chưa vào vụ nên tôm thẻ khan hiếm.
Tỉnh Bến Tre và Tiền Giang hiện có hơn 3.000 ha ao tôm thẻ nuôi công nghệ cao. Đa số các ao tôm thẻ vừa thu hoạch đều có lãi hơn 30% so với tổng chi phí đầu tư, thậm chí có ao hao hụt ít lãi đến 40%.
Ông Ngô Minh Tuấn, chủ trang trại tôm thẻ chân trắng nuôi theo mô hình công nghệ cao tại huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang cho biết, vụ nghịch nuôi tôm rất khó nhưng đầu tư đúng mức và nắm vững kỹ thuật thì hiệu quả rất cao.
“Hiện tại con tôm giá tốt lắm, cao hơn nhiều trong năm rồi. Vụ nghịch thì các ao trong nhà màng nuôi mới được thôi, trời lạnh tôm ăn ít, chậm lớn và lạnh quá dễ nhiễm bệnh. Trại tôi thì còn gần 30 tấn tôm, do đầu tư hạ tầng ổn rồi nên tôm phát triển tốt lắm. Tôm size càng lớn giá càng tốt” – ông Ngô Minh Tuấn nói./.
Nhật Trường (Theo VOV)
Năm nay nuôi cá khá lời
Sau 3 năm liên tiếp (2019-2021) sụt giảm vì dư thừa sản lượng và ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá cá chẽm giảm mạnh, nhiều người thua lỗ, ngưng nuôi. Đến đầu năm 2022, khi dịch COVID-19 được khống chế, giá cá cũng bắt đầu phục hồi và tăng dần lên, mức lợi nhuận của người nuôi cũng từng bước tăng theo giá cá trên thị trường.
Tôi vẫn còn nhớ, giai đoạn dịch COVID-19 vừa tạm lắng xuống trong năm 2021, giá cá chẽm khi đó còn đang ở mức ngang với giá thành, nhưng anh Võ Điền Trung Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Đại Ngư Nghiệp, ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng), đã tự tin cho rằng cuối năm 2021, giá cá chẽm sẽ tăng trở lại và bắt đầu tăng mạnh trong quý I-2023. Nhận định của anh Dũng là hoàn toàn chính xác, khi dịp cuối năm 2021, giá cá chẽm từ mức 65.000 đồng/kg tăng lên 70.000 đồng/kg và tới thời điểm hiện tại, giá cá chẽm mua tại ao đã lên đến 84.000-87.000 đồng/kg.
Lý giải cho nhận định về thị trường cá chẽm của mình, anh Dũng cho biết: “Năm 2019, nhiều người ùn ùn nuôi cá chẽm, trong khi sức tiêu thụ của thị trường là có hạn nên sản lượng dư thừa, giá cá chẽm giảm mạnh. Đến năm 2020, rồi 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng khiến cho giá cá chẽm giảm xuống dưới mức giá thành, nhiều người thua lỗ, ngưng nuôi. Do đó, chỉ cần dịch được khống chế là chắc chắn giá cá sẽ tăng trở lại vì nguồn cung bị thiếu hụt. Cũng nhờ nhận định đúng tình hình và đủ sức đeo đuổi nghề nuôi nên chẳng những anh Dũng có cơ hội lấy lại phần thua lỗ trong 2 năm đại dịch, mà còn có lời thêm chút ít.
Cũng là một trong những hộ nuôi cá chẽm quy mô lớn, anh Ngô Thanh Tuấn, ở xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), cho biết, có thời điểm, giá cá chẽm vọt lên đến 105.000 đồng/kg, nhưng chỉ duy trì được trong thời gian ngắn, nên cũng ít có người nuôi bán được với mức giá này. Một trong những điểm đặc biệt của thị trường cá chẽm năm nay là cá chẽm loại quá lứa (trên 1,2kg/con) lại được thương lái chuộng mua nhiều hơn với mức giá ngang với cá chẽm loại I (1-1,2kg/con). Anh Tuấn chia sẻ: “Tôi mới thu hoạch 1 ao cá chẽm bán tại ao với giá 84.000 đồng/kg (do vận chuyển xa), tính ra lợi nhuận cũng gần 20.000 đồng/kg. Giá cá chẽm thường tăng cao dịp cuối năm và đầu năm do đây là thời điểm lễ, Tết và đám tiệc, nên nhu cầu tiêu thụ cao. Do 3 năm giảm giá liên tục, đến năm 2022 tôi quyết định chuyển một phần diện tích nuôi cá chẽm sang nuôi tôm thẻ, nên sản lượng năm nay chỉ khoảng 50 tấn, còn mọi năm khoảng 100-200 tấn”.
Còn theo anh Dũng, tổng sản lượng cá chẽm năm nay của anh vào khoảng 2.500 tấn; trong đó, 1.500 tấn, do anh tự nuôi, 500 tấn liên kết với hộ nuôi khác theo hình thức đầu tư con giống, thức ăn và thu mua lại sản phẩm, còn 500 tấn mua của những hộ nuôi khác. Nguồn tiêu thụ chủ yếu là chợ Bình Điền (TP Hồ Chí Minh) khoảng 1.400 tấn, chiếm khoảng 55-60% tổng sản lượng, còn lại là bán cho doanh nghiệp xuất khẩu. Giá cá năm nay tăng cao, nhưng do chi phí đầu vào hầu hết đều tăng mạnh, nên theo anh Dũng mức lợi nhuận cao nhất cũng chỉ vào khoảng 21-22%, còn nếu tính lợi nhuận bình quân của chu kỳ 3 năm (2019-2022) mức lợi nhuận chỉ vào khoảng 7-8%. “Trong nuôi trồng thủy sản, chuyện thắng thua chỉ được quyết định trong 1 nhịp (tức 1 vụ), nhưng người nuôi phải có sự chuẩn bị về tài chính ít nhất là trong 3 nhịp để lỡ có rơi vào nhịp xấu đầu tiên mình vẫn còn đủ sức để tái sản xuất cho nhịp tiếp theo. Vì vậy, để tính lợi nhuận một cách chính xác nhất theo tôi phải lấy ít nhất là chu kỳ 3 năm” – anh Dũng chia sẻ.
Theo anh Dũng, ngày xưa (trước 2016), do còn ít người nuôi, giá thức ăn còn thấp, nên giá thành mỗi ký cá chỉ khoảng 50.000-55.000 đồng, những giá bán bình quân 80.000 đồng/kg, thậm chí có khi lên tới 95.000 đồng/kg. Thấy có lời nhiều nên nhiều người ùn ùn nuôi, sản lượng cá tăng vọt, giá theo đó cũng giảm theo. Vì vậy, để sống được với nghề nuôi cá này ngoài việc phải đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật ra, người nuôi còn phải nắm bắt thông tin thời tiết và nhất là thị trường để điều tiết diện tích, sản lượng nuôi cho phù hợp, nếu không rất dễ thua lỗ. Nói về thị trường cá chẽm nói riêng và một số loại cá biển khác nói chung, theo Dũng là còn dư địa, nhưng vấn đề là phải quy hoạch diện tích nuôi phù hợp và làm tốt con giống. Anh Dũng cho biết thêm: “Như con cá chẽm, cũng được xuất khẩu, nhưng số lượng còn ít là do giá thành của mình còn cao, không cạnh trạnh lại một số nước khác, mà một trong những nguyên nhân là con giống của mình chưa tốt, giá thức ăn của mình còn quá cao…”.
Dự báo về thị trường cá chẽm năm 2023, theo anh Dũng, con cá chẽm cũng sẽ gặp khó chung như những mặt hàng nông, thủy sản khác. “Những dự báo cho thấy, năm 2023 sẽ là năm khó khăn do tác động của lạm phát toàn cầu, nên sức tiêu thụ sẽ khó có thể tăng. Vì vậy, để hạn chế rủi ro tôi vẫn giữ sản lượng khoảng 2.500 tấn như ở năm 2022 để nghe ngóng thị trường rồi sau đó mới tính tiếp có nên tăng sản lượng thêm hay không?”.
Bài, ảnh: HOÀNG NHÃ (Báo điện tử Cần Thơ)
Giá tôm ở ĐBSCL tăng dịp cận Tết
VTV.vn – Nhu cầu tiêu thụ tăng cao và bước vào cuối vụ, giá tôm sú, tôm thẻ ở các vựa tôm chủ lực Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long đã tăng hơn trước khoảng 10 ngàn đồng/kg tùy loại.
Tại tỉnh Bạc Liêu, các thương lái cho biết giá tôm tăng lên là do đã vào thời điểm cuối mùa vụ nuôi, sản lượng tôm không còn nhiều. Tôm sú loại 30 con/kg giá thu mua 190 – 200 ngàn đồng/kg, 40 con/kg giá thu mua 140 – 150 ngàn đồng/kg; tôm thẻ chân trắng loại 20 con/kg có giá từ 190 – 200 ngàn đồng/kg, loại 30 con giá từ 160 – 170 ngàn đồng/kg, loại 40 con có giá 150 ngàn đồng/kg, loại 50 con giá 120 ngàn đồng/kg.
Tuần đầu tháng 1, tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Trà Vinh đã tăng giá từ 5.000-10.000 đồng/kg so với trước đó. Chủ một đại lý thu mua thủy sản ở chợ tỉnh Trà Vinh, cho biết giá tôm sú loại 20 con/kg hiện có giá 250.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá thu mua 190.000-200.000 đồng/kg, 40 con/kg giá thu mua 140.000-150.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng loại 20 con/kg có giá từ 190.000-200.000 đồng/kg, loại 30 con giá thu mua 160.000-170.000 đồng/kg, loại 40 con giá thu mua 150.000 đồng/kg, loại 50 con giá thu mua 120.000 đồng/kg.
Tại Cà Mau, hiện tại, giá tôm nguyên liệu loại 20 con/kg giá 205.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá dao động từ 130.000 – 140.000 đồng/kg, tôm thẻ loại 60 con/kg giá dao động 115.000 – 120.000 động kg. Giá tôm nguyên liệu tăng là tin vui đối với người nuôi tôm đồng thời, giúp bà con đẩy nhanh cải tạo thả nuôi vụ sản xuất mới.
Tại Bạc Liêu, giá tôm tăng nhẹ đã giải tỏa một phần áp lực cho người nuôi tôm hiện nay bởi giá vật tư đầu vào như thức ăn, thuốc, sản phẩm cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản tăng cao, nhất là giá thức ăn nuôi tôm tăng rất mạnh, lợi nhuận người nuôi vì vậy rất bấp bênh. Thời gian qua, giá tôm ở mức thấp khiến người nuôi gặp không ít khó khăn.
Bảng giá thủy sản tuần 02/01/2023 – 08/01/2023
Bảng giá một số mặt hàng thủy sản cập nhật mới nhất hôm nay, giá thủy sản tuần 02/01 – 08/01/2023.
TÊN MẶT HÀNG | ĐƠN GIÁ (VNĐ) | ĐƠN VỊ TÍNH | NGÀY BÁO GIÁ | ĐỊA PHƯƠNG |
Cá tra thịt trắng thương lái thu mua | 29.000 – 31.000 | đồng/kg | 5/1/2023 | An Giang |
Lươn loại 2 thương lái thu mua | 90.000 – 100.000 | đồng/kg | 5/1/2023 | An Giang |
Lươn loại 1 thương lái thu mua | 128.000 – 138.000 | đồng/kg | 5/1/2023 | An Giang |
Ếch nuôi thương lái thu mua | 30.000 – 35.000 | đồng/kg | 5/1/2023 | An Giang |
Tôm càng xanh thương lái thu mua | 170.000 – 180.000 | đồng/kg | 5/1/2023 | An Giang |
Cá lóc nuôi thương lái thu mua | 34.000 – 36.000 | đồng/kg | 5/1/2023 | An Giang |
Cá nàng hai thương lái thu mua | 93.000 – 95.000 | đồng/kg | 5/1/2023 | An Giang |
Cá điêu hồng thương lái thu mua | 35.000 – 38.000 | đồng/kg | 5/1/2023 | An Giang |
Cá rô phi thương lái thu mua | 35.000 – 38.000 | đồng/kg | 5/1/2023 | An Giang |
Cá tra thịt trắng tại chợ | 40.000 – 45.000 | đồng/kg | 5/1/2023 | An Giang |
Lươn loại 2 thương tại chợ | 150.000 | đồng/kg | 5/1/2023 | An Giang |
Lươn loại 1 tại chợ | 170.000 – 190.000 | đồng/kg | 5/1/2023 | An Giang |
Ếch nuôi tại chợ | 55.000 – 60.000 | đồng/kg | 5/1/2023 | An Giang |
Tôm càng xanh tại chợ | 240.000 – 250.000 | đồng/kg | 5/1/2023 | An Giang |
Cá lóc nuôi tại chợ | 55.000 – 60.000 | đồng/kg | 5/1/2023 | An Giang |
Cá điêu hồng tại chợ | 50.000 – 55.000 | đồng/kg | 5/1/2023 | An Giang |
Cá rô phi tại chợ | 40.000 – 45.000 | đồng/kg | 5/1/2023 | An Giang |
Ngao hoa | 179.000 | đồng/kg | 4/1/2023 | Hà Nội |
Ốc hương | 299.000 | đồng/kg | 4/1/2023 | Hà Nội |
Sò thưng | 169.000 | đồng/kg | 4/1/2023 | Hà Nội |
Hàu sữa | 25.000 | đồng/kg | 4/1/2023 | Hà Nội |
Cua Cà Mau loại 4 con/kg | 359.000 | đồng/kg | 4/1/2023 | Hà Nội |
Cua Cà Mau loại 3 con/kg | 449.000 | đồng/kg | 4/1/2023 | Hà Nội |
Cua Cà Mau loại 2 con/kg | 519.000 | đồng/kg | 4/1/2023 | Hà Nội |
Cua gạch loại bé | 549.000 | đồng/kg | 4/1/2023 | Hà Nội |
Cua gạch loại lớn | 649.000 | đồng/kg | 4/1/2023 | Hà Nội |
Tôm sắt biển | 159.000 | đồng/kg | 4/1/2023 | Đà Nẵng |
Ghẹ đỏ to | 250.000 | đồng/kg | 4/1/2023 | Đà Nẵng |
Ghẹ 3 chấm nhỏ | 80.000 | đồng/kg | 4/1/2023 | Đà Nẵng |
Tôm tít trung | 150.000 | đồng/kg | 4/1/2023 | Đà Nẵng |
Hàu sữa | 28.000 | đồng/kg | 4/1/2023 | Đà Nẵng |
Ốc nhảy to | 60.000 | đồng/kg | 3/1/2023 | TP Hồ Chí Minh |
Ốc hương biển | 160.000 | đồng/kg | 3/1/2023 | TP Hồ Chí Minh |
Sò kim cương | 40.000 | đồng/kg | 3/1/2023 | TP Hồ Chí Minh |
Sò điệp Nhật (8-10 con/kg) | 170.000 | đồng/kg | 3/1/2023 | TP Hồ Chí Minh |
Đuôi cá thu | 185.000 | đồng/kg | 3/1/2023 | TP Hồ Chí Minh |
Tôm càng trứng | 145.000 | đồng/kg | 3/1/2023 | TP Hồ Chí Minh |
Mực bầu (12 – 17 con/kg) | 115.000 | đồng/kg | 3/1/2023 | TP Hồ Chí Minh |
Tôm hùm baby (9-12 con/kg) | 330.000 | đồng/kg | 3/1/2023 | TP Hồ Chí Minh |
Cá chình biển | 150.000 | đồng/kg | 3/1/2023 | TP Hồ Chí Minh |
Bạch tuộc Mini | 105.000 | đồng/kg | 3/1/2023 | TP Hồ Chí Minh |
Nhum biển | 8.000 | đồng/con | 3/1/2023 | TP Hồ Chí Minh |
An Giang: Giám sát dịch bệnh trên thủy sản
Chiếm diện tích không lớn, nhưng thủy sản mang lại giá trị cao hơn nhiều so với các loại cây trồng, vật nuôi khác. Do đó, cần chủ động giám sát dịch bệnh trên thủy sản nuôi, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Theo Chi cục Thủy sản An Giang, năm 2021, có 78ha và 252 lồng bè thủy sản nuôi bị bệnh, chủ yếu là cá tra với 74,3ha (19,7ha bị bệnh gan thận mủ, 53,2ha bị bệnh xuất huyết và 1,4ha bị bệnh do môi trường). Đối với các loài thủy sản khác, có 2ha cá lóc, 1,7ha cá rô, 95 lồng bè cá rô phi, điêu hồng và 157 vèo nuôi cá nàng hai bị bệnh xuất huyết.
Từ đầu năm 2022 đến nay, tổng diện tích thủy sản nuôi bị bệnh là hơn 150ha và 643 lồng, bè, vèo. Trong đó, diện tích cá tra bị bệnh là 113ha (41ha bệnh gan thận mủ, 69ha bệnh xuất huyết, 1,5ha bệnh ký sinh trùng, 0,4ha bệnh do môi trường, 1ha bệnh vàng da); 41,6ha cá lóc, 175 vèo cá nàng hai, 311 lồng, bè nuôi thủy sản khác bị bệnh xuất huyết; 157 lồng, bè cá chết do môi trường.
Chi cục Thủy sản An Giang cho biết, bệnh trên thủy sản nuôi xuất hiện nhiều vào đầu mùa nước lũ (tháng 6-7) và thời điểm nước lũ rút kết hợp với gió mùa Đông Bắc (tháng 10-12). Sự biến đổi các chỉ tiêu thủy lý, thủy hóa của môi trường nước, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, làm thủy sản nuôi bị stress, dễ mẫn cảm với mầm bệnh. Vào các thời điểm này, tỷ lệ diện tích thủy sản bị bệnh trên diện tích nuôi trung bình hàng tháng cao hơn thời điểm khác trong năm.
Năm 2021, do thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19, nghề nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn, giá bán thấp. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá bán một số loài thủy sản tăng lên, đặc biệt là cá tra, người nuôi tái đầu tư sản xuất, tăng mật độ nuôi và tăng số lượng, số lần cho ăn, nhằm tăng sản lượng, rút ngắn thời gian nuôi, kéo theo diện tích thủy sản nuôi bị bệnh tăng. Tuy nhiên, bệnh chỉ xuất hiện rải rác, tỷ lệ nhiễm bệnh không đáng kể, chủ yếu xảy ra trong giai đoạn cá giống và cá nhỏ (dưới 300gr).
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư ký Quyết định 3066/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản nuôi giai đoạn 2023-2025. Qua đó, nhằm chủ động phòng và khống chế hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản. Cụ thể, đối với bệnh gan thận mủ và bệnh xuất huyết trên cá tra, bệnh do vi khuẩn Streptococcus.spp, Aeromonas.spp và Pseudomonas.spp trên cá nuôi nước ngọt, đảm bảo diện tích bệnh thấp hơn 8% tổng diện tích thả nuôi.
Đối với bệnh do Tilapia Lake Virus (TiLV) trên cá rô phi, điêu hồng, bệnh trắng đuôi (WTD) và bệnh do Decapod Iridescent Virus 1 (DIV1) trên tôm càng xanh, không để mầm bệnh lây lan rộng và gây thiệt hại cho người nuôi. An Giang xây dựng ít nhất 2 cơ sở sản xuất giống thủy sản an toàn dịch bệnh đối với một số bệnh nguy hiểm theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) để cung cấp con giống chất lượng, sạch bệnh cho nuôi thương phẩm nội địa và xuất khẩu.
Để triển khai hiệu quả kế hoạch, UBND tỉnh An Giang giao Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi, như: Phương pháp phòng trị một số bệnh thường gặp trên cá tra, cá lóc, cá rô phi, điêu hồng, tôm càng xanh; danh mục hóa chất kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản cho hộ nuôi thủy sản.
Đồng thời, tập huấn, cập nhật kiến thức về nghiệp vụ phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trên thủy sản (quản lý nuôi cá tra an toàn dịch bệnh; bệnh thủy sản và phương pháp phòng trị bệnh; cách ghi chép, thu thập, phân tích số liệu, báo cáo dịch bệnh và vẽ bản đồ dịch tễ; trình tự, thủ tục, kế hoạch giám sát… trong xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trên thủy sản) cho công chức, viên chức của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thị xã, thành phố, nhân viên chăn nuôi và thú y xã, phường, thị trấn; tập huấn phòng, chống dịch bệnh thủy sản cho người nuôi.
Tỉnh trang bị máy đo môi trường đa chỉ tiêu (ô-xy hòa tan, pH, NH3) cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện quan trắc khi có trường hợp cá chết đột xuất trong ao hay trên khu vực nuôi lồng, bè, để có khuyến cáo giải pháp khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó, trang bị bộ test nhanh chỉ tiêu ô-xy hòa tan, pH, độ kiềm, NH3, H2S, NO2 cho Trạm Chăn nuôi và Thú y phát triển nuôi trồng thủy sản, có biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế dịch bệnh gây thiệt hại và lây lan.
Nhằm chủ động giám sát dịch bệnh trên cá tra, mỗi tháng, ngành chuyên môn chọn ngẫu nhiên 20 cơ sở nuôi thương phẩm và 10 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống trên vùng nuôi trọng điểm toàn tỉnh. Mỗi cơ sở chọn 1 ao thu mẫu liên tục từ tháng 3 đến tháng 11 hàng năm (9 đợt thu, với 270 mẫu/năm). Đối với cá lóc, mỗi tháng chọn ngẫu nhiên 5 cơ sở nuôi thương phẩm và sản xuất giống, mỗi cơ sở chọn 1 ao thu mẫu liên tục từ tháng 3 đến tháng 11 hàng năm (9 đợt thu với 45 mẫu/năm); áp dụng tương tự với cá rô phi, điêu hồng.
Trên tôm càng xanh, thực hiện thu mẫu trong giai đoạn 1-2 tháng đầu của vụ nuôi nhằm phát hiện sớm tôm bị nhiễm bệnh. Ngành chuyên môn thu 20 mẫu/năm trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 10 tại các huyện: Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân và An Phú…
NGÔ CHUẨN (Báo An Giang)
Ngành nông nghiệp đóng góp tích cực để phát triển bền vững
Năm 2022, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 3%. Đánh giá về kết quả tích cực của ngành nông nghiệp vào sự ổn định, phát triển kinh tế chung, Tổng cục Thống kê nhận định: Hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản không ngừng tăng lên qua các năm; quá trình tái cơ cấu đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hiệu quả sản xuất tăng
Nhiều năm trở lại đây, hiệu quả sản xuất trên 1 đơn vị diện tích đất không ngừng tăng lên qua các năm. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt tăng từ 85,4 triệu đồng/ha vào năm 2016 lên gần 102,8 triệu đồng/ha năm 2020 và 103,6 triệu đồng/ha năm 2021, năm 2022 ước đạt 104,8 triệu đồng/ha, tăng 1,2% so với năm 2021.
Ngành trồng trọt tiếp tục triển khai nhiều mô hình trồng lúa chuyên canh chất lượng cao, nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng rau, màu, cây ăn quả hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đặc biệt, hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh và hiệu quả. Hiệu quả sản xuất tăng cao ở những vùng chuyển đổi từ canh tác nông nghiệp truyền thống sang nuôi trồng thủy sản, phát triển các vùng nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thực hiện chuyển đổi các vùng đất trũng, thấp sang mô hình kết hợp lúa – cá, nhân rộng mô hình ao nổi nhằm tăng sản lượng thủy sản. Cơ cấu giống nuôi thủy sản thay đổi theo hướng giảm tỷ lệ giống nuôi truyền thống, tăng giống nuôi chất lượng cao tăng giá trị kinh tế và xuất khẩu. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản tăng từ 184,3 triệu đồng/ha năm 2016 lên 237,3 triệu đồng/ha năm 2020 và 241,2 triệu đồng/ha năm 2021, năm 2022 ước đạt 247,5 triệu đồng/ha tăng 2,6% so với năm 2021.
Tái cơ cấu có nhiều chuyển biến tích cực
Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu ngành nông, lâm, thủy sản diễn ra trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả tích cực. Sản lượng các sản phẩm chất lượng cao tiếp tục nâng dần tỷ trọng trong cơ cấu của nhóm sản phẩm. Một số sản phẩm chủ yếu như thóc chất lượng cao, thóc nếp tăng tỷ trọng trong nhóm thóc từ 23,0% năm 2020 lên 28,6% năm 2022 (theo số liệu ước tính năm 2022); xoài cát chu, cát hòa lộc tăng từ 56,8% lên 58,1%, chôm chôm thái, chôm chôm đường tăng tỷ trọng từ 22,2% lên 32,6%.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm giá trị kinh tế cao cũng nâng dần tỷ trọng trong cơ cấu giá trị sản xuất của ngành, như: hoa các loại chiếm từ 3,2% của ngành trồng trọt tăng lên 3,6%, sản phẩm cây ăn quả từ 14,9% lên 16,9%; tôm thẻ chân trắng từ 15,4% giá trị thủy sản năm 2020 lên 18,7% năm 2022…
Kết quả tích cực của sản xuất nông nghiệp cũng từng bước góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đời sống dân cư và đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Số liệu của Tổng cục Thống kê đã minh chứng rõ ràng và sinh động cho thực tế, trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, giá phân bón, giá thức ăn chăn nuôi, giá xăng dầu, nguyên vật liệu sản xuất tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga – Ukraine, nhưng sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn tăng trưởng. Năng lực sản xuất các sản phẩm nông, lâm, thủy sản hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của gần 100 triệu dân. Cụ thể, năm 2022, sản lượng lúa thu hoạch của Việt Nam ước đạt 42,6 triệu tấn, ngoài phục vụ nhu cầu lương thực trong nước, vẫn xuất khẩu 6,5-7 triệu tấn, qua đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Sản phẩm chăn nuôi tại Việt Nam vẫn tăng trưởng cao so với các năm trước, ước tính tổng sản lượng thịt hơi các loại chính (trâu, bò, lợn, gia cầm) của Việt Nam năm 2022 đạt trên 7 triệu tấn, tăng 5,26%. Sản lượng thủy sản cả năm ước đạt hơn 9 triệu tấn, tăng 2,7%.
Hầu hết các loại nông sản khác của Việt Nam đều giữ vững được sản lượng hoặc tăng cao so với các năm trước, như: hồ tiêu, điều, cà phê, chè, trái cây… vẫn duy trì và tăng lượng xuất khẩu, qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và góp phần kiềm chế lạm phát giá nông sản, lương thực và thực phẩm trên toàn cầu.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 12 năm 2022 ước đạt 4,16 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 22,59 tỷ USD, tăng 4,8%; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 10,92 tỷ USD, tăng 22,9%; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản ước đạt 16,93 tỷ USD, tăng 6,1%; Giá trị xuất khẩu đầu vào sản xuất ước đạt 2,38 tỷ USD, tăng 26,7%; Giá trị xuất khẩu muối ước đạt 4,8 triệu USD, tăng 55,7%…
Tổng kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thuỷ sản tháng 12 năm 2022 ước đạt 3,83 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu năm 2022 đạt 44,72 tỷ USD, tăng 6,1% so với năm 2021. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 27,4 tỷ USD, tăng 3,4%; Giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 3,32 tỷ USD, tăng 0,2%; Giá trị nhập khẩu thuỷ sản ước đạt 2,75 tỷ USD, tăng 37,8%; Giá trị nhập khẩu các mặt hàng lâm sản ước đạt 3,12 tỷ USD, tăng 3,9%; Giá trị nhập khẩu đầu vào sản xuất ước đạt 8,08 tỷ USD, tăng 10,5%; Giá trị nhập khẩu muối ước đạt 47,3 triệu USD, tăng 74,8%.
Năm 2022, cán cân thương mại ngành nông, lâm, thủy sản của Việt Nam ước đạt thặng dư 8,5 tỷ USD, tăng 29,9% so với thặng dư thương mại năm 2021.
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, trên thế giới hiện có 345 triệu người có nguy cơ bị thiếu đói và 70 triệu người bên bờ vực của nạn đói trên toàn cầu. Con số này cao hơn gấp 2,5 lần so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ở Việt Nam, việc tự chủ sản xuất nông lâm thủy sản đã giúp đảm bảo an ninh lương thực, phát triển bền vững của đất nước và có những đóng góp rất quan trọng vào các nỗ lực chung trong giải quyết các thách thức về an ninh lương thực toàn cầu.
Hân Nguyễn (ĐCSVN)