(Thuốc Thủy Sản Tiệp Phát) Tổng hợp tin tức về nông nghiệp – thủy sản trong tuần từ 11/07/2022 – 17/07/2022.
Bảng giá thủy sản tuần 11/07/2022 – 17/07/2022
Bảng giá một số mặt hàng thủy sản cập nhật mới nhất hôm nay, giá thủy sản tuần 11/07/2022 – 17/07/2022.
TÊN MẶT HÀNG | ĐƠN GIÁ (VNĐ) | ĐƠN VỊ TÍNH | NGÀY BÁO GIÁ | ĐỊA PHƯƠNG |
Vẹm xanh | 25.000 | đồng/kg | 14/7/2022 | Hà Nội |
Hàu sữa | 35.000 | đồng/kg | 14/7/2022 | Hà Nội |
Sò sần | 60.000 | đồng/kg | 14/7/2022 | Hà Nội |
Cua Cà Mau 4 con/kg | 340.000 | đồng/kg | 14/7/2022 | Hà Nội |
Cua Cà Mau 5-6 con/kg | 260.000 | đồng/kg | 14/7/2022 | Hà Nội |
Cua Cà Mau 2-3 con/kg | 440.000 | đồng/kg | 14/7/2022 | Hà Nội |
Ghẹ xanh | 479.000 | đồng/kg | 14/7/2022 | Hà Nội |
Cù kỳ nâu | 99.000 | đồng/kg | 14/7/2022 | Hà Nội |
Tôm càng xanh | 199.000 | đồng/kg | 14/7/2022 | Hà Nội |
Tôm hùm sz 400g/kg | 449.000 | đồng/kg | 14/7/2022 | Hà Nội |
Cá mú | 220.000 | đồng/kg | 14/7/2022 | Hà Nội |
Ốc giác vàng | 219.000 | đồng/kg | 14/7/2022 | Hà Nội |
Sò lông | 33.000 | đồng/kg | 14/7/2022 | Hà Nội |
Tôm sú | 299.000 | đồng/kg | 14/7/2022 | Hà Nội |
Ốc sư tử | 99.000 | đồng/kg | 14/7/2022 | Hà Nội |
Sò lông | 33.000 | đồng/kg | 14/7/2022 | Hà Nội |
Cá nục 1 nắng | 75.000 | đồng/kg | 14/7/2022 | Hà Nội |
Ngao hoa | 70.000 | đồng/kg | 14/7/2022 | Hà Nội |
Ngao 2 cùi | 90.000 | đồng/kg | 14/7/2022 | Hà Nội |
Sò thưng | 120.000 | đồng/kg | 14/7/2022 | Hà Nội |
Mực trứng nháy | 320.000 | đồng/kg | 14/7/2022 | Hà Nội |
Mực sim trứng | 180.000 | đồng/kg | 14/7/2022 | Hà Nội |
Bạch tuộc sữa | 180.000 | đồng/kg | 14/7/2022 | Hà Nội |
Tôm hùm sz 2con/kg | 889.000 | đồng/kg | 14/7/2022 | Hà Nội |
Ghẹ nang đỏ | 249.000 | đồng/kg | 14/7/2022 | Hà Nội |
Cá tra thịt trắng | 42.000 – 45.000 | đồng/kg | 13/7/2022 | An Giang |
Lươn (loại 2) | 160.000 – 170.000 | đồng/kg | 13/7/2022 | An Giang |
Lươn (loại 1) | 180.000 – 200.000 | đồng/kg | 13/7/2022 | An Giang |
Ếch nuôi | 55.000 – 60.000 | đồng/kg | 13/7/2022 | An Giang |
Tôm càng xanh | 240.000 – 250.000 | đồng/kg | 13/7/2022 | An Giang |
Cá lóc nuôi | 55.000 – 60.000 | đồng/kg | 13/7/2022 | An Giang |
Cá nàng hai | 69.000 – 71.000 | đồng/kg | 13/7/2022 | An Giang |
Cá điêu hồng | 50.000 – 52.000 | đồng/kg | 13/7/2022 | An Giang |
Cá rô phi | 32.000 – 35.000 | đồng/kg | 13/7/2022 | An Giang |
Ghẹ ba chấm | 230.000 – 250.000 | đồng/kg | 13/7/2022 | TP. Hồ Chí Minh |
Sò điệp | 99.000 – 119.000 | đồng/kg | 13/7/2022 | TP. Hồ Chí Minh |
Sò huyết | 140.000 | đồng/kg | 13/7/2022 | TP. Hồ Chí Minh |
An Giang: Giá cá chợ tăng, nông dân phấn khởi
Những ngày qua, ngư dân trên địa bàn tỉnh rất phấn khởi bởi giá bán các mặt hàng cá chợ tăng trở lại. Từ cá điêu hồng, cá hú, cá he đến các loại cá đặc sản, như: Cá heo, trạch lấu, cá dứa, mè hôi… đều tăng.
Đã cắt được lỗ
Cụ thể, cá điêu hồng, giá thương lái thu mua tại bè từ 34.000-35.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi cá đã cắt được lỗ và có lời từ 3.000-5.000 đồng/kg (tùy vào tay nghề của người nuôi). Cá điêu hồng là một trong 10 loại cá được nuôi để tiêu thụ nội địa, xuất khẩu sang thị trường Campuchia và các quốc gia khác. Đây là loài cá được người tiêu dùng rất thích, bởi thịt nhiều, ăn rất thơm ngon. Ngoài cá điêu hồng, các loại cá hú, cá sát rất được ưa chuộng. Hiện nay, cá hú được thương lái mua tại bè với giá 42.000 đồng/kg.
“Cá điêu hồng bán tại bè 34.000 đồng/kg, chúng tôi đã có lời. Hai năm vừa qua, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến việc chăn nuôi của chúng tôi, đời sống người nuôi cá vô cùng khó khăn, cá nuôi tới lứa nhưng bán không được, về sau có bán được nhưng giá bán dưới giá thành sản xuất, nhiều người treo bè vì thua lỗ” – ông Trần Văn Thành (xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) cho biết.
Toàn tỉnh hiện có trên 5.000 hộ dân nuôi cá bè để tiêu thụ ở thị trường nội địa. Những năm dịch bệnh xảy ra, các loại cá điêu hồng, cá he, cá hú, cá lóc, cá rô đều đồng loạt… rớt giá. Giá cá thương phẩm rớt dưới giá thành sản xuất do đầu ra bị ách tắc. Dịch bệnh COVID-19 lây lan nhanh, thương lái muốn mua cá mang đi để tiêu thụ cũng gặp khó. “Thời điểm các mặt hàng cá chợ rớt dưới giá thành sản xuất, giá thức ăn trên thị trường vẫn giữ nguyên. Nay, các mặt hàng cá chợ được tiêu thụ mạnh trở lại, xuất khẩu được sang thị trường Campuchia thì giá thức ăn tăng đến 7 lần (trong 2 năm 2021 và 2022), từ đó làm cho biên độ lãi của người nuôi cá hẹp lại” – ông Thành lo lắng.
Trước thực tế giá thức ăn liên tục được điều chỉnh tăng, tại các cuộc tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội, HĐND với cử tri, ngư dân liên tục kiến nghị nhà nước cần có biện pháp kiểm soát giá thức ăn để cứu ngành hàng thủy sản. Song, đến nay, các hãng thức ăn vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán, vì vậy dù giá cá thương phẩm có tăng hơn so với trước, ngư dân có lời nhưng mức lời không cao. Cụ thể, trong giai đoạn hiện nay, mỗi lần điều chỉnh, các hãng thức ăn tăng giá từ 500-1.000 đồng/kg. Hiện, giá 1 bao thức ăn (25kg) loại 40 độ đạm dao động từ 630.000-640.000 đồng, trong khi trước đó, giá chỉ có 490.000 đồng/bao.
Thị trường mở rộng
Nông dân phấn khởi bởi giá các mặt hàng cá chợ tăng trở lại. Ngoài thị trường nội địa, thương lái còn mua cá lóc, cá rô, cá trê phi, điêu hồng để xuất sang thị trường Campuchia, từ đó các mặt hàng cá chợ đều tăng, ngư dân rất phấn khởi. Thông tin thương lái người Việt mua cá của ngư dân trong tỉnh xuất sang Campuchia làm nhiều người không tin, bởi họ cho rằng, việc đưa các mặt hàng cá nuôi sang Campuchia như “chở củi về rừng”.
Bởi từ lâu, Campuchia được mệnh danh là thủ phủ của các loài cá ngon ở sông Mekong. Song, thực tế này là có thật. Bởi hơn 10 năm qua, khi các nước thượng nguồn, như: Trung Quốc, Myanmar, Lào liên tục xây dựng các con đập để khai thác thủy điện, nguồn nước về Biển Hồ ít dần, nên cá thiên nhiên ít lại. Các yếu tố khác, như: Đánh bắt cá bằng xung điện (kiểu tận diệt), sự bồi lắng của phù sa khiến Biển Hồ cạn dần và không còn là “mỏ cá” như trước đây.
Từ yếu tố khách quan này, một số thương nhân năng động tại An Giang lần lượt đưa mặt hàng cá lóc, cá trê, cá rô sang Campuchia bán cho người tiêu dùng. Hướng đi này đã giúp các thương nhân tăng thu nhập và thị trường Campuchia trở thành một thị trường đầy tiềm năng cho ngư dân lẫn thương lái người Việt. Nếu Campuchia nhập mạnh cá sặc bổi từ Thái Lan thì các loại cá lóc, cá trê, cá rô phải mua của thương lái người Việt vì giá cả rất cạnh tranh, mặt khác cá vận chuyển đến nơi ít bị chết.
“Giá cá của Thái Lan cung ứng vào thị trường Campuchia bị cạnh tranh mạnh với giá cá của người Việt. Để đứng vững ở thị trường này, chúng tôi phát huy lợi thế bằng cách nuôi cá cùng ngư dân. Cụ thể, chúng tôi đầu tư chi phí thức ăn cho cá, sau đó thu mua cá của nông dân để xuất khẩu sang thị trường Campuchia. Một quy trình sản xuất khép kín, đồng bộ nên giá thành nuôi thấp, từ đó giá bán rất cạnh tranh. Qua vụ sản xuất, ngư dân, thương lái đều có lợi nhuận” – ông Hồ Thanh Nam (thương lái mua cá xuất sang thị trường Campuchia) chia sẻ.
Hiện nay, ngoài tham gia nuôi các mặt hàng cá chợ, nông dân trong tỉnh đang đẩy mạnh chuyển hướng đầu tư nuôi các loại cá đặc sản để hiệu quả sản xuất được nâng lên, thị trường rộng mở. Cụ thể, nông dân đang tập trung nuôi các loài cá heo, cá hô, cá dứa, trạch lấu để bán cho các quán ăn, nhà hàng trong cả nước, đồng thời những mặt hàng cá này luôn được thương lái tìm kiếm để xuất khẩu sang các thị trường ngoài nước.
“Giá các mặt hàng cá chợ tăng lên, ngư dân rất vui nhưng niềm vui chưa trọn vẹn. Vì đi đôi với giá cá thương phẩm tăng lên, giá xăng dầu tăng theo dẫn đến chi phí thức ăn, vận chuyển tăng, từ đó lợi nhuận của vụ cá năm nay vẫn chưa bù đắp được khoản lỗ của 2 năm trước. Song, giá cá tăng, thị trường tiêu thụ mạnh là điều mà ngư dân chúng tôi đang rất khấn khởi, vui mừng…” – bà Trần Thị Mỹ Tiên (xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) chia sẻ.
MINH HIỂN (Báo An Giang)
Phòng trị bệnh xuất huyết trên cá rô phi
Nguyên nhân cá rô phi bị bệnh xuất huyết và hướng dẫn cách phòng trị bệnh này hiệu quả?
Cá rô phi có tốc độ tăng trưởng lớn, thời gian nuôi ngắn, tỷ lệ hao hụt thấp,… Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, cần chú ý một số loại bệnh, trong đó có bệnh xuất huyết trên cá. Bệnh chủ yếu do vi khuẩn Streptococcus spp gây ra. Bệnh xuất hiện ở hầu hết các giai đoạn phát triển của cá và thường xảy ra khi cá bị sốc hay trong thời tiết bất lợi, chuyển mùa. Đặc biệt, bệnh phát triển mạnh trong môi trường nước nuôi bị nhiễm bẩn, lượng khí độc tích lũy nhiều dưới đáy ao, hàm lượng oxy hòa tan thấp. Bệnh lây truyền trực tiếp từ cá khỏe sang cá yếu hoặc bệnh có thể lây lan theo nguồn nước cấp.
Khi cá mắc bệnh, cá yếu bơi lờ đờ, kém ăn hoặc bỏ ăn, hậu môn, gốc vây chuyển màu đỏ; mắt, mang, cơ quan nội tạng và cơ xuất huyết… Cá bệnh nặng bơi quay tròn không định hướng, mắt đục và lồi ra, bụng trương to.
Để phòng bệnh cần tiến hành các biện pháp tổng hợp cho cá. Chọn cá có nguồn gốc rõ ràng tại các trại giống có uy tín, cá giống khỏe mạnh, vận chuyển giống cẩn thận, tránh làm xây xát cá. Đối với nuôi cá lồng, cần vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, loại bỏ rong rêu, chất bẩn bám làm tăng lưu thông dòng chảy, vớt phân cá, xác cá và thức ăn thừa trong lồng nuôi để tránh tích lũy mầm bệnh. Đối với nuôi ao, cần cải tạo ao theo đúng quy chuẩn kỹ thuật trước và sau mỗi vụ nuôi. Cần có biện pháp đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan, đặc biệt vào những ngày thời tiết bất thường, lặng gió cho ao nuôi.
Khi cá xuất hiện bệnh, có thể được chữa trị trong giai đoạn đầu phát hiện bệnh bằng kháng sinh kết hợp với xử lý môi trường nước nuôi: Diệt khuẩn môi trường nước ao nuôi; trộn thuốc kháng sinh với thức ăn kết hợp với thuốc bổ nâng cao sức đề kháng. Sử dụng thuốc để trị bệnh cho cá liên tục trong khoảng 5- 7 ngày.
Trong thời gian điều trị bệnh, lượng thức ăn giảm còn khoảng 1/2- 2/3 lượng thức ăn thông thường. Sau khi điều trị bệnh bằng kháng sinh có thể sử dụng một số loại men vi sinh để ổn định vi khuẩn đường ruột cho cá.
Việc sử dụng thuốc kháng sinh trị bệnh cho cá cần lưu ý, vì sử dụng kháng sinh liên tục với liều lượng cao dần sẽ gây hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn và ảnh hưởng đến kháng sinh tồn dư trong thịt cá.
BẠN NHÀ NÔNG (Báo Vĩnh Long)