Tin Thủy Sản tuần 04/04 – 10/04/2022

(Thuốc Thủy Sản Tiệp Phát) Tổng hợp tin tức về nông nghiệp – thủy sản trong tuần từ 04/04/2022 – 10/04/2022.


Hải sản miền Tây tăng giá dịp lễ

Sau lễ Thanh Minh, giá nhiều loại hải sản ở miền Tây tiếp tục tăng vì đến giỗ Tổ Hùng Vương và Tết cổ truyền Chôl – Chnăm – Thmây của đồng bào dân tộc Khmer.

Ngày 9/4, người dân cả nước bước vào kỳ nghỉ cuối tuần và giỗ Tổ Hùng Vương kéo dài 3 hôm nên lượng du khách đến Phú Quốc và Hà Tiên (Kiên Giang) tăng đột biến. Tại TP Cần Thơ và Cà Mau đang diễn ra lễ hội bánh dân gian nên lượng du khách đến 2 địa phương này rất đông, khiến giá một số loại thủy, hải sản tăng.

Ông Phạm Văn Sỹ, quản lý Free Beach Phú Quốc resort (phường Dương Đông, TP Phú Quốc, Kiên Giang), cho biết cá bớp tăng từ 220.000 đến 250.000 đồng/kg lên 320.000 đồng. Ghẹ tươi sống 300.000-350.000 đồng/kg tăng lên 450.000-500.000 đồng.

Nhiều loại hải sản ở Phú Quốc tăng giá trong dịp giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: Việt Tường.

Theo ông Sỹ, giỗ Tổ Hùng Vương đúng dịp cuối tuần nên du khách khắp cả nước đổ xô về các điểm du lịch ở Kiên Giang. Free Beach Phú Quốc resort của ông Sỹ hàng ngày khai thác khoảng 20-30% công suất phòng nhưng từ 9-11/4 khách đã đặt phòng 100%.

“Không chỉ khách đặt phòng trước để lưu trú dịp giỗ Tổ Hùng Vương mà đã đặt kín phòng cho kỳ lễ 30/4. Hiện nay, du khách đến Phú Quốc thường nghỉ một ngày đêm ở các resort lớn ở Gành Dầu và An Thới để tham quan vườn thú, đi cáp treo, tham gia các trò chơi. 1-2 ngày còn lại, khách sẽ di chuyển đến Dương Đông để đi chợ đêm, ăn hải sản trước khi rời đảo ngọc”, ông Sỹ nói.

Trong đất liền, giá thủy, hải sản cũng “ăn theo” lễ. Tại Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng, cua gạch loại nhất (1-2 con/kg) giá 650.000 đồng, tăng 50.000 đồng so với tuần trước. Cua thịt loại nhất giá 450.000 đồng/kg, loại nhì 400.000 đồng/kg, tăng 20.000-30.000 đồng; cua yếm vuông loại 4 con/kg giá 320.000 đồng.

Cua gạch là một trong những đặc sản ở miền Tây. Ảnh: Việt Tường.

Chị Thu Hồng, chủ vựa hải sản ở TP Sóc Trăng cho biết giá tôm, cua đang tăng do nhu cầu của người tiêu dùng tăng trong dịp giỗ Tổ Hùng Vương.

Theo chị Hồng, giá các loại thủy, hải sản tiếp tục ổn định và tăng nhẹ vào tuần sau vì các tỉnh miền Tây bước vào dịp Tết cổ truyền Chôl – Chnăm – Thmây của đồng bào Khmer Nam Bộ, kéo dài từ 14/4 đến 16/4.

Việt Tường (Theo Zing News)


An Giang phát triển bền vững nông nghiệp

Giai đoạn 2021-2030, tỉnh An Giang không đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp quá cao (duy trì tăng trưởng bình quân 2,8-3%/năm), nhưng tập trung chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Trên cơ sở cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi theo hướng hợp lý, phát triển nông nghiệp hữu cơ, An Giang quyết tâm đưa nông nghiệp trở thành động lực, phát huy vai trò nền tảng thúc đẩy kinh tế phát triển.

Phù hợp xu hướng hiện đại

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư vừa ký ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là định hướng cần thiết nhằm tập trung huy động các nguồn lực của Trung ương, vùng ĐBSCL, của tỉnh và các địa phương, sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác, tập trung hỗ trợ khai thác tiềm năng, lợi thế, phát huy vai trò quan trọng của nông nghiệp An Giang.

Theo đó, An Giang tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả, trách nhiệm và tăng sức cạnh tranh. Tỉnh thực hiện mục tiêu chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, tăng thu nhập của người dân.

