Tin Thủy Sản tuần 20/12 – 26/12/2021

(Thuốc Thủy Sản Tiệp Phát) Tổng hợp tin tức về nông nghiệp – thủy sản trong tuần từ 20/12 – 26/12/2021.


Sản xuất nông nghiệp Trà Vinh qua 1 năm vượt khó: Sức tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực trồng trọt và thủy sản

Năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song ngành nông nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch.

Năm 2021 với nhiều tác động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cùng với đó, những tháng cuối năm, bệnh viêm da nổi cục trên bò và dịch tả heo châu Phi xuất hiện và diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình phát triển chăn nuôi của tỉnh. Giá một số mặt hàng nông – lâm – thủy sản giảm mạnh… Song, ngành nông nghiệp Trà Vinh đã có nhiều nỗ lực trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch.

Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh chia sẻ: trước những khó khăn đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo ngành nông nghiệp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong phòng, chống dịch bệnh, chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết. Đến thời điểm này, cơ bản các chỉ tiêu đều đạt so với kế hoạch. Đối với đơn vị, ngay từ đầu năm đã chủ động xây dựng từng kế hoạch và phân công cụ thể cho từng đơn vị trực thuộc, theo từng lĩnh vực của ngành phụ trách.

Mô hình nuôi tôm thâm canh của nông dân cù lao Long Hòa, huyện Châu Thành.

Cùng với đó, một số hạ tầng đã được đầu tư xây dựng phục vụ trong sản xuất, đã phát huy hiệu quả và góp phần nâng cao năng lực sản xuất của từng vùng, từng khu vực thích ứng với biến đổi khí hậu và gia tăng tỷ trọng giá trị sản xuất cho nông dân trên các lĩnh vực như cây trồng, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản…

Điểm nổi bật trong năm 2021 chính là tỉnh đã thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tiếp tục triển khai trồng lúa theo mô hình vùng lúa chất lượng cao, cánh đồng lớn gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Cầu Kè, Tiểu Cần và Châu Thành. Thực hiện chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác, qua đó có 2.335ha đất lúa sang trồng cây hàng năm và lâu năm khác hoặc kết hợp với nuôi thủy sản, gồm: chuyển sang trồng bắp, màu thực phẩm và trồng cỏ 1.287,8ha, chuyển sang trồng cây ăn trái 671ha, chuyển sang trồng dừa 309,8ha, kết hợp nuôi thủy sản 25ha, chuyên nuôi thủy sản 41,25ha. Các địa phương trong tỉnh đã chủ động nhiều giải pháp đảm bảo thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu, kế hoạch được giao, tạo giá trị hàng hóa cung ứng ra thị trường, ổn định đời sống người dân. Trong này, huyện Trà Cú đã chuyển đổi mạnh các diện tích mía kém hiệu quả sang trồng lúa, nuôi thủy sản và trồng màu kết hợp trồng cỏ nuôi bò…

Trong công tác chuyển giao khoa học – kỹ thuật, ngành nông nghiệp đã phối hợp các địa phương tổ chức 281 lớp tập huấn cho 7.524 lượt nông dân về kỹ thuật trồng lúa hữu cơ, chất lượng cao; trồng dừa theo hướng hữu cơ và phòng trị sâu đầu đen hại dừa; kỹ thuật trồng cây ăn trái, trồng đậu phộng sử dụng phân hữu cơ vi sinh tưới nước tiết kiệm; kỹ thuật trồng mít Thái sử dụng phân hữu cơ sinh học tưới nước tiết kiệm; kỹ thuật chăn nuôi bò, biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên bò; biện pháp phòng trị một số bệnh thường gặp trong chăn nuôi dê; kỹ thuật nuôi một số loại thủy sản… Đồng thời, ứng dụng mạng xã hội trong tình hình dịch bệnh Covid-19, đã tổ chức tư vấn trực tiếp qua zalo, điện thoại cho 10.180 lượt hộ về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; cấp phát 13.559 tờ tài liệu bướm tuyên truyền.

Trong lĩnh vực thủy sản, đã vận động người dân tham gia chuyển đổi khoảng 700ha từ các hình thức nuôi khác sang nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, nâng tổng diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh lên khoảng 10.734ha, trong đó nuôi thâm canh mật độ cao 884ha (tăng 249ha so với năm 2020), năng suất đạt từ 50-70 tấn/ha; duy trì 5.750ha diện tích nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng và 5.600ha lúa – thủy sản.

Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết: trong lĩnh vực thủy sản đạt được nhiều kết quả là do ngay từ đầu năm 2021, kịp thời ban hành văn bản khuyến cáo người nuôi tạm ngưng thả nuôi khi thời tiết không thuận lợi để hạn chế thiệt hại và khuyến cáo tiếp tục thả nuôi khi thời tiết thuận lợi để đạt chỉ tiêu kế hoạch cả năm; tăng cường cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn trực tiếp cho các hộ nuôi thủy sản và xử lý mầm bệnh, không để lây lan ra diện rộng. Hàng tuần thực hiện công tác quan trắc và cảnh báo môi trường, giám sát dịch bệnh thủy sản trong ao nuôi để cung cấp thông tin cho người nuôi thủy sản.

Theo ước tính, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp năm 2021 thực hiện 27.863 tỷ đồng, đạt 99,14% kế hoạch, tăng 0,24% so cùng kỳ (nông nghiệp 17.019 tỷ đồng, vượt 0,08% kế hoạch, tăng 2,83%; lâm nghiệp 240 tỷ đồng, đạt 80,15% kế hoạch; thủy sản 10.604 tỷ đồng, đạt 98,2% kế hoạch).

Tổng diện tích gieo trồng 209.016ha, vượt 7,55% kế hoạch (tăng 3.901ha so cùng kỳ), thu hoạch 208.897ha, năng suất 5,54 tấn/ha (tăng 0,55 tấn/ha), sản lượng ước 1,16 triệu tấn, vượt 6,67% kế hoạch (tăng so cùng kỳ 217.230 tấn).

Trong chăn nuôi, từng bước nâng cao tầm vóc đàn bò theo hướng lai cải tạo với các giống ngoại nhập như Zebu, Brahman, Charolais, Red Sindhi… đã cải tạo và nâng cao 95% tầm vóc đàn bò vàng địa phương, đưa giá trị tăng thêm khoảng 50% so với giống bê địa phương. Giống đàn heo 100% sử dụng giống lai kinh tế, tăng khoảng 05% trọng lượng so với trước đây.

Thả nuôi thủy sản vùng nước mặn – lợ 53.400ha (tôm sú 23.000ha, tôm thẻ chân trắng 9.500ha, cua biển 19.000ha, thủy sản khác 1.900ha); nuôi nước ngọt 4.200ha (cá tra 60ha, cá lóc 300ha, tôm càng xanh 2.000ha, cá các loại 1.840ha). Tổng sản lượng nuôi ước đạt 149.742 tấn.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ (Báo Trà Vinh)


Đồng Tháp: Kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

Ngày 25/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tổ chức “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm dịp Tết Nguyên đán”.

Diễn đàn nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã trên cả nước kết nối sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm trong trạng thái bình thường mới, đồng thời hỗ trợ người tiêu dùng trong việc tiếp cận nguồn hàng hóa, nông sản thực phẩm, đặc sản từ khắp các địa phương trong dịp đón Tết Nguyên đán tới.

Ông Lê Quốc Điền thông tin về tiềm năng nông sản của tỉnh Đồng Tháp.

Tại diễn đàn, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã thông tin về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản, tiềm năng nông sản của địa phương, kêu gọi DN, kênh phân phối các sản phẩm nông nghiệp đến đầu tư vào tỉnh.

Phát biểu về tiềm năng nông sản của tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Quốc Điền – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã chuẩn bị nhiều loại hoa quả như: xoài, quýt, nhãn, mít, chanh… để chuẩn bị cho dịp Tết. Cụ thể, tỉnh đã rải vụ và dự kiến tổng sản lượng hoa quả trong các tháng 12/2021, tháng 1 và tháng 2/2022 lần lượt là khoảng: 19.000 tấn, 22.000 tấn và 35.000 tấn. Bên cạnh hoa quả, tỉnh còn chuẩn bị nhiều loại rau, củ, với sản lượng hiện hơn 3.000 tấn. Những sản phẩm OCOP và các cơ sở chế biến sâu như: dầu cá tinh luyện, thực phẩm chức năng, trà, hoa quả sấy cũng được tỉnh quan tâm.

Ông Điền cho biết, tham dự diễn đàn hôm nay là bước khởi đầu cho nông dân tiêu biểu của tỉnh được giới thiệu, quảng bá nông sản làm bằng tâm huyết của mình tới các DN trong và ngoài nước. Hy vọng qua diễn đàn, tỉnh sẽ có thêm thông tin để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường. Lãnh đạo Sở NN&PTNT kêu gọi doanh nghiệp, kênh phân phối các sản phẩm nông nghiệp đến đầu tư vào Đồng Tháp và hứa sẽ tạo mọi điều kiện để ngành nông nghiệp tỉnh phát triển bền vững.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông sản thực phẩm giữa các địa phương, DN, hiệp hội.

MN (Báo Đồng Tháp Online)


Bình Thuận: Thúc đẩy xuất khẩu thủy hải sản phát triển

Theo Sở Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bình Thuận trong năm 2021 ước đạt 576,3 triệu USD, vượt gần 15% so kế hoạch đề ra và tăng 21,79% so năm ngoái. Trong đó, nhóm hàng hóa khác vẫn thể hiện vai trò “đầu tàu” khi đem về cho địa phương khoảng 385 triệu USD (tăng xấp xỉ 28% so cùng kỳ), tiếp đến là nhóm hàng thủy hải sản thực hiện 171,5 triệu USD (tăng gần 8%) và nhóm hàng nông sản là 19,8 triệu USD (tăng hơn 50%)…

Kết quả này ghi nhận tín hiệu khởi sắc trong xuất khẩu hàng hóa, dù năm nay tình hình dịch Covid – 19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất và xúc tiến thương mại. Qua đây cũng cho thấy, kim ngạch của nhóm hàng hóa khác và nông sản của tỉnh tăng khá cao, riêng nhóm hàng thủy hải sản vẫn duy trì tăng trưởng dương nhưng ở mức 1 con số (trong khi năm 2020 tăng gần 17% so với năm trước đó)…

Với ngư trường rộng lớn, Bình Thuận xác định thủy hải sản là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực hàng đầu của địa phương và luôn quan tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến, sản phẩm lợi thế theo chiều sâu (đông lạnh và hàng khô). Những năm qua, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu cũng tích cực chuyển dần từ sản xuất thủ công sang cơ giới hóa, hiện đại hóa trang thiết bị và áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, đến nay lĩnh vực chế biến xuất khẩu thủy sản trên địa bàn Bình Thuận vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của vùng đất duyên hải cực Nam Trung bộ. Được biết, toàn tỉnh hiện có gần 740 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông – lâm – thủy sản, trong số đó chỉ khoảng 25 doanh nghiệp tham gia chế biến xuất khẩu thủy sản.

Trong giai đoạn mới, địa phương hướng tới mục tiêu phát triển chế biến thủy sản thành ngành hàng chủ lực có khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, giá tri ̣gia tăng cao, giữ vi ̣trí mũi nhọn trong các ngành hàng xuất khẩu của tỉnh. Phấn đấu đưa Bình Thuận trở thành một trong những trung tâm lớn về chế biến thủy sản của khu vực Nam Trung bộ, tham gia hội nhập sâu rộng vào thị trường thủy sản thế giới. Theo Kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn Bình Thuận vừa được UBND tỉnh ban hành đã đề ra các mục tiêu cụ thể. Đó là đến năm 2030, phấn đấu đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt từ 250 – 280 triệu USD, tỷ trọng giá tri ̣xuất khẩu các sản phẩm thủy sản chế biến gia tăng đạt trung bình trên 40%. Cùng với đó sẽ từng bước hình thành một số doanh nghiệp chế biến thủy sản quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có trình độ quản lý ngang tầm khu vực và thế giới…

Tới đây, Bình Thuận cũng tập trung đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu cho chế biến thủy sản nhằm đáp ứng nhu cầu, năng lực chế biến theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Bao gồm hải sản từ khai thác, nuôi trồng và nguyên liệu thủy sản nhập khẩu gắn với kiểm soát nguồn nguyên liệu theo quy định của Việt Nam và thông lệ quốc tế… Ngoài ra, cũng tính đến các giải pháp đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu trong chế biến thủy sản. Đối với thị trường xuất khẩu sẽ ưu tiên xây dựng, xúc tiến quảng bá thương hiệu các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh (hải sản đông lạnh, chế biến khô, nước mắm…). Đồng thời chú trọng đến thị trường trọng điểm, truyền thống như khối các nước EU, khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Hoa Kỳ và mở rộng những thị trường tiềm năng khác để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản phát triển.

Đ.QUỐC (Báo Bình Thuận)


Bến Tre: Khôi phục sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản dịp Tết 2022

Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng sản xuất nông nghiệp (NN) thời gian qua đã dần vượt qua khó khăn nhờ ngành NN tỉnh và các cơ quan có liên quan chủ động đưa ra nhiều giải pháp phù hợp. Hiện ngành đang tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ cho nông dân sớm khôi phục sản xuất trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19. Đồng thời, đây là thời điểm cận Tết, các làng nghề hoa kiểng, cây trái của tỉnh đang vào mùa thu hoạch rộ, số lượng rất lớn nhưng đầu ra gặp rất nhiều khó khăn, cần sự tiếp tục hỗ trợ của ngành NN.

Sản lượng nông sản lớn

Theo số liệu thống kê, cây giống và hoa kiểng tập trung ở 2 huyện Chợ Lách và Mỏ Cày Bắc với tổng số lượng hoa kiểng hơn 8 triệu sản phẩm, chủ yếu là mai vàng, bông giấy, vạn thọ và một số loại kiểng khác. Huyện Chợ Lách và Mỏ Cày Bắc có thế mạnh sản xuất hoa kiểng và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhà nước cũng có nhiều quan tâm như đầu tư kinh phí xây dựng đê bao, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật để tạo điều kiện cho nông dân vận chuyển các sản phẩm ra thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ; đối với các tỉnh Tây Nguyên và miền Bắc thì chủ yếu là các sản phẩm như mai vàng, hoa giấy… Đối với các chợ truyền thống, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định có tổ chức các chợ hoa xuân hay không, còn tùy vào tình hình dịch bệnh.

Các doanh nghiệp tiêu thụ bưởi da xanh cho nông dân. Ảnh: Hữu Hiệp

Về dừa, bưởi da xanh, heo, bò, gà, vịt, tôm, dê: dừa: sản lượng dự kiến 1,8 triệu trái, trong đó dừa uống nước khoảng 800 ngàn trái, dừa công nghiệp khoảng 1 triệu trái, thời điểm thu hoạch từ tháng 12-2021 đến tháng 1-2022. Bưởi da xanh: sản lượng dự kiến 215 tấn, tập trung tại TP. Bến Tre và huyện Giồng Trôm, thời điểm thu hoạch từ tháng 12-2021 đến tháng 1-2022. Heo thịt: sản lượng dự kiến 167,65 tấn, tập trung tại TP. Bến Tre, huyện Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm, thời điểm xuất chuồng từ tháng 11-2021 đến tháng 1-2022. Bò thịt: sản lượng dự kiến 30 tấn, thời điểm xuất chuồng từ tháng 12-2021 đến tháng 1-2022. Gà: sản lượng dự kiến 75 tấn, thời điểm xuất chuồng dự kiến từ tháng 12-2021 đến tháng 1-2022. Vịt: sản lượng dự kiến 50 tấn, thời điểm xuất chuồng từ tháng 12-2021 đến tháng 1-2022. Tôm: sản lượng tôm càng xanh dự kiến 60 tấn, tập trung tại huyện Thạnh Phú, thời điểm thu hoạch từ tháng 12-2021 đến tháng 1-2022.

Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ

Để tiêu thụ lượng hàng nông sản khá lớn này, ngành NN đưa ra một số giải pháp thực hiện như: về cây giống, hoa kiểng: hỗ trợ các hoạt động thông tin tuyên truyền, tổ chức đoàn khảo sát thị trường, giao thương kết nối tiêu thụ cây giống, hoa kiểng, hỗ trợ chi phí thuê gian hàng…

Khảo sát mô hình trồng chôm chôm ở xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách. Ảnh: H. Hiệp

Về dừa, bưởi da xanh, heo, bò, gà, vịt, tôm, dê: đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại thông qua các kênh giới thiệu hàng hóa, giao thương giữa các tỉnh, thành phố. Tăng cường công tác khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số (online) như: Voso, Postmart… Đặc biệt, các mặt hàng thống kê có sản lượng lớn như dừa, bưởi da xanh và heo thịt cần đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ.

Về lâu dài, tập trung tăng cường truyền tải thông tin, quảng bá hình ảnh, đặc điểm sản phẩm dừa của tỉnh như: xây dựng video quảng bá, giới thiệu sản phẩm dừa tỉnh Bến Tre.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; chú trọng nghiên cứu ứng dụng công nghệ số vào các công đoạn, các khâu từ giống, sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến đa dạng hóa sản phẩm giá trị gia tăng cao sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phân tích và đánh giá xu hướng thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh phát triển diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu. Xây dựng và triển khai các chiến lược phát triển thương hiệu; hỗ trợ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ, GAP… tại các hợp tác xã nông nghiệp để mở rộng vùng nguyên liệu sạch, đạt chứng nhận phục vụ nhu cầu phát triển thị trường, nhất là cho thị trường xuất khẩu như: dừa, bưởi, tôm, heo, bò.

Phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (sàn postmart.vn) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (sàn voso.vn), kể cả các sản phẩm thông thường chưa phải là sản phẩm OCOP.

Tiếp tục hỗ trợ, theo dõi tình hình sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm thủy sản mặn, lợ, ngọt trên địa bàn tỉnh. Tập trung chú trọng các sản phẩm như tôm nước lợ, cá tra, tôm càng xanh giúp cho hoạt động nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh được thông suốt.

Hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung chỉ đạo, tuyên truyền mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, nhất là yêu cầu tuân thủ “5K” và thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất, tiêu thụ nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh. Chủ động triển khai công tác thông tin, dự báo thời tiết phòng chống mưa bão, hạn mặn và phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là bệnh viêm da nổi cục trên bò, dịch tả lợn châu Phi, sâu đầu đen gây hại dừa. Tập trung hỗ trợ, tư vấn nông dân điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh nông sản hàng hóa theo hướng liên kết chuỗi giá trị phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương.

Nguyễn Thủy (Báo Đồng Khởi)


Bảng giá thủy sản tuần 20/12 – 26/12/2021

Bảng giá một số mặt hàng thủy sản cập nhật mới nhất hôm nay, giá thủy sản tuần 20/12 – 26/12/2021.

TÊN MẶT HÀNG ĐƠN GIÁ (VNĐ) ĐƠN VỊ TÍNH NGÀY BÁO GIÁ ĐỊA PHƯƠNG
Tôm thẻ 100 con/kg 103.000 đồng/kg 23/12/2021 Sóc Trăng
Tôm thẻ 80 con/kg 113.000 đồng/kg 23/12/2021 Sóc Trăng
Tôm thẻ 70 con/kg 123.000 đồng/kg 23/12/2021 Sóc Trăng
Tôm thẻ 60 con/kg 130.000 đồng/kg 23/12/2021 Sóc Trăng
Tôm thẻ 50 con/kg 140.000 đồng/kg 23/12/2021 Sóc Trăng
Tôm thẻ 40 con/kg 150.000 đồng/kg 23/12/2021 Sóc Trăng
Tôm thẻ 30 con/kg 170.000 đồng/kg 23/12/2021 Sóc Trăng
Tôm thẻ 25 con/kg 187.000 đồng/kg 23/12/2021 Sóc Trăng
Tôm thẻ 20 con/kg 240.000 đồng/kg 23/12/2021 Sóc Trăng
Cá tra thịt trắng 35.000 – 40.000 đồng/kg 23/12/2021 An Giang
Lươn loại 2 170.000 – 180.000 đồng/kg 23/12/2021 An Giang
Lươn loại 1 180.000 – 200.000 đồng/kg 23/12/2021 An Giang
Ếch nuôi 55.000 – 60.000 đồng/kg 23/12/2021 An Giang
Tôm càng xanh 230.000 – 240.000 đồng/kg 23/12/2021 An Giang
Cá lóc nuôi 48.000 – 52.000 đồng/kg 23/12/2021 An Giang
Cá nàng hai 48.000 – 50.000 đồng/kg 23/12/2021 An Giang
Cá điêu hồng 48.000 – 50.000 đồng/kg 23/12/2021 An Giang
Cá rô phi 32.000 – 35.000 đồng/kg 23/12/2021 An Giang
Cá tra bột 1 đồng/con 22/12/2021 Long An
Cá kèo giống 200 đồng/con 22/12/2021 Cà Mau
Cá thát lát còm 48.000 đồng/kg 22/12/2021 Đồng Tháp
Cá tra giống loại 30-35 con/kg 31.000 đồng/kg 22/12/2021 Đồng Tháp
Cá tra tại ao 24.000 đồng/kg 22/12/2021 Đồng Tháp
Cá kèo tại ao loại 40 con/kg 71.000 đồng/kg 22/12/2021 Bạc Liêu
Cá chép giống 2.000 đồng/con 22/12/2021 Tuyên Quang
Cá mè hoa tại ao 14.000 đồng/kg 22/12/2021 Thanh Hóa
Cá mè vinh giống loại 300 con/kg 82.000 đồng/kg 22/12/2021 Đồng Tháp
Cá sặc rằn giống 70.000 đồng/kg 22/12/2021 Đồng Tháp
Cá sát sọc tại ao 85.000 đồng/kg 22/12/2021 Long An
Cá sặc rằn tại ao 42.000 đồng/kg 22/12/2021 Đồng Tháp
Cá lóc nuôi tại ao 31.000 đồng/kg 22/12/2021 Đồng Tháp
Cá rô đầu nhím tại ao 30.000 đồng/kg 22/12/2021 Đồng Tháp
Cá rô phi tại ao 28.000 đồng/kg 22/12/2021 Đồng Tháp
Cá diêu hồng tại chợ 39.000 đồng/kg 21/12/2021 Đồng Tháp
Tôm thẻ 50 con/kg tại ao 140.000 đồng/kg 21/12/2021 Trà Vinh
Tôm thẻ 80con/kg tại ao 116.000 đồng/kg 21/12/2021 Trà Vinh
Tôm thẻ 100con/kg tại ao 102.000 đồng/kg 21/12/2021 Trà Vinh
Tôm càng xanh giống 180 đồng/con 21/12/2021 Bạc Liêu
Tôm càng xanh loại 15-20 con/kg 125.000 đồng/kg 21/12/2021 Bạc Liêu
Tôm càng xanh loại 6-15 con/kg 165.000 đồng/kg 21/12/2021 Bạc Liêu
Tôm sú Post 12 145 đồng/con 21/12/2021 Bạc Liêu
Tôm thẻ Post 12 120 đồng/con 21/12/2021 Bạc Liêu
Tôm sú loại 20 con tại ao 250.000 đồng/kg 21/12/2021 Bạc Liêu
Tôm sú 30 con tại ao 210.000 đồng/kg 21/12/2021 Bạc Liêu
Tôm sú 40 con tại ao 140.000 đồng/kg 21/12/2021 Bạc Liêu
Cá trê lai lại ao 17.000 đồng/kg 21/12/2021 Đồng Tháp
Cá mú loại 1 con/kg 110.000 đồng/kg 21/12/2021 Khánh Hòa
Ếch tại trại 47.000 đồng/kg 21/12/2021 Sóc Trăng
Cá trê vàng giống 46.000 đồng/con 21/12/2021 Tuyên Quang

Giá tôm ở miền Tây tăng cao

Gần kết thúc vụ tôm năm 2021, giá tôm sú và thẻ chân trắng ở miền Tây vẫn duy trì ở mức cao. Tôm kích cỡ 20 con/kg tăng khoảng 10.000 đồng.

Hiện, nông dân các tỉnh miền Tây đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch tôm cuối năm để cải tạo ao, chuẩn bị cho vụ tôm 2022. Do diện tích tôm đang thu hoạch trên đồng ít, giá loại thủy sản này tăng từng ngày…


Cà Mau: Nâng cao giá trị con tôm

Áp dụng công nghệ cao vào nuôi tôm không những đạt năng suất vụ nuôi cao mà còn hạn chế ô nhiễm môi trường.

Anh Trương Nhựt Thành (ấp Tân Thành, xã Tân Duyệt) nuôi tôm công nghiệp (NTCN) ao đất từ năm 2003 đến cuối năm 2014. Sau thời gian nuôi hiệu quả thấp, đầu năm 2015, anh mạnh dạn đầu tư NTCN trải bạt năng suất cao. Anh chia 4 ao, trong đó có 1 ao nuôi và 3 ao vèo, bình quân 1.000m²/ao, mật độ thả con giống 200 con/m²; kinh phí đầu tư khoảng 250 triệu đồng. 6 vụ nuôi liên tiếp anh đều thành công, trừ chi phí còn lãi hàng tỷ đồng. Anh Thành cho biết: “Tôi thả nuôi với mật độ 200 con/m2, trừ rủi ro trong quá trình nuôi thì 1m2 thu được 5 – 6kg tôm, tính tổng 1.000m2 nuôi ao bạt thu hơn 5 tấn tôm cỡ 30 con/kg. Đối với ao đất, diện tích 1.000m² cũng khó thu được 2 tấn tôm”.

Anh Nguyễn Thanh Tòng (ấp Tân Lợi B, xã Tạ An Khương Nam) có 3 ao, gồm 1 ao nuôi diện tích 2.500m² và 2 ao lắng, mật độ 200 con/m2, thả nuôi khoảng 3,5 tháng. Anh Tòng đã có 4 vụ NTCN công nghệ cao, thu lãi hơn 2 tỷ đồng. Anh Tòng phấn khởi: “Trước đây, gia đình nuôi tôm ao đất, tuy nhiên qua thời gian nuôi, lợi nhuận không có, thậm chí còn bị lỗ. Cho nên gia đình đã mạnh dạn chuyển sang ao bạt, nuôi thành công hơn, lợi nhuận cao hơn”.

So với cách nuôi truyền thống, mô hình nuôi tôm trải bạt tuy chi phí ban đầu lớn, nhưng có ưu điểm là chí phi nuôi giảm khoảng 50%, nhất là thức ăn, thuốc thú y thủy sản, tỷ lệ tôm đạt cao. Điểm nổi bật nữa là kiểm soát tốt được nhiệt độ. Đây là khâu rất quan trọng trong nuôi tôm, bởi thông thường khi lượng mưa lớn hoặc nắng nóng gay gắt, ao nuôi sẽ thay đổi nhiệt độ đột ngột, ảnh hưởng rất lớn đến tôm. Ngoài ra, sẽ hạn chế được các mầm bệnh lây từ bên ngoài, hạn chế ô nhiễm môi trường xung quanh.

Hiện trên địa bàn huyện có trên 322ha diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, với trên 360 hộ nuôi, năng suất trên 20 tấn/ha. Mật độ thả con giống khoảng 200 con/m2, thời gian nuôi ngắn và nhờ quy trình nuôi áp dụng công nghệ cao từ chọn lọc con giống đến việc cho ăn nên con tôm phát triển tốt, khi thu hoạch đạt được cỡ lớn từ khoảng 20 – 30 con/kg. Từ đó, lợi nhuận đem lại rất cao. Ông Nguyễn Chí Thuần, Chủ tịch UBND huyện: “Huyện sẽ tập trung chỉ đạo NTCN công nghệ cao đối với những vùng, những hộ có điều kiện. Song song đó, mở rộng diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến nhằm nâng cao năng suất, sản lượng”.

Mặt khác, việc nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ cao, người nuôi còn có được sản phẩm tôm sạch, không dư lượng kháng sinh. Theo đó, không những tăng được năng suất con tôm, hạn chế dịch bệnh, mà quan trọng nhất là cho ra được sản phẩm tôm sạch, bán được giá cao hơn so với các sản phẩm tôm cùng loại. Chính nhờ hiệu quả mang lại mà mô hình nuôi tôm công nghệ cao đang được khuyến khích nhân rộng, thay thế cho hình thức nuôi tôm truyền thống vốn có năng suất thấp, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh.

Với thế mạnh là con tôm, xác định đây là mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, hiện nay huyện Đầm Dơi đang triển khai nhân rộng cho bà con và khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao giá trị con tôm.

Đất Mũi Online


Hải Dương: Giá thủy sản tăng

Theo một số tiểu thương tại các chợ Đông Ngô Quyền, Thanh Bình (TP Hải Dương), hiện nay giá các loại thủy sản, hải sản tăng nhẹ.

Cụ thể, giá mỗi cân ếch 70.000 đồng, chạch 80.000 đồng, tôm tùy loại to nhỏ dao động từ 170.000-300.000 đồng; mực tùy kích cỡ từ 120.000-200.000 đồng. Mức giá này tăng từ 10.000-20.000 đồng/kg so với giữa tháng 11.

Theo các tiểu thương, nguyên nhân do nhiều nhà hàng được mở cửa hoạt động, nhiều địa phương đã cho phép tổ chức cưới hỏi nên nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tăng cao. Bên cạnh đó, việc đánh bắt hải sản dịp này cũng không được nhiều trong khi giá xăng dầu tăng kéo theo chi phí cho mỗi chuyến đánh bắt, vận chuyển cũng tăng.

HQ (Báo điện tử Hải Dương)


Long An: Hiệu quả từ mô hình ‘3 giảm, 3 tăng’

Mô hình “3 giảm, 3 tăng” trong sản xuất lúa là một trong những mô hình giúp nông dân tiếp cận phương thức, kỹ thuật canh tác tiên tiến, hiệu quả cao. Hiện mô hình này góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Mang lại nhiều lợi ích

Từ năm 2013, UBND tỉnh đã quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích hơn 48.000ha tại 25 xã thuộc vùng Đồng Tháp Mười. Mục tiêu nhằm tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến gạo xuất khẩu, phát huy lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân. Tại vùng quy hoạch trồng lúa chất lượng cao, nông dân sản xuất lúa phải thực hiện gieo sạ bằng các loại giống xác nhận chất lượng cao, áp dụng các quy trình thống nhất “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”,… bảo đảm 100% sản lượng lúa thu hoạch đạt chất lượng cao theo yêu cầu.

Mô hình “3 giảm, 3 tăng” giúp năng cao năng suất và thu nhập cho nông dân.

“3 giảm, 3 tăng” là chương trình quản lý dịch hại dựa trên mối quan hệ của dinh dưỡng cây trồng và sự gây hại của dịch hại. “3 giảm, 3 tăng” bao gồm: Giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu, bệnh, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế. Những năm gần đây, mô hình “3 giảm, 3 tăng” đã không còn xa lạ với nông dân trên địa bàn tỉnh.

Ông Huỳnh Văn Hẩu (ấp Bình Tây, xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường) trước đây sản xuất theo tập quán cũ, gieo sạ mật độ dày, khoảng 200-240kg giống cho 1ha. Sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, ông chuyển dần qua sản xuất theo mô hình này. Hiện ông chỉ còn gieo sạ khoảng 100-120kg giống/ha, giảm gần 1/2 so với trước. Nhờ nắm bắt được kỹ thuật, số lần bón phân trong mỗi vụ cũng giảm. Đồng thời, ông biết thời điểm nào nên phun thuốc bảo vệ thực vật chứ không còn phun tùy ý như trước.

Ông Hẩu chia sẻ: “Lúc trước, mỗi lần ra đồng thấy sâu là tôi xịt ngay, nào là thuốc diệt sâu cuốn lá, thuốc diệt sâu đục thân,… Từ khi áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, từ lúc sạ đến khi lúa 40 ngày tuổi, tôi tuyệt đối không dùng đến thuốc bảo vệ thực vật, nhờ vậy mà chi phí sản xuất cũng ít hơn”.

Vụ Hè Thu năm 2021, thị xã Kiến Tường đã xây dựng 3 mô hình “3 giảm, 3 tăng” tại các xã: Bình Hiệp, Tuyên Thạnh và Thạnh Hưng nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa. Theo đó, khi tham gia mô hình “3 giảm, 3 tăng”, ngoài việc được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, người dân còn được hỗ trợ 50% chi phí lúa giống và 50% chi phí phân hữu cơ, men vi sinh.

Anh Trần Thanh Giang – nông dân tham gia mô hình, chia sẻ: “Canh tác lúa theo mô hình “3 giảm, 3 tăng”, gia đình tôi giảm được 50% lượng phân bón, giảm phun xịt thuốc bảo vệ thực vật 3-5 lần/vụ và chỉ phun khi thật sự cần thiết, năng suất lúa cuối vụ tăng 10-15% so với những vụ trước, đặc biệt là lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình khoảng 3 triệu đồng/ha. Không chỉ áp dụng trong gia đình, tôi còn chia sẻ kinh nghiệm với nhiều nông dân khác. Vụ Đông Xuân này, nông dân ở địa phương dự kiến tiếp tục canh tác theo hướng này và cùng liên kết mở rộng diện tích để dễ tiêu thụ hơn”.

Anh Huỳnh Thanh Tú (ấp Bàu Chứa, xã Thạnh Hưng) cho biết: “Vụ Hè Thu vừa qua là vụ đầu tiên tôi sản xuất theo quy trình “3 giảm, 3 tăng” nên cũng rất lo lắng khi giảm lượng giống gieo sạ và số lần phun thuốc theo khuyến cáo. Tuy nhiên, hiện tôi rất phấn khởi với kỹ thuật canh tác mới này, so với trước đây thì “3 giảm, 3 tăng” mang lại nhiều lợi ích như giúp lúa khỏe, cứng cây, ít đổ ngã, hạn chế được sâu, bệnh, tăng năng suất và lợi nhuận”.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã Kiến Tường – Bùi Văn Ê nhận định: “Mô hình “3 giảm, 3 tăng” tạo điều kiện cho nông dân quen dần với kỹ thuật canh tác mới. Sau mô hình này, chúng tôi tiếp tục chuyển giao những mô hình sản xuất tiên tiến hơn nhằm định hướng nông dân sản xuất lúa đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường”.

Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã Kiến Tường, việc áp dụng kỹ thuật canh tác lúa theo mô hình “3 giảm, 3 tăng” mang lại lợi ích nhiều mặt, góp phần giảm khoảng 40% chi phí giống (mật độ gieo sạ từ 100 – 120kg/ha so với tập quán canh tác cũ của nông dân sử dụng trên 200kg/ha); cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu, bệnh nên giảm được trên 2 triệu đồng/ha cho chi phí thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Chất lượng gạo tốt, năng suất tăng, vì vậy góp phần tăng lợi nhuận từ 2,6-3,6 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.

Mở rộng diện tích mô hình

Từ đầu năm 2021 đến nay, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh đã tổ chức 15 cuộc tọa đàm về sinh vật gây hại trên cây trồng, với hơn 450 lượt nông dân tham gia. Tại các cuộc tọa đàm, cán bộ kỹ thuật của Chi cục lồng ghép các kỹ thuật canh tác lúa theo “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” cho nông dân. Từ đó, thay đổi nhận thức và góp phần giúp nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất, giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm khá nhiều chi phí, tăng lợi nhuận.

Riêng trong vụ Đông Xuân 2021 – 2022, Chi cục tiếp tục thực hiện 4 mô hình trình diễn tại thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hóa, mỗi mô hình có diện tích 1ha. Theo đó, tại các mô hình trình diễn sẽ tiến hành sạ hàng hoặc cấy bằng máy để cho nông dân thấy được việc giảm mật độ sạ. Đồng thời, các mô hình cũng sẽ giảm lượng phân urê xuống còn 7-8kg/1.000m2 và trong 40 ngày đầu không phun thuốc trừ sâu để bảo vệ thiên địch.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Hóa – Nguyễn Thanh Nam cho biết: “Các hộ dân thực hiện theo quy trình “3 giảm, 3 tăng” đều cho rằng quy trình này giúp họ giảm được chi phí về giống, phân đạm, thuốc trừ sâu và tăng năng suất lúa, góp phần làm ra nông sản sạch, bảo vệ môi trường. Hiệu quả đạt được từ các mô hình là khá cao, thu nhập của người dân tăng lên đáng kể. Đây là tín hiệu tích cực góp phần giúp ngành Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng bền vững.

Ngoài ra, hiện nay, giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao, nên nông dân càng quan tâm nhiều hơn đến “bài toán” giảm chi phí sản xuất bằng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ trong quá trình canh tác, đặc biệt là quy trình “3 giảm, 3 tăng” nhằm giảm giá thành sản xuất và tăng lợi nhuận”.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh – Nguyễn Văn Cường, thời gian qua, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao làm cho chi phí sản xuất tăng lên đáng kể. Để phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp theo quy mô hàng hóa lớn, đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu, các địa phương cần quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; khuyến khích nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong liên kết, tiêu thụ.

“Với mô hình “3 giảm, 3 tăng”, ngành Nông nghiệp tỉnh mong muốn đem đến cho nông dân kỹ thuật canh tác mới, hiệu quả hơn; đồng thời, giúp nông dân thay đổi dần tập quán canh tác cũ, cùng liên kết xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, dễ tiêu thụ, tăng lợi nhuận.

Thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các giải pháp canh tác trên lúa cho nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác. Ngoài ra, Chi cục cũng tiếp tục theo dõi, thử nghiệm ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, công nghệ sinh học, sản phẩm hữu cơ,… trong sản xuất và phòng trừ dịch bệnh để có cơ sở xây dựng mô hình, thông tin, khuyến cáo cho người dân” – ông Cường cho biết thêm./.

Việc áp dụng kỹ thuật canh tác lúa theo mô hình “3 giảm, 3 tăng” mang lại lợi ích nhiều mặt, góp phần giảm khoảng 40% chi phí giống; cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu, bệnh nên giảm được trên 2 triệu đồng/ha cho chi phí thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Chất lượng gạo tốt, năng suất tăng, vì vậy góp phần tăng lợi nhuận từ 2,6 – 3,6 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình”. (Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã Kiến Tường đánh giá)

Bùi Tùng (Báo Long An online)


Khánh Hòa: Vạn Ninh tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản

UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) vừa có văn bản chỉ đạo công tác sản xuất và quản lý nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa lũ trên địa bàn huyện.

Theo đó, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền, thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định 02/2017 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành; phối hợp, tổ chức hướng dẫn đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, cấp phép nuôi trồng thủy sản theo Nghị định 26/2019 của Chính phủ. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học, tổ chức giám sát dịch bệnh chủ động tại cơ sở và thường xuyên theo dõi chặt chẽ biến động của thời tiết, môi trường nước; thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi, khuyến cáo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, ứng phó khi môi trường nuôi có diễn biến bất lợi; tổ chức triển khai, hướng dẫn ngư dân, người nuôi trồng thủy sản các biện pháp phòng, chống, ứng phó với thiên tai, bão lũ, đảm bảo an toàn cho người và tài sản…

Thanh Hải (Báo Khánh Hòa điện tử)


Giá ếch nuôi tăng lên 10.000 đồng/kg

So với cách nay 1 tháng, giá thịt ếch nuôi tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL hiện tăng thêm khoảng 10.000 đồng/kg và đang ở mức cao kỷ lục trong hơn 6 tháng qua.

Giá ếch nuôi loại 3-4 con/kg tại TP Cần Thơ và Hậu Giang, An Giang, Ðồng Tháp… được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua ở mức 43.000-46.000 đồng/kg; còn ếch loại 5-7 con/kg đang có giá 36.0000-40.000 đồng/kg.

Mô hình nuôi ếch trong vèo tại một hộ dân ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Giá ếch nuôi tăng cao do nguồn cung giảm mạnh vì thời điểm lượng ếch tới lứa thu hoạch không nhiều và do người dân tại nhiều địa phương giảm nuôi ếch vì giá cả đầu ra thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, giá ếch nuôi có thời điểm chỉ ở mức 22.000-25.000 đồng/kg so với giá thành từ 24.000 đồng/kg trở lên, người nuôi ếch thua lỗ.

Dự báo giá ếch nuôi có khả năng còn tăng và tiếp tục đứng ở mức cao do nguồn cung hạn chế và nhu cầu tiêu thụ tăng vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022. Ếch nuôi trong khoảng 3,5-4 tháng là có thể thu hoạch. Tuy nhiên, trong mùa lạnh, ếch nuôi thường chậm lớn và có tỷ lệ hao hụt nhiều.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG (Báo điện tử Cần Thơ)


Xuất khẩu cá tra cán đích

Mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng dự báo, xuất khẩu (XK) cá tra năm 2021 sẽ cán đích khoảng 1,54 tỷ USD, tăng nhẹ 3% so với năm 2020 và năm 2022 sẽ phục hồi nhẹ với mức tăng ước khoảng 7%, đạt 1,65 tỷ USD.

Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến Giải pháp phát triển nuôi cá tra tháng cuối năm 2021 và năm 2022 diễn ra mới đây, ông Như Văn Cẩn – Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) – cho biết, năm 2021, ngành thủy sản nói chung và ngành hàng cá tra nói riêng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Giá cá tra nguyên liệu giảm thấp kéo dài từ năm 2019 làm ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư sản xuất; đại dịch Covid-19 đã làm chuỗi sản xuất, tiêu thụ cá tra bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, năm 2021, ngành hàng cá tra đạt sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2020 và kim ngạch XK mặt hàng này ước đạt trên 1,5 tỷ USD.

Bà Lê Hằng – Phó giám đốc Trung tâm VASEP.PRO (Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam – VASEP) – thông tin: XK cá tra liên tục tăng trưởng từ đầu năm đến hết tháng 7/2021, tuy nhiên, do dịch Covid-19, kim ngạch XK sụt giảm mạnh từ tháng 8 – 10/2021. Bước sang tháng 11, XK cá tra đã phục hồi mạnh trở lại. Về thị trường XK, Mỹ chiếm 22% tỷ trọng, đây cũng là thị trường XK tăng trưởng mạnh nhất. Đối với thị trường EU, nhu cầu nhập khẩu 5 tháng đầu năm vẫn thấp, bắt đầu có tín hiệu tăng trưởng vào tháng 6, 7 nhưng từ tháng 8 lại giảm vì bị ảnh hưởng dịch Covid-19…

Bà Lê Hằng đánh giá, dự báo năm 2022, nhu cầu cá tra tại các thị trường sẽ tiếp tục tăng, nhất là thị trường Mỹ. Thị trường EU có thể phục hồi nhưng không mạnh. XK sang Trung Quốc khó có thể đoán định vì nước này vẫn kiên định kiểm soát chặt thủy sản nhập khẩu nhưng vẫn hy vọng có kết quả khả quan hơn năm 2021 vì các doanh nghiệp (DN) Việt dần thích ứng với những rào cản của thị trường này. Đặc biệt, các FTA tiếp tục là đòn bẩy xúc tiến thương mại sang nhiều thị trường. DN chế biến cần chuẩn bị tốt nội lực để tận dụng cơ hội XK cá tra sang thị trường EU sau khi việc cắt giảm những dòng thuế liên quan đến cá tra có hiệu lực nhờ Hiệp định EVFTA.

Để thúc đẩy XK trong năm 2022, bên cạnh nâng cao chất lượng giống, sản phẩm, việc tăng năng lực để ứng phó với sự thay đổi của thị trường là rất quan trọng.

Nguyễn Hạnh (Báo Công Thương)


SẢN PHẨM THUỐC THÚ Y THỦY SẢN TIỆP PHÁT

HOT MINER

KHOÁNG NÓNG LÀM TĂNG ĐỘ KIỀM, ỔN ĐỊNH pH NƯỚC KÍCH THÍCH TÔM LỘT XÁC VÀ MAU CỨNG VỎ

Công dụng: - Làm tăng độ kiềm và ổn định pH nước. - Kích thích tôm lột xác và mau cứng vỏ. - Cung cấp các khoáng chất cần thiết cho tôm sinh trưởng và phát triển. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
BEST BKC

DIỆT KHUẨN, NẤM, NGUYÊN SINH ĐỘNG VẬT TRONG AO NUÔI

Công dụng: - Tiêu diệt vi khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật trong ao nuôi tôm cá. - Sát trùng bể ương, thiết bị, dụng cụ nuôi. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
C TẠT

TĂNG SỨC ĐỀ KHÁNG, CHỐNG STRESS CHO TÔM

Công dụng: - Tăng cường sức đề kháng và chống stress cho tôm khi thời tiết xấu, môi trường thay đổi đột ngột. - Giúp tôm giống khỏe mạnh khi mới thả, khi vận chuyển sang tôm và nâng cao tỉ lệ sống. - Ổn định pH và độ kiềm nước ao nuôi. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
YUCCA PLUS

HẤP THU KHÍ ĐỘC

Công dụng: - Hấp thu nhanh khí độc NH3, H2S trong ao nuôi tôm - cá. - Cấp cứu kịp thời tình trạng tôm - cá nổi đầu, tấp mé do nồng độ khí độc tăng cao. - Chống stress, giúp gia tăng tỉ lệ sống, giảm hao hụt khi nuôi mật độ cao. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
TEA PLUS

TẠO NHANH MÀU TRÀ, NGĂN NGỪA TẢO ĐÁY

Công dụng: - Tạo nhanh màu trà cho nước ao nuôi khó gây màu và những ao thay nước liên tục. - Hiệu quả nhanh trong việc cải tạo màu nước, làm giảm hàm lượng ánh sáng gây căng thẳng cho tôm cá nuôi, ngăn ngừa tảo đáy phát triển. Tạo môi trường nước an toàn cho tôm cá. - Chuyển nước ao từ không màu hoặc màu xanh sang màu trà nhanh chóng. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
KON PRO

SÁT TRÙNG PHỔ RỘNG TIÊU DIỆT VI KHUẨN VIBRIO GIẢI PHÁP PHÒNG & TRỊ BỆNH TPD TRÊN TÔM

Công dụng: - Diệt vi khuẩn Vibrio, vi khuẩn gây gan tụy, phân trắng, phát sáng. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
M-1

ĐIỀU TRỊ BỆNH QUẸO CỔ, MẮT MÙ MỘT BÊN Ở ẾCH, CHƯỚNG HƠI, SÌNH BỤNG, VIÊM Ổ BỤNG, VIÊM GAN, THẦN KINH

Công dụng: - Chuyên điều trị bệnh quẹo cổ ở ếch, mù mắt một bên. - Trị nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng máu trên cá, ếch do vi khuẩn Aeromonas hydrophila, Pseudomonas, Vibrio spp.. - Điều trị các trường hợp nhiễm trùng đường ruột, chướng hơi, sình bụng, viêm ổ bụng,… do các vi khuẩn nhạy cảm với Amoxicillin gây ra trên đối tượng thủy sản. [sc name="sg6"]
not rated
Đọc tiếp
ANTIMAX

GIẢI ĐỘC GAN, TĂNG SỨC ĐỀ KHÁNG, CHỐNG STRESS

Công dụng: - Bổ sung vitamin C, Sorbitol giúp tăng sức đề kháng, chống stress cho tôm, cá. - Giải độc gan, tái tạo tế bào gan, tăng cường chức năng gan. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
TST 250

THUỐC SÁT TRÙNG THẾ HỆ MỚI

Công dụng: - Tiêu diệt vi khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật trong môi trường nuôi và dụng cụ nuôi. - Diệt khuẩn gây bệnh gan tụy, phân trắng, phát sáng. - Tiêu diệt nhanh chóng và triệt để vi khuẩn gây ra đốm đỏ, lở loét, đỏ kỳ, đỏ mỏ, tuột vảy, lang ben trên cá. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp