(Thuốc Thủy Sản Tiệp Phát) Tổng hợp tin tức về nông nghiệp – thủy sản trong tuần từ 06/12 – 12/12/2021.
Lào Cai: Giá cá nước lạnh tăng trở lại
Giá cá nước lạnh tại thị xã Sa Pa (Lào Cai) đang dần tăng trở lại, giúp nhiều hộ dân vơi bớt khó khăn trong năm 2021 do bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
So với nửa năm trước thì hiện giá cá nước lạnh đã tăng thêm từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg. Giá cá tầm ở mức khoảng 140.000 đồng và cá hồi ở mức 160.000 đến 170.000 đồng/kg. Tuy nhiên trong các hộ nuôi lượng cá còn lại không nhiều. Vì vậy từ nay đến tết Nguyên đán, chắc chắn giá cá nước lạnh sẽ còn tăng thêm.
Hiện một số hộ dân đang mua cá giống loại lớn, khoảng 6 đến 8 lạng mỗi con để thả, dự kiến sẽ bán vào dịp tết Nguyên đán. Cách làm này mặc dù thời gian nuôi ngắn, nhưng cần kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, tránh tình trạng sử dụng các loại chất cấm, chất kích thích tăng trưởng để có cá bán.
Ngọc Hà – Nông Quý (Laocaitv.vn)
Bình Thuận: Hội thảo về phát triển thủy sản nước ngọt
Sáng 11/12, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Phát triển các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt cho giá trị kinh tế” . Ông Nguyễn Tám – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh chủ trì. Tham dự có đại diện Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị và người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh, cùng một số khách mời là chuyên gia tại Học viện nông nghiệp Việt Nam.
Những năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt tại Bình Thuận có ưu thế phát triển với điều kiện tự nhiên sông ngòi phong phú, các hồ đập, mặt nước lớn, nhất là lưu vực sông La Ngà. Nhờ đó, phát triển một số loại cá nước ngọt truyền thống như cá rô phi, mè, trôi, trắm, chép… Ngoài ra, Trung tâm khuyến nông đã xây dựng các mô hình như nuôi cá chình, cá chạch lấu, lươn, cá lăng. Nhất là từ năm 2016 đến nay, mô hình nuôi cá thát lát cườm theo liên kết chuỗi với quy mô tăng dần qua các năm, đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, từng bước đưa nghề nuôi trồng thủy sản sang hướng sản xuất hàng hóa, gia tăng giá trị sản phẩm.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá nước ngọt. Một số ý kiến cho rằng, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, với nhu cầu tiêu dùng và trình độ nuôi trồng thủy sản ngày càng được nâng cao, nhất là công nghệ sản xuất giống, công nghệ chế biến thức ăn công nghiệp, thuốc xử lý môi trường…, nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh cần đổi mới bắt kịp tiến bộ khoa học công nghệ. Mặt khác, nắm bắt định hướng thị trường, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thủy sản nước ngọt.
Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá lại tình hình nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn. Đồng thời trao đổi những tiến bộ kỹ thuật, những đối tượng nuôi mới tiềm năng, cho giá trị kinh tế, để đẩy mạnh phát triển nghề nuôi thời gian đến.
Kiều Hằng (Báo Bình Thuận)
Giá tăng, thị trường xuất khẩu tôm có nhiều thuận lợi
Giá tôm có xu hướng tăng cao, thị trường xuất khẩu tôm đang có nhiều thuận lợi là cơ hội để các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm phục hồi trong tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022.
Tại hội nghị trực tuyến Giải pháp phát triển nuôi tôm tháng cuối năm 2021 và năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức ngày 10-12, bà Lê Hằng – phó giám đốc Trung tâm VASEPPRO – cho biết tháng 11-2021, xuất khẩu tôm đạt 367 triệu USD, tính chung 11 tháng của năm 2021 xuất khẩu đạt 3,5 tỉ USD. Dự báo cả năm xuất khẩu đạt 3,9 tỉ USD.
Trong năm 2022, bà Hằng dự báo nhu cầu nhập khẩu tôm tại các thị trường Mỹ, EU, Úc, Anh, Canada, Hàn Quốc tiếp tục tăng. Riêng thị trường Trung Quốc có khả năng khả quan hơn năm 2021. Xuất khẩu cả năm 2022 có thể đạt 4,3 tỉ USD.
“Đề nghị Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản đầu tư mới, nâng cấp các cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung, đẩy mạnh việc cấp mã số vùng nuôi để truy xuất nguồn gốc. Có chính sách đầu tư, khích lệ sản xuất những loài có thế mạnh và nổi trội của Việt Nam”, bà Hằng kiến nghị.
Ông Trần Công Khôi – phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) – cho biết nuôi tôm vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại như tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên. Giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn còn diễn ra ở một số địa phương.

Ông Võ Quang Huy, chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, đề xuất Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản cùng các viện nghiên cứu phát triển các phần mềm quản lý kỹ thuật nuôi tôm. Qua đây, người nuôi có thể ứng dụng và tìm kiếm được các giải pháp để nuôi tôm hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết thị trường xuất khẩu tôm đang có nhiều thuận lợi. Giá tôm có xu hướng tăng cao là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm tận dụng tốt cơ hội nhanh chóng phục hồi sau đợt giãn cách xã hội kéo dài.
Theo ông Tiến, với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia sẽ là cơ hội thuận lợi nâng cao năng lực tổ chức sản xuất đảm bảo theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc với quy trình từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y phòng bệnh, an toàn sinh học đến thu hoạch, sơ chế và chế biến phục vụ xuất khẩu.
Trên cơ sở đánh giá chung về thị trường, các nhà sản xuất, doanh nghiệp chế biến chuẩn bị những giải pháp kỹ thuật và xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường một cách chủ động hơn.
Để khai thác tốt cơ hội thị trường và vượt qua thách thức, phấn đấu đạt mục tiêu năm 2022, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng khi nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm tôm thì năng suất và chất lượng là hai yếu tố then chốt. Vì vậy, các đơn vị, địa phương phải chú trọng các yếu tố nguyên liệu đầu vào đặc biệt là con giống, hạ tầng trong chuỗi sản xuất tôm.
CHÍ TUỆ (Tuổi Trẻ Online)
Thả nuôi giảm tới 55%, lo thiếu nguyên liệu chế biến cá tra xuất khẩu
Dự kiến, xuất khẩu cá tra cả năm 2021 sẽ đạt trên 1,5 tỷ USD và con số đặt ra cho năm 2022 là trên 1,6 tỷ USD. Tuy nhiên, diện tích thả nuôi cá tra trong tháng 7-9/2021 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020 nên có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến trong tháng 1-3/2022.
Xuất khẩu đạt trên 1,5 tỷ USD
Theo Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT), năm 2021, ngành thủy sản nói chung và ngành hàng cá tra nói riêng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Giá cá tra nguyên liệu giảm thấp kéo dài từ năm 2019 làm ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư sản xuất. Đại dịch Covid-19 đã làm chuỗi sản xuất, tiêu thụ cá tra bị ảnh hưởng nặng nề.
Tại các tỉnh ĐBSCL, thời gian giãn cách xã hội kéo dài từ tháng 7/2021 đến tháng 9/2021 đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất, vận chuyển con giống, thức ăn, cá nguyên liệu. Nhiều cơ sở nuôi thiếu người thu hoạch; một số nhà máy sản xuất thức ăn, nhà máy chế biến cá tra phải tạm ngừng hoạt động hoặc giảm công suất.
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu; hoạt động vận chuyển quốc tế bị gián đoạn; tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn.
Tại hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển nuôi cá tra tháng cuối năm 2021 và năm 2022” diễn ra chiều nay, 9/12/2021, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thuỷ sản) cho biết: theo thống kê, hiện có 106 nhà máy chế biến cá tra có đăng ký xuất khẩu tại 5 tỉnh với số lao động ước khoảng 190 nghìn người.

Tính đến đầu tháng 9/2021, có 52/106 nhà máy chế biến cá tra tại 5 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phải tạm dừng hoạt động (chiếm tỷ lệ 49%); số lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh khoảng trên 70%.
Do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất các nhà máy chỉ khoảng 30- 40% so với trước khi giãn cách toàn vùng (đầu tháng 7/2021). Các tỉnh có số doanh nghiệp ngừng sản xuất nhiều nhất là Cần Thơ, Tiền Giang. Với những nhà máy đang sản xuất cầm chừng, số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 20-30%, năng suất lao động giảm mạnh.
Sau khi triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, hoạt động sản xuất tại các nhà máy chế biến cơ bản đã được khôi phục.
“Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang tập trung mua cá size lớn từ 900 gr – 1,3 kg trở lên với giá từ 23.500 đồng – 24.000 đồng/kg. Sản lượng cá tra cả năm đạt khoảng 1,5 triệu tấn, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt trên 1,5 tỷ USD”, ông Cẩn nói.
Lo thiếu nguyên liệu chế biến
Năm 2022, ngành cá tra dự kiến diện tích thả nuôi trong năm đạt trên 5.200 ha; sản lượng cá tra thương phẩm đạt trên 1,7 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD.
Đánh giá về xu hướng, tình hình của năm 2022, ông Như Văn Cẩn thông tin thêm, diện tích thả nuôi cá tra trong tháng 7-9/2021 giảm khoảng 30-55% so với cùng kỳ năm 2020. Do đó, trong tháng 1-3/2022, khả năng có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh số 248 về quy định đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào Trung Quốc và Lệnh số 249 về biện pháp quản lý giám sát an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Các Lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 có thể sẽ có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản đông lạnh, trong đó có cá tra.
Đáng chú ý, đại diện Tổng cục Thủy sản phân tích, theo dự đoán của các nhà khoa học, dịch Covid-19 có thể còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2022 và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động logistics, ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cá tra.
“Đối với nước ta, công tác kiểm soát dịch đã đạt kết quả bước đầu. Các địa phương, người dân, doanh nghiệp đã từng bước thích ứng, linh hoạt trong tình hình mới. Dịch bệnh tạo ra thách thức nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất cá tra điều chỉnh cơ cấu thị trường trong giai đoạn tới”, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản nhấn mạnh.
Ông Trần Đình Luân lưu ý cần theo dõi sát diễn biến thị trường để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các quốc gia nhập khẩu, sẵn sàng xuất khẩu ngay khi có thời cơ; đồng thời đa dạng hóa sản phẩm theo hướng sản xuất sản phẩm tiện lợi cho tiêu dùng, trọng lượng phù hợp với bữa ăn gia đình theo từng phân khúc thị trường…
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho rằng, trong trường hợp thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, cũng cần chú trọng xây dựng thị trường trong nước. Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã tham gia xây dựng thị trường trong nước nhưng so với tiềm năng còn hạn chế…
Thanh Nguyễn (Tạp chí Hải Quan)
Bình Thuận: Làm giàu từ mô hình nuôi ốc bươu đen
Nuôi ốc bươu đen thương phẩm và cung cấp nguồn giống chất lượng cho người dân ở trong và ngoài địa phương là mô hình khởi nghiệp thành công của anh Nguyễn Hữu Nhơn ở thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh.
Tốt nghiệp đại học tại TP. Hồ Chí Minh, thế nhưng lại muốn làm giàu trên chính quê hương của mình, anh Nguyễn Hữu Nhơn đã về quê là thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh lập nghiệp. Qua tìm hiểu, anh Nhơn nhận thấy ốc bươu đen là loài dễ nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương, chi phí đầu tư không lớn, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, anh Nhơn đã mạnh dạn thuê các ao, bàu của người dân ở xung quanh để đầu tư nuôi ốc bươu đen thương phẩm và cung cấp nguồn giống chất lượng cho bà con ở trong và ngoài địa phương.
Năm 2019, anh Nhơn bắt đầu thực hiện trang trại nuôi ốc bươu đen thương phẩm. Do chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, chăm sóc nên những lứa nuôi ốc bươu đen đầu tiên chậm lớn và chết dần. Thất bại này không làm anh nản lòng mà tiếp tục mày mò, đúc kết dần kinh nghiệm qua những lần nuôi ốc bươu đen thử nghiệm tiếp theo và đã thành công.
Hiện nay, anh Nhơn có gần 7 ha diện tích mặt nước nuôi ốc bươu đen thương phẩm, ốc giống và ốc dược liệu tại 2 địa bàn thị trấn Đức Tài và thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh.
Anh Nhơn cho biết: ốc bươu đen thương phẩm nuôi khoảng 4 tháng có thể xuất bán. Mật độ thả nuôi 200 – 250 con/m2; trọng lượng đạt 20 – 25 con/kg, giá bán hiện là 75.000 đồng/kg. Trang trại của anh cung cấp ra thị trường mỗi ngày 200 kg ốc bươu đen thương phẩm.
Ngoài ra, anh còn cung ứng ốc giống cho nhiều người dân trong vùng cùng nuôi. Theo đó, anh đã dành khoảng 20 m2 để nuôi ốc hậu bị; mật độ ốc bố mẹ khoảng 70 – 100 con/m2. Mỗi ngày ốc đẻ trứng khoảng 4 – 5 lạng; trung bình, cứ 1 kg trứng ốc bươu đen nở ra 12.000 con giống. Những con ốc giống đó sẽ được theo dõi kỹ lưỡng, sau khi trứng nở khoảng 15 ngày là bán được. “Trước kia, vì chưa có kinh nghiệm ươm, tỷ lệ trứng nở chỉ đạt trên 50%, nhưng hiện nay tỷ lệ trứng nở đã đạt trên 90%. Do nhu cầu nuôi ốc bươu đen tăng cao, nên mỗi tháng trang trại của tôi có thể cung cấp giống ốc bươu đen cho hơn 150 hộ dân trong và ngoài địa phương, bình quân mỗi hộ từ 20.000 – 50.000 con ốc giống, với giá bán 300 đồng/con”, anh Nhơn chia sẻ.
Cũng theo anh Nhơn: Ốc bươu đen không ăn cám công nghiệp, thức ăn của chúng hoàn toàn tự nhiên như cỏ, các loại bèo, mướp, bầu, bí… Trang trại của anh thường chú trọng nuôi bèo tấm để cung cấp nguồn thức ăn chính cho ốc. Hiện tại, anh dành hơn 60% diện tích mặt nước để nuôi bèo làm thức ăn cho ốc. Cách làm này không những cung cấp nguồn thức ăn sạch, không bị hư nhiễm hóa chất mà còn tiết kiệm chi phí thức ăn, nâng cao hiệu quả mô hình nuôi ốc bươu đen của anh.
Được biết, nhiều năm về trước, ốc bươu chỉ là loại nhuyễn thể, rẻ tiền, người dân dùng trong những bữa cơm đạm bạc. Tuy nhiên, đứng trước nguy cơ bị tiệt chủng do môi trường sống bị ô nhiễm, thì loại ốc này trở nên khan hiếm và nay những món ăn chế biến từ ốc bươu đen đã có mặt ở các nhà hàng, quán ăn cao cấp ở các đô thị lớn. Anh Nhơn đã nhạy bén, nắm bắt cơ hội và mạnh dạn triển khai thực hiện mô hình nuôi ốc bươu đen ngay chính quê hương của mình. Mô hình này của anh được xem là mới ở địa phương, hiệu quả mang lại không thua kém so với các nơi khác. Anh Nhơn cũng được xem là người tiên phong thực hiện mô hình này, mở hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở huyện Đức Linh.
Bảo Ngọc (Báo Bình Thuận)
Xuất khẩu cá tra năm 2021 có thể đạt 1,54 tỷ USD
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, dự kiến kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2021 sẽ đạt 1,54 tỷ USD.
Bà Lê Hằng cho biết, xuất khẩu cá tra liên tục tăng trưởng từ đầu năm đến hết tháng 7/2021. Tuy nhiên, xuất khẩu mặt hàng này có sự sụt giảm mạnh từ tháng 8 – 10 do ảnh hưởng dịch COVID-19, giãn cách sản xuất và sản xuất “3 tại chỗ”.
Nhưng từ tháng 11, xuất khẩu cá tra có tín hiệu hồi phục mạnh nhờ triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Riêng tháng này, xuất khẩu cá tra tăng trên 50%. Đây là điều đáng mừng bởi ngành có sự phục hồi nhanh chóng.
Về thị trường xuất khẩu cá tra, bà Lê Hằng cho biết, Mỹ là thị trường có sự tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường trong năm 2021 với mức gần 50% và bù đắp lớn cho các thị trường khác có sự sụt giảm đáng kể. Thị trường này đang chiếm tỷ trọng 22% và nhu cầu tăng mạnh sau chiến dịch tiêm vaccine cùng gói phục hồi kinh tế.
Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng vì nhu cầu từ thị trường này vẫn lớn, do sản xuất nội địa của Mỹ giảm, giá thủy sản tại Mỹ tăng cao.
Chiếm tỷ trọng cao nhất của cá tra xuất khẩu Việt Nam là thị trường Trung Quốc với mức 28%. Tháng 11/2021, thị trường này cũng có sự phục hồi mạnh với mức 79%. Tuy nhiên, với chính sách “Zero Covid” thì việc hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này sẽ vẫn bị thắt chặt kiểm tra. Do đó, xuất khẩu cá tra sang thị trường này thời gian tới rất khó có thể đoán định.
Bà Lê Hằng kỳ vọng, xuất khẩu cá tra tiếp tục tăng trưởng nhờ các Hiệp định Thương mại tự do tiếp tục là đòn bẩy xúc tiến thương mại sang nhiều thị trường, nhất là những thị trường nhỏ tiềm năng như: Mexico, Brazil, Nga, Colombia, Thái Lan…
Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích thả nuôi cá tra trong 3 tháng là tháng 7, 8, 9 giảm từ 30-55% so với cùng kỳ năm 2020 do nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, diện tích thả nuôi trong tháng 3, 4, 5, 6 và tháng 10 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng cá tra thu hoạch 11 tháng năm 2021 đạt 1,3 triệu tấn, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Ước sản lượng thu hoạch cả năm 2021 đạt 1,5 triệu tấn. Kết quả sản xuất cá tra có khả năng sẽ đạt 100% so với kế hoạch năm 2021.
Tuy nhiên, Tổng cục Thủy sản nhận định, do diện tích thả nuôi cá tra trong tháng 7-9/2021 giảm mạnh nên từ tháng 1-3/2022, khả năng có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến.
Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Cà Mau: Trúng mùa, trúng giá cá bống tượng
Cuối năm là thời điểm các hộ nuôi cá bống tượng ở Cà Mau bắt đầu tát ao, thu hoạch cá. Thời điểm này giá cá đã bắt đầu tăng trở lại nên người nuôi rất phấn khởi, càng vui hơn khi bà con có nguồn thu nhập kha khá cho gia đình trong dịp Tết sắp tới.

Gia đình ông Lê Văn Cạn (Út Cạn) ở Ấp 6, xã An Xuyên, TP Cà Mau, có 5 ao nuôi cá chình, cá bống tượng, mà chủ yếu là cá bống tượng. Theo ông Út Cạn, giá cá bống tượng đang tăng nên gia đình bắt đầu tát ao để xuất bán, dự kiến thu hoạch trước 1 ao; còn cá chình thì giá cả thất thường nên để lại, chờ giá ổn định mới thu hoạch. Ông Út Cạn cho hay, như ao cá chình nhà ông, cá đạt trọng lượng mỗi con khoảng từ 4-5 kg, giá bán chỉ còn 340.000 đồng/kg, giảm khoảng 30.000 đồng/kg; còn cá bống tượng năm nay có giá khoảng 230.000 đồng/kg, tăng hơn 50.000 đồng/kg.

Ao cá bống tượng của ông Út Cạn thả khoảng 200 con, đạt sản lượng khoảng 300 kg. Vì giá cá mồi tăng nên ông tận dụng nguồn cá rô phi tại nhà làm thức ăn cho cá để giảm chi phí. Lấy công làm lời, ao này ông Út Cạn lợi nhuận hơn 50 triệu đồng.
Cá bống tượng của bà con nuôi khoảng 12 tháng thì bắt đầu xuất bán, cá đạt trọng lượng khoảng 2,5 kg, bình quân mỗi năm thu hoạch 1 lần. Dịp Tết cũng là lúc nguồn cá bắt đầu cung ứng cho thị trường các tỉnh miền Tây, TP Hồ Chí Minh…

Bà Trần Kim Xuyến, hộ nuôi cá ở Ấp 6, xã An Xuyên, TP Cà Mau, phấn khởi: “Năm nay dịch bệnh phức tạp, cuối năm giá cá được vậy cũng đỡ cho bà con phần nào, có lợi nhuận trang trải chi phí trong gia đình và tiếp tục đầu tư thả vụ nuôi tiếp theo”. Cùng ấp, niềm vui của anh Lê Minh Ðe khi thu hoạch cá bống tượng còn là thu thêm được số lượng cá lóc, cá trê… cải thiện bữa ăn, có nhiều thì đem bán, thêm thu nhập.

Sau khi thu hoạch xong, bà con sẽ phơi ao, cải tạo khoảng nửa tháng thì bắt đầu thả giống vào vụ nuôi mới.
Nhật Minh (Cà Mau Online)
Sản lượng cá tra toàn cầu sẽ vượt mốc 3 triệu tấn
Khảo sát của GOAL cho thấy sản lượng cá tra trên thế giới (trong đó có Việt Nam) đang có xu hướng tăng lên và sẽ vượt mốc nói trên.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thông tin từ Hội nghị Dự báo toàn cầu cho Lãnh đạo nuôi trồng thủy sản (GOAL), cho thấy, sản lượng cá tra tại Việt Nam đang tiếp tục tăng và có thể đạt hơn 1,8 triệu tấn trong năm 2021. Ngoài Việt Nam, sản lượng cá tra của Indonesia cũng đang tăng mạnh. Dự báo tổng sản lượng cá tra toàn cầu có thể tăng 6% trong năm 2021 và dự kiến tăng 2,1% trong năm 2022, lên hơn 3 triệu tấn.
Sản lượng các loại cá da trơn trên toàn cầu cũng đang tăng lên, tốc độ tăng trưởng dự báo ở mức 9% vào năm 2021 và 6,1% vào năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng đó, tổng sản lượng các loại cá da trơn toàn cầu dự kiến sẽ vượt qua mốc 5 triệu tấn vào năm 2022. Cũng theo GOAL, tăng trưởng sản lượng các loài cá nuôi thương phẩm chính trên thế giới trong năm nay ở mức 2,5% và năm 2022 là 2,7%. Dự báo, sản lượng cá nuôi toàn cầu sẽ vượt mốc 40 triệu tấn vào năm 2022.
Nam Định: Tập trung nuôi thả tôm vụ cuối năm
Nuôi tôm vụ cuối năm trong điều kiện thời tiết lạnh, mưa nhiều, độ mặn trong nước giảm làm ảnh hưởng đến sức khỏe đàn tôm. Tuy nhiên, do giáp tết nên tôm vụ cuối năm thường được giá hơn trong năm dẫn tới nhiều người dân trong tỉnh tập trung nuôi thả.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thời tiết không thuận lợi, giá tôm thương phẩm không ổn định nên người dân thả tôm vụ cuối năm chậm hơn so với năm 2020. Từ thực tiễn trước kia, nhiều hộ nuôi không bố trí ao lắng để xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi khiến cho các hộ nuôi tôm không chủ động được nguồn nước bảo đảm chất lượng cho ao nuôi, nhất là trong thời điểm giao mùa, nắng mưa thất thường nên môi trường ao nuôi dễ bị ô nhiễm, dịch bệnh dễ phát sinh. Để hạn chế những rủi ro, tổn thất, nhiều người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi từ nuôi ao đất sang nuôi ao đất có lót bạt hoặc làm các ao tròn, có đầu tư công nghệ tuần hoàn nước khép kín và các trang thiết bị như: quạt nước, máy bơm, dụng cụ đo kiểm môi trường nước và một số dụng cụ thiết yếu khác để kiểm soát chặt chẽ môi trường nuôi, hạn chế sự ảnh hưởng của thời tiết đến đàn tôm nuôi. Do đó, khi đầu tư hệ thống ao lắng, nguồn nước sử dụng cho quá trình nuôi tôm sẽ đảm bảo sạch hơn, hạn chế được dịch bệnh trên đàn tôm, hiệu quả nuôi được nâng cao.
Theo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, NN&PTNT) nuôi tôm đầu tư công nghệ cao đã hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ hao hụt do ảnh hưởng của môi trường, thời tiết (mức hao hụt từ khi nuôi đến khi xuất bán chỉ vào khoảng 10%) nên đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều vùng nuôi tôm đạt hiệu quả cao như các xã: Giao Phong, Bạch Long, Giao Thiện (Giao Thủy); Hải Chính, Hải Triều, Hải Lý (Hải Hậu)… Trang trại nuôi tôm công nghệ cao của ông Cao Văn Ba ở xã Giao Phong ngay từ đầu tháng 11, công nhân đã tất bật sửa sang thiết bị tạo oxy, chỉnh lại máy quạt nước tại các đầm nuôi, san bớt mật độ nuôi trong các đầm, dồn lực chăm sóc tôm để kịp bán vào những ngày cận Tết Nguyên đán. Thay vì đào ao sâu xuống đất theo phương pháp truyền thống trước kia, những năm gần đây ông Ba chỉ đào sâu khoảng 0,3m, sau đó xây bờ cao lên trên mặt đất từ 1,7-2m. Nhờ đó, ao nuôi đón được nhiều gió, nhiều ánh sáng nên hạn chế được rủi ro cho đàn tôm trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, môi trường không ổn định. Bên cạnh đó, việc nuôi tôm trong ao nổi dễ dàng cải tạo vệ sinh phơi nền đáy được dài ngày nên hạn chế mầm bệnh. Ngoài việc lót bạt ra, ao nuôi tôm còn có 1 hố ga để hút các loại chất thải từ tôm và thức ăn dư thừa nên nước trong ao luôn sạch, tôm ít bị nhiễm các loại bệnh như đốm trắng, hoại tử gan…
Để quản lý tốt môi trường ao nuôi, mỗi ngày ông cho hút bỏ các chất thải, bùn, độc tố tích tụ dưới đáy ao 2-3 lần. Vì mô hình đầu tư khá hiện đại, khép kín nên tôm thả nuôi thâm canh với mật độ khá dày, trung bình từ 200-290 con/m2, sau khoảng 3 tháng thả nuôi có thể thu hoạch, tôm đạt kích cỡ 35-40 con/kg. Ông Nguyễn Văn Hải, xã Hải Chính (Hải Hậu) cho biết, nếu như trước đây nuôi tôm trong ao đất thì vụ tôm cuối năm người nuôi thường phải “treo” ao, không dám thả nuôi. Nhờ áp dụng nuôi công nghệ cao nên 3 vụ cuối năm nay gia đình vẫn có thể thả nuôi bình thường, mà không bị ảnh hưởng từ sự bất lợi về môi trường và thời tiết. Năng suất các vụ nuôi trong năm cũng đạt gấp nhiều lần so với nuôi trong ao đất thâm canh. Bước vào những tháng cuối năm, thời tiết thay đổi bất thường, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm rất lớn hoặc cơn mưa bất chợt làm thay đổi đột ngột làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn tôm, phát sinh một số bệnh trong môi trường nước như: xuất hiện vi sinh vật, tảo gây bất lợi cho con tôm. Chính vì vậy, trong quá trình nuôi, ông cũng như người nuôi tôm luôn bảo đảm mực nước luôn ổn định trong ao nuôi, theo dõi tốt môi trường và đặc biệt phải luôn có phương án cụ thể để đối phó với môi trường bất lợi có thể xảy ra. Trong điều kiện như hiện nay, nhiều cán bộ thủy sản đã nhận định, nuôi thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng năm 2021, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vẫn sẽ tăng trưởng nhẹ so với năm 2020. Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng để người dân phấn khởi, tập trung sản xuất đạt hiệu quả cao.
Để vụ tôm cuối năm đạt hiệu quả cao, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ các vùng nuôi, tình hình thả giống, thu hoạch các đối tượng nuôi. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trắc và cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản, thông báo kết quả tới các đơn vị quản lý, kèm theo khuyến cáo tới người nuôi. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản cũng phối hợp với các đơn vị để hướng dẫn tăng cường các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, chống rét nhằm quản lý tốt sức khỏe đàn tôm vụ cuối năm. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các quy định về quản lý nuôi trồng thủy sản: điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản, đăng ký nuôi chủ lực, đảm bảo an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản. Phối hợp các địa phương tổng hợp kết quả sản xuất nuôi thủy sản năm 2021, kế hoạch năm 2022 để rút kinh nghiệm cho các vụ sau. Ngoài ra, người dân nuôi tôm trên địa bàn tỉnh cũng cần tuân thủ hướng dẫn, khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn để nuôi thả tôm vụ cuối năm đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Tôm là một trong những đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của tỉnh ta. Nuôi tôm công nghệ cao là mô hình có tính bền vững, mở ra một hướng đi hiệu quả, đầy triển vọng cho người nuôi tôm thâm canh trên địa bàn tỉnh. Với các giải pháp tích cực, đồng bộ, hy vọng người nuôi tôm sẽ tiếp tục có một vụ tôm cuối năm thắng lợi, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Bài và ảnh: Thanh Hoa (Báo Nam Định)
Phụ phẩm cá nuôi: tiềm năng lớn chưa được khai thác
Các sản phẩm phụ (by-product) của cá nuôi, nếu được khai thác hiệu quả, sẽ giúp ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) cải thiện tính bền vững, đồng thời tạo thêm nhiều đóng góp cho những lĩnh vực khác như chăn nuôi, sản xuất thực phẩm, mỹ phẩm,…
Đó là kết luận của một nghiên cứu (*) do Viện Nuôi trồng Thủy sản thuộc Đại học Stirling (Anh Quốc) thực hiện. Các tác giả nhận thấy đầu, xương, thịt vụn, da hay nội tạng cá nuôi thực sự là một nguồn tài nguyên chưa được tận dụng hết. Tình trạng này, nếu được cải thiện, sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành NTTS châu Âu.
Với tư cách là một thành viên dự án Tăng cường Nuôi trồng Thủy sản xanh Châu Âu (GAIN), TS. Wesley Malcorps (cũng từ ĐH Stirling) nhận định: phần lớn những loại cá được nuôi phổ biến, chẳng hạn cá hồi Đại Tây Dương, cá chẽm Châu Âu, cá tráp, cá chép, cá bơn,… vẫn đang bị lãng phí ở khâu chế biến, cả trên quy mô công nghiệp lẫn tại hộ gia đình.
“Mặc dù các phụ phẩm nghe có vẻ không mấy ngon miệng, nhưng chúng thật ra rất hữu ích và hoàn toàn có thể được tận dụng cho nhiều mục đích khác như để sản xuất thức ăn bổ sung trong chăn nuôi,… Nghiên cứu của chúng tôi còn cho thấy: việc xử lý cá nguyên con sẽ mang lại tổng sản lượng thịt cao hơn đáng kể (64-77%) so với việc chỉ lấy phần phi-lê (30-56%) như thông thường. Phần đầu, xương và thịt vụn của hầu hết mọi loài cá còn hứa hẹn bổ sung vào nguồn cung cấp thực phẩm, thông qua những sản phẩm ở dạng chất lỏng hoặc đã qua chế biến, chẳng hạn cá thái lát tẩm bột (fish finger), nước sốt và viên cá,… Bên cạnh đó, chúng cũng có thể được chiết xuất thành các sản phẩm giàu dinh dưỡng như bột protein, dầu cá hay chất bổ sung collagen – cho giá trị kinh tế rất cao. Chưa hết, nội tạng cá còn được tận dụng trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống như da cá, do chứa hàm lượng protein, axit béo omega-3 cao và độ tro thấp,” Malcorps nói.
Hiện tại, khoảng 33% phụ phẩm cá nuôi đang được sử dụng để làm thành bột cá, dầu cá, chất thủy phân protein,… và tỷ lệ này đang có xu hướng ngày càng gia tăng, hứa hẹn giúp ngành NTTS cải thiện tác động môi trường.
“Ngành NTTS châu Âu vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn thức ăn nhập khẩu, sản phẩm của các hệ thống sản xuất trên biển và trên đất liền, VD: bột cá, dầu cá, đậu tương,… Phương án xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn thay thế – với các nguyên liệu không được khai thác từ biển, trên thực tế chỉ làm dịch chuyển phạm vi tác động từ biển sang đất liền, đồng thời còn tiềm ẩn một số rủi ro đối với sức khỏe và phúc lợi vật nuôi,” Malcorps nhận định.
Sau cùng, nghiên cứu cũng chỉ ra những ứng dụng công nghiệp tiềm năng của các phụ phẩm cá nuôi, trong ngành sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm, bao bì,… “Chúng ta có thể chiết xuất collagen và gelatine từ da cá, một nguồn thay thế lý tưởng cho gia súc. Ngoài ra, da cá cũng rất phù hợp để được sử dụng làm da thuộc trong ngành thời trang,”Malcorps bổ sung.
Giáo sư Dave Little, cũng từ Viện Nuôi trồng Thủy sản Sterling, người giám sát nghiên cứu cho rằng: “Việc khai thác hết những giá trị của cá nguyên con là một thành tố quan trọng của chính sách khuyến khích sản xuất thủy sản bền vững. Mặc dù còn một số vấn đề liên quan đến công nghệ và cơ sở hạ tầng cần được đầu tư vốn để giải quyết, nhưng chúng tôi tin rằng việc tận dụng các phụ phẩm sẽ mang lại rất nhiều giá trị. Điều này giúp cho ngành NTTS tăng cường đầu ra (output) mà không cần sử dụng thêm tài nguyên”.
(*) Nghiên cứu Nutritional characterisation of European aquaculture processing by-products to facilitate strategic utilisation (Tạm dịch: Đặc điểm dinh dưỡng của các phụ phẩm chế biến thủy sản, cơ sở để thúc đẩy chiến lược tận dụng) đã được xuất bản trên tạp chí Frontiers in Sustainable Food Systems.
Link: https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fsufs.2021.720595/full#F2
Theo The Fish Site
ÐBSCL: Tháo gỡ điểm nghẽn sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu cuối năm
Trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp (DN) ở ÐBSCL tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, tăng cường kiểm soát dịch đồng thời giữ nhịp sản xuất hàng nông – thủy sản.
Vẫn còn khó khăn
Từ giữa tháng 11-2021 đến nay tình hình dịch COVID-19 ở một số tỉnh, thành phố trong vùng ÐBSCL diễn biến phức tạp. Ðáng ngại hơn là một vài ổ dịch bộc phát tại một số nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu khiến chủ DN thêm lo âu cho việc duy trì sản xuất, chạy hàng mùa cao điểm cuối năm.
Trong hơn 4 tháng qua, ảnh hưởng dịch COVID-19 đã để lại nhiều hệ lụy. Tác động lớn nhất là chi phí logistics, vận chuyển hàng hóa tăng cao. Trong khi các DN càng gặp khó khăn khi vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm vận chuyển ra vào khu vực sản xuất của các nhà máy tại các địa phương đang thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch.
Gánh nặng chi phí vận chuyển hàng hóa nội địa và vận tải biển tăng cao chẳng những đã “ăn hết” phần lãi của các DN mà tình hình hoàn toàn thụ động, phục thuộc vào các hãng tàu biển.
TP Cần Thơ có 44 DN chế biến, kinh doanh xuất khẩu gạo và tập trung nhiều nhất tại cụm công nghiệp thuộc địa bàn quận Thốt Nốt. Bà H.T.B.Huyền, Giám đốc Công ty CP XNK N.Q.P. – chuyên doanh xuất khẩu lúa gạo, cho rằng: Hiện nay cơ hội xuất khẩu gạo và thị trường đang tốt. Khách hàng nước ngoài đến khen gạo Việt Nam chất lượng và số lượng đủ khả năng đáp ứng theo yêu cầu đơn hàng. Ðó là lợi thế lớn. Vừa qua, sau khi cán bộ, nhân viên tại nhà máy xay xát lúa gạo của công ty được tiêm ngừa vaccine phòng COVID-19 các hoạt động của DN bắt nhịp sản xuất trở lại và tuân thủ các biện pháp phòng dịch, nên giảm bớt nỗi lo. Tuy nhiên, còn nỗi lo lớn hơn nhiều là cần các cấp các ngành vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho DN, để DN không phải bị “chết yểu”.
Theo bà Huyền, căng thẳng nhất hiện thời là giá cước vận tải tàu biển tăng quá cao, từ 70-80 USD/tấn nay tăng lên 150 USD/tấn. Hơn nữa, tình trạng thiếu hoặc không có container, container hư, bị thủng không đảm bảo giữ hàng hóa không bị hư hỏng. Dù đăng ký đặt lịch xuất hàng với hãng tàu trước nhưng đến ngày đi hàng vẫn có thể bị hủy bất cứ lúc nào khiến DN chới với vì trễ hạn giao hàng (sẽ bị phạt theo hợp đồng). Trong khi chủ hãng tàu thì vô hại. Mặt khác, hiện có tình trạng một vài công ty tham gia xuất khẩu gạo cạnh tranh phá giá từ trong nước khiến giá gạo xuất khẩu khó tăng thêm. Nếu tình hình này kéo dài sẽ tác động rất lớn đến gạo xuất khẩu và nông dân là người chịu thiệt thòi nhất, vì giá lúa sẽ sụt giảm.
Nỗi lo vẫn còn đó. Ông V.V.Phục, Giám đốc Công ty CP T.S.S Việt Nam, cho rằng: Chi phí vận chuyển trong nước thì tăng ít. Nhưng chi phí vận chuyển tàu biển tăng từ 5 đến 10 lần so với trước khi bùng phát dịch COVID-19 cho các tuyến đi châu Âu và Bắc Mỹ. Bình quân mỗi container 40 feet chúng tôi bị mất hơn 200 triệu đồng, chưa kể chậm trễ và các chi phí phát sinh khác. Hiện nay chúng tôi vô cùng khó khăn về lao động do dịch bùng phát khắp nơi. Hầu hết các nhà máy đều có F0, vì có quá nhiều F0 trong cộng đồng chúng tôi không thể quản công nhân khi họ về nhà. Chi phí phòng chống dịch tăng lên khủng khiếp và lượng công nhân ngày càng giảm. Tôi nghĩ thật lo. Vì có thể một ngày không xa tất cả các nhà máy chế biến tôm nếu không kiểm tra phòng dịch thật nghiêm thì đều có thể lây nhiễm nhiều F0. Chúng tôi thật sự lo lắng vì đến giờ này tỷ lệ vaccine tiêm mũi 2 còn quá thấp.
Mặt khác, khi đồng đô-la Mỹ (USD) liên tục mất giá cũng gây bất lợi lớn cho xuất khẩu. Ðó là chưa kể vật tư đầu vào tăng rất mạnh so với trước dịch COVID-19, những mặt hàng tăng trên 30%. Và dù đồng USD mất giá có lợi cho nhập khẩu nhưng vật tư đầu vào vẫn cứ liên tục tăng. Kinh tế thế giới vẫn đang trong tình trạng vô cùng bất thường. Bây giờ DN chỉ mong có đủ vaccine và thuốc điều trị sớm.
Tháo gỡ điểm nghẽn
Nhận định tình hình phục hồi sản xuất, ông H.Q.Lực, Chủ tịch HÐQT Công ty CP T.P. S.T, nói: Chi phí sản xuất hiện vẫn tăng. Mọi chi phí đều tăng, toàn cầu đang lạm phát do hậu quả đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và hiện thời đã cuối mùa tôm… Trong tình hình dịch COVID-19 còn tái phát, khó khăn nhất là rủi ro lây lan dịch bệnh vì mầm bệnh từ lao động hồi hương đầu tháng 10 quá đông, không kiểm soát hết. Do vậy, các DN phải nâng cao tầm soát, tuy tăng chi phí nhưng chấp nhận được. Dù vậy, nỗi lo khi có ổ dịch xuất hiện ở địa phương nào đó, DN sẽ thiếu hụt số lao động đó, vì lao động không thể đi lại hoặc phải cách ly. Từ đó dẫn đến lực lượng lao động trong các DN giảm dần.
Theo ông Lực, DN muốn duy trì hoạt động sản xuất tại các nhà máy phải thực hiện đảm bảo an toàn để sản xuất. Vì đó là yếu tố “sống còn” của DN để duy trì, phục hồi sản xuất cho giai đoạn cuối năm. Về tình hình thị trường, giá tôm nguyên liệu đang tốt, các DN ngành thủy sản vừa có cuộc họp và khuyến cáo người nuôi tôm an tâm thả tôm giống nuôi tạo nguồn nguyên liệu bắt nhịp sang năm mới, cung ứng về nhà máy chế biến.
Bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc VCCI – Chi nhánh Cần Thơ, nhận định: Các vấn đề liên quan chi phí logistics một phần ảnh hưởng bởi khả năng cung ứng dịch vụ logistics của nhà cung cấp dịch vụ quốc tế, không chỉ xuất phát từ hạn chế hạ tầng hay vấn đề cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam. Hiện tại chính quyền địa phương cũng như bộ, ngành cũng đã có hành động tích cực tái khôi phục kinh tế sau làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19. Các ảnh hưởng liên quan hạn chế di chuyển đã được gỡ bỏ, tạo điều kiện tốt hơn để DN khôi phục hoạt động.
Vấn đề tháo gỡ điểm nghẽn trong sản xuất và xuất khẩu cần sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo địa phương trong vùng nắm tình hình DN trở lại hoạt động qua sự tham mưu của các sở, ngành liên quan. Ngoài ra, vai trò của những DN đầu ngành trong vùng, DN mang tính dẫn dắt của cộng đồng DN địa phương, vai trò của Hiệp hội DN chuyên ngành rất quan trọng trong việc mạnh dạn lên tiếng phản ảnh các gút mắc cụ thể trong chuỗi giá trị ngành hàng. Bởi vì, DN phụ thuộc nguồn nguyên liệu, nhân lực không chỉ trong một địa phương mà liên quan đến các tỉnh, thành, vùng kinh tế khác.
HỮU ÐỨC (Báo điện tử Cần Thơ)
Cà Mau: “Cung đường mới” của tôm càng xanh
Người nuôi tôm càng xanh, loại nông sản nức tiếng trên đồng đất Thới Bình bắt đầu vơi bớt nỗi lo khi ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm trong liên kết, tiêu thụ. Sở Công thương tỉnh Cà Mau đã có văn bản gởi các tỉnh, thành phố và các đơn vị phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại để kết nối tiêu thụ khoảng 2.800 tấn tôm càng xanh khi vụ thu hoạch vừa chớm.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, cho biết: “Vụ mùa 2021-2022, riêng Thới Bình có trên 14.000 ha lúa được bà con kết hợp thả nuôi tôm càng xanh. Thuận lợi của thời tiết và tuân thủ lịch mùa vụ, năng suất tôm càng năm nay vượt trội hẳn so với mọi năm. Ðồng thời, thời gian thu hoạch cũng được kéo giãn, không tập trung để tránh ùn ứ và biến động giá. Hiện giá tôm được thương lái thu mua đầu vụ trung bình 90.000 đồng/kg tuỳ loại”.
Vừa mới thu hoạch trên 400 kg tôm càng xanh, ông Trần Hoàng Hà, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, hớn hở: “Ðầu vụ thấy diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp nên cũng hơi lo về vụ thu hoạch. Tuy vậy, đầu ra của tôm càng đang rất ổn định. Như tôm của tôi, thương lái chào mua khỏi phải lựa lại giá 82.000 đồng/kg, vụ này, riêng tôm càng tôi thu trên 35 triệu đồng trong khi vẫn còn lúa, tôm sú và cua”.

Cách đó không xa, ông Chế Quang Thắng, ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Ðông, cũng vui mừng với ruộng lúa đang chín vàng và tôm càng xanh vừa bán hết, thu về trên 20 triệu đồng: “Bà con trong khu vực bắt đầu thu hoạch. Thương lái thu mua giá ổn định. Riêng loại tôm càng toàn đực giá cao hơn hẳn”.
Ông Nguyễn Văn Lượng, Trưởng ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Ðông, thông tin: “Tôm càng xanh thực sự giúp nông dân tăng thu nhập. Dù thời gian nuôi kéo dài và mỗi năm chỉ 1 vụ nhưng với kinh nghiệm của mình, nhiều nông dân trong ấp thử nghiệm thả nuôi sớm nên thu hoạch không còn tập trung, ùn ứ. Người có điều kiện có thể để tôm phát triển đến khoảng tháng 1 năm sau. Khi đó cuối vụ, tôm vừa tăng trọng lượng, vừa có giá để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán”.
Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết, kinh nghiệm kéo dài thời gian sinh trưởng của tôm càng để chờ giá của bà con cũng phù hợp với kỹ thuật. Bởi tôm càng xanh có thể sinh trưởng tốt ở nguồn nước ngọt và nước lợ. Như hiện nay, nước trong ruộng lúa đang ngọt, nhưng khoảng vài tuần nữa sẽ bắt đầu mặn dần, bà con vừa trữ nước ruộng giúp lúa trổ tốt, vừa có thể tận dụng rạ và lúa rơi khi thu hoạch rồi châm thêm nước từ sông vào ruộng với lượng vừa phải (đảm bảo độ mặn không quá 10%o) thì tôm sẽ có nguồn thức ăn dồi dào và phát triển tốt.
Tỉnh Cà Mau có tiềm năng thế mạnh về nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là tôm. Tổng diện tích tôm càng xanh được thả nuôi khoảng 16.329 ha, sắp đến mùa vụ thu hoạch tại 2 huyện U Minh và Thới Bình. Người nuôi năm nay có thể yên tâm vì Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp đã có liên kết trong tiêu thụ tôm càng xanh của nông dân trong tỉnh. Hiện đã liên kết tiêu thụ hơn 2.200 tấn tôm càng của huyện Thới Bình. Ðã có thương lái xuất tôm càng xanh sang thị trường Campuchia; các thị trường tiềm năng: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai, An Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Kiên Giang… vẫn ổn định.

Huyện Thới Bình đã nắm danh sách, nhu cầu cung ứng và xuất bán của toàn bộ thương lái trên địa bàn. Qua đó, nhiều thương lái có khả năng đảm bảo cung ứng ra thị trường mỗi ngày đến 1,5 tấn tôm càng xanh theo các đơn hàng truyền thống.
Một thương lái thu mua tôm càng xanh trên địa bàn xã Trí Lực, cho biết: “Dù dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng khách hàng truyền thống của cơ sở vẫn có nhiều đơn hàng. Hiện cơ sở tôi cam kết với khách mỗi ngày đảm bảo cung ứng từ 1,5 tấn tôm càng xanh tươi sống”.
Chỉ có một sự thay đổi, nhưng không làm ảnh hưởng đến giá, là thời gian thu mua tôm càng xanh. Nếu như các vụ mùa trước thương lái đến đầm tôm thu mua khoảng từ 10 giờ sáng mỗi ngày thì nay là 7 giờ 30 đến không quá 9 giờ.
Nguyên nhân được nhiều thương lái lý giải là để chủ động tuyến đường vận chuyển trong tình hình dịch bệnh, họ lường trước cung đường xuất bán, tuyến lưu thông ở các tỉnh vùng đang có dịch bệnh phức tạp.
“Mình đi từ sớm, nếu có sự cố nghẽn đường do kiểm soát dịch bệnh thì lượng ô-xy cung cho tôm vẫn đảm bảo, thu hoạch vào lúc sáng sớm tôm cũng khoẻ hơn so với trưa nắng, tỷ lệ hao hụt trong vận chuyển sẽ giảm tối thiểu”, thương lái thu mua ở xã Tân Bằng, thông tin thêm.
Một mùa tôm càng xanh lại về trên đồng đất Thới Bình với niềm phấn khởi. Ðánh giá của ngành chuyên môn, tôm càng xanh trên ruộng lúa là hướng đi đúng và khẳng định được hiệu quả, tiềm năng giúp nông dân tăng thêm thu nhập ổn định.
Chỉ tay lên tuyến kênh xáng Chắc Băng trên bản đồ, ông Nguyễn Văn Phúc thông tin về kỳ vọng của cung đường dẫn ngọt từ Dự án Cái Lớn – Cái Bé trên vùng đất Thới Bình: “Chúng tôi đang điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp thích ứng trên toàn bộ vùng sản xuất trên địa bàn huyện. Trong đó, khi vận hành cơ chế dẫn ngọt của Dự án Cái Lớn – Cái Bé thì một điều chắc chắn là mặn ít xâm lấn vào đồng ruộng ở Thới Bình. Do vậy, việc quy hoạch phát triển lúa – tôm và tôm càng xanh là tất yếu”.
Năm đầu tiên đầu ra của tôm càng xanh nhận được sự quan tâm chia sẻ, xúc tiến của nhiều ngành. Ðã có nhiều dự tính trong xúc tiến thương mại, giao thương trực tuyến về chủ đề tôm càng xanh và kết nối tiêu thụ khắp các địa phương tiềm năng. 32 cơ sở thu mua ở huyện Thới Bình đang chạy hết công suất khắp các cánh đồng, tuyến dân cư để thu mua tôm kịp đáp ứng các đơn hàng. Tín hiệu này cho thấy tôm càng xanh không còn đơn độc trên thị trường. “Cung đường mới” của loại hàng hoá này đang dần hoàn thiện, nhiều nông dân đang bắt tay thử nuôi tôm càng xanh quanh năm./.
Phong Phú (Cà Mau Online)
Hậu Giang: Cá thát lát đâu rồi một thời “vàng son”
Cá thát lát đâu rồi một thời “vàng son” là câu nói đầy chua xót của nông dân quanh năm gắn bó với nghề nuôi cá. Đại dịch Covid-19 kéo giá cá thát lát thấp kỷ lục, bó hẹp đầu ra, trong khi giá thức ăn tăng ngất ngưởng.
Giá cá thấp kỷ lục
Sau thời gian dài giá cá thát lát thương phẩm ở mức thấp, nhiều hộ không “đủ sức” mua thức ăn, cho cá ăn cầm chừng chờ giá lên hoặc đành chấp nhận bán với giá thấp. Hiện giá cá thát lát ngoài thị trường là 40.000 đồng/kg cá 200-700 gram/con, cá lớn hơn có giá khoảng 39.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất từ đầu năm 2021 đến nay, tính ra mỗi ký cá sau khi trừ hết chi phí nông dân lỗ khoảng 15.000 đồng.
Chị Mỹ Thông, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, từng ăn nên làm ra nhờ con cá Nàng Hai (thát lát còm) buồn bã tâm sự, chưa năm nào giá cá tuột dốc như năm nay. Không riêng gì gia đình chị mà nhiều hộ trong xóm thua lỗ nặng, thiếu vốn tái sản xuất cộng với giá cá thương phẩm hiện ở mức thấp nên phải treo ao.
Nhìn hầm cá rộng hơn 700m2, chị Mỹ Thông đượm buồn: “Vụ rồi bán kêu lái khó khăn, neo biết bao lâu rồi bán lỗ luôn. Tôi tính nuôi lại nhưng cá giống không có, đành chờ qua tết mới thả nuôi tiếp”.
Chuyên nuôi cá giống và cá thương phẩm, nhận thấy tình hình giá cá đang tuột dốc, khi giá ở mức 47.000 đồng/kg, ông Phạm Văn Khởi, ở huyện Phụng Hiệp đã bán hết số cá lớn khoảng 40.000 con nuôi trong 4 ao, trong đó có 2 ao cá bố mẹ, mỗi ao khoảng 500m2. Sau khi bán xong, ông Khởi tiếp tục tái đàn, nuôi khoảng 10.000 con, hiện cá đạt trọng lượng khoảng 100 gram/con.
“Năm nay, tỷ lệ thả lại ít lắm, khoảng 1/3 số ao, cá giống cũng rẻ. Treo ao là một, số hộ còn nuôi thì cá quá lứa không bán được dẫn đến thua lỗ. Thức ăn lên mấy chục ngàn đồng một bao”, ông Khởi chia sẻ.

Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Do giá rẻ nên thương lái lựa mua cá tốt. Một số người chờ giá nên chưa chịu bán, dẫn đến thua lỗ nặng. Còn trong HTX, có hợp đồng nên bắt buộc phải bán, nhiều người thấy giá sụt giảm cũng chia sẻ với chúng tôi nên họ giảm giá chút đỉnh so với hợp đồng”. Lý giải tình trạng giá cá rớt thấp, chị Kim Thùy cho hay là do đầu ra yếu cộng với lượng thả nuôi nhiều nên ùn ứ. Với giá cá thát lát như hiện nay, người nuôi cầm chắc thua lỗ.
Cá quá lứa, đầu ra bị bó hẹp trong khi giá thức ăn lại ở mức cao khiến nhiều bà con lâm vào cảnh khó khăn là điều dễ nhận thấy ở các vùng nuôi cá trong tỉnh. Qua rà soát của ngành nông nghiệp, đến giữa tháng 11, toàn tỉnh đang tồn đọng hơn 400 tấn cá thát lát, phần lớn chưa được thương lái thu mua và người dân chờ giá.
Để cá thát lát vươn xa
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Công ty TNHH nuôi trồng, chế biến thực phẩm sạch Tân Phát, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, thông tin: Công ty đang bao tiêu cá thát lát với giá 60.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường thời điểm này khoảng 20.000 đồng/kg, nếu cá đúng size từ 300-600 gram, còn lại là 50.000 đồng/kg. Vùng nguyên liệu của công ty chủ yếu ở xã Thạnh Hòa, với diện tích nuôi khoảng 30ha. Ông Phong nhận định, với giá cá thát lát đang ở mức như hiện nay, những hộ nuôi nhỏ lẻ đứng trước nguy cơ không cầm cự nổi do chi phí sản xuất tăng cao.
“Việc liên kết giữa người nuôi, HTX với công ty là hướng đi tất yếu và bền vững. Công ty không thể tự phát triển đơn độc một mình mà phải liên kết. Một người có sản phẩm nuôi, người có công nhân làm, người có nhà máy chế biến, bao bì, gộp lại liên kết với nhau để phát triển mạnh hơn, hướng đến xuất khẩu. Công ty mỗi tháng tiêu thụ khoảng 100 tấn cá nguyên liệu”, ông Nguyễn Thanh Phong bộc bạch.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, nhìn nhận: Không có vùng nguyên liệu, người dân tự phát nuôi, thiếu sự liên kết nên chưa bền vững. Thời gian qua, địa phương cũng hỗ trợ tập huấn, xây dựng một số mô hình nuôi cá thát lát lồng ghép với các loại cá khác, nếu lỡ đứt gãy cũng còn con cá khác đừng bị lỗ.
Thực tế cho thấy, giá cá đang được bao tiêu trong tỉnh cao hơn giá ngoài thị trường và quan trọng là đầu ra ổn định, người nuôi có lãi. Về lâu dài, để đảm bảo tính bền vững, ông Trần Văn Tuấn chia sẻ: Hướng tới, phải quy hoạch lại, làm ăn tập thể. Mở rộng một số đối tượng nuôi như cá thát lát, cá rô, cá lóc. Hàng năm xuất đi nhiều, nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, nếu dịch tạm ổn cũng quy hoạch vùng nuôi cá thát lát, tạo liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời tiếp tục tập huấn khoa học kỹ thuật đến người dân, để dần dần người dân tạo ra sản phẩm cá thát lát sạch, đạt chuẩn VietGAP.
Để cá thát lát vươn xa, nông dân trụ được với nghề thì rất cần có sự quy hoạch vùng nuôi hợp lý, gắn với liên kết về đầu ra và chỉ khi sợi dây liên kết 4 nhà “Nhà nông – Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp” được gắn kết thì mới phát triển toàn diện và bền vững, tránh điệp khúc “được mùa mất giá”.
NGỌC HƯỞNG (Hậu Giang Online)