(Thuốc Thủy Sản Tiệp Phát) Tổng hợp tin tức về nông nghiệp – thủy sản tháng 10/2022.
Thời tiết chuyển mùa, người nuôi tôm ở Hà Tĩnh lo phòng chống dịch bệnh
Trước diễn biến thời tiết bất lợi những ngày qua, người nuôi tôm tại Hà Tĩnh đang hết sức cẩn trọng, chủ động theo dõi sát các yếu tố môi trường trong ao như: nhiệt độ, độ mặn, độ pH… để giảm thiểu dịch bệnh phát sinh trong vụ nuôi thu đông.
Sau các đợt mua dồn dập, bà con vùng nuôi tôm của HTX Nuôi trồng thủy sản Tiểu Láng (xã Kỳ Hà, TX Kỳ Anh) đang tập trung theo dõi diễn biến của tôm và chủ động thực hiện các biện pháp để hạn chế dịch bệnh xảy ra. Được biết, vụ nuôi thu đông năm nay, toàn HTX có 20 hộ thả nuôi trên diện tích gần 3ha.
Anh Nguyễn Văn Đại – thành viên HTX Nuôi trồng thủy sản Tiểu Láng cho biết: “Chúng tôi mới thả nuôi đợt mới được hơn 1 tháng với hơn 6 vạn con giống. Vì tôm còn nhỏ nên sức đề kháng kém, dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động từ môi trường xung quanh. Sau đợt mưa lớn, tất cả các yếu tố liên quan như nguồn nước, độ pH, mật độ tảo… đều bị đảo lộn làm tôm càng dễ bị nhiễm bệnh. Vì thế, tôi phải bổ sung oxy hợp lý bằng quạt nước liên tục, tránh phân tầng nước trong ao nuôi; tiến hành kiểm tra tình trạng của tôm 4 lần/ngày để có biện pháp xử lý kịp thời; điều chỉnh môi trường nước bằng hóa chất, vôi bột, chế phẩm sinh học…”.
HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành (Xuân Phổ – Nghi Xuân) đã thả nuôi 5 triệu con giống trên diện tích 3,5ha được gần 40 ngày. Ông Hồ Quang Dũng – Giám đốc kỹ thuật HTX Xuân Thành cho biết: “Hiện HTX đang áp dụng quy trình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao 2 giai đoạn. Tuy nhiên, vào mùa này, thời tiết diễn biến khó lường nên tôi phải thường xuyên kiểm tra ao và sức khoẻ của tôm, điều tiết mức nước phù hợp, đảm bảo lượng ô xy hòa tan đầy đủ”.
Theo anh Dũng, nuôi tôm vào vụ thu – đông thu lãi lớn hơn so với vụ nuôi xuân – hè nhưng thường phải đối mặt với nhiều rủi ro, tôm dễ “dính” các loại bệnh nguy hiểm như: đốm trắng, gan tụy cấp tính… Bởi thế, chỉ các hộ nuôi thâm canh có kinh nghiệm, cơ sở vật chất tốt, cán bộ kỹ thuật theo dõi thường xuyên thì mới nên thả nuôi.
Nhận thấy nhu cầu thị trường ổn định, giá bán đang ở mức tương đối cao, anh Phạm Văn Huy (xã Thạch Khê, Thạch Hà) đã mạnh dạn thả nuôi gần 3 triệu tôm giống gồm cả nuôi thâm canh và nuôi bán thâm canh tại huyện Lộc Hà và huyện Thạch Hà.
Anh Huy cho biết: “Nuôi tôm vụ thu đông như “đánh bạc với trời” nên tôi đã sớm chủ động kiểm tra, gia cố lại bờ ao, chuẩn bị sẵn sàng máy bơm, máy khuấy tạo oxy… nhằm sử dụng khi cần điều tiết nước, điều hòa môi trường mỗi lần thời tiết thay đổi sau mưa”.
Được biết, trong những ngày có mưa lớn, anh Huy cùng kỹ thuật viên tăng cường theo dõi sự thay đổi môi trường, điều chỉnh kịp thời đảm bảo tôm sinh trưởng tốt; chỉ cho ăn trở lại sau khi mưa dừng và chỉ cho với lượng 30 – 50% so lúc bình thường, bổ sung thêm Vitamin C, khoáng chất, vi sinh đường ruột (men tiêu hóa), chất bổ gan, chất tăng đề kháng Beta-glucan để tăng cường sức chống chịu cho tôm.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, mùa mưa bão năm nay của Hà Tĩnh kết thúc muộn hơn trung bình nhiều năm (TBNN), nhiệt độ trung bình thấp hơn so với TBNN, không khí lạnh xuất hiện sớm. Cùng với đó, lượng mưa chủ yếu tập trung vào các tháng 9, 10, 11 và cao hơn TBNN từ 10 – 30%.
Trước tình hình đó, ông Lưu Quang Cần – Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) cho hay: “Để chủ động bảo vệ thủy sản nuôi, giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất, ngành chức năng khuyến cáo người nuôi tôm thường xuyên theo dõi môi trường nước, kiểm tra hoạt động của động vật nuôi, quan sát để điều chỉnh lượng thức ăn vừa đủ, bổ sung các vitamin, khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng cho động vật nuôi thủy sản.
Khi phát hiện tôm có dấu hiệu bị dịch bệnh phải báo cho chính quyền địa phương, ngành chuyên môn để có biện pháp xử lý kịp thời, không xả nước thải chưa qua xử lý và không xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra ngoài môi trường. Đặc biệt, những ngày mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão Noru, người nuôi tôm toàn tỉnh cần phải chú ý cẩn trọng với các diễn biến bất thường của tôm”.
Thái Oanh (Báo Hà Tĩnh)
An Giang: Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi cá heo nước ngọt
Được sự hỗ trợ kinh phí của Trung tâm Khuyến nông An Giang, Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân thực hiện trình diễn mô hình nuôi cá heo đuôi đỏ (còn gọi là cá heo nước ngọt) tại xã Hòa Lạc (huyện Phú Tân). Qua 9 tháng nuôi, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế đáng phấn khởi.
Từ năm 2017, anh Hồ Văn Nhiều (ấp Hòa Bình 3, xã Hòa Lạc) hợp sức với anh em trong gia đình chuyển từ nuôi cá nàng hai sang nuôi cá heo với tổng cộng 9 bè, cặp trên sông Hậu. Cá bán ra liên tục, thậm chí bạn hàng đến tận nơi mua từ vài chục đến cả trăm ký. Nhờ giá thành cao, hiệu quả kinh tế của cá heo đuôi đỏ được anh Nhiều nhận định là vượt trội nhất trong số các loại cá nuôi nước ngọt.
“Cá heo đuôi đỏ trước đây chỉ được đánh bắt ngoài tự nhiên, thường vào mùa lũ hàng năm. Thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã tận dụng diện tích mặt nước, làm bè để thả nuôi cá heo. Mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân tăng nguồn thu nhập lý tưởng. Tuy nhiên, loài cá này rất khó nuôi, tỷ lệ hao hụt cao và nguồn giống vẫn phụ thuộc vào thiên nhiên” – anh Nhiều cho biết.
Điểm nuôi cá trình diễn thực hiện tại bè của anh Nhiều, với sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông huyện Phú Tân. Bè có thể tích 72m3, bố trí cố định nơi dòng nước chảy nhẹ, cách xa ghe, tàu qua lại để hạn chế xáo động… Nơi trú ngụ cho cá là các ống nhựa, đồng thời giúp việc thu mẫu kiểm tra tăng trọng và sức khỏe của cá thuận tiện. Cá giống được chọn mua ở nơi có uy tín, chất lượng tốt, là những con khỏe, bơi lội nhanh, kích cỡ đồng đều.
Thức ăn của cá heo giàu đạm (độ đạm 40%) và cho ăn theo phương pháp “4 đúng” (đúng chất lượng, đúng số lượng, đúng thời gian, đúng địa điểm). Nuôi loài cá này còn chú ý đến nhiều dụng cụ như chài lưới, xuyệt điện xung quanh khu vực bè vì có thể ảnh hưởng đến cá. Kế đến là tình trạng nấm, bệnh – nguyên nhân chủ yếu khiến cá bị hao hụt. Ngoài ra, phải thường xuyên quản lý môi trường nuôi, bổ sung men tiêu hóa, vitamin, khoáng chất… nhằm thúc đẩy quá trình tăng trưởng, tăng sức đề kháng cho cá.
Đánh giá hiệu quả sau 9 tháng tại bè trình diễn, khoảng 550kg cá giống ban đầu đạt trọng lượng hơn 1,4 tấn, giá thành 500.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về hơn 289 triệu đồng. So sánh với những năm trước, anh Nhiều rất tâm đắc, bởi trọng lượng cá tăng lên đáng kể, từ kích cỡ ban đầu 200 con/kg, đến tháng nuôi thứ 9 thì kích cỡ cá đạt 34 con/kg, tỷ lệ nuôi sống đạt 40%…
Ngày trước, anh Nhiều thả nuôi cá điêu hồng và cá nàng hai nhưng hiệu quả mang lại không như kỳ vọng, giá bán đầu ra thường bấp bênh. Cách đây 6 năm, các hộ nuôi thử nghiệm cá heo bán được giá khởi điểm 320.000 đồng/kg. Giá cá hiện nay không giảm, thậm chí có thời điểm tăng đến 400.000 hoặc 500.000 đồng/kg, giúp tăng giá trị kinh tế bền vững hơn nuôi các loại cá khác.
Anh Nhiều phấn khởi cho hay, từ khi được Trạm Khuyến nông hướng dẫn, anh thấy kỹ thuật nuôi được nâng lên, kết quả tiến bộ thấy rõ. Chẳng hạn, khi mua con giống phải vận chuyển lúc sáng sớm hoặc chiều, tránh sốc nhiệt cho cá, biết cách vận chuyển con giống để hạn chế hao hụt. Hàng tháng, anh được hướng dẫn kiểm tra, cân cá 1 lần và xử lý mầm bệnh.
“Tôi nuôi cá heo đuôi đỏ đã nhiều năm, riêng năm nay đạt vượt trội hơn hẳn. Thêm vào đó, năm nay, giá bán đầu ra của cá heo tăng hơn 100.000 đồng/kg so năm ngoái. Từ thả nuôi 7 bè cá, nay có điều kiện thuận lợi hơn nên tôi mạnh dạn thả nuôi đủ 14 bè”.
Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Phú Tân Cao Văn Đủ đánh giá, qua thời gian thực hiện, mô hình nuôi cá heo trong lồng bè phát triển tốt, đạt chuẩn để thu hoạch. Cá heo là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định. Tuy nhiên, còn khó khăn về mặt con giống vì phải phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên nên chưa chủ động được mùa vụ và số lượng giống thả. Do đó, cần có chuyển giao công nghệ sinh sản nhân tạo giống cá heo để hướng người dân nuôi trồng mang tính bền vững. Trạm Khuyến nông sẽ tranh thủ liên hệ với các viện nghiên cứu, trường để chuyển giao mô hình mới, khuyến cáo nông dân học hỏi, áp dụng.
Thời gian qua, do chưa sản xuất được con giống, có năm nước lũ về muộn, lượng cá giống khan hiếm, giá thành lên đến 250.000 đồng/kg nhưng vẫn không có nguồn cung. Theo anh Nhiều, tùy theo nước lũ hàng năm, mùa nước lên sớm thì có nguồn cá giống sớm. Mùa mưa đến, khi con nước “quay” là thời điểm cá tăng trưởng rất tốt, bởi dòng nước chảy một chiều, liên tục trong 5 tháng, cá ít bị hao hụt. Con cá heo giống hiện nay chủ yếu là cá thiên nhiên, mua từ Campuchia. Thời gian tới, anh Nhiều sẽ mở rộng thêm 3 bè nuôi, cùng các anh em hỗ trợ nhau phát triển mô hình. Ngoài ra, anh Nhiều cần thêm sự hỗ trợ về kỹ thuật của ngành chuyên môn để ngoài bán cá thương phẩm sẽ cung ứng được con giống cho những hộ cần nuôi.
Cá heo nước ngọt có mình bóng, đuôi màu đỏ cam, đầu có 2 ngạnh, tiếng kêu éc éc… là đặc sản ở An Giang cũng như miền Tây. Vào mùa nước nổi, người dân đánh bắt cá heo trong tự nhiên bằng cách đặt dớn, đặt lưới, đóng đáy… Theo thời gian, nguồn cá tự nhiên dần khan hiếm, một số nông dân ở huyện An Phú, Phú Tân, TX. Tân Châu đã nuôi thành công loại cá này trong lồng bè, ao đất, mang lại giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định.
MỸ HẠNH (Báo An Giang)