Tin Thủy Sản tuần 14/02 – 20/02/2022

(Thuốc Thủy Sản Tiệp Phát) Tổng hợp tin tức về nông nghiệp – thủy sản trong tuần từ 14/02/2022 – 20/02/2022.


Giá tôm ở miền Tây tăng mạnh

Tôm thẻ và sú thương phẩm không có nhiều, trong khi các nhà máy chế biến thủy sản đang đẩy mạnh sản xuất khiến giá tôm không ngừng đi lên.

Những ngày sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, các nhà máy chế biến thủy sản không chỉ tập trung tuyển lao động mà con đẩy mạnh việc thu gom nguyên liệu để có hàng giao cho đối tác, hoàn thành các hợp đồng ký kết vào cuối năm 2021. Đây là nguyên nhân khiến giá tôm thẻ thương phẩm tăng 10.000-15.000 đồng/kg so với một tháng trước.

Tư thương khó mua tôm

Trưa 20/2, nhiều xe tải của Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) chạy vào ấp Tổng Cáng của xã Liêu Tú để tìm mua tôm thẻ. Khu vực này nông dân thả giống cuối vụ 2021 khá muộn nên còn một số ao lót bạt, tôm đạt kích cỡ 60-80 con/kg.

Anh Lưu Trường Giang, đại diện kinh doanh của Công ty Tấn Phát cho biết 15 tấn tôm của nông dân ấp Tổng Cáng được doanh nghiệp mua với giá 115.000-125.000 đồng/kg. Giá này tăng 5.000-10.000 kg so với tuần trước.

Theo anh Giang, tôm tại ao loại 20 con/kg được công ty mua với giá 230.000 đồng/kg, 25 con giá 170.000 đồng. Tôm thẻ kích cỡ trung bình 50 con/kg giá 136.000 đồng, 60 con 125.000 đồng và 100 con là 98.000 đồng/kg.

“Trong vài ngày tới giá tôm sẽ tăng thêm vì gần cạn nguyên liệu. Nhiều cánh đồng nông dân đang cải tạo ao để thả giống”, anh Giang chia sẻ.

Trao đổi với Zing, ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Sủng ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), cho biết mua tôm loại 20 con/kg tại nhà máy với giá 240.000-245.000 đồng, loại 30 con 172.000 đồng/kg.

“Giá tôm nguyên liệu tăng trên 10.000 đồng/kg so với trước Tết. Năm nào vào thời điểm này giá tôm cũng tăng vì hồi cuối năm nông dân thu hoạch gần hết tôm. Bà con mới thả tôm giống 15-30 ngày”, ông Tuấn chia sẻ.

Tại chợ phường 2, TP Sóc Trăng, chủ vựa thủy sản Thu Hồng cho biết không chỉ tôm thẻ mà tôm sú cũng tăng giá so với trước Tết Nguyên đán 2022. Tôm càng xanh nông dân mang ra chợ bán với số lượng nhỏ giọt nên loại 5 con/kg giá 400.000 đồng, 8-10 con/kg giá 350.000 đồng.

Tại Bạc Liêu, tư thương Lê Văn Dũng ở xã Phước Long (huyện Phước Long) cho biết nhiều vựa thủy sản đã tạm ngưng cho xe và xuồng máy vào vùng nuôi quảng canh thu mua tôm. Lý do nông dân vùng tôm – lúa và nuôi tôm quảng canh đã rút hết nước trong ao, tranh thủ trời nắng để phơi đáy và bón vôi, khử khuẩn vùng nuôi.

Một số hộ thả giống sú chân đỏ muộn vào cuối năm 2021 tranh thủ thu hoạch “tôm cặn” bán với giá 190.000 đồng đối với loại 30 con/kg.

Ông Nguyễn Văn Sử ở ấp Phước Thọ Hậu, xã Phước Long cho biết tư thương khó mua tôm vì hết vụ nên nhiều người tạm ở nhà. Gia đình ông Sử cũng vừa bơm nước mặn vào ao để chuẩn bị thả giống nên khoảng 3 tháng sau mới có tôm để bán.

Xuất khẩu tôm đặt mục tiêu 3,9 tỷ USD

Theo khảo sát của Zing, không chỉ nông dân Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang mà vùng nuôi tôm quảng canh tại Cà Mau cũng cạn nguyên liệu. Nhiều nhà máy chế biến thủy sản tại Cà Mau đang lấy tôm lưu kho để sản xuất. Đây là nguyên liệu được các doanh nghiệp trữ lại vào giai đoạn dịch Covid-19 năm 2021 chưa được kiểm soát.

Anh Trịnh Văn Hiếu, nông dân xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cho biết giá tôm thẻ và sú giống ổn định so với năm 2021. Tùy theo quy mô sản xuất giống và vùng nuôi, giá tôm thẻ giống dao động từ 60-160 đồng/con; tôm sú giống 90-135 đồng/con.

“Tôm giống trôi nổi giá rẻ là 35-40 đồng/con. Tôm này ít người mua, chủ yếu bán về các vùng nuôi quảng canh hoặc tôm – lúa”, anh Hiếu nói.

Trước tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại các tỉnh, thành miền Tây, doanh nghiệp chế biến tôm kỳ vọng ngành thủy sản đạt được kim ngạch xuất khẩu tốt trong năm 2022.

Trong đó, Công ty TNHH Thủy sản Tài Kim Anh (Khu Công nghiệp An Nghiệp, Sóc Trăng) đưa chỉ tiêu đạt doanh thu 180 triệu USD trong năm nay, vượt 10% so với năm 2021.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản của cả nước trong năm 2022 là 8,9 tỷ USD. Trong đó, riêng con tôm, Vasep dự kiến đạt mục tiêu đề ra là 3,9 tỷ USD.

Việt Tường (ZingNews)


ĐBSCL: Cá tra xuất khẩu sốt giá

Những ngày gần đây, giá cá tra nguyên liệu ở các tỉnh ĐBSCL liên tục tăng cao và đang dao động ở mức “đỉnh điểm” trong hơn 2 năm qua. Đây là tín hiệu đáng mừng, song vào thời điểm này nhiều hộ nuôi không còn cá để bán…

Chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang.

Nhiều hộ nuôi tiếc nuối

Chỉ hơn một tuần trở lại đây, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL liên tục tăng vọt làm cho nông dân phấn khởi. Tuy nhiên, hiện tại người nuôi không đủ sản lượng để bán cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Ghi nhận tại vùng nuôi cá tra ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày này, nông dân đang tập trung chăm sóc ao cá nuôi của mình với niềm vui khi giá cá liên tục tăng cao. Ông Nguyễn Hữu Trí, thành viên HTX sản xuất và dịch vụ thủy sản Châu Thành, cho biết: “Gia đình có 4 ao nuôi cá tra (mỗi ao bình quân khoảng 400 tấn cá), hiện tại đang dồn sức chăm sóc chu đáo từ khâu cho ăn, nguồn nước luôn kiểm tra thường xuyên nhằm đảm bảo cho cá đạt chất lượng để xuất bán vào cuối tháng này”.

Cá tra được giá cao nhưng cần thận trọng mở rộng diện tích.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ thủy sản Châu Thành, vui mừng cho biết: “Sau hơn 2 năm cá tra rớt giá thê thảm khiến hàng loạt hộ nuôi ở ĐBSCL lỗ te tua thì những ngày qua giá tăng vọt. Nếu như đầu tuần trước giá cá tra còn ở mức 24.000 đồng/kg thì đến cuối tuần đã tăng lên hơn 26.000 đồng/kg. Hiện nay đã nhảy vọt từ 28.000-30.000 đồng/kg…”. Dù giá cá tra đang ở mức cao, nhưng 16 thành viên của HTX không có đủ sản lượng để bán cho các doanh nghiệp. Ông Bùi Văn Sự, ngụ xã An Nhơn, huyện Châu Thành, trầm ngâm: “Từ hôm tết 2022 đến nay giá cá tra diễn biến theo chiều hướng có lợi cho người nuôi nên ai cũng mừng. Dù vậy, do tác động của dịch Covid-19, cộng với các năm qua giá cá thấp khiến người nuôi lỗ nên chưa dám tái đầu tư…”.

Tại Vĩnh Long, An Giang, thành phố Cần Thơ… tình hình cũng tương tự. Ông Nguyễn Văn Tấn, ngụ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho hay, thời điểm trước tết 2022, giá cá tra còn thấp khoảng 23.800 đồng/kg, nhưng do ảnh hưởng ô nhiễm nguồn nước khiến các ao nuôi cá bị thiệt hại nhiều. Thế là gia đình tôi đã bán hơn 600 tấn cá nguyên liệu, chẳng có lời được gì, chưa kể doanh nghiệp mua cá nhưng còn thiếu nợ đến nay chưa trả dứt. Giờ giá cá tăng lên từ 28.000-30.000 đồng/kg, xem như có lãi từ 3.000-5.000 đồng/kg, nhưng cá trong dân không còn bao nhiêu…

Thận trọng khi ào ạt mở rộng diện tích

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty thủy sản Gò Đàng (Tiền Giang), phân tích: “Từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 thì thị trường tiêu thụ các sản phẩm cá tra trên thế giới đã có những chuyển biến tích cực với đơn đặt hàng tăng liên tục và giá xuất khẩu cũng tăng theo. Đến thời điểm sau tết, hầu hết các thị trường như châu Âu, Hoa Kỳ, châu Á… đều ráo riết tìm mua cá tra. Hiện các doanh nghiệp ở ĐBSCL đang xuất khẩu cá tra phi lê sang một số nước châu Âu với giá khoảng 3,5 USD/kg, thị trường Trung Quốc khoảng 3,2-3,4 USD/kg, riêng thị trường Hoa Kỳ do đòi hỏi chất lượng cao nên giá xuất từ 6 USD/kg trở lên… Đây là mức giá xuất khẩu thuộc dạng cao nhất trong khoảng 2 năm qua. Nguyên nhân cốt lõi là nguồn cung giảm, trong khi nhu cầu của thế giới tăng nên giá tăng theo”. Ông Đạo cho rằng, với giá cá tra nguyên liệu và giá xuất khẩu hiện tại thì người nuôi cá ở ĐBSCL và cả doanh nghiệp đều thuận lợi, đảm bảo hiệu quả trong sản xuất. Tuy nhiên, vẫn có cái khó là giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá cước tàu cũng tăng, trong khi tỷ lệ hao hụt khi nuôi cá còn nhiều, từ đó khiến chi phí giá thành của cá tra tăng và giảm một phần tính cạnh tranh.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định, từ nay đến quý II/2022 sản lượng cá có thể sụt giảm, không đáp ứng đủ nhu cầu cho các doanh nghiệp xuất khẩu, bởi thời gian giãn cách trước đó đã ảnh hưởng đến việc thả giống bị đứt gãy, gián đoạn. Qua nghiên cứu và nắm bắt thông tin từ doanh nghiệp thì đây là thời điểm tốt nhất, giá cá tra không chỉ ở mức như hiện nay mà có thể tăng thêm nữa. Cho thấy tín hiệu mừng để nông dân khôi phục, phát triển ngành nghề nuôi cá tra. Mặc dù vậy, người nuôi cũng cần thận trọng, không nên vội vàng mở rộng diện tích khiến dư thừa sản lượng và dẫn tới giá sụt giảm. Để phát triển bền vững, các hộ nuôi cá cần liên kết chặt với các doanh nghiệp, nhằm đưa ra phương án nuôi, thời điểm thu hoạch… hợp lý, chất lượng đảm bảo. Trong sản xuất cũng cần cân đối sản lượng cá tra vừa đủ hoặc thiếu một ít thì sẽ hạn chế tình trạng sụt giảm về giá.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đạo lưu ý: “Câu chuyện mỗi khi cá tra được giá thì nhiều nơi ùn ùn mở rộng diện tích, để rồi vài tháng sau đó thừa nguyên liệu và rớt giá trở lại, khiến người nuôi thua lỗ, được lặp đi lặp lại trong những năm trước đây. Vì vậy, lần tăng giá này chúng ta cần bình tĩnh đón nhận và đưa ra phương án ứng phó lâu dài theo hướng phát triển bền vững, không nóng vội chủ quan. Theo đó, cần phân tích kỹ nhu cầu tiêu thụ của từng thị trường trong thời gian tới để cung ứng sản phẩm cá tra phù hợp về chất lượng và giá cả. Không nên tăng quá nhiều diện tích nuôi cá, cũng như sản lượng; mà các tỉnh ĐBSCL cần liên kết, điều phối sao cho nguồn cung của cá tra luôn thấp hơn một chút so với nhu cầu thị trường thế giới. Có như vậy thì mới giữ được giá tốt khi xuất khẩu và đầu ra của người nuôi cá tra ở ĐBSCL sẽ được thuận lợi…”.

Bài, ảnh: HƯNG TÂN – AN QUỐC (Hậu Giang Online)


Sóc Trăng thích ứng an toàn, linh hoạt trong sản xuất nông nghiệp năm 2022

Phát huy kết quả đạt được của năm 2021, trong năm 2022 này, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng sẽ phát triển sản xuất với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong toàn ngành.

Năm 2021 được xem là năm có nhiều khó khăn, thách thức cho ngành Nông nghiệp Sóc Trăng, bởi đến giữa năm 2021 và các tháng về sau tình hình dịch bệnh Covid-19 xảy ra làm ảnh hưởng đến việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản của người dân, hàng loạt rau màu, trái cây rớt giá, làm giảm thu nhập của hộ sản xuất. Tuy nhiên, với cây lúa, mặc dù giá có giảm hơn so cùng kỳ các năm nhưng đầu ra ổn định, đã tạo động lực để bà con nông dân phát triển việc trồng lúa theo đúng lịch khuyến cáo thời vụ của ngành chuyên môn, đảm bảo diện tích lúa gieo trồng trên địa bàn toàn tỉnh. Sản lượng lúa đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Khép lại năm 2021 với nhiều khó khăn, mở ra năm 2022 đầy niềm vui, phấn khởi khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, người dân toàn tỉnh đón tết Nhâm Dần ấm áp, an toàn, đã tạo sự phấn khởi để việc trồng trọt, chăn nuôi của người dân tiếp tục phát triển trong năm mới 2022. Theo đó, để đạt kết quả tốt hơn trong sản xuất nông nghiệp năm 2022, đặc biệt là chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đề ra hàng loạt các giải pháp để lĩnh vực nông nghiệp tỉnh nhà phát triển toàn diện, đem lại nguồn thu cho ngân sách địa phương, nhất là nâng cao đời sống người dân nông thôn.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng rất quan tâm đến việc phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là cây lúa. Ảnh: THÚY LIỄU

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng thông tin, về các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong năm 2022 thì cây lúa với sản lượng đạt trên 2 triệu tấn, trong đó lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 76%; màu và cây công nghiệp ngắn ngày với diện tích gieo trồng 56.000ha và cây ăn trái diện tích 29.200ha; về chăn nuôi đàn gia súc 303.600 con, đàn heo 237.000 con, đàn gia cầm 7 triệu con và sản lượng tôm nước lợ 196.000 tấn. Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) sẽ có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới và có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Cùng với đó, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt trên 213 triệu đồng/ha.

Để đạt được các chỉ tiêu nêu trên, đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, ngành nông nghiệp đề ra các giải pháp trọng tâm thực hiện đó là về lĩnh vực trồng trọt, tập trung triển khai tốt Dự án Phát triển lúa đặc sản, Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, hình thành vùng sản xuất lúa đặc sản, bố trí cơ cấu lại mùa vụ sản xuất phù hợp với lợi thế của từng vùng, giảm canh tác lúa vụ 3 ở những vùng điều kiện khó khăn, khuyến khích phát triển sản xuất 2 vụ lúa/năm, chọn và nhân rộng một số giống lúa có chất lượng cao, đặc biệt là các giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu. Chuyển đổi đất vườn, đất trồng cây hiệu quả kinh tế cao và đẩy mạnh hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất theo quy trình GAP, VietGAP, GlobalGAP.

Đối với chăn nuôi, từng bước chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại; hình thành vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đầu tư công tác giống chăn nuôi, nhất là giống bò và gia cầm năng suất cao. Xây dựng và triển khai Đề án Phát triển tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 – 2025, phát huy tiềm năng điều kiện tự nhiên về nuôi tôm nước lợ, năng lực chế biến thủy sản và phát triển ngành tôm của tỉnh theo hướng bền vững, sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho XDNTM để xây dựng kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và dân sinh…

THÚY LIỄU (Báo Sóc Trăng điện tử)


Cà Mau: Liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm

Tổ chức lại mô hình sản xuất lúa – tôm trên địa bàn tỉnh, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành có liên quan và chính quyền địa phương đã tích cực triển khai xây dựng các mô hình liên kết. Trong đó, các hợp tác xã (HTX) chủ động tham gia mô hình với mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo đầu ra ổn định.

Được đánh giá là một trong những HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả nhất trên địa bàn huyện Thới Bình, HTX nông nghiệp Dân Phát (xã Biển Bạch Ðông) tích cực tham gia vào các chương trình, dự án lúa – tôm và đạt hiệu quả cao. Nhiều năm liền, HTX là điểm sáng để nông dân và các HTX khác học hỏi, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Năm nay, với định hướng tổ chức lại mô hình sản xuất lúa – tôm trên địa bàn tỉnh, HTX Dân Phát tiếp tục được Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú chọn thực hiện phương án liên kết sản xuất mô hình tôm – lúa làm chứng nhận quốc tế và bao tiêu sản phẩm.

Nói về thành công của các dự án trước đây, ông Trịnh Hoàng Cung, Giám đốc HTX Dân Phát, cho biết: “Việc tham gia các dự án đem lại nhiều quyền lợi cho HTX và các xã viên. Không chỉ được hỗ trợ về giống, thức ăn mà sản phẩm làm ra còn đáp ứng định hướng của thị trường hiện nay như lúa sạch, lúa hữu cơ, tôm sạch, tôm càng xanh toàn đực… Qua đó, giá bán luôn ổn định, bằng hoặc cao hơn giá thị trường ở sản phẩm cùng loại, do đã ký kết các hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh”.

Có sự liên kết chặt chẽ với ngành chức năng chuyên môn cũng như doanh nghiệp giúp các HTX kịp thời khắc phục khó khăn khi đối mặt với dịch bệnh, thời tiết không thuận lợi. Ông Cung cho biết: “Năm 2020 là năm cực kỳ khó khăn khi mùa vụ đối diện với mưa lớn kéo dài và liền sau đó là nắng hạn. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ tích cực của Phòng Nông nghiệp – Sở NN&PTNT mà vụ lúa năm đó vẫn thành công. Năng suất lúa trung bình từ 3-4 tấn/ha, HTX mua vào được hơn 250 tấn lúa”.

Ông Trịnh Hoàng Cung kiểm tra ao dèo tôm trước khi thả ra vuông.

Vụ lúa – tôm vừa qua đã mang đến thành công lớn hơn cho các thành viên HTX Dân Phát khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Năng suất trung bình đạt từ 5-6 tấn/ha, có những hộ đạt từ 8 tấn/ha. Giá công ty bao tiêu mua 7.800 đồng/kg, riêng lúa hữu cơ của HTX đạt mức giá 8.300 đồng/kg. Ðây là tín hiệu tích cực, tạo dựng niềm tin cho người dân vùng lúa – tôm mạnh dạn tham gia các mô hình kinh tế hợp tác cũng như mạnh dạn trồng các loại giống lúa chất lượng cao theo nhu cầu của thị trường hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Ðức, ấp Huỳnh Nuôi, xã Biển Bạch Ðông, cho biết: “Mô hình lúa – tôm đã nâng cao kinh tế cho gia đình. Chính quyền xã tích cực kết hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn khoa học – kỹ thuật cho nông dân, qua đó giúp nông dân trồng lúa, nuôi tôm khoa học hơn, thay vì dựa vào kinh nghiệm như trước đây. Hiện có khá nhiều mô hình liên kết sản xuất, nông dân thả nuôi giống chất lượng cao, đồng thời với đó là các mô hình lúa sạch, lúa hữu cơ được triển khai, năng suất và giá trị lúa, tôm cao hơn, đầu ra đảm bảo hơn. Có thể nói đây là hướng đi mà nông dân chúng tôi muốn hướng đến nhằm đảm bảo ổn định kinh tế và đầu ra ổn định khi chúng tôi ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với HTX, doanh nghiệp”.

Chủ trương tổ chức lại mô hình sản xuất lúa – tôm được sự đồng thuận lớn của người dân. Nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng và triển khai các dự án đầu tư, dự án liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, qua đó giúp người dân có nhiều lựa chọn đối tác hơn, tránh tình trạng độc quyền về đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, việc ký kết các hợp đồng bao tiêu cần chặt chẽ hơn nữa, tránh tình trạng các bên vi phạm nhưng không có căn cứ để xử lý.

Ông Cung cho biết: “Năm vừa rồi vẫn có tình trạng doanh nghiệp không mua đủ số lượng lúa cho nông dân, mặc dù số lượng không nhiều nhưng cũng đã gây thiệt hại cho người dân khi họ phải bán ra thị trường, giá thấp hơn giá đã ký với doanh nghiệp”.

Hiện tại, HTX Dân Phát có 12 hộ tham gia liên kết sản xuất mô hình tôm – lúa làm chứng nhận quốc tế và bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú. Ông Cung cho biết: “Hiện tại, các xã viên đã bắt đầu thả tôm, riêng 12 hộ thuộc mô hình trên cũng đã thả tôm xuống ao dèo và tôm đang phát triển tốt. Vừa qua, công ty cũng như Trường Ðại học Cần Thơ đã tập huấn và lấy mẫu thử để đánh giá mức độ hiệu quả khi triển khai các mô hình tôm – lúa như lúa sạch, lúa hữu cơ, tôm sinh thái… đánh giá bước đầu khả quan”.

Ông Cung đưa ra quan điểm: “Mong muốn của HTX là chúng ta chọn doanh nghiệp tham gia và các mô hình liên kết thì ngành chức năng cần xem xét kỹ để đánh giá uy tín, cũng như năng lực của công ty, doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi của nông dân. Cần có chế tài xử lý những trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nội dung hợp đồng đã ký kết, qua đó người dân sẽ tin tưởng hơn vào các mô hình liên kết, cũng như tích cực tham gia vào các HTX trên địa bàn. Bên cạnh đó, với các mô hình nuôi tôm sinh thái, doanh nghiệp cần đảm bảo giá trị đầu ra phải cao thì người dân mới mạnh dạn thả nuôi, vì đây là mô hình đòi hỏi phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt để đạt điều kiện. Nếu quá thấp thì không mấy người mặn mà”./.

Ðặng Duẩn (Cà Mau Online)


Bảng giá thủy sản tuần 14/02/2022 – 20/02/2022

Bảng giá một số mặt hàng thủy sản cập nhật mới nhất hôm nay, giá thủy sản tuần 14/02/2022 – 20/02/2022.

TÊN MẶT HÀNG ĐƠN GIÁ (VNĐ) ĐƠN VỊ TÍNH  NGÀY BÁO GIÁ ĐỊA PHƯƠNG
Cá tra thịt trắng 40.000 – 44.000 đồng/kg 17/2/2022 An Giang
Lươn loại 2 160.000 – 170.000 đồng/kg 17/2/2022 An Giang
Lươn loại 1 180.000 – 190.000 đồng/kg 17/2/2022 An Giang
Ếch nuôi 55.000 – 60.000 đồng/kg 17/2/2022 An Giang
Tôm càng xanh 230.000 – 240.000 đồng/kg 17/2/2022 An Giang
Cá lóc nuôi 48.000 – 50.000 đồng/kg 17/2/2022 An Giang
Cá nàng hai 49.000 – 52.000 đồng/kg 17/2/2022 An Giang
Cá điêu hồng 45.000 – 50.000 đồng/kg 17/2/2022 An Giang
Cá rô phi 32.000 – 35.000 đồng/kg 17/2/2022 An Giang
Tôm thẻ 60 con/kg 120.000 đồng/kg 17/2/2022 Trà Vinh
Tôm thẻ 50 con/kg 135.000 đồng/kg 17/2/2022 Trà Vinh
Tôm thẻ 40 con/kg 156.000 đồng/kg 17/2/2022 Trà Vinh
Tôm thẻ 30 con/kg 183.000 đồng/kg 17/2/2022 Trà Vinh
Tôm thẻ 25 con/kg 205.000 đồng/kg 17/2/2022 Trà Vinh
Cua thịt 300.000 đồng/kg 16/2/2022 Bạc Liêu
Cá he thịt tại ao 51.000 đồng/kg 16/2/2022 Đồng Tháp
Cua gạch 450.000 đồng/kg 16/2/2022 Bạc Liêu
Lươn loại 1 (4-5 con/kg) tại trại 140.000 đồng/kg 16/2/2022 Đồng Tháp
Cá bống tượng loại I 280.000 đồng/kg 16/2/2022 Hồ Chí Minh
Lươn Nhật (450g) 400.000 đồng/kg 16/2/2022 Bạc Liêu
Cá rô đầu nhím tại ao 34.000 đồng/kg 16/2/2022 Long An
Cá tra mỡ vàng 17.000 đồng/kg 16/2/2022 Đồng Tháp
Cá mè hoa tại ao 11.000 đồng/kg 16/2/2022 Thanh Hóa
Cá tra bột 2 đồng/con 16/2/2022 Đồng Tháp
Tôm sú 40 con (ao) 205.000 đồng/kg 16/2/2022 Trà Vinh
Tôm sú 30 con (ao) 260.000 đồng/kg 16/2/2022 Trà Vinh
Tôm sú loại 20 con tại ao 350.000 đồng/kg 16/2/2022 Trà Vinh
Tôm thẻ (100con/kg) tại ao 99.000 đồng/kg 16/2/2022 Kiên Giang
Tôm thẻ (80con/kg) tại ao 108.000 đồng/kg 16/2/2022 Kiên Giang
Tôm thẻ 50 con/kg tại ao 137.000 đồng/kg 16/2/2022 Kiên Giang
Cá mú loại 1 con/kg 200.000 đồng/kg 16/2/2022 Khánh Hòa
Cá trắm cỏ tại ao 52.000 đồng/kg 16/2/2022 Hải Dương
Tôm càng xanh loại 6-15 con/kg 155.000 đồng/kg 16/2/2022 Đồng Tháp
Tôm càng xanh loại 15-20 con/kg 120.000 đồng/kg 16/2/2022 Bạc Liêu
Ếch (tại trại) 37.000 đồng/kg 16/2/2022 Đồng Tháp
Cá trê vàng tại ao 42.000 đồng/kg 16/2/2022 Đồng Tháp
Cá kèo tại ao (40 con/kg) 105.000 đồng/kg 16/2/2022 Bạc Liêu
Cá thát lát còm 51.000 đồng/kg 16/2/2022 Đồng Tháp
Cá tra giống 30-35 con/kg 42.000 đồng/kg 16/2/2022 Đồng Tháp
Cá tra tại ao 30.000 đồng/kg 16/2/2022 Đồng Tháp
Cá chép tại ao 33.000 đồng/kg 16/2/2022 Hải Dương
Cá sặc rằn tại ao 52.000 đồng/kg 16/2/2022 Long An
Cá lóc nuôi tại ao 28.000 đồng/kg 16/2/2022 An Giang
Cá rô tại ao 35.000 đồng/kg 16/2/2022 Tây Ninh
Cá rô phi (tại ao) 31.000 đồng/kg 16/2/2022 Hải Dương
Cá điêu hồng tại ao 31.000 đồng/kg 16/2/2022 Đồng Tháp
Tôm thẻ (80con/kg) tại ao 111.000 đồng/kg 15/2/2022 Cà Mau
Tôm thẻ (50con/kg) tại ao 136.000 đồng/kg 15/2/2022 Cà Mau
Tôm sú 40 con (ao) 205.000 đồng/kg 15/2/2022 Bạc Liêu
Tôm sú 30 con (ao) 290.000 đồng/kg 15/2/2022 Bạc Liêu
Tôm sú loại 20 con tại ao 390.000 đồng/kg 15/2/2022 Bạc Liêu

Cần Thơ: Giá cá tra nguyên liệu tăng

So với cách nay khoảng 2 tháng, giá cá tra nguyên liệu xuất khẩu tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL đã tăng ít nhất từ 3.000-4.000 đồng/kg và đang ở mức cao nhất trong hơn 1 năm qua.

Những ngày gần đây, cá tra nguyên liệu (cá thịt trắng, cỡ 700-900gr/con) tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh như An Giang, Ðồng Tháp, Bến Tre… được người nuôi cá bán cho doanh nghiệp với giá 26.000-27.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm trước giá chỉ ở mức trên dưới 20.000 đồng/kg. Giá cá tra nguyên liệu tăng do được nhiều đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để chế biến xuất khẩu và chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu thị trường đang tăng cao. Bên cạnh đó, nguồn cung cá tra nguyên liệu tại nhiều địa phương giảm do người dân giảm nuôi tạo điều kiện cho giá nhích lên.

Thu hoạch cá tra tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.​

Theo hộ dân nuôi cá tra, với giá bán hiện nay, nếu nuôi cá đạt sản lượng tốt và cá ít bị hao hụt, người nuôi có thể đạt mức lời từ 3.000-4.000 đồng/kg cá tra thương phẩm. Dự báo giá cá tra nguyên liệu có khả năng còn nhích lên trong thời gian tới do nhu cầu xuất khẩu tăng và nguồn cung có phần hạn chế.

Theo đà tăng của giá cá tra nguyên liệu, giá cá tra giống hiện cũng tăng ít nhất 2.000-4.000 đồng/kg so với trước đây. Tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL, cá tra giống loại 30-40 con/kg có giá từ 35.000-37.000 đồng/kg. Giá cá tra nguyên liệu tăng thúc đẩy người dân tại nhiều nơi mua con giống để nuôi cá tra thương phẩm.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG (Báo điện tử Cần Thơ)


Sóc Trăng: Chuẩn bị sẵn sàng cho vụ nuôi tôm nước lợ năm 2022

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Sóc Trăng, năm 2022, lượng mưa khu vực nước ta và các vùng lân cận có xu hướng xấp xỉ trên trung bình nhiều năm từ tháng 1 đến tháng 6-2022, kèm theo đó tình hình xâm nhập mặn mùa khô sẽ xuất hiện sớm hơn và có khả năng sẽ xâm nhập sâu trong sông cách cửa biển từ 20 – 25km…

Theo nhận định của ngành chuyên môn về mùa vụ nuôi tôm năm 2021 trên địa bàn tỉnh (diện tích thả nuôi 53.000ha, sản lượng ước đạt hơn 189.000 tấn, tỷ lệ tôm nuôi thiệt hại chiếm khoảng 6%…), đây là một trong những thành công trong công tác chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Sóc Trăng trong việc bố trí khung lịch mùa vụ thả nuôi tôm phù hợp từng vùng nuôi tại các địa phương trong tỉnh. Cùng với đó, người nuôi tuân thủ đúng lịch thả nuôi nên đã góp phần để vụ nuôi tôm năm 2021 đạt thành quả tốt đẹp.

Tại một số địa phương, hộ nuôi tôm đang cải tạo ao chuẩn bị sẵn sàng cho mùa vụ thả nuôi tôm nước lợ năm 2022. Ảnh: TL

Kết quả sản xuất tôm nước lợ 2021 và khung lịch mùa vụ thả nuôi tôm năm 2022 của Tổng cục Thủy sản, Sở NN-PTNT Sóc Trăng đã xây dựng lịch thả giống vụ tôm nuôi nước lợ năm 2022 để các địa phương nuôi tôm áp dụng phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng nuôi, đảm bảo việc thả giống tôm theo đúng lộ trình lịch mùa vụ. Theo đồng chí Quách Thị Thanh Bình – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, thời gian bắt đầu thả giống tôm nuôi nước lợ từ ngày 10-1-2022 và sẽ kết thúc vào ngày 30-9-2022; trong đó đối với tôm thẻ chân trắng thả giống từ ngày 10-1-2022 đến ngày 30-9-2022 và tôm sú thả giống từ ngày 10-3-2022 đến ngày 30-9-2022. Đối với mô hình tôm – lúa, bố trí thả nuôi tôm, thu hoạch kết thúc trước tháng 9-2022 để chuẩn bị cho việc trồng lúa. Đối với các vùng, cơ sở nuôi, nhất là hộ nuôi nhỏ lẻ không đáp ứng đủ điều kiện nuôi, cụ thể là không chủ động được nguồn nước, để hạn chế bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh đốm trắng và các yếu tố môi trường bất lợi thì hạn chế không thả nuôi vào các khoảng thời gian thời tiết khắc nghiệt (dự báo tháng 4 thời tiết nắng nóng, độ mặn cao và tháng 6 – 7 thời tiết mưa dầm). Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp, trang trại nuôi quy mô lớn có khả năng đáp ứng yêu cầu điều kiện nuôi, mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, nuôi 2 hay nhiều giai đoạn có thể bố trí rải vụ quanh năm nhưng cần chủ động dự trữ nước, nuôi nước, có giải pháp ứng phó với thời tiết bất lợi.

Cũng theo đồng chí Quách Thị Thanh Bình, tất cả các mô hình nuôi tôm nước lợ nên chú trọng vận dụng các mô hình nuôi hiệu quả như: mô hình nuôi 2 giai đoạn, mô hình ứng dụng vi sinh, mô hình kết hợp cá rô phi/cá chẽm/cá đối hoặc tôm càng xanh toàn đực với tôm thẻ hoặc tôm sú và đặc biệt là mô hình đa dạng hóa sinh học trong ao nuôi, nuôi ao lót bạt…

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã – Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng cho rằng, để vụ tôm nuôi nước lợ năm 2022 tiếp tục thành công hơn nữa cả về sản lượng và năng suất theo mục tiêu ngành nông nghiệp đề ra với diện tích thả nuôi 51.000ha, sản lượng 196.000 tấn, ngành Nông nghiệp tỉnh đề nghị phòng NN-PTNT, phòng kinh tế các huyện, thị xã, thành phố (có nuôi tôm nước lợ) tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương xây dựng lịch thả giống cụ thể cho từng tiểu vùng sản xuất và hướng dẫn nông dân chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất, đặc biệt là vùng sản xuất huyện Mỹ Xuyên phải đảm bảo duy trì và giữ vững mô hình tôm – lúa.

“Song song đó, về góc độ chuyên môn, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị liên quan trực thuộc sở tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, giới thiệu và hướng dẫn người nuôi tôm áp dụng các mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả, kỹ thuật nuôi tôm và hướng dẫn sử dụng vật tư đầu vào trong nuôi tôm đạt hiệu quả cũng như ứng phó với hạn, mặn, thời tiết bất lợi và phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, ngành nông nghiệp sẽ thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến tình hình nuôi, môi trường, thời tiết và cảnh báo dịch bệnh. Trường hợp cần thiết sẽ điều chỉnh lịch thả giống cho phù hợp với điều kiện sản xuất” – đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã thông tin thêm.

THÚY LIỄU (Báo Sóc Trăng)


Vĩnh Long: Khuyến cáo xuống giống lúa Hè Thu “né rầy, tránh mặn”

Để đảm bảo an toàn trước nguy cơ ảnh hưởng của hạn, mặn, thiếu nước và sâu bệnh hại, Sở Nông nghiệp- PTNT khuyến cáo lịch thời vụ xuống giống vụ lúa Hè Thu bố trí theo hướng tập trung “né rầy”, đồng loạt trên từng khu vực, dứt điểm từ 10- 15 ngày/đợt/vùng. Đồng thời tránh thời gian cây lúa dễ mẫn cảm với hạn, mặn ở giai đoạn mạ.

Toàn tỉnh có kế hoạch gieo sạ 47.000ha, chia làm 3 đợt chính: Đợt 1 xuống giống 7.000ha (từ 27/1- 25/2) phân bố ở khu vực ven QL54 thuộc TX Bình Minh, Tam Bình; các xã ở huyện Bình Tân, Long Hồ và các xã phía Bắc huyện Tam Bình; vùng ven sông Cổ Chiên thuộc Mang Thít và Vũng Liêm.

Đợt 2 xuống giống 30.000ha (từ 12/3- 10/4), đây là đợt xuống giống chính của tỉnh phân bố hầu hết tại các địa phương. Đợt 3 xuống giống 10.000ha (từ 25/4- 10/5) ở các vùng: trung tâm, trũng, nhiễm mặn, vùng chưa chủ động bơm tác và đê bao chưa hoàn chỉnh.

Cơ cấu giống phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao, giống xác nhận hoặc tương đương để gieo sạ. Trong đó, nhóm giống chủ lực có: OM5451, OM4900, OM6976, Đài Thơm 8, OM18, OM380… và nhóm giống bổ sung thích ứng tốt với hạn, mặn như: LH8, OM2517, OM9577, OM9955…

MỸ TRUNG (Báo Vĩnh Long)


Chọn được 3 giống lúa triển vọng mang thương hiệu đặc trưng của Hậu Giang

Ngày 16-2, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Hậu Giang đã tổ chức Hội thảo đánh giá giống lúa thuộc đề tài “Nghiên cứu, chọn tạo giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được phèn, mặn, sâu bệnh và thích nghi tốt với điều kiện canh tác tại Hậu Giang”. Hội thảo có sự tham gia, đánh giá của 23 đại biểu là cán bộ nông nghiệp, thành viên hợp tác xã, đại diện doanh nghiệp kinh doanh lúa, gạo trong và ngoài tỉnh.

Hội thảo đã tiến hành đánh giá 27 giống lúa được trồng vụ Đông xuân 2021-2022, tại khu thí nghiệm của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Hậu Giang, ở ấp Trường Phước A, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A. Theo nhận xét của các chuyên gia, có nhiều giống lúa triển vọng, đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu mà đề tài đề ra. Qua đánh giá, đối chứng với các giống lúa như OM18, ST24, có 3 giống lúa được chọn và có tỷ lệ đánh giá cao là H28-26-1, H28-11-2 và H37-1.

Các đại biểu tiến hành đánh giá giống lúa tại khu thí nghiệm của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Hậu Giang.

Đề tài “Nghiên cứu, chọn tạo giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được phèn, mặn, sâu bệnh và thích nghi tốt với điều kiện canh tác tại Hậu Giang” là nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tỉnh, được thực hiện từ năm 2019, do ông Phan Quốc Thứ, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Hậu Giang, làm chủ nhiệm. Đến nay, đề tài đã qua 3 vụ sản xuất thử nghiệm. Hội thảo trên là cơ sở để ban chủ nhiệm đề tài tiếp tục nghiên cứu. Kỳ vọng đến năm 2024, sẽ tìm ra được 2 giống lúa có năng suất, chất lượng cao, mang thương hiệu đặc trưng của tỉnh Hậu Giang.

Tin, ảnh: ĐANG THƯ (Hậu Giang Online)


Bến Tre: Thạnh Phú nhân rộng các mô hình tôm – lúa

Trong những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng phức tạp nên nông dân đã quan tâm hơn đến việc đầu tư công trình nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thông qua các mô hình nuôi đa canh, đa con trên cùng đơn vị diện tích. Kinh nghiệm sản xuất ngày càng tốt hơn thông qua các lớp tập huấn, hội thảo được các cơ quan chức năng tổ chức hàng năm từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình. Điển hình như mô hình tôm – lúa tại huyện Thạnh Phú.

Tôm càng xanh toàn đực – lúa

Huyện Thạnh Phú có tổng diện tích nuôi tôm sú, thẻ (quảng canh cải tiến, tôm lúa, tôm rừng, tôm thâm canh) khoảng 18 ngàn ha. Sản lượng thu hoạch khoảng 17 ngàn tấn. Diện tích thả nuôi tôm – lúa ước trên 6,3 ngàn ha. Các đối tượng nuôi xen chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh. Năng suất trung bình đạt 500kg/ha. Sản lượng khoảng 3.200 tấn.

Mô hình nuôi luân canh tôm càng xanh toàn đực – lúa của hộ ông Trần Văn Ham (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú).

Ông Đỗ Văn Khuyên, ấp An Ninh, xã An Thuận cho biết, ông có 8.000m2 canh tác tôm – lúa. Được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, gia đình ông được chọn để thực hiện mô hình trình diễn “Nuôi luân canh tôm càng xanh toàn đực – lúa”. Trong quá trình nuôi, gia đình ông được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ về kỹ thuật và kinh phí thực hiện, gồm: 50% giống tôm càng xanh toàn đực và 50% thức ăn và chế phẩm sinh học. Trong thời gian thực hiện, tôm sinh trưởng, phát triển tốt và đang tiếp tục theo dõi, chăm sóc.

Theo ông Khuyên, trước khi thả con giống nuôi, ông tiến hành tháo cạn nước, dọn sạch cây cỏ, vét bùn đáy, đắp bờ bao chắc chắn. Sau đó, ông tiến hành bón vôi; lấy nước vào qua lưới lọc từ cống. Mực nước trong ruộng nuôi từ 0,8m; diệt tạp (dùng saponin để diệt cá tạp với liều lượng 10kg/1.000m3); dọn sạch rong tảo trên ruộng, cỏ dại xung quanh bờ. Khi thả giống cần đảm bảo ao đã được cải tạo sạch, an toàn và có trang bị giàn quạt tạo oxy cho tôm. Sau 10 ngày tiến hành gây màu nước mới tiến hành thả tôm; lựa chọn con giống khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều. Nên cho tôm ăn 2 lần/ngày. Trong quá trình nuôi thường xuyên bổ sung men tiêu hóa giúp tôm bắt mồi và chuyển hóa thức ăn tốt hơn, hạn chế một số bệnh về đường ruột.

Sau 5 tháng thực hiện mô hình, tôm phát triển tốt và tỷ lệ tôm sống trên 65%, kích cỡ 18,2g/con (55 con/kg). Năng suất khoảng 660kg/ha.

Về kỹ thuật ương giống, cần chuẩn bị ao ương diện tích từ 200m2 trở lên tùy theo quy mô của từng hộ. Mật độ thả ương 100 con/m2. Sử dụng thức ăn công nghiệp và cho ăn 4 lần/ngày. Định kỳ 5 – 7 ngày thay nước một lần, mỗi lần thay từ 20 – 50% tùy theo màu nước và thời gian ương. Sau 1 – 2 tháng ương thì tiến hành thu hoạch chuyển sang nuôi thương phẩm.

Dự án mô hình tôm – lúa An Nhơn

Xã An Nhơn là địa bàn có diện tích nuôi tôm – lúa cao nhất huyện với 1.783ha. Năm 2016, xã An Nhơn thành lập tổ hợp tác lúa sạch, với 17 thành viên, diện tích 78ha. Năm 2017, xã An Nhơn thành lập Hợp tác xã lúa – tôm Thạnh Phú và duy trì phát triển. Đến nay, có 133 thành viên tham gia.

Hàng năm, hợp tác xã tổ chức đại hội thường niên và liên kết với các đơn vị trong và ngoài tỉnh như: Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư, Trường Đại học Trà Vinh, Công ty Lio Thái… tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật, hỗ trợ liên kết đầu vào, đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Mai Văn Hùng: Năm 2021, người dân sản xuất các giống lúa chính như: OM5451, OM4900, OM6162, OC10, ST24, ST25, Đài thơm 8 và một số giống lúa mùa địa phương như: Nàng keo, Nhỏ hương, Tép trắng… Diện tích xuống giống trong vùng tôm – lúa là 6.317ha. Năng suất bình quân 4,5 tấn/ha. Sản lượng trên 28.500 tấn.

Công ty lương thực, doanh nghiệp, thương lái các nơi đến thu mua với giá từ 8.500 – 10.000 đồng/kg đã đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Cụ thể, Công ty Lương thực Bến Tre hợp đồng thu mua lúa tại xã An Nhơn, An Điền giống lúa OM4900, ST24, với diện tích 50ha, giá từ 8.500 – 10.500 đồng/kg. Công ty cổ phần nông sản hữu cơ Hoa Nắng hợp đồng thu mua sản phẩm lúa sạch và lúa hữu cơ của nông dân xã An Nhơn giống lúa OM4900, ST24, với diện tích 50ha, giá từ 8.500 – 10.500 đồng/kg.

Trong năm 2021, xã An Nhơn đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Tổ chức WWF, Công ty tập đoàn thủy sản Minh Phú, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú để khảo sát chọn khu vực triển khai thực hiện “Dự án mô hình tôm – lúa An Nhơn” thuộc ấp An Bình. Quy mô dự án gồm 18 hộ tham gia, 19 ao nuôi, với tổng diện tích 28,1ha, diện tích mặt nước thả nuôi 25,09ha.

Đến nay, Công ty tập đoàn thủy sản Minh Phú hỗ trợ tôm giống đợt 1 từ ngày 9 đến 15-1-2022, đợt 2 từ ngày 4 đến 16-4-2022. Theo dự án, Công ty tập đoàn thủy sản Minh Phú sẽ hỗ trợ người dân trong vùng dự án về con giống,  bao tiêu đầu ra sản phẩm. Các mô hình có khả năng nhân rộng tại các xã có phong trào nuôi thủy sản – lúa và nằm trong quy hoạch phát triển nuôi tôm – lúa của tỉnh.

Theo ông Huỳnh Nhật Đông – Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mô hình tôm càng xanh toàn đực – lúa được khẳng định là hướng sản xuất hiệu quả, bền vững, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Đây là mô hình luân canh khép kín, có tính hỗ trợ lẫn nhau, canh tác phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu. Mặt khác, mô hình này cũng đã hạn chế những tác động tiêu cực với môi trường xung quanh. Qua đó, giữ vững và mở rộng thương hiệu “Lúa – gạo sạch Thạnh Phú” vốn đã được xây dựng trong nhiều năm, từng bước hướng đến xây dựng một nền sản xuất hàng hóa sạch thích ứng biến đổi khí hậu.

Bài, ảnh: C. Trúc (Báo Đồng Khởi)


Trà Vinh: Tỷ phú nuôi tôm thâm canh mật độ cao

Gần đây, phong trào nuôi tôm thâm canh mật độ cao trên địa bàn huyện Cầu Ngang ngày càng phát triển. Tuy nhiên, vụ nuôi năm 2021 do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên giá tôm giảm mạnh, làm cho không ít nông dân bị thua lỗ và giảm lợi nhuận.

Hiệp Mỹ Đông là một trong những xã vùng mặn có thế mạnh nuôi thủy sản. Năm 2021, xã có 4.439 hộ nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cua biển và cá các loại với tổng sản lượng 4.483 tấn, đạt 93,98% nghị quyết. Qua đó, có 2.197 lượt hộ nuôi đạt lợi nhuận. Chúng tôi có dịp gặp và trao đổi kinh nghiệm cũng như kỹ thuật nuôi tôm thâm canh mật độ cao của những tỷ phú tôm vùng ngập mặn.

Nông dân Nguyễn Quốc Cường, ấp Rạch, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang cho biết: những năm trước, phong trào nuôi tôm công nghệ cao bắt đầu nở rộ, ông đầu tư kết cấu hạ tầng và thiết kế ao hồ chuyển từ nuôi tôm thâm canh sang nuôi thâm canh mật độ cao với diện tích canh tác 1,8ha. Năm đầu tiên, ông thả nuôi thử nghiệm 01 ao trên diện tích 3.500m2, do kinh nghiệm còn hạn chế nên thất bại.

Ao nuôi tôm của gia đình ông Nguyễn Quốc Cường.

Không nản lòng, ông tìm tòi, học hỏi từ những hộ nuôi khác kết hợp với kiến thức đúc kết từ hướng dẫn của cán bộ ngành chuyên môn cũng như hỗ trợ kỹ thuật của đơn vị cung cấp con giống, thức ăn, ứng dụng khoa học – công nghệ phục vụ vào việc nuôi tôm nên liên tiếp những vụ tiếp theo ông trúng đậm, lợi nhuận đạt từ 500 – 600 triệu đồng/năm. Những năm sau, ông mạnh dạn mở rộng thêm 02 ao nuôi tương tự mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vụ nuôi năm 2021, với 03 ao nuôi, ông thả 02 đợt/năm, mỗi đợt thả nuôi 600.000 con tôm thẻ chân trắng giống với tổng sản lượng đạt trên 33 tấn, tổng thu nhập 3,3 tỷ đồng, lợi nhuân trên 01 tỷ đồng. Năm 2022, ngoài diện tích trên, ông thuê thêm 01ha đất đầu tư nuôi tôm thâm canh mật độ cao. Hiện, ông đã sẵn sàng và chờ thời tiết, môi trường nước ổn định ông thả nuôi vụ mới.

Theo ông Cường, nuôi tôm thâm canh mật độ cao đòi hỏi vốn cao, kỹ thuật cao, người nuôi cần thay đổi tư duy và cách làm mới so với cách nuôi truyền thống. Đặc biệt, đầu tư trang thiết bị trong ao nuôi, trải bạt hoàn toàn kiểm soát dịch bệnh, hệ thống xử lý nước thải cần xử lý kỹ và đầy đủ hơn so với ao nuôi truyền thống trước đây. Trong quá trình nuôi cấp thoát nước mỗi ngày, ở giai đoạn đầu, người nuôi cần bố trí liều lượng thức ăn đầy đủ, quan trọng bổ sung hàm lượng Vitamin C, men tiêu hóa và các loại thuốc, thức ăn có sức đề kháng cao giúp tôm nuôi phòng ngừa các loại bệnh thông thường, mau lớn và kháng được các loại bệnh nguy hiểm như hoại tử gan tụy.

Khác với ông Cường, nông dân Nguyễn Văn Trãi, ấp Cái Già Trên, xã Hiệp Mỹ Đông ứng dụng công nghệ nuôi tôm thâm canh mật độ cao chia thành nhiều giai đoạn nhằm kiểm soát dịch bệnh, nguồn thức ăn, môi trường nước như giai đoạn ương tôm giống, giai đoạn tôm nhỏ, giai đoạn tôm lớn… nhờ áp dụng phương thức chia tôm nuôi thành nhiều giai đoạn nên tôm nuôi luôn tránh được dịch bệnh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Trãi, với 1,4ha đất trước đây, ông nuôi tôm hình thức thâm canh (ao đất) những năm đầu lợi nhuận từ 100 – 200 triệu đồng/năm. Nuôi trong thời gian dài, đáy ao bị ô nhiễm, mang mầm bệnh, những ao nuôi không thành công ngày càng nhiều. Từ đó, ông tham quan nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ lót bạt đáy và nhận thấy mô hình nuôi mới này có thể kiểm soát được môi trường nước, dịch bệnh, quan trọng là tỷ lệ tôm sống khá cao trên 90% so với thiết kế ao nuôi đất. Sau đó, ông mạnh dạn vay vốn chuyển sang nuôi tôm thâm canh mật độ cao và đầu tư trang thiết bị, hệ thống xử lý nước thải, ao nuôi, ao ương dưỡng tôm giống với tổng chi phí đầu tư ban đầu 1,2 tỷ đồng phục vụ 02 ao, bình quân 1.700m2/ao nuôi, thả nuôi 02 vụ/năm, mỗi vụ thả nuôi từ 500.000 – 600.000 con giống, lợi nhuận từ 600 – 700 triệu đồng/năm. Sau nhiều năm nuôi tôm theo hướng công nghệ mới và điều chỉnh mô hình nuôi phù hợp với tình hình thực tế nên đạt hiệu quả cao.

Ông Trãi cho biết thêm: để giảm chi phí đầu tư con giống, kiểm soát được dịch bệnh, những năm gần đây ông đầu tư thiết kế ao ương tôm giống và chia tôm nuôi theo từng giai đoạn thuận lợi chăm sóc, quản lý môi trường nước và kiểm soát dịch bệnh. Vụ nuôi năm 2021, ông thả nuôi 02 đợt, sản lượng đạt 20 tấn, tổng thu nhập 2,6 tỷ đồng, lợi nhuận gần 01 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 03 lao động, thu nhập 6,5 triệu đồng/người/tháng. Vụ nuôi năm 2022, ông tạo việc làm cho 10 lao động tại địa phương với các công việc như: vệ sinh, xử lý ao hồ, lắp đặt các thiết bị xử lý ao nuôi và nước thải. Vụ nuôi năm nay, tình hình thời tiết không ổn định, không đủ độ mặn nên ông chậm xuống giống hơn mọi năm. Vì vậy, gia đình ông cũng như các hộ nuôi tôm khác mong địa phương điều tiết hệ thống cống cấp thoát nước hợp lý để nông dân thả nuôi kịp thời vụ, tránh tình trạng tôm được mùa, rớt giá.

Bài, ảnh: MẪN QUÂN (Báo Trà Vinh)


SẢN PHẨM THUỐC THÚ Y THỦY SẢN TIỆP PHÁT

HOT MINER

KHOÁNG NÓNG LÀM TĂNG ĐỘ KIỀM, ỔN ĐỊNH pH NƯỚC KÍCH THÍCH TÔM LỘT XÁC VÀ MAU CỨNG VỎ

Công dụng: - Làm tăng độ kiềm và ổn định pH nước. - Kích thích tôm lột xác và mau cứng vỏ. - Cung cấp các khoáng chất cần thiết cho tôm sinh trưởng và phát triển. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
BEST BKC

DIỆT KHUẨN, NẤM, NGUYÊN SINH ĐỘNG VẬT TRONG AO NUÔI

Công dụng: - Tiêu diệt vi khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật trong ao nuôi tôm cá. - Sát trùng bể ương, thiết bị, dụng cụ nuôi. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
C TẠT

TĂNG SỨC ĐỀ KHÁNG, CHỐNG STRESS CHO TÔM

Công dụng: - Tăng cường sức đề kháng và chống stress cho tôm khi thời tiết xấu, môi trường thay đổi đột ngột. - Giúp tôm giống khỏe mạnh khi mới thả, khi vận chuyển sang tôm và nâng cao tỉ lệ sống. - Ổn định pH và độ kiềm nước ao nuôi. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
YUCCA PLUS

HẤP THU KHÍ ĐỘC

Công dụng: - Hấp thu nhanh khí độc NH3, H2S trong ao nuôi tôm - cá. - Cấp cứu kịp thời tình trạng tôm - cá nổi đầu, tấp mé do nồng độ khí độc tăng cao. - Chống stress, giúp gia tăng tỉ lệ sống, giảm hao hụt khi nuôi mật độ cao. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
TEA PLUS

TẠO NHANH MÀU TRÀ, NGĂN NGỪA TẢO ĐÁY

Công dụng: - Tạo nhanh màu trà cho nước ao nuôi khó gây màu và những ao thay nước liên tục. - Hiệu quả nhanh trong việc cải tạo màu nước, làm giảm hàm lượng ánh sáng gây căng thẳng cho tôm cá nuôi, ngăn ngừa tảo đáy phát triển. Tạo môi trường nước an toàn cho tôm cá. - Chuyển nước ao từ không màu hoặc màu xanh sang màu trà nhanh chóng. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
KON PRO

SÁT TRÙNG PHỔ RỘNG TIÊU DIỆT VI KHUẨN VIBRIO GIẢI PHÁP PHÒNG & TRỊ BỆNH TPD TRÊN TÔM

Công dụng: - Diệt vi khuẩn Vibrio, vi khuẩn gây gan tụy, phân trắng, phát sáng. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
M-1

ĐIỀU TRỊ BỆNH QUẸO CỔ, MẮT MÙ MỘT BÊN Ở ẾCH, CHƯỚNG HƠI, SÌNH BỤNG, VIÊM Ổ BỤNG, VIÊM GAN, THẦN KINH

Công dụng: - Chuyên điều trị bệnh quẹo cổ ở ếch, mù mắt một bên. - Trị nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng máu trên cá, ếch do vi khuẩn Aeromonas hydrophila, Pseudomonas, Vibrio spp.. - Điều trị các trường hợp nhiễm trùng đường ruột, chướng hơi, sình bụng, viêm ổ bụng,… do các vi khuẩn nhạy cảm với Amoxicillin gây ra trên đối tượng thủy sản. [sc name="sg6"]
not rated
Đọc tiếp
ANTIMAX

GIẢI ĐỘC GAN, TĂNG SỨC ĐỀ KHÁNG, CHỐNG STRESS

Công dụng: - Bổ sung vitamin C, Sorbitol giúp tăng sức đề kháng, chống stress cho tôm, cá. - Giải độc gan, tái tạo tế bào gan, tăng cường chức năng gan. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
TST 250

THUỐC SÁT TRÙNG THẾ HỆ MỚI

Công dụng: - Tiêu diệt vi khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật trong môi trường nuôi và dụng cụ nuôi. - Diệt khuẩn gây bệnh gan tụy, phân trắng, phát sáng. - Tiêu diệt nhanh chóng và triệt để vi khuẩn gây ra đốm đỏ, lở loét, đỏ kỳ, đỏ mỏ, tuột vảy, lang ben trên cá. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp