(Thuốc Thủy Sản Tiệp Phát) Tổng hợp tin tức về nông nghiệp – thủy sản tháng 11/2022.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra vượt xa kỳ vọng
Nhờ tăng tốc xuất khẩu trong những tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước trong năm 2022 dự kiến đạt 2,5-2,6 tỷ USD, tăng gấp nhiều lần so cùng kỳ năm 2021, vượt so kỳ vọng đặt ra.
Sản lượng tăng
Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2022 đạt xa chỉ tiêu, mục tiêu đề ra là tín hiệu vui, minh chứng cho sự thành công của Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội (KTXH), triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ chương trình. Theo đó, một trong những quan điểm được đưa ra từ chương trình này là kiên trì, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh và tính hiệu quả của nền kinh tế; đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển KTXH trước mắt cũng như lâu dài.
Từ quan điểm đó, trong năm 2022, Chính phủ đã điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ với các chính sách vĩ mô khác, kiểm soát chặt chẽ lạm phát để đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; tạo đà cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cả nước, trong đó có DN xuất khẩu cá tra nhanh chóng kết nối lại chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu. Với cách làm linh hoạt đó, tình hình xuất khẩu cá tra trong năm 2022 tăng ở tất cả các thị trường, đưa kim ngạch xuất khẩu cả nước trong năm 2022 vượt so kỳ vọng.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, xuất khẩu cá tra của DN cả nước trong tháng 9/2022 đạt 164 triệu USD, tăng gấp đôi so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhiều thị trường có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến (từ 2-3 lần so cùng kỳ năm 2021), như: Trung Quốc, Brazil, Thái Lan, Anh, Hà Lan, Australia, Singapore… Trong số này, ấn tượng nhất là xuất khẩu cá tra sang thị trường Đức và Peru. Lũy kế 9 tháng của năm 2022, xuất khẩu cá tra của cả nước đạt gần 2 tỷ USD, tăng 83% so cùng kỳ năm 2021 và dự kiến đến cuối năm nay, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này đạt từ 2,5-2,6 tỷ USD.
Giá cũng tăng
Sản phẩm chủ lực được các DN xuất nhiều là cá tra phi-lê/cắt khúc đông lạnh mã 0304, sản phẩm này xuất khẩu đạt trên 1,7 tỷ USD, chiếm 87% sản lượng xuất khẩu. Cá tra tươi, nguyên con mã 03 chiếm 12%, đạt 235 triệu USD, còn lại là các sản phẩm cá tra chế biến chiếm 2%, với 138 triệu USD. Tại An Giang, trong 10 tháng của năm 2022, các DN xuất khẩu trong tỉnh đã xuất 108.550 tấn, tương đương hơn 264 triệu USD, so cùng kỳ tăng 13,88% về sản lượng và tăng 14,5% về kim ngạch.
Các DN trong tỉnh xuất khẩu mạnh sau dịch COVID-19, gồm: Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico), Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Cửu Long, Công ty Cổ phần Thực phẩm Hưng Phúc Thịnh (kinh doanh xuất khẩu thủy sản)… Ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, những DN này đã nhanh chóng kết nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Một mặt đẩy mạnh nuôi cá thương phẩm để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào; mặt khác tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, tăng doanh thu từ xuất khẩu.
Đến nay, mặt hàng cá tra phi-lê của các DN trong tỉnh đã xuất sang 87 quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước, giải quyết lao động tại địa phương có việc làm ổn định. 10 tháng của năm 2022, giá xuất cá tra vào thị trường Hoa Kỳ đạt 4,21 USD/kg, tăng 54% so cùng kỳ năm 2021. Hoa Kỳ trở thành một trong 4 thị trường tiêu thụ cá tra nhiều nhất thế giới. Sau Hoa Kỳ là thị trường Trung Quốc – Hồng Kông, Liên minh Châu Âu (EU) và thị trường Châu Á.
Chỉ tính riêng Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico), hưởng ứng Chương trình phục hồi và phát triển KTXH của Chính phủ, những tháng đầu năm 2022, DN này đẩy mạnh xuất khẩu, đạt bình quân mỗi tháng 1,1 triệu USD. Cộng dồn 4 tháng đầu năm 2022, Navico xuất khẩu đạt 44,4 triệu USD, tăng 43,7% so cùng kỳ năm 2021. Đây là một trong “tốp 5” DN xuất khẩu cá tra lớn nhất của cả nước. 4 tháng đầu năm 2022, doanh thu của Navico đạt 1.644 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 323 tỷ đồng, đạt 45% mục tiêu cả năm.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2022 vượt xa so kỳ vọng, đây được xem là nỗ lực lớn của cộng đồng DN cả nước nói chung, An Giang nói riêng. Sản lượng và giá xuất khẩu tăng, từ đó làm cho giá cá nguyên liệu trong nước cũng tăng. Tuy nhiên, giá có tăng nhưng người nuôi đạt lợi nhuận thấp, bởi giá thành nuôi gần bằng với giá bán ra.
“Thời gian qua, giá thức ăn cá tra liên tục tăng (theo giá xăng, dầu, giá vận chuyển), từ đó lợi nhuận của người nuôi cá tra thịt cũng như cá giống rất thấp, thậm chí có hộ nuôi liên tục thua lỗ do cá hao hụt nhiều. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần có chương trình bình ổn giá thức ăn chăn nuôi để nông dân có được lợi nhuận tốt hơn…” – ông Trần Văn Tuấn (nông dân xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) kiến nghị.
MINH HIỂN (An Giang Online)
Bến Tre: Phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ cao
Toàn tỉnh có 2.380ha nuôi tôm trong tổng số 45.946ha nuôi thủy sản, nuôi thâm canh với phương thức nuôi 2 – 3 giai đoạn, nuôi trong ao đất. Việc phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao (CNC) là một trong 11 công trình, dự án trọng điểm của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3004 về phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC (ngày 1-6-2021) để triển khai thực hiện tại 3 huyện biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.
Tiến độ triển khai thực hiện
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Văn Buội cho biết, sở đã phối hợp với địa phương thành lập 1 hợp tác xã (HTX) nuôi tôm ứng dụng CNC tại xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, với 30 xã viên tham gia. Tổ chức 3 đợt vận động người nuôi tham gia HTX nuôi tôm CNC huyện Thạnh Phú. Phối hợp với UBND huyện Bình Đại tổ chức 1 hội thảo giải pháp phát triển 2.000ha nuôi tôm CNC trên địa bàn huyện Bình Đại.
“Qua 1 năm rưỡi triển khai, đến nay, có 2 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng được Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án gồm: dự án xây dựng công trình hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản huyện Bình Đại và dự án hạ tầng vùng nuôi tôm ứng dụng CNC huyện Ba Tri…”, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Buội cho hay.
Cụ thể, tại Bình Đại, dự án tập trung các hạng mục như: nạo vét cải tạo hệ thống kênh rạch cấp thoát vùng nuôi tập trung xã Định Trung, đường giao thông, điện với thời gian thực hiện giai đoạn 2017 – 2022. Tổng mức đầu tư 83,119 tỷ đồng.
Dự án tại Ba Tri nhằm đảm bảo hạ tầng giao thông, điện phục vụ sản xuất ổn định, bền vững cho vùng nuôi trồng thủy sản, với khoảng 2.000ha. Trong đó, có 500ha được quy hoạch nuôi tôm theo mô hình CNC, tại xã Bảo Thuận và xã An Thủy, với tổng vốn đầu tư 160 tỷ đồng.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành hướng dẫn thực hiện thủ tục môi trường, các biện pháp bảo vệ môi trường cho các cơ sở, dự án nuôi tôm 2 giai đoạn trên địa bàn tỉnh; xây dựng hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý và bảo vệ môi trường trong chuỗi sản xuất nghề nuôi tôm biển; đề xuất các phương án, kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường có thể tác động đến nghề nuôi tôm biển.
Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai đề tài xây dựng phần mềm quản lý nuôi tôm ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, đơn vị tư vấn đang phối hợp với Chi cục Thủy sản để thu thập thông tin nghiên cứu.
Khó khăn cần tháo gỡ
Nhằm khảo sát kết quả thực hiện của sở, ngành, địa phương về kế hoạch phát triển 4.000ha tôm CNC, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức đoàn khảo sát do Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Khê làm trưởng đoàn. Qua khảo sát tại các huyện và một số mô hình nuôi cụ thể, đoàn đánh giá kết quả triển khai còn nhiều khó khăn, hạn chế. Điển hình như chưa quy hoạch xây dựng được vùng nuôi tôm biển ứng dụng CNC tập trung. Hệ thống hạ tầng vùng nuôi như: điện, thủy lợi, giao thông chưa đáp ứng tốt cho yêu cầu sản xuất. Đặc biệt, hệ thống tưới tiêu, xử lý ô nhiễm môi trường chưa được đầu tư, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cho phát triển vùng nuôi bền vững nguy cơ rủi ro cao nhất là các hộ nuôi quảng canh.
Diện tích nuôi tôm chủ yếu là tự phát, sự tác động của Nhà nước đối với việc phát triển nuôi tôm biển ứng dụng CNC chưa rõ ràng. Vốn đầu tư theo Kế hoạch số 3004 còn phân tán, lồng ghép từ nhiều nguồn khác nhau. Các doanh nghiệp, người dân nuôi tôm biển ứng dụng CNC muốn nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa nhưng chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ khoa học và công nghệ về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, công cụ cải tiến năng suất chất lượng.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Khê cho biết, sau chuyến khảo sát, Thường trực HĐND tỉnh sẽ kiến nghị UBND tỉnh có chỉ đạo các ngành chức năng các vấn đề liên quan để phát triển 4.000ha tôm CNC. Trong đó, rà soát xây dựng quy hoạch vùng sản xuất tập trung nuôi tôm biển CNC, gắn với quy hoạch sử dụng đất để có kế hoạch đầu tư hạ tầng đồng bộ cho yêu cầu phát triển bền vững. Tập trung nguồn lực, phân bổ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nuôi tôm CNC của 3 huyện ven biển Thạnh Phú, Bình Đại và Ba Tri, trong đó, ưu tiên nguồn vốn bố trí cho huyện Thạnh Phú do huyện chưa được bố trí nguồn vốn nào để đầu tư hạ tầng nuôi tôm biển ứng dụng CNC.
“Ngành chức năng cần quan tâm tập trung xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm tôm biển, củng cố mở rộng phát triển có chiều sâu và tạo thương hiệu mạnh cho chuỗi sản phẩm tôm biển. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kêu gọi đầu tư phát triển mạnh mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC. Đầu tư sản xuất con giống đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư, phát triển mạnh công nghiệp chế biến tôm trên địa bàn tỉnh tạo giá trị tăng thêm lớn cho chuỗi giá trị tôm…”, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Khê nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Cẩm Trúc (Báo Đồng Khởi)
Báo Bà Rịa – Vũng Tàu: Giá tôm tăng, người nuôi kỳ vọng vụ cuối năm
Những ngày này, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đang tất bật dồn sức cho vụ Tết Nguyên đán 2023. Giá tôm hiện đang ở mức cao, người nuôi tôm đang kỳ vọng sẽ thu được hiệu quả cao, được mùa, được giá.
Thị trường tiêu thụ ổn định
Hơn 1 tuần qua, nhân công tại trang trại tôm của ông Bùi Thế Vương (xã An Ngãi, huyện Long Điền) tất bật chăm sóc ao nuôi thả giống được gần 2 tháng để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Ông Vương cho hay, để phục vụ thị trường Tết, ông đã thả khoảng 1,5 triệu con giống cho 15 ao nuôi, tăng 20% so với năm ngoái, dự kiến sản lượng vụ Tết sẽ đạt trên 50 tấn.
Theo ông Vương, hiện tôm thương phẩm đang có giá tốt, nên người nuôi tôm cũng yên tâm phần nào. “Chúng tôi đang kỳ vọng giá tôm sẽ tiếp tục tăng để bù lại phần chi phí chênh lệch đầu tư năm nay”, ông Vương nói thêm.
Tại khu nuôi tôm công nghệ cao của HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (phường Long Hương, TP. Bà Rịa), 4 hồ nuôi tôm phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán 2023 cũng đang phát triển tốt. Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX cho biết, 8 hồ nuôi được thả giống chia làm 2 đợt, mỗi đợt cách nhau 15-20 ngày, với mục đích để giãn ngày thu, phục vụ thành nhiều đợt cho thị trường trước và sau Tết. Dự kiến, với 8 hồ nuôi, sản lượng tôm vụ Tết sẽ đạt khoảng 40 tấn.
Nhờ áp dụng công nghệ cao nên trong những năm trở lại đây, vụ nuôi cuối năm ông vẫn có thể thả nuôi bình thường mà không bị ảnh hưởng bất lợi từ thời tiết. Ngoài ra, ông bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất, men vi sinh… để tăng sức đề kháng cho tôm. “Nuôi công nghệ cao tỷ lệ rủi ro giảm hẳn so với nuôi truyền thống, ít bị ảnh hưởng tới các tác nhân môi trường. Do vậy sản lượng luôn ổn định và tăng cao”, ông Chuyên chia sẻ.
Theo các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, thông thường thị trường cuối năm giá tôm sẽ tăng cao, hiện nay giá tôm sú nguyên liệu loại 30 con/kg dao động 195.000-200.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, giá dao động 95.000-110.000 đồng/kg; tôm thẻ cỡ 30 con/kg giá khoảng 170.000 đồng/kg, tôm cỡ 20 con/kg giá từ 230.000 đồng trở lên. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xuất khẩu tôm nguyên liệu có nhiều khả quan, doanh nghiệp tăng cường thu mua tôm phục vụ các đơn hàng xuất khẩu, kéo theo tôm nguyên liệu liên tục tăng. Đây là tín hiệu đáng mừng cho người nuôi tôm hiện nay.
Đầu tư công nghệ để giảm rủi ro
Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh có hơn 5.917ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Trong đó, hơn 1.852ha nuôi nước ngọt và 4.064ha nuôi nước mặn, lợ. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết nhưng vụ nuôi cuối năm vẫn được đa số người nuôi tôm trên cát hy vọng do có giá bán cao, dễ tiêu thụ. Để hạn chế những rủi ro, tổn thất, nhiều hộ nuôi tôm đã chuyển từ nuôi truyền thống sang nuôi theo hướng công nghệ cao, nuôi 2 giai đoạn, 3 giai đoạn; đầu tư tuần hoàn nước khép kín và các trang thiết bị như: máy quạt nước, máy sục khí, dụng cụ đo kiểm môi trường nước và một số dụng cụ thiết yếu khác để kiểm soát chặt chẽ môi trường nuôi.
Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo, để đạt hiệu quả cao, người nuôi tôm cần tuân thủ đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn như: thả nuôi với mật độ vừa phải, không quá dày. Trong quá trình nuôi, đòi hỏi phải có kỹ thuật chăm sóc, khi nhiệt độ xuống thấp, cần giảm thức ăn cả về số lượng lẫn số lần cho ăn; chú ý giữ ổn định môi trường nước, nếu chỉ số các yếu tố môi trường nằm ngoài ngưỡng thích hợp phải có biện pháp xử lý ngay. Khi có hiện tượng mưa lớn xảy ra, cần thực hiện các giải pháp như: cân bằng độ pH trong ao, rải vôi xung quanh khu vực ao, tăng cường chạy quạt nước… tránh nước phân tầng gây thiếu ô xy cục bộ cho tôm nuôi.
Thời gian qua, Chi cục Thủy sản cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ các vùng nuôi, tình hình thả giống, thu hoạch các đối tượng nuôi. Thực hiện nhiệm vụ quan trắc và cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản, thông báo kết quả tới các địa phương, kèm theo khuyến cáo tới người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC (Báo Bà Rịa – Vũng Tàu điện tử)
Giá cá tra đang ở mức cao, người nuôi vẫn lo lắng
Nguyên nhân là do không dự báo được thị trường tiêu thụ, chi phí thức ăn, thuốc thú y thủy sản đang ở mức cao, khí hậu biến đổi thất thường, nhưng khó tiếp cận vốn.
Chi phí cao
Từ những yếu tố đó, sau khi thu hoạch cá tra nuôi trong niên vụ sản xuất năm 2022, nhiều người nuôi cá tra bỏ hầm, treo ao. Gia đình ông Trần Văn Tám (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) là một điển hình. Cuối năm 2021, nhìn thấy thế giới kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, ông Tám thả nuôi 2 ao cá tra (1ha mặt nước/ao), với hy vọng sẽ kiếm lại số tiền đã mất trong 2 năm trước do dịch bệnh kéo dài. Cuối tháng 10 vừa qua, khi giá cá tra thương phẩm ở mức cao, ông quyết định bán cá. Thời điểm thu hoạch, dù cá của ông nằm ngoài kích cỡ xuất khẩu nhưng thương lái vẫn mua giá 31.000 đồng/kg. Quyết toán đợt bán cá này, ông Tám không thu được lợi nhuận.
“Thời điểm thả cá giống vào ao, tôi phải mua với giá 47.000 đồng/kg (loại 30 con/kg). Tỷ lệ hao hụt trên 30%. Lúc cá vào kích cỡ xuất khẩu, giá thị trường lúc đó thấp, đành neo lại. Khi giá ở mức cao thì cá đã quá kích cỡ, không bán được hàng xuất khẩu, đành bán cá chợ” – ông Tám thông tin.
Do thời gian nuôi đến 10 tháng nên định mức thức ăn cho cá lúc này không còn, cộng thêm giá thức ăn trong chu kỳ nuôi tăng liên tục. Tổng hợp tất cả chi phí cho vụ nuôi đội giá thành lên 31.000 đồng/kg. Giá thành nuôi bằng với giá bán nên ông Tám không có lợi nhuận. Ngoài yếu tố con giống, các chi phí khác để cấu thành đầu vào cũng tăng cao.
Cụ thể, đối với lương nhân công, trước đây ông trả 200.000 đồng/người/ngày, nay phải tăng lên từ 230.000 – 250.000 đồng/người/ngày (tùy vào số giờ làm, công việc nặng nhọc hay không). Thuốc thú y thủy sản và các chi phí khác đều tăng. Trong nuôi cá tra thương phẩm, chi phí cho khâu thức ăn chiếm đến 75%, còn lại là lương công nhân, tiền điện, hóa chất xử lý ao… Chi phí dành cho việc mua thức ăn chiếm tỷ lệ cao, trong khi giá thức ăn bị các công ty điều chỉnh tăng liên tục, từ đó người nuôi gặp khó.
“Kể từ năm 2020 đến nay, khi dịch bệnh xảy ra, ngư dân phải chịu cảnh mua thức ăn với giá cao. Đối với cá thịt, loại thức ăn 28 độ đạm, giá tăng so với trước từ 3.000 – 4.000 đồng/kg (tùy theo nhãn hàng). Khi cá bệnh, ngư dân phải mua thuốc kháng sinh, như: Amox, Ampi… trị bệnh cho cá. Giá của 2 sản phẩm này là 600.000 đồng/kg, trong khi trước đó chỉ 400.000 đồng/kg” – ông Tám phân tích.
Thị trường khó đoán
Cùng với con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Ngày nóng, đêm lạnh, nhiệt độ trong ngày thay đổi thất thường, cá bị bệnh nhiều, dẫn đến hao hụt tăng cao. Cá biệt có một số vùng nuôi, khi gặp thời tiết bất lợi, nước trên dòng kênh có nhiều thuốc bảo vệ thực vật, tỷ lệ hao hụt trên 40%. Khi ấy, hộ nuôi cầm chắc thua lỗ!
Nhiều ngư dân cho rằng, thị trường hiện nay rất khó dự đoán, mặc dù giá cá thịt đang ở mức cao (29.000 – 31.000 đồng/kg). Giá cá cao nhưng nông dân vẫn “bỏ chạy”. Bà Nguyễn Thị Lan (ngư dân xã Đa Phước, huyện An Phú, người có hơn 20 năm sống với nghề nuôi cá tra) phân tích: “Cá tra Việt Nam xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, trong khi thị trường này lúc mở, lúc đóng, khiến doanh nghiệp và ngư dân rất ái ngại. Trước thực trạng này, cần có một giải pháp mang tính căn cơ, mà ở đó quy hoạch ngành hàng có vai trò hết sức quan trọng. Quy hoạch ở đây phải tính đến diện tích thả nuôi, nhà máy chế biến, số lượng doanh nghiệp, ngư dân tham gia ngành hàng”.
Trong hơn 20 năm thăng trầm của ngành hàng cá tra, trước những biến cố bất lợi, nhiều chuyên gia cho rằng, cần đưa ngành hàng cá tra trở thành ngành hàng sản xuất có điều kiện và khi đã đặt ra như thế, công tác quản lý cần phải được thực thi một cách nghiêm ngặt. Thà nuôi ít, số lượng hạn chế nhưng bán có giá, ai tham gia cũng có lời; còn hơn mạnh ai nấy nuôi, mạnh ai nấy bán, ai lỗ mặc ai thì ngành hàng này sẽ phát triển “khập khiễng” và thực tế trong hơn 20 năm qua đã chứng minh điều đó.
Giải quyết bài toán phát triển mang tính bền vững, người nuôi cá tra rất cần thông tin dự báo thị trường từ các tham tán thương mại các nước. Bởi, khi có dự báo được thị trường thì việc tổ chức nuôi, chế biến mới thuận lợi. Cần tiếp tục phát huy vai trò của Hiệp hội ngành hàng để người nuôi và doanh nghiệp gắn bó với nhau. Có như vậy thì ngành hàng này mới có thể phát huy thế mạnh, trở thành sản phẩm chủ lực thực sự của tỉnh và của quốc gia.
MINH HIỂN (An Giang Online)