(Thuốc Thủy Sản Tiệp Phát) Tổng hợp tin tức về nông nghiệp – thủy sản trong tuần từ 23/05/2022 – 29/05/2022.
Để người chăn nuôi yên tâm sản xuất!
Hiện nay, giá hầu hết các loại thức ăn công nghiệp phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản đều tăng lên ở mức rất cao và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thêm vào đó, nhiều chi phí đầu vào khác cũng tăng; dịch bệnh, thiên tai, giá cả đầu ra bấp bênh là những thách thức cho người chăn nuôi. Tình hình này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung các sản phẩm chăn nuôi trong tương lai.
Khó duy trì đàn heo
Những hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ là đối tượng đang gặp nhiều khó khăn trong duy trì và phát triển đàn vật nuôi. Bởi giá heo hơi vẫn ở mức thấp, chưa đảm bảo cho người chăn nuôi có lời, trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao. Dịch tả heo châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, chưa có vaccine, thuốc đặc trị để phòng ngừa và trị bệnh này.
Bà Huỳnh Thị Hạnh, ngụ xã Ðông Thắng, huyện Cờ Ðỏ, cho biết: “Do giá thức ăn gia súc và nhiều chi phí chăn nuôi đầu vào liên tục tăng cao nên để nuôi 1 con heo đạt tạ (100kg), nhiều hộ dân phải bỏ ra số tiền từ 5,6-6 triệu đồng, đó là chưa kể tiền công chăm sóc. Trong khi giá heo hơi chỉ ở mức 5,5-5,8 triệu đồng/tạ (dù đã tăng khoảng 700.000-800.000 đồng/tạ so với hồi đầu năm, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 1,2-1,3 triệu đồng/tạ so với cùng kỳ). Người chăn nuôi chỉ từ phá huề đến lỗ vốn”.
Bà Phạm Thị Lượng ngụ ấp Trường Phú, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, cho biết: “Chăn nuôi heo hiện nay đều phụ thuộc vào nguồn thức ăn công nghiệp chế biến sẵn. Tuy nhiên, giá mặt hàng này đã liên tục tăng cao trong hơn 1 năm qua, với khoảng 14 lần điều chỉnh tăng, tính ra mỗi bao thức ăn đã tăng từ 100.000-150.000 đồng/bao, tùy loại 25kg hay 40 kg/bao. Chi phí tiền thức ăn chiếm khoảng 65-70% giá thành chăn nuôi nên người nuôi heo bị thiếu vốn và gặp khó khi giá heo hơi ở mức thấp. Tôi chỉ còn duy trì nuôi 10 con, trong khi trước đây lúc nào tôi cũng nuôi từ 30-40 con heo trở lên”.
Còn theo anh Lê Văn Tha ở xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, nhiều hộ dân muốn phát triển nuôi heo tại gia nhằm kiếm thêm thu nhập. Nhưng do giá thức ăn tăng cao và chăn nuôi dễ gặp rủi ro do dịch bệnh nên gần đây nhiều hộ dân đã quyết định tạm thời nghỉ nuôi. Từ cách nay khoảng 2 tháng, anh Tha xuất bán đàn heo 10 con, với giá bán 5,3 triệu đồng/tạ, lỗ vốn hơn 15 triệu đồng.
Chờ giá thức ăn chăn nuôi giảm
Người chăn nuôi gia cầm và thủy sản cũng đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi giá các chi phí đầu vào phục vụ chăn nuôi tăng, nhất là giá thức ăn chăn nuôi. Giống như nuôi heo, việc chăn nuôi nhiều loại gia cầm và thủy sản cũng đang phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào nguồn thức ăn công nghiệp và khi giá mặt hàng này tăng cao, người dân cũng gặp khó về nguồn vốn phục vụ sản xuất, còn các cửa hàng hạn chế bán thiếu nhằm hạn chế rủi ro.
Dù giá gia cầm và nhiều loại thủy sản đang ở mức khá cao, giúp người nuôi có lời nhưng với tình hình giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, người nuôi lo ngại tới đây giá đầu ra sản phẩm không tăng tương xứng sẽ không còn lời, thậm chí lỗ vốn. Theo ông Huỳnh Thanh Bình, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp thủy sản Thắng Lợi ở huyện Vĩnh Thạnh, giá cá tra nguyên liệu xuất khẩu ở mức khá cao từ 30.000-32.000 đồng/kg, người nuôi cá tra đang có lợi nhuận khá tốt. Nhưng giá thức ăn tăng cao, người dân khó mở rộng diện tích nuôi vì thiếu vốn, cũng như sợ bị thua lỗ nếu giá cá tra giảm trở lại. Với giá nhiều loại thức ăn cho cá đang ở mức trên dưới 14.000 đồng/kg, tới đây giá thành nuôi cá tra có thể lên đến 27.000-28.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn.
Ngoài ra, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm và thủy sản cũng dễ gặp các rủi do dịch bệnh, thiên tai và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Người nuôi rất mong ngành chức năng có giải pháp bình ổn và kéo giảm giá thức ăn chăn nuôi, cũng như ổn định nguồn cung và đảm bảo chất lượng thức ăn chăn nuôi bán trên thị trường. Kịp thời có các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong nước chủ động sản xuất và tìm kiếm các nguồn thức ăn chăn nuôi thay thế có giá rẻ hơn; được tiếp cận nhiều chương trình hỗ trợ về vốn, kỹ thuật chăn nuôi để kéo giảm chi phí; vay vốn với lãi suất ưu đãi…
Bà Nguyễn Ngọc Bích ngụ xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, đang nuôi 27 con heo, cho biết: “Hiện tôi phải mua thức ăn viên dành cho heo với giá từ 480.000-560.000 đồng/bao, còn thức ăn đậm đặc dành cho heo (thức ăn dạng cám, có hàm lượng chất dinh dưỡng cao) có giá lên đến 610.000-620.000 đồng/bao 25kg, thậm chí cao hơn. Người dân rất khó duy trì và phát triển đàn heo, tôi rất mong Nhà nước có giải pháp kéo giảm giá thức ăn chăn nuôi, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật và tạo điều kiện để người dân có thể tận dụng các loại nông sản trong nước để làm các loại thức ăn tự chế có giá rẻ hơn. Ðể giảm chi phí chăn nuôi, tôi cũng đã mua các loại cám gạo về phối trộn với các loại thức ăn công nghiệp, nhưng nguồn cám gạo đảm bảo chất lượng và có giá cả phù hợp không dễ tìm mua. So với các năm trước, hiện giá cám gạo cũng đã tăng hơn 100.000 đồng/bao 50kg, lên ở mức hơn 400.000 đồng/bao”.
Theo anh Ðinh Hoàng Chân, chủ cửa hàng thức ăn chăn nuôi Huy Hoàng ở huyện Thới Lai, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao cũng gây nhiều khó khăn cho các cửa hàng vì cần phải tăng thêm nguồn vốn phục vụ kinh doanh, nhưng lợi nhuận không tăng do sức tiêu thụ hàng bị giảm mạnh. Rất mong giá thức ăn sớm bình ổn và giảm trở lại để ngành chăn nuôi phát triển ổn định, nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng trở lại.
Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi tăng do giá cả nguyên vật liệu sản xuất tăng cao, nhất là từ khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Do đó, về lâu dài, nước ta cần chủ động sản xuất các loại nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu thì mới có thể “quyết” được giá cả nguyên liệu, chi phí đầu vào có lợi cho người chăn nuôi và mở rộng quy mô sản xuất theo tình hình thực tế.
ĐBSCL: Giá thịt ếch nuôi đạt mức cao kỷ lục
Do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ cao, gần đây giá ếch thịt (ếch nuôi) tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã tăng thêm 2.000-3.000 đồng/kg so với tháng trước và đạt mức cao kỷ lục trong hơn 2 năm nay.
Tại Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp… ếch thịt loại 3-6 con/kg được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua ếch với giá 43.000-47.000 đồng/kg, cao hơn ít nhất 17.000-20.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021. Tại nhiều chợ và điểm kinh doanh thủy sản, giá thịt ếch nuôi đang được bán lẻ với mức 60.000-65.000 đồng/kg. Hiện ếch nuôi ở ĐBSCL không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn được thu mua để phục vụ chế biến xuất khẩu.
Theo nhiều hộ nuôi ếch, với giá ếch thịt như hiện nay, người nuôi có thể lời trên dưới 15.000 đồng/kg ếch thương phẩm. Tuy nhiên, giá con giống tăng cao và khó tìm mua, giá thức ăn và nhiều chi phí đầu vào khác cũng tăng nên việc phát triển nuôi ếch gặp nhiều khó khăn và người nuôi dễ gặp rủi ro.
Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG (Báo điện tử Cần Thơ)
Tây Ninh: Sầu riêng Bàu Đồn trúng mùa, được giá
Nhiều năm qua, Đảng uỷ, UBND xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) định hướng cho người dân chuyển đổi cây trồng, từ sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp chuyển sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn. Chủ trương này được người dân đồng tình ủng hộ, chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái, như măng cụt, bưởi da xanh, mít Thái… đặc biệt là sầu riêng cho giá trị kinh tế cao.
Từ năm 2018, để từng bước tập hợp, liên kết những người trồng sầu riêng trên địa bàn theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tiến tới tiêu thụ sản phẩm ổn định và bền vững, xã Bàu Đồn thành lập các tổ hợp tác sản xuất cây ăn trái, cây công nghiệp. Khi các tổ hợp tác dần đi vào hoạt động ổn định, địa phương chủ trương sáp nhập, thành lập Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Đồn nhằm tạo chuỗi liên kết đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tìm thị ra bền vững cho sản phẩm sầu riêng Bàu Đồn.
Ông Phan Hoài Thịnh- Giám đốc HTX cây ăn trái Bàu Đồn cho biết, hợp tác xã hiện có 32 thành viên sản xuất trên 40 ha, chủ yếu là sầu riêng, ngoài ra còn có bưởi da xanh, mít thái… Từ năm 2021, đơn vị đăng ký vùng trồng, mã QR nhãn hiệu sầu riêng. Nhờ vậy, nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm cây ăn trái ở Bàu Đồn, đặc biệt trái sầu riêng do HTX sản xuất được quảng bá rộng rãi. “Nhờ có tem nhãn, mã QR, người tiêu dùng có thể nhận biết được trái sầu riêng này là sản phẩm do HTX phân phối, cũng như biết được loại trái cây này có xuất xứ từ Bàu Đồn. Hiện tại, trái sầu riêng HTX cây ăn trái Bàu Đồn đã có mặt tại các cửa hàng, hệ thống siêu thị trên toàn quốc, đặc biệt tại Hà Nội”, ông Thịnh cho biết.
Xã Bàu Đồn có nhiều kênh mương nằm trong hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng chảy về phục vụ sản xuất nông nghiệp. So với các vùng khác, trái sầu riêng Bàu Đồn có múi vàng ửng, ngọt thơm, cơm vừa khô mà cũng không bị nhão nên được nhiều người ưa chuộng. Chị Quỳnh Tiên, một du khách từ tỉnh Lâm Đồng vào Tây Ninh, có dịp thưởng thức sầu riêng Bàu Đồn, nhận xét: “Vị sầu riêng ở đây khác hẳn so với các vùng khác, vỏ mỏng, múi vàng, hạt lép, không khô cũng không nhão. Rất ngon!”.
Xã Bàu Đồn có khoảng 3.000 ha đất sản xuất lúa, từ khi thực hiện chuyển đổi cây trồng, với 1.300 ha cây ăn trái được chuyển đổi, cây sầu riêng đã chiếm hơn 1.000 ha, trong đó trên 800 ha sầu riêng các loại Ri6, Monthong đang thu hoạch, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Nhờ chăm sóc tốt và áp dụng kỹ thuật hiệu quả nên hầu hết các vườn sầu riêng đều cho trái đạt yêu cầu. Bà Nguyễn Thị Gái (64 tuổi, ngụ ấp 6, xã Bàu Đồn) cho biết vườn nhà bà trồng gần 1 ha cây sầu riêng Ri 6 và đang vào mùa thu hoạch. Từ đầu tháng 4 đến nay, bà đã bán hơn 7 tấn sầu riêng, giá 60.000-70.000 đồng/kg.
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tình hình sản xuất kinh tế ở các địa phương gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, riêng sản phẩm sầu riêng Bàu Đồn tiêu thụ nhanh, được giá. Theo giải thích của Giám đốc HTX Phan Hoài Thịnh, do vụ mùa sầu riêng ở Tây Ninh cũng vừa kết thúc trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, sản lượng trái sầu riêng đã được cung ứng ra thị trường thuận lợi.
Năm 2022, dù dịch bệnh Covid-19 đã được kiếm soát tốt, giá khá cao nhưng sản lượng cung ứng ra thị trường chậm hơn so với năm 2021 do các địa phương khác cũng đồng loạt vào vụ mùa. “So với đầu vụ, chúng tôi cắt trung bình mỗi ngày từ 15-17 tấn trái, nhưng hiện tại thì ít hơn do nguồn cung vượt cầu. Tuy nhiên, dù hàng hoá có đi chậm nhưng giá bán ra cũng khá cao, bà con trồng sầu riêng cũng an tâm phần nào”- ông Thịnh cho hay.
Ông Nguyễn Văn Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Đồn, nhận định: “So với đầu vụ, giá rầu riêng bán ra tương đối cao, từ 60.000 đồng/kg – 70.000 đồng/kg, đến giữa vụ giá giảm xuống khoảng 40.000 đồng/kg – 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với mật độ thu hoạch trung bình từ 18 – 20 tấn/ha, thu nhập bình quân từ 800 – 900 triệu đồng/ha, người trồng sầu riêng được làm giàu trên mảnh đất của mình”.
Theo ông Dũng, hiện tại, sản phẩm sầu riêng Bàu Đồn vẫn còn “trôi nổi” trên thị trường, giá cả thất thường, một số nhà vườn dù đã có thương lái đặt cọc nhưng khi giá bán bị xuống thì họ cũng bỏ, không cắt bán. Điều này đã gây tâm lý bất ổn cho người trồng, thậm chí e dè, so sánh thiệt hơn khi liên kết đầu ra với hợp tác xã. Để tạo hướng đi mới, xã sẽ tăng cường tuyên truyền vận động người dân tiến tới kinh tế hợp tác, vận động người dân tham gia hợp tác xã để tạo nguồn đầu ra ổn định, vững chắc, tránh bị thương lái ép giá. Hiện tại, HTX cây ăn trái Bàu Đồn đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp xuất khẩu cây ăn trái, đặc biệt là trái sầu riêng, với giá cả ổn định, thuận tiện hơn trong quá trình liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm, hướng tới, xã Bàu Đồn sẽ kiến nghị các cơ quan cấp trên tạo cầu nối với doanh nghiệp tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm cây ăn trái để kết nối bền vững, tạo sự kết nối giữa nông dân với hợp tác xã để có hướng tiêu thụ ổn định lâu dài.
Tâm Giang (Tây Ninh Online)
Bến Tre: Tình hình sản xuất và cung ứng giống tôm nước lợ
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội, hiện toàn tỉnh có 63 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống nước lợ, trong đó có 33 cơ sở sản xuất và 30 cơ sở ương dưỡng. Cơ sở sản xuất giảm 2 cơ sở so với năm 2019 và giảm 10 cơ sở so với năm 2016. Trong đó, sản xuất tôm thẻ giống có 3 cơ sở với công suất thiết kế là 2,7 tỷ con/năm, công suất thực tế 1,5 tỷ con/năm; sản xuất tôm sú giống có 30 cơ sở với công suất thiết kế là 2,5 tỷ con/năm, công suất thực tế là 0,7 tỷ con/năm.
Tổng sản lượng tôm giống sản xuất trên địa bàn đạt 1,1 tỷ con; trong đó chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ hầu như không có. Số lượng giống tôm nhập từ địa phương khác ước tính 7,56 tỷ con; trong đó, tôm sú là 0,54 tỷ con và tôm thẻ là 7,02 tỷ con. Như vậy, sản lượng tôm thẻ giống sản xuất nhỉnh hơn so với nhu cầu thực tế, trong khi sản lượng tôm sú giống thì chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế.
Toàn tỉnh hiện có 3 khu sản xuất giống tập trung tại xã Thới Thuận, xã Thừa Đức (Bình Đại) và xã Thạnh Hải (Thạnh Phú), nhiều doanh nghiệp lớn có năng lực đầu tư tại tỉnh với công suất khoảng 3 – 6 tỷ con/năm. Với 33 cơ sở sản xuất tôm giống đóng trên địa bàn, tuy nhiên sản lượng tôm giống sản xuất hàng năm thấp hơn so với nhu cầu sản xuất. Tỷ lệ tôm giống được kiểm định đạt trên 90%, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Tỷ lệ tôm giống chất lượng cao đưa vào nuôi đạt trên 70%.
Lê Nguyễn (Báo Đồng Khởi)