(Thuốc Thủy Sản Tiệp Phát) Tổng hợp tin tức về nông nghiệp – thủy sản trong tuần từ 01/08/2022 – 07/08/2022.
Bảng giá thủy sản tuần 01/08/2022 – 07/08/2022
Bảng giá một số mặt hàng thủy sản cập nhật mới nhất hôm nay, giá thủy sản tuần 01/08/2022 – 07/08/2022.
TÊN MẶT HÀNG | ĐƠN GIÁ (VNĐ) | ĐƠN VỊ TÍNH | NGÀY BÁO GIÁ | ĐỊA PHƯƠNG |
Ngao | 79.000 | đồng/kg | 4/8/2022 | Hà Nội |
Ốc hương | 349.000 | đồng/kg | 4/8/2022 | Hà Nội |
Ghẹ gạch | 279.000 | đồng/kg | 4/8/2022 | Hà Nội |
Hàu sữa | 25.000 | đồng/kg | 4/8/2022 | Hà Nội |
Bề bề hấp | 149.000 | đồng/kg | 4/8/2022 | Hà Nội |
Sò lông | 25.000 | đồng/kg | 4/8/2022 | Hà Nội |
Cá thu cam | 99.000 | đồng/kg | 4/8/2022 | Hà Nội |
Ghẹ xanh | 99.000 | đồng/kg | 4/8/2022 | Hà Nội |
Ngán ngòi | 280.000 | đồng/kg | 4/8/2022 | Hà Nội |
Ghẹ đỏ | 150.000 | đồng/kg | 4/8/2022 | Hà Nội |
Mực tép | 75.000 | đồng/kg | 4/8/2022 | Hà Nội |
Tôm dảo biển | 150.000 | đồng/kg | 4/8/2022 | Hà Nội |
Sò gạo | 50.000 | đồng/kg | 4/8/2022 | Hà Nội |
Sò huyết | 219.000 | đồng/kg | 4/8/2022 | Hà Nội |
Cua Cà Mau 4 con/kg | 349.000 | đồng/kg | 4/8/2022 | Hà Nội |
Cua thịt 3 con/kg | 439.000 | đồng/kg | 4/8/2022 | Hà Nội |
Cua thịt 2 con/kg | 539.000 | đồng/kg | 4/8/2022 | Hà Nội |
Tôm hùm 3 con/kg | 999.000 | đồng/kg | 4/8/2022 | Hà Nội |
Ngao hoa | 70.000 | đồng/kg | 4/8/2022 | Hà Nội |
Sò thưng | 120.000 | đồng/kg | 4/8/2022 | Hà Nội |
Cá chỉ vàng | 200.000 | đồng/kg | 4/8/2022 | Hà Nội |
Tôm Alaska | 499.000 | đồng/con | 4/8/2022 | Hà Nội |
Chả mực | 230.000 | đồng/kg | 4/8/2022 | Hà Nội |
Sò sần lưỡi đỏ | 75.000 | đồng/kg | 4/8/2022 | Hà Nội |
Cá tra thịt trắng | 42.000 – 45.000 | đồng/kg | 3/8/2022 | An Giang |
Lươn (loại 2) | 160.000 – 170.000 | đồng/kg | 3/8/2022 | An Giang |
Lươn (loại 1) | 180.000 – 200.000 | đồng/kg | 3/8/2022 | An Giang |
Ếch nuôi | 55.000 – 60.000 | đồng/kg | 3/8/2022 | An Giang |
Tôm càng xanh | 230.000 – 250.000 | đồng/kg | 3/8/2022 | An Giang |
Cá lóc nuôi | 50.000 – 55.000 | đồng/kg | 3/8/2022 | An Giang |
Cá nàng hai | 84.000 – 86.000 | đồng/kg | 3/8/2022 | An Giang |
Cá điêu hồng | 50.000 – 52.000 | đồng/kg | 3/8/2022 | An Giang |
Cá rô phi | 32.000 – 35.000 | đồng/kg | 3/8/2022 | An Giang |
Ốc bulot Pháp | 230.000 | đồng/kg | 2/8/2022 | TP. Hồ Chí Minh |
Tôm hùm | 330.000 | đồng/kg | 2/8/2022 | TP. Hồ Chí Minh |
Ốc vòi voi | 699.000 | đồng/kg | 2/8/2022 | TP. Hồ Chí Minh |
Tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu cho cộng đồng ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long
Dự án “Tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu cho cộng đồng ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long” của Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam thực hiện với mục tiêu thúc đẩy mô hình sinh kế thích ứng biến đổi hhí hậu; bảo vệ trẻ em thông qua mô hình trường học an toàn; tăng cường tiếp cận nước sạch vệ sinh cho hộ dân; hỗ trợ con giống, thức ăn và thuốc thú y cho hộ dân thực hiện mô hình sinh kế thích ứng; hỗ trợ các giải pháp giảm thiểu rủi ro cho trường học: hồ bơi, hàng rào, bồn nước, cặp phao; hỗ trợ hệ thống thu trữ nước mưa, nhà vệ sinh, thùng ủ phân hữu cơ…
Dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong 7 năm qua, từ tháng 7/2015 đến nay. Trong năm 2021-2022, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế, đặc biệt là đời sống xã hội, tuy nhiên, bằng sự quyết tâm và nhiệt tình của ban quản lý dự án các cấp, các chương trình của dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Bà Lê Thị Thanh Hương, Trưởng văn phòng đại diện của Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam, cho biết: “Các dự án trong Chương trình giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu của Tổ chức Cứu trợ trẻ em được triển khai tại Cà Mau từ năm 2015 qua nhiều giai đoạn, là một trong những nỗ lực của Tổ chức Cứu trợ trẻ em hướng tới việc tăng cường khả năng chống chịu của trẻ em và cộng đồng trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu môi trường và đại dịch. Có thể nói, các hoạt động được triển khai rất nhanh, bài bản và chất lượng. Những ý kiến phản hồi tích cực của người dân và cộng đồng thông qua những chuyến thăm, giám sát của tôi và đồng nghiệp chứng tỏ dự án phần nào đáp ứng nhu cầu cần thiết của trẻ em, người dân và cộng đồng thông qua các mô hình hỗ trợ sinh kế, trường học an toàn, nước sạch, vệ sinh môi trường và giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Đây là nguồn động viên lớn cho chúng tôi tiếp tục cố gắng hơn nữa trong hành trình mang lại môi trường phát triển tốt nhất cho cộng đồng”.