Nông nghiệp An Giang phát triển trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương, sử dụng hiệu quả nguồn lực tự nhiên, huy động sự tham gia đóng góp của các thành phần kinh tế, hướng đến phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải thấp, thích ứng biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế số và nông sản tham gia rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử.

An Giang thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Cùng với phát triển nông nghiệp, An Giang tập trung xây dựng nông thôn văn minh, có cơ sở hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, hiện đại, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh – sạch – đẹp. Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn đa dạng, chủ động tạo sinh kế nông thôn, tạo việc làm, như: kinh tế nhà vườn, kinh tế kết hợp…

Qua đó, từng bước giảm di cư, ổn định xã hội, nâng cao vai trò, vị thế của cư dân nông thôn. Nhất là, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và đời sống cư dân nông thôn, chủ động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, tiến đến xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Nhiều chỉ tiêu quan trọng

Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh đề ra nhiều chỉ tiêu có ý nghĩa động lực lớn. Giai đoạn 2021-2030, An Giang đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân từ 2,8-3%/năm (lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi tăng bình quân 3%/năm, thủy sản tăng bình quân 3,5-4,5%/năm).

Về cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi từ 72-74% (giảm 2-4% so với năm 2020), lâm nghiệp khoảng 1% (giữ ổn định), thủy sản từ 25-27% (tăng khoảng 3-5%); giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân 230 triệu đồng/ha (tăng khoảng 38 triệu đồng/ha so với năm 2020).

Giai đoạn 2021-2030, tỉnh phấn đấu giảm diện tích gieo trồng lúa hàng năm khoảng 2,5-2,8%/năm, sản lượng lúa bình quân từ 3-3,5 triệu tấn/năm. Tuy giảm diện tích, sản lượng nhưng giá trị lúa gạo vẫn tăng, lúa hàng hóa chất lượng cao chiếm hơn 80%. Với sản lượng xuất khẩu khoảng 500.000-600.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu gạo bình quân 315 triệu USD/năm, dự kiến cả giai đoạn 2021-2030, giá trị xuất khẩu gạo mang về 3,15 tỷ USD.

Trong khi đó, với sản lượng xuất khẩu khoảng 110.000-120.000 tấn/năm, kim ngạch 330 triệu USD/năm, cả giai đoạn 2021-2030, thủy sản An Giang (chủ yếu cá tra) có thể mang về giá trị xuất khẩu 3,3 tỷ USD. Với rau quả đông lạnh, sản lượng xuất khẩu được duy trì 10.000-12.000 tấn/năm, giai đoạn 2021-2030 có thể đạt 200 triệu USD (20 triệu USD/năm).

Đến năm 2050, An Giang phấn đấu là một trong những trung tâm công nghiệp chế biến lương thực – thực phẩm của vùng ĐBSCL, dựa trên nền tảng sản xuất nông, thủy sản hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số; phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp và nông thôn.

An Giang sẽ là đích đến cho các nhà đầu tư sản xuất – kinh doanh nông nghiệp, chế biến thực phẩm lớn, an toàn vệ sinh thực phẩm; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của khu vực ĐBSCL với thị trường Campuchia và các nước Thái Lan – Lào – phía Nam Myanmar. Đồng thời, là địa phương gìn giữ và phát huy các đặc sắc về du lịch tâm linh, sinh thái kết hợp với thương mại nông, thủy sản và các giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng khác.

Phấn đấu đến năm 2050, nông nghiệp An Giang thuộc nhóm đứng đầu khu vực ĐBSCL với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện môi trường. Nông thôn trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh – sạch – đẹp với điều kiện sống, thu nhập cư dân nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.

NGÔ CHUẨN (Báo An Giang)


Bà Rịa – Vũng Tàu: Phát triển bền vững ngành thủy sản

Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng, khai thác; chuyển đổi cơ cấu ngành nghề; thả cá, tôm giống hàng năm… là các giải pháp mà ngành nông nghiệp đã và đang thực hiện nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đánh bắt, nuôi trồng có trách nhiệm

Gắn bó với nghề đi biển hàng chục năm, ngư dân Nguyễn Văn Chung (TT. Phước Hải, huyện Đất Đỏ) nhận thấy rõ ngư trường đánh bắt đang ngày càng cạn kiệt. Sau khi được địa phương tuyên truyền, vận động, ông quyết định vay 1,5 tỷ đồng để đầu tư sửa chữa tàu, không còn đánh bắt giã cao mà chuyển đổi ngư cụ, máy kéo cho 2 tàu công suất 380CV và 400CV bẫy mực.

Ngành nông nghiệp tỉnh nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân chống đánh bắt tận diệt. Trong ảnh: Cán bộ Chi cục Thủy sản phát tờ rơi hướng dẫn ngư dân chấp hành quy định trong quá trình đánh bắt.

“Ngư trường cạn kiệt, việc đánh bắt gặp nhiều khó khăn nên chúng tôi đã nhận ra những loại hình đánh bắt sẽ ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy sản bền vững. Thu nhập mỗi chuyến giờ tuy ít hơn so với nghề giã cào trước đây nhưng tôi thấy việc chuyển đổi nghề không chỉ phù hợp với quy định mà còn bảo vệ nguồn lợi thủy sản”, ông Chung bày tỏ.

Còn ông Nguyễn Văn Hải, hộ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu cho biết, được cơ quan chức năng hướng dẫn, ông đã áp dụng nuôi cá biển trong lồng tròn theo công nghệ của Na Uy thay thế phương pháp nuôi cũ. Theo ông Hải, ưu điểm của lồng nuôi theo công nghệ này là sản xuất bằng chất liệu nhựa HDPE cực kỳ bền, có độ kín nước, kín hơi cao. Lồng còn có khả năng chống lại hóa chất và không bị ăn mòn, gỉ sét, đặc biệt có khả năng uốn dẻo nên dễ dàng định hình. Nhờ những đặc tính trên, hệ thống lồng nuôi cho phép người nuôi đặt lồng ở những vùng biển xa bờ, nơi môi trường nước trong sạch, hạn chế nguy cơ ô nhiễm, dịch bệnh, mang lại hiệu quả cao hơn khoảng 20% so với cách nuôi trong lồng truyền thống.

Với diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) khoảng 5.935ha, ngành NTTS trên địa bàn tỉnh không chỉ có khả năng tạo ra đột phá kinh tế, góp phần tạo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho xuất khẩu thủy sản, mà còn giúp giảm áp lực trong khai thác thủy sản xa bờ. Để phát triển bền vững loại hình này, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người NTTS. Đặc biệt là về công tác bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa trong NTTS.

Theo đó, Chi cục Thủy sản cũng tích cực hướng dẫn người dân ứng dụng KHKT vào quá trình sản xuất; chú trọng sử dụng các loại vật liệu sản xuất thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: nuôi hàu Thái Bình Dương trên giá thể tre thay cho tấm lợp xi măng hoặc lốp cao su; nuôi cá bằng lồng bè tròn nhựa công nghệ Na Uy; nhuộm lưới chống bám bẩn; làm mái che giảm nhiệt độ, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động mặt nước.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ngành nông nghiệp đẩy mạnh ứng dụng KH-CN nhằm tăng năng suất, giảm chi phí và thân thiện với môi trường. Trong ảnh: Vệ sinh ao nuôi tôm công công nghệ cao tại xã An Ngãi, huyện Long Điền.

Tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản

Theo Sở NN-PTNT, trong những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành các chủ trương, chính sách phát triển bền vững ngành thủy sản. Ngành nông nghiệp cũng tập trung triển khai thực hiện cơ cấu, tổ chức sắp xếp lại tàu thuyền theo hướng giảm theo quy hoạch; quản lý, chặt chẽ việc đóng mới, cải hoán tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch được giao. Đặc biệt, phối hợp cùng các cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp tái tạo nguồn lợi thủy sản. Sở NN-PTNT cũng khuyến khích ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu cá công suất lớn giúp khai thác tại các ngư trường xa bờ; tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ cộng đồng trong đào tạo nghề; hỗ trợ lãi suất ngân hàng để ngư dân có điều kiện chuyển đổi nghề.

Ông Nguyễn Hữu Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT) cho biết, UBND tỉnh cũng đã có chủ trương cho xây dựng các trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống thủy hải sản nuôi biển trên địa bàn. Đồng thời tạo điều kiện để người dân đa dạng hóa đối tượng nuôi, phương thức nuôi với cơ cấu diện tích và sản lượng phù hợp, đẩy mạnh áp dụng thực hành NTTS có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm chủ lực như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng.

Ngành nông nghiệp tỉnh cũng chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân khai thác thủy sản theo hướng bền vững: Trong ảnh: Ngư dân thu hoạch cá tại TP. Vũng Tàu.

Hiện tỉnh đang điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản theo hướng siết chặt công tác quản lý, cấp phép NTTS trên biển; loại dần những địa điểm, vùng nuôi không đúng quy hoạch; khuyến khích các cơ sở, người nuôi sử dụng vật liệu thân thiện môi trường; ứng dụng công nghệ cao nâng cao giá trị sản phẩm; hướng đến phục vụ chế biến, xuất khẩu…

“Chúng tôi hàng năm đều tổ chức các hoạt động tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản như: thả cá giống, tôm giống về biển nhằm khôi phục, bảo tồn nguồn lợi thủy sản tự nhiên, tăng mật độ quần thể các giống loài thủy sản đã bị khai thác quá mức. Qua đó, tạo sự cân bằng sinh thái, ổn định quần thể giống loài trong các thủy vực, lưu vực tự nhiên. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc NTTS có trách nhiệm”, ông Thi thông tin.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, tỷ lệ diện tích NTTS áp dụng quy trình thực hành NTTS tốt và bền vững không ngừng tăng lên. Nếu như trong năm 2020, tỷ lệ này đạt 4,2% thì năm 2021 đạt 4,9%. Năm 2022, ngành nông nghiệp phấn đấu tỷ lệ này sẽ đạt 5,5%.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC (Báo Bà Rịa – Vũng Tàu)


Bình Thuận: Hội thảo mô hình nuôi cá rô đầu vuông trong ao đất

Ngày 5/4, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Đức Linh tổ chức hội thảo mô hình nuôi cá rô đầu vuông trong ao đất tại xã Trà Tân.

Mô hình được triển khai từ tháng 12 /2021, với quy mô 10.500 con cá giống, nuôi trong ao đất có diện tích khoảng 700 m2. Tổng chi phí thực hiện mô hình gần 60 triệu đồng (bao gồm chi phí cải tạo ao, mua cá giống, thức ăn công nghiệp, nhân công). Sau 4 tháng nuôi, cá có trọng lượng trung bình đạt trên 0,2 kg/con.

Với giá bán 40 nghìn đồng/kg như hiện nay, ước tính sau khi thu hoạch, trừ mọi chi phí, mô hình cho lợi nhuận khoảng 12 triệu đồng.

Theo đánh giá của Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Đức Linh, mô hình nuôi cá rô đầu vuông trong ao đất mang lại hiệu quả kinh tế. Cá nuôi đạt được những chỉ tiêu về số lượng và chất lượng. Trong quá trình nuôi, cá không xảy ra dịch bệnh. Thị trường tiêu thụ cá rô đầu vuông tương đối ổn định. Vì vậy, mô hình này có thể phổ biến, nhân rộng trên địa bàn huyện.

BẢO LINH (Báo Bình Thuận)


Long An: Bảo vệ vườn cây ăn trái trong mùa nắng nóng

Năm nay, tình trạng hạn, xâm nhập mặn tuy không nghiêm trọng như những đợt hạn, mặn lịch sử của mùa khô năm 2015 – 2016 hay 2019 – 2020 nhưng vẫn khá gay gắt và tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, nhất là các vườn cây ăn trái.

Chủ động bảo vệ vườn cây

Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An, hiện nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản được bảo đảm nhờ sự chủ động chuẩn bị của người dân và sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của ngành chức năng trong việc đầu tư, vận hành hiệu quả nhiều công trình ngăn mặn và tích trữ nước ngọt. Tuy nhiên, các địa phương phải đối mặt với tình trạng nắng nóng xảy ra với cường độ cao trong những ngày qua. Vào ban đêm, nền nhiệt lại giảm thấp và nhiệt độ chênh lệch giữa ban ngày và ban đêm lên đến 13 – 14oC. Trong điều kiện thời tiết như vậy, nhiều loại sâu, bệnh phát sinh gây hại cho cây ăn trái, có khả năng sẽ giảm năng suất cho trái, thậm chí bị chết nếu không được cung cấp đủ nước và có biện pháp chăm sóc, bảo vệ phù hợp. Song song đó, thời gian qua, việc xuất khẩu và tiêu thụ nhiều loại trái cây cũng gặp khó khăn. Nhà vườn đã chủ động “neo” trái lại để chờ giá tăng. Điều này ít nhiều làm cho cây bị suy kiệt, ảnh hưởng đến sức chống chịu của cây trong điều kiện nắng nóng bất lợi.

Chăm sóc vườn cây ăn trái trong mùa nắng nóng.

Theo ông Mai Văn Trung (xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng), mùa nắng, nước rất dễ bốc hơi. Vì vậy, ông đã sử dụng bùn, rơm rạ để che đậy gốc cây nhằm giữ ẩm, bảo vệ tốt vườn bưởi da xanh gần 5ha của gia đình. “Để bảo vệ vườn bưởi trong mùa nắng nóng này, ngoài việc chủ động nguồn nước và tưới cho cây thường xuyên, tôi còn cắt tỉa bớt các cành lá già cỗi, bón phân cân đối, phù hợp; đồng thời, sử dụng bùn, rơm rạ che chắn, bảo vệ cho cây” – ông Trung chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hòa (xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa) bộc bạch: “Gia đình tôi hiện có 1,6ha mít Thái. Thời gian qua, nắng nóng kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến vườn mít. Tuy nhiên, nhờ chủ động cắt tỉa cành và có được nguồn nước dự trữ sẵn nên vườn mít của gia đình tôi vẫn sinh trưởng tốt”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa – Nguyễn Kinh Kha cho biết: “Để tránh nguy cơ vườn cây bị thiệt hại do nước mặn, trước khi lấy nước, nông dân cần kiểm tra độ mặn, tuyệt đối không lấy nước khi độ mặn cao hơn 1g/l. Ðặc biệt, đối với một số loại cây nhạy cảm với nước mặn như sầu riêng, mít, bưởi,… không tưới nước có độ mặn cao hơn 0,5g/l. Khi vườn cây bị hạn, mặn, chú ý bón bổ sung phân Kali và vôi bột, khi hạn, mặn kéo dài thì phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn. Bón phân vi lượng chứa Ca, Mg, Si giúp tăng khả năng đề kháng của cây”.

Tích cực chăm sóc

Toàn tỉnh có khoảng 27.000ha cây ăn trái các loại, chủ yếu là thanh long, chanh, dưa hấu, mít, bưởi, sầu riêng,… Thời gian qua, nhiều loại cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế rất cao, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho nhiều hộ dân. Cây ăn trái là loại cây trồng lâu năm, nông dân tốn nhiều chi phí đầu tư và công sức. Do vậy, nếu để xảy ra tình trạng cây chết thì thiệt hại rất lớn cả về mặt chi phí và thời gian. Đặc biệt, nông dân rất khó khôi phục lại vườn cây trong thời gian ngắn. Nhận thức được điều đó, các nhà vườn trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực quan tâm áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp được ngành Nông nghiệp khuyến cáo nhằm chăm sóc, bảo vệ tốt vườn cây.

Cắt, tỉa cành để hạn chế mất nước cho cây.

Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh – Nguyễn Văn Cường cho biết: “Theo dự báo của ngành chức năng, tình trạng hạn hán trong mùa khô năm nay có khả năng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm; đồng thời, xâm nhập mặn cũng diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Đáng chú ý, nắng nóng gay gắt diễn ra trên diện rộng và dự báo còn kéo dài. Để bảo vệ vườn cây ăn trái, nông dân cần thường xuyên rà soát hệ thống ao, mương trữ nước, bảo đảm đủ nước tưới cho cây và quan tâm áp dụng các biện pháp ủ cỏ, rơm rạ,… xung quanh gốc để bảo vệ cây; tuyệt đối không phun thuốc diệt cỏ trong thời điểm nắng nóng này; tỉa, cắt cành cây già cỗi, tạo tán cho cây thông thoáng, hạn chế nơi trú ẩn cho sinh vật gây hại.

Đồng thời, chú ý bón phân và cung cấp dinh dưỡng cho cây một cách cân đối, nhất là chú ý bón phân Kali và tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học để phòng sâu, bệnh và các loại nấm, vi khuẩn gây hại cây,…”.

Cũng theo ông Cường, mưa trái mùa cũng được dự báo có khả năng xuất hiện trong mùa nắng nóng nên nông dân cần chú ý để có giải pháp phòng tránh các nguy cơ gây hại cho vườn cây. Cần tưới đủ nước cho cây thường xuyên, chủ động hạn chế hiện tượng sốc nước do mưa trái mùa gây nứt trái, rụng trái và khiến cây đâm chồi ngoài ý muốn. Song song đó, nông dân cần quan tâm đẩy mạnh sản xuất trái cây theo hướng an toàn, đạt các tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường nhằm bảo đảm đầu ra.

Bùi Tùng (Báo Long An online)


Cần Thơ: Tiên phong nuôi cá dầy

Cá dầy là loài cá sống chủ yếu ở nước ngọt, hình dáng giống cá lóc, bụng có nhiều vệt đen, trắng xen kẽ, thịt cá ngon. Những năm gần đây, do tác động của môi trường, loài cá này trở nên khan hiếm. Chính vì lẽ đó, khi anh Phạm Văn Phúc, ngụ ấp Ðông Thạnh, xã Ðông Thuận, huyện Thới Lai, nhân giống và nuôi thành công cá dầy trong bể bạt, đã trở thành câu chuyện được nhiều người dân địa phương quan tâm.

Khuôn viên nuôi cá dầy của anh Phúc chỉ vẻn vẹn hơn nửa công đất với vài bể xi măng, bể bạt nhỏ và đang nuôi chủ yếu là cá giống. Anh Phúc cho biết: “Cá dầy rất dễ nuôi, dễ chăm sóc nên ngay khi bắt đầu mô hình tôi không cần phải đầu tư vốn nhiều. Chỉ đơn giản là những bể bạt và lót thêm lá chuối để làm nơi cho cá trú ngụ”.

Anh Phạm Văn Phúc, ngụ ấp Đông Thạnh, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai (người đứng giữa) hướng dẫn cho khách hàng cách nuôi cá dầy.

Chia sẻ về cơ duyên nuôi cá dầy, anh Phúc kể: “Tôi làm nghề chính là kinh doanh dịch vụ xe du lịch nhưng lại đam mê nuôi cá. Trước đây, gia đình tôi đã nuôi cá lóc, thát lát… Nhận thấy con cá dầy lạ, hiếm nên tôi có ý tưởng nuôi loài thủy sản mới này tại địa phương. Khoảng năm 2017, tôi đến Hậu Giang để tìm mua cá giống nhưng không ai bán. Về sau, tôi mua được 11 con cá về làm giống. Tuy nhiên, cá hao hụt chỉ còn được 8 con với kích thước chỉ bằng ngón tay cái”. Theo anh Phúc, những ngày đầu khởi nghiệp, nhiều người cười và nghĩ rằng anh không thể nuôi sống những con cá này. Vậy mà chỉ với 8 con cá giống, không chỉ nuôi sống mà anh Phúc còn nhân giống cá thành công. Anh Phúc chia sẻ bí quyết: “Lúc tôi nuôi giống cá này chưa có ai nuôi nên tôi không có điều kiện học tập. Chỉ nhờ vào kinh nghiệm bản thân, tôi nghiên cứu cách nuôi, môi trường thích nghi cho cá dầy sinh sản. Những ngày đầu khởi nghiệp, do chưa am hiểu rõ về loài cá này nên tôi nhân giống đạt tỷ lệ rất thấp. Không nản chí, tôi thử nghiệm nhiều lần, mỗi lần rút kinh nghiệm một ít… Cuối cùng, tôi cũng đã nắm được quy trình kỹ thuật nuôi giống cá dầy”.

Theo anh Phúc, cá dầy rất dễ nuôi, khả năng chống chịu bệnh tật rất lớn, vài ngày mới thay nước một lần nên không cần tốn nhiều công chăm sóc. Với diện tích 10m2 và mặt nước 8-9 tấc đã có thể thả tương đương 5.000 con. Bên cạnh đó, cá dầy tuy ăn tạp nhưng ăn rất ít; mỗi ngày, chỉ cần cho cá ăn một lần nên không tốn chi phí thức ăn. Tuy nhiên, thời gian sinh trưởng của cá khá dài, từ lúc nuôi cá bột đến giai đoạn cá đạt trọng lượng 300 gram để xuất bán phải mất khoảng 1,5 năm. Do vậy, anh Phúc chỉ tập trung nuôi cá giống. Việc nhân giống cũng khá đơn giản, không cần phải dùng máy móc hay oxy, nhưng người nuôi phải theo dõi liên tục quá trình cá sinh sản để canh vớt trứng nuôi riêng mới mong đạt được kết quả tốt nhất. Từ lúc nở đến lúc xuất bán cá bột khoảng hơn 2 tháng.

Với 8 con cá giống ban đầu đến nay anh Phúc đã cho sinh sản và xuất bán hơn 30.000 con cá giống, giá bán cá dầy dao động từ 2.000-7.000 đồng/con. Riêng đợt cá giống đầu tiên trong năm 2022, anh Phúc xuất bán 5.000 con, giá bán 7.000 đồng/con, mang về thu nhập gần 35 triệu đồng. Tận dụng mặt nước trống và thức ăn thừa khi nuôi cá dầy, anh Phúc nuôi thêm cá lóc, cá trê… Nhờ đó, giúp anh có thêm thu nhập thêm vài triệu đồng mỗi tháng.

Anh Phúc kể: “Hiện nay, cá dầy được xem là một món đặc sản, thịt ngon, nhiều người ưa chuộng. Do cá ngoài thiên nhiên ngày càng cạn kiệt nên thị trường khan hiếm, giá cả cá dầy luôn cao hơn một số loài cá khác. Tại nhiều nhà hàng, mối lái đang thu mua cá thương phẩm với giá khá 250.000 đồng/kg”. Ðây cũng là động lực thúc đẩy anh tiếp tục nhân rộng mô hình. Hiện nay, anh Phúc đang có dự định xây thêm hồ để nuôi 100 cặp cá giống.

Qua thời gian gầy dựng, mô hình của anh Phúc được nhiều người dân trong và ngoài địa phương biết đến. Ông Nguyễn Minh Quân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ðông Thuận, huyện Thới Lai, nhận xét: “Mô hình nuôi cá dầy là mô hình mới trên địa bàn huyện. Cá dầy rất khan hiếm nên khi anh Phúc nhân giống thành công, Hội Nông dân xã rất quan tâm, thường xuyên thăm hỏi, động viên anh Phúc phát triển mô hình. Ðồng thời, với các nguồn vốn vay ưu đãi, Hội cũng sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành để tạo thêm động lực giúp anh Phúc tự tin khởi nghiệp, tạo dựng kinh tế vững chắc cho gia đình”.

Bài, ảnh: KIẾN QUỐC (Báo điện tử Cần Thơ)


Bảng giá thủy sản tuần 04/04/2022 – 10/04/2022

Bảng giá một số mặt hàng thủy sản cập nhật mới nhất hôm nay, giá thủy sản tuần 04/04/2022 – 10/04/2022.

TÊN MẶT HÀNG ĐƠN GIÁ (VNĐ) ĐƠN VỊ TÍNH NGÀY BÁO GIÁ ĐỊA PHƯƠNG
Cá tra thịt trắng 40.000 – 45.000 đồng/kg 7/4/2022 An Giang
Lươn loại 2 160.000 – 170.000 đồng/kg 7/4/2022 An Giang
Lươn loại 1 180.000 – 190.000 đồng/kg 7/4/2022 An Giang
Ếch nuôi 55.000 – 60.000 đồng/kg 7/4/2022 An Giang
Tôm càng xanh 230.000 – 240.000 đồng/kg 7/4/2022 An Giang
Cá lóc nuôi 45.000 – 50.000 đồng/kg 7/4/2022 An Giang
Cá nàng hai 54.000 – 55.000 đồng/kg 7/4/2022 An Giang
Cá điêu hồng 45.000 – 50.000 đồng/kg 7/4/2022 An Giang
Cá rô phi 35.000 – 38.000 đồng/kg 7/4/2022 An Giang
Tôm sú oxy 40 con/kg tại ao 190.000 đồng/kg 6/4/2022 Trà Vinh
Tôm sú oxy 30 con/kg tại ao 245.000 đồng/kg 6/4/2022 Trà Vinh
Tôm sú oxy 20 con/kg tại ao 290.000 đồng/kg 6/4/2022 Trà Vinh
Tôm thẻ 50 con/kg tại ao 1.350.000 đồng/kg 6/4/2022 Bến Tre
Cá lóc nuôi tại ao 36.000 đồng/kg 5/4/2022 An Giang
Cá lóc nuôi tại ao 35.500 đồng/kg 5/4/2022 Đồng Tháp
Tôm thẻ 100 con/kg 104.000 đồng/kg 5/4/2022 Bạc Liêu
Tôm thẻ 100 con/kg 95.000 đồng/kg 5/4/2022 Trà Vinh
Tôm thẻ 80 con/kg 110.000 đồng/kg 5/4/2022 Trà Vinh
Tôm thẻ 50 con/kg 135.000 đồng/kg 5/4/2022 Trà Vinh
Tôm thẻ 40 con/kg 185.000 đồng/kg 5/4/2022 Trà Vinh
Tôm thẻ 30 con/kg 225.000 đồng/kg 5/4/2022 Trà Vinh
Tôm thẻ 20 con/kg 280.000 đồng/kg 5/4/2022 Trà Vinh
Tôm sú loại 60 con/kg 135.000 đồng/kg 5/4/2022 Trà Vinh
Tôm sú loại 50 con/kg 150.000 đồng/kg 5/4/2022 Trà Vinh
Tôm sú loại 40 con/kg 185.000 đồng/kg 5/4/2022 Trà Vinh
Tôm sú loại 30 con/kg 230.000 đồng/kg 5/4/2022 Trà Vinh
Tôm sú loại 20 con/kg 270.000 đồng/kg 5/4/2022 Trà Vinh
Tôm thẻ 100 con/kg 99.000 đồng/kg 5/4/2022 Kiên Giang
Tôm thẻ 80 con/kg 112.000 đồng/kg 5/4/2022 Kiên Giang
Tôm thẻ 50 con/kg 128.000 đồng/kg 5/4/2022 Kiên Giang
Cá trắm cỏ loại 1 kg/con tại ao 37.000 đồng/kg 5/4/2022 Ninh Bình
Cá trắm cỏ loại 2 – 2,5 kg/con tại ao 42.000 đồng/kg 5/4/2022 Ninh Bình
Cá lóc nuôi loại 1,3 kg tại ao 37.000 đồng/kg 4/4/2022 Đồng Tháp
Cá lóc nuôi loại 400 – 700 gram/con 30.000 đồng/kg 4/4/2022 Đồng Tháp

SẢN PHẨM THUỐC THÚ Y THỦY SẢN TIỆP PHÁT

HOT MINER

KHOÁNG NÓNG LÀM TĂNG ĐỘ KIỀM, ỔN ĐỊNH pH NƯỚC KÍCH THÍCH TÔM LỘT XÁC VÀ MAU CỨNG VỎ

Công dụng: - Làm tăng độ kiềm và ổn định pH nước. - Kích thích tôm lột xác và mau cứng vỏ. - Cung cấp các khoáng chất cần thiết cho tôm sinh trưởng và phát triển. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
BEST BKC

DIỆT KHUẨN, NẤM, NGUYÊN SINH ĐỘNG VẬT TRONG AO NUÔI

Công dụng: - Tiêu diệt vi khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật trong ao nuôi tôm cá. - Sát trùng bể ương, thiết bị, dụng cụ nuôi. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
C TẠT

TĂNG SỨC ĐỀ KHÁNG, CHỐNG STRESS CHO TÔM

Công dụng: - Tăng cường sức đề kháng và chống stress cho tôm khi thời tiết xấu, môi trường thay đổi đột ngột. - Giúp tôm giống khỏe mạnh khi mới thả, khi vận chuyển sang tôm và nâng cao tỉ lệ sống. - Ổn định pH và độ kiềm nước ao nuôi. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
YUCCA PLUS

HẤP THU KHÍ ĐỘC

Công dụng: - Hấp thu nhanh khí độc NH3, H2S trong ao nuôi tôm - cá. - Cấp cứu kịp thời tình trạng tôm - cá nổi đầu, tấp mé do nồng độ khí độc tăng cao. - Chống stress, giúp gia tăng tỉ lệ sống, giảm hao hụt khi nuôi mật độ cao. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
TEA PLUS

TẠO NHANH MÀU TRÀ, NGĂN NGỪA TẢO ĐÁY

Công dụng: - Tạo nhanh màu trà cho nước ao nuôi khó gây màu và những ao thay nước liên tục. - Hiệu quả nhanh trong việc cải tạo màu nước, làm giảm hàm lượng ánh sáng gây căng thẳng cho tôm cá nuôi, ngăn ngừa tảo đáy phát triển. Tạo môi trường nước an toàn cho tôm cá. - Chuyển nước ao từ không màu hoặc màu xanh sang màu trà nhanh chóng. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
KON PRO

SÁT TRÙNG PHỔ RỘNG TIÊU DIỆT VI KHUẨN VIBRIO GIẢI PHÁP PHÒNG & TRỊ BỆNH TPD TRÊN TÔM

Công dụng: - Diệt vi khuẩn Vibrio, vi khuẩn gây gan tụy, phân trắng, phát sáng. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
M-1

ĐIỀU TRỊ BỆNH QUẸO CỔ, MẮT MÙ MỘT BÊN Ở ẾCH, CHƯỚNG HƠI, SÌNH BỤNG, VIÊM Ổ BỤNG, VIÊM GAN, THẦN KINH

Công dụng: - Chuyên điều trị bệnh quẹo cổ ở ếch, mù mắt một bên. - Trị nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng máu trên cá, ếch do vi khuẩn Aeromonas hydrophila, Pseudomonas, Vibrio spp.. - Điều trị các trường hợp nhiễm trùng đường ruột, chướng hơi, sình bụng, viêm ổ bụng,… do các vi khuẩn nhạy cảm với Amoxicillin gây ra trên đối tượng thủy sản. [sc name="sg6"]
not rated
Đọc tiếp
ANTIMAX

GIẢI ĐỘC GAN, TĂNG SỨC ĐỀ KHÁNG, CHỐNG STRESS

Công dụng: - Bổ sung vitamin C, Sorbitol giúp tăng sức đề kháng, chống stress cho tôm, cá. - Giải độc gan, tái tạo tế bào gan, tăng cường chức năng gan. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
TST 250

THUỐC SÁT TRÙNG THẾ HỆ MỚI

Công dụng: - Tiêu diệt vi khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật trong môi trường nuôi và dụng cụ nuôi. - Diệt khuẩn gây bệnh gan tụy, phân trắng, phát sáng. - Tiêu diệt nhanh chóng và triệt để vi khuẩn gây ra đốm đỏ, lở loét, đỏ kỳ, đỏ mỏ, tuột vảy, lang ben trên cá. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp