(Thuốc Thủy Sản Tiệp Phát) Tổng hợp tin tức về nông nghiệp – thủy sản trong tuần từ 16/05/2022 – 22/05/2022.
Tiền Giang: Giá tôm nguyên liệu thu mua tăng cao
Thời điểm này, nông dân vùng nuôi thủy sản nước mặn, lợ tại huyện cù lao Tân Phú Đông rất phấn khởi vì tôm nguyên liệu đang được giá, mang lại cho người dân một nguồn thu nhập khá sau đại dịch COVID-19.
Theo doanh nghiệp thu mua, nhìn chung, giá tôm thẻ chân trắng (TTCT) hiện nay tăng hơn từ 20.000 – 25.000 đồng/kg tùy loại so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giá TTCT tại địa phương hiện dao động trong khoảng từ 95.000 – 105.000 đồng/kg đối với kích cỡ 100 con/kg, kích cỡ 50 con/kg có giá khoảng 123.000 – 128.000 đồng/kg. Loại TTCT lớn, cỡ 30 con/kg có giá khoảng 170.000 đồng/kg, tôm cỡ 20 con/kg có giá từ 230.000 đồng/kg trở lên.
Giá TTCT năm nay luôn ở mức cao là do đầu vụ nuôi tôm mới trong năm 2022 nguồn cung chưa nhiều trong khi nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước cũng như chế biến xuất khẩu khá lớn. Đây thực sự là một tin vui cho nghề nuôi tôm nước mặn, lợ ở huyện cù lao Tân Phú Đông, hứa hẹn triển vọng phục hồi tốt sau đại dịch COVID-19, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương, bù đắp cho những thiệt hại đối với sản xuất, đời sống bởi dịch bệnh vừa qua.
Được biết, Tân Phú Đông là một trong những vùng nuôi thủy sản nước mặn, lơ lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Đặc biệt là phát triển các mô hình nuôi TTCT thích ứng biến đổi khí hậu ở ven biển Gò Công (Tiền Giang), giúp nhân dân địa bàn khó khăn ổn định sản xuất và đời sống
Từ đầu năm đến nay, nông dân địa phương đã đưa gần 5.000 ha mặt nước vào nuôi thủy sản mặn, lợ, tăng gần 2.500 ha so với cùng kỳ năm trước, đạt 67% chỉ tiêu cả năm; trong đó, có 610 ha nuôi tôm công nghiệp, 4.350 ha tôm nuôi theo mô hình quảng canh cải tiến, còn lại là thủy sản khác. Đến nay, người dân đã thu hoạch đầu vụ được 3.500 tấn tôm nguyên liệu, tăng hơn 500 tấn so với cùng kỳ năm trước.
Nông dân ứng phó khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao
Giá vật tư nông nghiệp hiện ở mức cao khiến chi phí sản xuất gia tăng, nhiều nông dân lo lắng lợi nhuận giảm, thậm chí lo bị lỗ. Vì thế, cần tăng cường kiểm soát giá, tìm cách chia sẻ, hiến kế để nông dân thích ứng, yên tâm sản xuất.
Chi phí sản xuất “đội” lên
Đang làm 5 công ruộng, chú Ba Công ở ấp Nhơn Trí (xã Nhơn Bình- Trà Ôn) cho biết, giá cả vật tư tăng gấp đôi so năm trước nên chi phí đầu tư từ 1,5 triệu đồng/công giờ đã “đội” lên 3 triệu đồng. Với năng suất khoảng 35 giạ/công, nếu giá lúa 5.000 đ/kg thì chỉ huề vốn, chưa kể tốn công sức mấy tháng trời. Chú Ba cho biết thêm, năm ngoái chú đã chuyển 2 công ruộng lên vườn trồng cam sành, dự định thu hoạch lúa xong mùa này tiếp tục lên vườn trồng cam 5 công còn lại. Tuy nhiên, chú Ba rất băn khoăn vì “trồng lúa lo vật tư tăng giá một thì trồng cam lo tới 10, vì chi phí trồng cam cao gấp nhiều lần trồng lúa”. Giá cam hiện là 13.000- 14.000 đ/kg, chú Ba nhẩm tính: “Ruộng nhà, công nhà thì giá 13.000 đ/kg có lời chút đỉnh. Nếu giá giảm còn 10.000 đ/kg thì đất nhà chỉ huề vốn, người đi mướn đất trồng là cầm chắc lỗ”.
Vừa ra cửa hàng vật tư nông nghiệp mua 2 bao Humic kích rễ, anh Tư Tùng (cùng ở ấp Nhơn Trí) nói: “Tôi thấy phân hữu cơ như Humic là ít biến động, còn lại như Urê, DAP, NPK 20-20-15, NPK 30-10-10+TE,… tăng giá rất cao”. Theo anh Tùng, người nào mua phân, thuốc trả tiền liền thì không phải trả tiền lãi. Tuy nhiên, bà con phần nhiều là mua thiếu, xong mùa vụ hoặc cuối năm trả tiền. Hiện nhiều cửa hàng vật tư, công ty nông nghiệp thường xuyên tổ chức hội thảo để hướng dẫn nông dân sản xuất. Thông qua đó, bà con nông dân có thể gom lại cùng đặt mua số lượng lớn từ công ty, đại lý cấp 1 để có được giá cả hợp lý, sản phẩm đúng chất lượng.
Tại một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở xã Nhơn Bình (Trà Ôn), DAP Nga 1.360.000 đ/bao, NPK 16-16-8 Đầu trâu 850.000 đ/bao, Humic Nhật, bao 10kg giá 620.000đ. Chủ cửa hàng cho biết, giá vật tư tăng dần từ lúc dịch COVID-19 bùng phát tới nay. Rất nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng giá từ 50- 80%, thậm chí có loại tăng hơn gấp đôi. So năm 2020, phân DAP Trung Quốc loại 1 từ 650.000 đ/bao hiện đã là 1.380.000 đ/bao, phân Urê Cà Mau từ 400.000 đ/bao thì hiện giá là 920.000 đ/bao…
Ông Nguyễn Văn Út- Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Thương mại- Dịch vụ- Xây dựng- Sản xuất nông nghiệp Tân Quới (thị trấn Tân Quới- Bình Tân) cho biết: Giá phân bón, vật tư nông nghiệp những tháng đầu năm nay ở mức cao khiến chi phí sản xuất của nông dân bị đội lên nhiều. “Thời điểm phân, thuốc mắc, người dân đi mua chịu, ghi vô sổ tính lãi thì càng mắc hơn”- ông Út nói. Để chia sẻ với nông dân, HTX định hướng đầu tư phân bón, vật tư nông nghiệp cho người dân sản xuất theo vụ, thu mua sản phẩm theo kiểu “đầu tư trước rồi trừ lại, không tính lãi”.
Thay đổi thói quen canh tác
Anh Nguyễn Văn Thảo- Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Thới (Trà Ôn) cho biết: “Giá vật tư nông nghiệp tăng và ở mức cao, trong khi giá nhiều sản phẩm thì giảm, nông dân mang tâm lý đầu tư sẽ lỗ nên họ không đẩy mạnh chăm sóc vườn cây ăn trái. Rất mong ngành chức năng có cách bình ổn giá phân, phát triển giao thương, đẩy mạnh xuất khẩu ổn định cho nông sản để nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất”.
Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp- PTNT, từ đầu năm 2021 đến tháng 4/2022, giá phân bón tăng 40- 50%; giống cây trồng tăng 10- 15%, thuốc bảo vệ thực vật tăng 10- 20%; thức ăn chăn nuôi, thủy sản tăng 15- 20%, thuốc thú y tăng 10- 15% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Nông nghiệp- PTNT đã đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi luật theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý. Qua đó, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân. Để góp phần ổn định thị trường, Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.
Bên cạnh các giải pháp để “hạ nhiệt”, kiểm soát giá… thì vấn đề thay đổi thói quen canh tác, sử dụng phân bón phù hợp, hiệu quả hơn là hết sức cần thiết. Theo GS.TS. Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng danh dự Trường ĐH Nam Cần Thơ, sản xuất nông nghiệp tiêu phí 50- 60% phân bón hóa học. Nếu nông dân vẫn bón phân như từ trước đến giờ thì sẽ phải tiếp tục bón nhiều phân hơn để cây cối đạt sản lượng bằng những năm trước, chi phí cho phân bón sẽ tăng đáng kể. Giải pháp cho vấn đề này là phải sử dụng phân bón một cách hữu hiệu hơn, sạch hơn. Cần sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, giảm thiểu phân bón hóa học, khi vi sinh vật xuất hiện trở lại thì tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật cũng sẽ giảm tương ứng với phân bón hóa học.
Bài, ảnh: THẾ QUÂN – SÔNG HẬU (Báo Vĩnh Long)
ĐBSCL: Giá cá tra giống giảm mạnh
Giá nhiều loại cá tra giống tại vùng ÐBSCL đã giảm ít nhất 15.000-20.000 đồng/kg so với cách nay khoảng 2 tháng.
Tại TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, Long An… cá tra giống loại 30-35 con/kg giảm còn 30.000-35.000 đồng/kg (giảm 15.000-20.000 đồng/kg). Giá cá tra giống giảm do nguồn cung dồi dào so với trước và người dân, doanh nghiệp đang giảm mua cá giống để nuôi cá tra thương phẩm bởi giá thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi thủy sản và chi phí đầu vào liên tục tăng cao nhưng giá cá tra nguyên liệu xuất khẩu không tăng thêm mà có xu hướng giảm nhẹ trở lại. Hiện giá cá tra nguyên liệu xuất khẩu (thịt trắng, cỡ 0,9-1kg/con) tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL đang ở mức 31.000-32.000 đồng/kg, trong khi trước đây có giá từ 31.000-33.000 đồng/kg.
Theo hộ dân nuôi cá tra tại các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ, với giá hiện nay, những hộ dân có cá tra xuất bán vào thời điểm này thu được mức lợi nhuận khá cao, 7.000-9.000 đồng/kg do trước đây chi phí nuôi cá tra ở mức thấp. Tuy nhiên, nếu thả nuôi cá tra vào lúc này, giá thành nuôi có thể lên tới 27.000-28.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn. Do vậy, nhiều người đang thận trọng trong phát triển diện tích nuôi cá tra thương phẩm nhằm hạn chế rủi ro từ việc giá cá tra nguyên liệu có thể bất ngờ giảm trở lại.
Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG (Báo điện tử Cần Thơ)