(Thuốc Thủy Sản Tiệp Phát) Tổng hợp tin tức về nông nghiệp – thủy sản trong tuần từ 08/08/2022 – 14/08/2022.
Tây Ninh: Nuôi lươn trong hồ trên cạn hiệu quả kinh tế cao
Được sự giới thiệu của bà Tô Cẩm Dung- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Đông (Gò Dầu), tôi đến ấp Suối Cao B thăm cơ sở nuôi lươn của gia đình ông Nguyễn Thanh Quan (sinh năm 1972), nằm ngay mặt tiền Tỉnh lộ 782.
Ông Quan cho biết, quê ông ở vùng sông nước thuộc địa bàn ấp An Thới, xã An Hoà (nay là khu phố An Thới, phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng). Khi còn ở An Thới, gia đình ông làm ruộng, nuôi heo, đánh bắt cá và buôn bán lúa gạo…
Năm 2009, nhờ có người quen giới thiệu, gia đình ông đến ấp Suối Cao B mua đất cất nhà lập nghiệp. Lúc ấy giá đất còn rẻ, ông mua được miếng đất mặt tiền tỉnh lộ, lại gần ngã ba rất thuận tiện cho việc mua bán. Thế là gia đình ông mở tiệm tạp hoá phía trước.
Phía sau nhà còn đất rộng và dài, với kinh nghiệm nuôi heo sẵn có, gia đình ông xây chuồng trại nuôi heo nái sinh sản, bán heo con giống. Có lúc đàn heo nái của ông lên đến 30 con và đàn heo con thường xuyên có trên 100 con. Nhưng đợt dịch tả heo châu Phi đã quét qua trại heo của ông. Gia đình ông phải tiêu huỷ mười mấy con heo nái, từ đó, ông “treo chuồng”.
Chuồng trại bỏ không lãng phí, ông Quan tìm hiểu và được biết một số nơi nuôi lươn không bùn (nuôi lươn sạch, nuôi trong hồ trên cạn) cũng dễ và có hiệu quả kinh tế. Sau hai năm bỏ không chuồng trại, đầu năm 2019, vợ chồng ông quyết định đầu tư vốn cải tạo các chuồng nuôi heo thành hồ nuôi lươn. Lúc đầu ông làm 8 hồ, với kích thước mỗi hồ ngang 2 mét, dài 2,5 mét, cao 6 tấc, đáy hồ dán gạch men.
Ông mua 600kg lươn giống ở Campuchia. Đây là loại lươn giống được sinh sản ngoài thiên nhiên. Mua lươn giống về, ông lựa ra 3 loại theo kích cỡ để nuôi riêng. Sau 7-8 tháng nuôi bắt đầu thu hoạch. Sau đợt nuôi này, trừ chi phí đầu vào (tiền mua con giống và thức ăn), gia đình ông còn lời khoảng 70 triệu đồng. Sau đó, ông tiếp tục cải tại thêm hồ và tăng số lượng lươn giống.
Hiện nay, trại nuôi lươn của ông Quan có 10 hồ bắt đầu cho thu hoạch và hơn 10 hồ khác mới thả nuôi khoảng một tháng với 36.000 con lươn giống. Ông Quan cho biết sau khi thu hoạch hết đợt giống lươn đồng, ông chuyển qua nuôi lươn giống nhân tạo.
Theo ông Quan, nuôi lươn giống nhân tạo khi bán giá có rẻ hơn lươn đồng chút đỉnh (khoảng 10.000 đồng/kg), nhưng nuôi lươn giống nhân tạo dễ nuôi, chi phí thấp hơn giống lươn đồng rất nhiều.
Nuôi lươn giống nhân tạo không cần phải cho ăn cá xay, nên chi phí thức ăn cũng thấp. Vì vậy nuôi lươn giống nhân tạo hiệu quả kinh tế cao hơn. Ông Quan cho biết nghề nuôi lươn không khó, nhưng phải chú ý, trước hết phải có nguồn nước sạch; có men tiêu hoá và nhớ sát trùng hồ…
Bà Tô Cẩm Dung- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Đông cho biết, nuôi lươn sạch trong hồ trên cạn là mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hội Nông dân khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, đạt hiệu quả cao.