Biển Bạch là 1 trong 2 xã của huyện Thới Bình được hưởng lợi từ dự án. Các chương trình của dự án được triển khai như mô hình sinh kế, nhà vệ sinh tự hoại, hệ thống thu trữ nước mưa và các hoạt động trong trường học. Trong đó, có 50 hộ được hỗ trợ mô hình sinh kế thích ứng, 80 hộ có nhà vệ sinh tự hoại và 80 hộ được nhận bồn chứa nước từ chương trình hệ thống thu trữ nước mưa. Qua gần 2 năm thực hiện, thời điểm này các chương trình của dự án cơ bản hoàn thành, hiệu quả mang lại từ dự án rất lớn, làm thay đổi nhận thức của người dân.
Bà Đoàn Xuân Nguyện, Phó chủ tịch UBND xã Biển Bạch, cho biết: “Trước đây những hộ nghèo, cận nghèo và hộ khó khăn chưa dám mạnh dạn đầu tư các mô hình kinh tế. Từ khi thực hiện dự án, họ được hỗ trợ từ chương trình của dự án, có thêm những tài sản như con giống, vật nuôi và đặc biệt là những kinh nghiệm được bộ phận kỹ thuật hướng dẫn. Sau 1 năm thực hiện các mô hình sinh kế này, những hộ hưởng lợi lại tái đàn và tiếp tục nhân rộng các mô hình đó cho những người thân của họ, góp phần phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Bà Nguyễn Thị Thuý, Ấp 18, xã Biển Bạch là một trong những hộ gặp khó khăn, gia đình có 6 người, chồng bị khuyết tật. Gia đình được chính quyền địa phương giúp đỡ, dự án tài trợ gà con và thức ăn, đàn gà nuôi hơn 2 tháng, trọng lượng mỗi con trên 1 kg.
Bà Thuý phấn khởi chia sẻ: “Sau khi xuất bán, tôi sẽ tiếp tục tái đàn để có chi phí sinh hoạt trong gia đình. Tôi rất vui vì có đồng vốn để xoay xở”.
Đối với chương trình hỗ trợ nước sạch, vệ sinh môi trường, đặc biệt là nhà vệ sinh tự hoại và chương trình hỗ trợ thu trữ nước mưa, bà con có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Những chương trình từ dự án hỗ trợ cho xã cũng góp phần giúp Biển Bạch thành công trong hành trình xây dựng nông thôn mới.
Chị Nguyễn Thị Cơ, Ấp 18, chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn. Chồng đi làm thuê, còn tôi thì thuê đất cất nhà để buôn bán nhỏ. Gia đình tôi cũng nhờ có chính quyền và dự án giúp đỡ. Khi nhận được bồn nước từ dự án, gia đình rất vui vì có bồn chứa nước để sinh hoạt trong gia đình. Nhà tôi có em bé nhỏ, có bồn chứa nước này thì rất thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí vì không phải đi đổi nước từng ngày. Tôi rất cảm ơn dự án đã giúp đỡ, hỗ trợ gia đình tôi”.
Ngoài ra, dự án cũng đem lại cho người dân những kiến thức về tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trước đây bà con chủ quan, lơ là trong việc phòng, chống thiên tai, đặc biệt là với những cơn dông, lốc xoáy. Qua những kiến thức truyền thông từ dự án, bà con có kỹ năng phòng, chống thiên tai, quan tâm chằng chống nhà cửa khi có những cơn dông xảy ra. Bên cạnh đó, họ tuyên truyền cho những người thân, những người dân xung quanh hiểu rõ hơn về cách phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.
“Chúng tôi sẽ cố gắng huy động các nguồn lực để tập trung vào 5 lĩnh vực mà dự án đang thực hiện tại Việt Nam, trong đó phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu là hoạt động xuyên suốt, đặt trẻ em là trọng tâm trong ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Chúng tôi đánh giá rất cao về sự tận tâm, nhiệt tình và phối hợp rất tốt của các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, huyện, xã tham gia dự án, đặc biệt là vai trò điều phối của Hội LHPN tỉnh để tạo nên sự thành công của dự án trong 7 năm qua. Sắp tới, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ và giúp đỡ người dân và cộng đồng thông qua các mô hình hỗ trợ sinh kế, nhà vệ sinh tự hoại, hệ thống thu trữ nước mưa…”, bà Lê Thị Thanh Hương cho biết thêm./.
Hoàng Vũ (Cà Mau Online)
Bình Định: Nuôi tôm ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc đạt kết quả tích cực
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) Bình Định, việc nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm bán thâm canh – thâm canh ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc theo hướng bền vững, hoàn toàn phù hợp với các vùng nuôi ở Bình Định. Hiện Trung tâm trong giai đoạn hoàn tất nghiên cứu, hoàn chỉnh công nghệ để sớm chuyển giao cho người nuôi tôm, đảm bảo việc áp dụng công nghệ mới đạt hiệu quả cao.
Bình Định có khoảng 1.000 ha ao, hồ nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng bán thâm canh – thâm canh (BTC-TC), sản lượng thu hoạch chừng 6.000 – 8.000 tấn/năm, năng suất bình quân tương đối thấp – khoảng 8 tấn/ha. Trong quá trình nuôi, hầu hết các hộ nuôi tôm sử dụng nhiều hóa chất, thuốc kháng sinh để xử lý ao và phòng trừ bệnh cho tôm. Một số hồ tôm còn xử lý nước bằng hóa chất làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường nói chung và đặc biệt là nước hồ nuôi nói riêng, tỷ lệ tôm mắc bệnh ngày càng cao, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi.
Xuất phát từ thực tế này, tỉnh Bình Định đã xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Thủy sản Bình Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tập trung vào tăng năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế cho con tôm thương phẩm. Theo đó, tỉnh ta đặt mục tiêu 100% diện tích nuôi tôm BTC-TC có ứng dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến, trong đó tôm thẻ chân trắng là đối tượng chủ lực. Đến năm 2030, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng BTC-TC là 953 ha, tăng 23,7% so với năm 2020; phấn đấu đạt sản lượng gần 21.000 tấn, tăng 93,7% so với năm 2020.
Đây là cơ sở để Trung tâm Khuyến nông nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm áp dụng công nghệ Semi-Biofloc. Ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – chủ nhiệm đề tài khoa học “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm BTC-TC ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc theo hướng phát triển bền vững tại Bình Định”, khẳng định: Với diện tích nuôi 1.000 ha, năng lực sản xuất tôm giống 5 – 6 tỷ con/năm, người nuôi tôm chịu khó tìm tòi, áp dụng và ứng dụng công nghệ mới, Bình Định có đủ điều kiện áp dụng công nghệ mới trong nuôi tôm theo hướng bền vững. Việc nuôi tôm theo hướng như vậy vừa nâng cao năng suất, sản lượng, vừa nâng cao chất lượng con tôm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Qua đó còn đủ điều kiện để tham gia vào chuỗi giá trị, gia tăng hiệu quả kinh tế. Với nhiều cải tiến quan trọng sau các lần thí điểm tại một số mô hình, đến nay có thể xác nhận rằng công nghệ Semi-Biofloc phù hợp với điều kiện vùng nuôi và năng lực của người nuôi tôm ở Bình Định.
Theo ông Nhựt, công nghệ Semi-Biofloc có nhiều điểm vượt trội như: Chất thải và thức ăn dư thừa trong hệ thống nuôi được lợi khuẩn chuyển đổi thành sinh khối của chúng dưới dạng hạt floc làm thức ăn cho tôm, quá trình này giảm tỷ lệ thất thoát thức ăn, giúp lọc sạch nước; lợi khuẩn tạo khối floc còn có khả năng ức chế sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh. Nhờ đó cải thiện môi trường nước, giúp tôm tăng đề kháng và phát triển nhanh. Cùng với đó, công nghệ này còn giúp giảm việc thay, cấp nước mới cho ao nuôi, tiết kiệm nước ngọt… Quy trình nuôi tôm theo công nghệ Semi-Biofloc giúp giảm từ 8 – 10% chi phí đầu tư so với cách nuôi tôm lâu nay bà con vẫn áp dụng.
Theo ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm đã thí điểm áp dụng 4 mô hình, chuyển giao kỹ thuật cho khoảng 60 người nuôi tôm ở 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ. Để có thể chuyển giao trọn gói, giúp người nuôi tôm mau chóng ứng dụng công nghệ mới, Trung tâm sẽ hoàn thiện công nghệ Semi-Biofloc trong điều kiện tỉnh Bình Định và tiếp tục xây dựng thêm một số mô hình thí điểm.
THU DỊU (Báo Bình Định)