Cụ thể thời gian qua, Hội Nông dân tạo điều kiện cho gia đình ông Quan vay vốn ưu đãi để đầu tư nuôi lươn. Ngoài chăn nuôi, gia đình ông Quan còn buôn bán tạp hoá. Hộ ông Quang được công nhận “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp huyện. Vợ chồng ông Quan có hai người con gái. Cả hai đều học giỏi, hiện nay, người con lớn của ông đang du học ở Nhật Bản, người con nhỏ đang học đại học năm cuối.
D.H (Tây Ninh Online)
Bắc Kạn: Thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ thủy sản mùa nắng nóng
Liên quan đến hiện tượng cá ao nuôi ở thôn Nà Pài (thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn) bị chết hàng loạt, cơ quan chuyên môn nhận định, nguyên nhân là do cá bị thiếu oxy, mật độ nuôi dày, lượng nước trong ao không đảm bảo, nguồn nước ít khi được vệ sinh và thay thế nên không đảm bảo môi trường cho cá sinh trưởng, phát triển.
Ông Đỗ Xuân Việt- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Hằng năm vẫn thường xảy ra hiện tượng cá chết ở một số ao nuôi trên địa bàn tỉnh, nhất là những ngày nắng nóng hoặc mưa lũ, cá nuôi trong ao kém ăn, nguy cơ mắc bệnh rất cao. Hơn nữa, ao nuôi cá trên địa bàn chủ yếu ở gần các khe, ao tù ít khi được bà con xử lý thay nước, vệ sinh nên phát sinh nhiều loại độc tố, sinh vật gây hại do lượng thức ăn tích tụ lâu ngày trong ao không được giải phóng… Đó là lý do dẫn đến tình trạng thiếu oxy khiến cá bị sốc, ngộ độc, giảm sức đề kháng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay có một số ao nuôi tại huyện Chợ Đồn xảy ra hiện tượng cá chết. Cụ thể, ở thôn Nà Mèo, xã Đồng Thắng; tổ 17, thôn Bản Duồng (thị trấn Bằng Lũng), gần đây nhất là thôn Nà Pài (thị trấn Bằng Lũng). Ngoài ra, một số ao nuôi cũng từng xảy ra hiện tượng cá chết nhưng không báo cơ quan chức năng.
Trong năm nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Đồn đã tổ chức quan trắc môi trường nước nuôi thủy sản tại 6 hộ ở xã Yên Phong. Kết quả cho thấy hầu hết ở các ao nuôi đều có lượng oxy hòa tan trong nước thấp, lượng khí độc nitrit, amoni tại một số ao còn cao. Quá trình quan trắc, hộ ông Ma Doãn Bính có hiện tượng cá chết rải rác, nguyên nhân ao nuôi bị che khuất bởi bờ bụi, màu nước ao đen, 1/3 ao được quây để nuôi vịt, lượng oxy hòa tan trong các tháng 3, 4, 5 đều rất thấp (chỉ từ 1,8 – 2,7mg/l). Môi trường trong tình trạng thiếu oxy là nguyên nhân khiến cá gầy yếu và chết rải rác.
Lâu nay, các hộ chăn nuôi thủy sản vẫn còn rất chủ quan trong quá trình chăn nuôi, chưa chú trọng áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nhất là thời điểm nắng nóng, thời tiết giao mùa là lúc môi trường khá nhạy cảm, phát sinh dịch bệnh trên vật nuôi. Vì vậy, để hạn chế thiệt hại, bà con cần tuân thủ các biện pháp kỹ thuật xử lý ao nuôi theo khuyến cáo của ngành chức năng; chủ động tìm kiếm thông tin từ mọi nguồn kênh để có thêm các biện pháp chăm sóc cá; khi xảy ra hiện tượng cá chết bất thường cần chủ động báo tin cho cơ quan chuyên môn gần nhất.
Bà Trương Thị Huệ- Chuyên viên Phòng Quản lý dịch bệnh và chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo:
– Cần duy trì mực nước trong ao từ 1,2m trở lên, hằng tuần vớt sạch rác và thức ăn dư thừa dưới ao, cấp thêm nước bù lượng nước rò rỉ và bay hơi.
– Khuyến khích mật độ thả từ 1-2 con/m2.
– Giữ độ PH cân bằng ổn định; định kỳ hằng tuần thay 20-30% lượng nước trong ao, nếu nước trong ao lưu thông liên tục thì càng tốt.
– Quản lý lượng thức ăn của cá, giảm lượng thức ăn vào những ngày mưa, nắng nóng kéo dài.
– Không xả thải động vật xuống ao, nhất là nước tiểu động vật là nguyên nhân khiến hàm lượng amoni trong ao tăng cao.
– Hết thời vụ nuôi thực hiện vét bỏ bùn đáy, bón 2kg vôi/100m2 để xử lý đáy ao, phơi đáy ao từ 5-7 ngày để bay hết lượng khí độc tích tụ.
– Thường xuyên kiểm tra tình hình cá nuôi trong ao, đặc biệt là thời gian 5h sáng. Nếu phát hiện cá nổi đầu cần sử dụng quạt nước, sục khí, bơm nước để tăng cường oxy hòa tan, đảo nước…
Thu Trang (Báo Bắc Kạn)
Bảng giá thủy sản tuần 08/08/2022 – 14/08/2022
Bảng giá một số mặt hàng thủy sản cập nhật mới nhất hôm nay, giá thủy sản tuần 08/08/2022 – 14/08/2022.
TÊN MẶT HÀNG | ĐƠN GIÁ (VNĐ) | ĐƠN VỊ TÍNH | NGÀY BÁO GIÁ | ĐỊA PHƯƠNG |
Tôm sú 30-35 con/kg | 399.000 | đồng/kg | 11/8/2022 | Hà Nội |
Mức thước 3-5 con/kg | 299.000 | đồng/kg | 11/8/2022 | Hà Nội |
Ốc vôi Quảng Ninh | 65.000 | đồng/kg | 11/8/2022 | Hà Nội |
Vẹm xanh Cô Tô | 33.000 | đồng/kg | 11/8/2022 | Hà Nội |
Mực tép | 75.000 | đồng/kg | 11/8/2022 | Hà Nội |
Tôm rảo biển | 150.000 | đồng/kg | 11/8/2022 | Hà Nội |
Hàu sữa loại to | 35.000 | đồng/kg | 11/8/2022 | Hà Nội |
Tôm vằn biển 28-30 con/kg | 259.000 | đồng/kg | 11/8/2022 | Hà Nội |
Tôm vằn biển 22-25 con/kg | 320.000 | đồng/kg | 11/8/2022 | Hà Nội |
Tôm vằn biển 16-18 con/kg | 359.000 | đồng/kg | 11/8/2022 | Hà Nội |
Tôm vằn biển 8-10 con/kg | 479.000 | đồng/kg | 11/8/2022 | Hà Nội |
Ghẹ xanh 3-5 con/kg | 399.000 | đồng/kg | 11/8/2022 | Hà Nội |
Ghẹ xanh 6-7 con/kg | 299.000 | đồng/kg | 11/8/2022 | Hà Nội |
Cua Cà Mau 5-6 con/kg | 259.000 | đồng/kg | 11/8/2022 | Hà Nội |
Cua Cà Mau 4 con/kg | 349.000 | đồng/kg | 11/8/2022 | Hà Nội |
Cua Cà Mau 3 con/kg | 449.000 | đồng/kg | 11/8/2022 | Hà Nội |
Ghẹ mặt trời hấp | 199.000 | đồng/kg | 11/8/2022 | Hà Nội |
Ngao hoa | 69.000 | đồng/kg | 11/8/2022 | Hà Nội |
Bề bề hấp | 169.000 | đồng/kg | 11/8/2022 | Hà Nội |
Bề bề trứng | 199.000 | đồng/kg | 11/8/2022 | Hà Nội |
Mức ống to | 320.000 | đồng/kg | 11/8/2022 | Hà Nội |
Cá hồi NaUy | 375.000 | đồng/con | 11/8/2022 | Hà Nội |
Cá hồi fillet | 550.000 | đồng/kg | 11/8/2022 | Hà Nội |
Đầu cá hồi | 95.000 | đồng/kg | 11/8/2022 | Hà Nội |
Cá tra thịt trắng | 40.000 – 45.000 | đồng/kg | 10/8/2022 | An Giang |
Lươn (loại 2) | 160.000 – 170.000 | đồng/kg | 10/8/2022 | An Giang |
Lươn (loại 1) | 180.000 – 200.000 | đồng/kg | 10/8/2022 | An Giang |
Ếch nuôi | 55.000 – 60.000 | đồng/kg | 10/8/2022 | An Giang |
Tôm càng xanh | 230.000 – 250.000 | đồng/kg | 10/8/2022 | An Giang |
Cá lóc nuôi | 50.000 – 55.000 | đồng/kg | 10/8/2022 | An Giang |
Cá nàng hai | 85.000 – 87.000 | đồng/kg | 10/8/2022 | An Giang |
Cá điêu hồng | 50.000 – 52.000 | đồng/kg | 10/8/2022 | An Giang |
Cá rô phi | 32.000 – 35.000 | đồng/kg | 10/8/2022 | An Giang |
Cá tra tại ao | 28.000 | đồng/kg | 9/8/2022 | TP. Hồ Chí Minh |
Cá lóc nuôi tại ao | 37.000 | đồng/kg | 9/8/2022 | TP. Hồ Chí Minh |
Cá điêu hồng tại ao | 38.500 | đồng/kg | 9/8/2022 | TP. Hồ Chí Minh |
Cá rô phi tại ao | 33.000 | đồng/kg | 9/8/2022 | TP. Hồ Chí Minh |
Cá lóc giống | 130.000 | đồng/kg | 9/8/2022 | TP. Hồ Chí Minh |
Ếch | 46.000 | đồng/kg | 9/8/2022 | TP. Hồ Chí Minh |
Vì sao giá cá tra tăng nhưng người nuôi đối mặt thua lỗ?
Hiện giá cá tra tại ĐBSCL đang tăng mạnh nhưng người nuôi vẫn đối mặt với thua lỗ.
Theo thống kê của Sở NNPTNT An Giang, giá cá tra ngày 8.8 dao động ở mức 26.500 -28.000đ/kg. Mức giá này tăng 5.000đ/kg so cùng kỳ năm trước, Nhưng trớ trêu thay, trong lúc giá bán tăng mạnh thì người nuôi cá tra lại đối mặt với thua lỗ. Có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản là do giá đầu như xăng dầu, thức ăn tăng liên tục… Tất cả đã dồn đẩy giá thành chăn nuôi tăng mạnh.
Theo nhận định của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, hiện giá thành chăn nuôi cá tra thấp nhất cũng lên đến 27.000 đồng/kg. Điều này cho thấy lợi nhuận của người nuôi là khá mỏng và nguy cơ thua lỗ lại khá cao. Đây cũng là lý do khiến nhiều người nuôi ở các địa phương có thế mạnh về nuôi cá tra như An Giang, Đồng Tháp… sau khi thu hoạch xong vẫn chưa mạnh dạn thả nuôi vụ mới, thậm chí thu hẹp quy mô nuôi.
Việc nhiều người chậm xuống giống cá tra trở lại sau thu hoạch, không chỉ gây ảnh ảnh hưởng đến sản lượng cá tra toàn vùng mà hơn thế nữa. Bởi theo PGS.TS Nguyễn Phú Son (ĐH Cần Thơ), thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam đang tăng trên phạm vi toàn cầu.
Với việc mới tăng 5 thị trường, đã đưa tổng số thị trường xuất khẩu cá tra lên 117 quốc gia, vùng lãnh thổ. “Đặc biệt đối với thị trường Trung Quốc – Hồng Kông và Mỹ đang có dấu hiệu tăng trưởng ấn tượng”- PGS Son nhấn mạnh. Theo đó, Việt Nam là nhà cung cấp cá da trơn lớn nhất cho Hồng Kông. Riêng với thị trường Mỹ, Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm (Bộ Nông nghiệp Mỹ) vừa thông báo công nhận thêm 6 nhà máy chế biến cá tra Việt Nam được phép chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra vào thị trường này. Vì thế, nếu không có giải pháp can thiệp hữu hiệu, rất dễ xảy ra khả năng thiếu cá tra nguyên liệu vào dịp cuối năm. Khi đó, không chỉ có người nuôi mà cả doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cũng sẽ đối mặt với khó khăn.
TAM NÔNG (Báo Lao Động)