(Thuốc Thủy Sản Tiệp Phát) Tổng hợp tin tức về nông nghiệp – thủy sản trong tuần từ 25/07/2022 – 31/07/2022.
Bảng giá thủy sản tuần 25/07/2022 – 31/07/2022
Bảng giá một số mặt hàng thủy sản cập nhật mới nhất hôm nay, giá thủy sản tuần 25/07 – 31/07/2022.
TÊN MẶT HÀNG | ĐƠN GIÁ (VNĐ) | ĐƠN VỊ TÍNH | NGÀY BÁO GIÁ | ĐỊA PHƯƠNG |
Cá khoai | 120.000 | đồng/kg | 28/7/2022 | Hà Nội |
Ốc mít | 25.000 | đồng/kg | 28/7/2022 | Hà Nội |
Hàu tươi | 35.000 | đồng/kg | 28/7/2022 | Hà Nội |
Bọ biển | 139.000 | đồng/kg | 28/7/2022 | Hà Nội |
Mực nút | 125.000 | đồng/kg | 28/7/2022 | Hà Nội |
Ốc sư tử | 75.000 | đồng/kg | 28/7/2022 | Hà Nội |
Bề bề trứng | 199.000 | đồng/kg | 28/7/2022 | Hà Nội |
Ốc móng rồng | 259.000 | đồng/kg | 28/7/2022 | Hà Nội |
Cá trứng | 99.000 | đồng/kg | 28/7/2022 | Hà Nội |
Ghẹ đỏ 5-7 con/kg | 150.000 | đồng/kg | 28/7/2022 | Hà Nội |
Ốc vôi vàng | 70.000 | đồng/kg | 28/7/2022 | Hà Nội |
Ghẹ xanh 3-5 con/kg | 399.000 | đồng/kg | 28/7/2022 | Hà Nội |
Ghẹ xanh 6-7 con/kg | 279.000 | đồng/kg | 28/7/2022 | Hà Nội |
Sò huyết | 219.000 | đồng/kg | 28/7/2022 | Hà Nội |
Cua thịt 5-6 con/kg | 259.000 | đồng/kg | 28/7/2022 | Hà Nội |
Cua thịt 4 con/kg | 329.000 | đồng/kg | 28/7/2022 | Hà Nội |
Cua thịt 3 con/kg | 419.000 | đồng/kg | 28/7/2022 | Hà Nội |
Tôm càng lột | 219.000 | đồng/kg | 28/7/2022 | Hà Nội |
Ngao hoa | 70.000 – 120.000 | đồng/kg | 28/7/2022 | Hà Nội |
Sò thưng | 120.000 | đồng/kg | 28/7/2022 | Hà Nội |
Ngao 2 cùi | 90.000 | đồng/kg | 28/7/2022 | Hà Nội |
Tôm cái trứng | 210.000 | đồng/con | 28/7/2022 | Hà Nội |
Sò lông | 33.000 | đồng/kg | 28/7/2022 | Hà Nội |
Tôm sú | 379.000 | đồng/kg | 28/7/2022 | Hà Nội |
Cá tra thịt trắng | 42.000 – 45.000 | đồng/kg | 27/7/2022 | An Giang |
Lươn (loại 2) | 160.000 – 170.000 | đồng/kg | 27/7/2022 | An Giang |
Lươn (loại 1) | 180.000 – 200.000 | đồng/kg | 27/7/2022 | An Giang |
Ếch nuôi | 55.000 – 60.000 | đồng/kg | 27/7/2022 | An Giang |
Tôm càng xanh | 220.000 – 240.000 | đồng/kg | 27/7/2022 | An Giang |
Cá lóc nuôi | 55.000 – 60.000 | đồng/kg | 27/7/2022 | An Giang |
Cá nàng hai | 80.000 – 85.000 | đồng/kg | 27/7/2022 | An Giang |
Cá điêu hồng | 50.000 – 52.000 | đồng/kg | 27/7/2022 | An Giang |
Cá rô phi | 32.000 – 35.000 | đồng/kg | 27/7/2022 | An Giang |
Cá trê vàng tại ao | 48.000 | đồng/kg | 26/7/2022 | TP. Hồ Chí Minh |
Cá lóc nuôi tại ao | 37.000 | đồng/kg | 26/7/2022 | TP. Hồ Chí Minh |
Cá điêu hồng tại ao | 36.000 | đồng/kg | 26/7/2022 | TP. Hồ Chí Minh |
Cá rô phi tại ao | 33.000 | đồng/kg | 26/7/2022 | TP. Hồ Chí Minh |
Cua gạch | 250.000 | đồng/kg | 26/7/2022 | TP. Hồ Chí Minh |
Cua thịt | 160.000 | đồng/kg | 26/7/2022 | TP. Hồ Chí Minh |
Thái Bình: Nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao nước ngọt
Tại tỉnh ta, tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi chủ lực trong ngành thủy sản vì giá trị kinh tế cao cùng với thời gian nuôi tương đối ngắn. Nhờ vậy, các mô hình nuôi tôm thẻ ngày càng phát triển về chuyên môn và quy mô. Thời gian gần đây xuất hiện một số mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt tự phát cho hiệu quả kinh tế cao.
Sau 2 năm nuôi thử nghiệm, anh Trần Ngọc Trà, thôn Hải Long, xã Đông Xuyên (Tiền Hải) đã thuần hóa thành công con tôm thẻ chân trắng nuôi ở nước mặn, nước lợ sang nuôi nước ngọt. Với 4.000m2 mặt nước được chuyển đổi từ ruộng úng trũng cấy lúa kém hiệu quả, mỗi năm anh Trà thu lãi trên 200 triệu đồng nhờ nuôi tôm.
Anh chia sẻ: Thời gian đầu khi mới nuôi tôi gặp nhiều khó khăn bởi kiến thức hạn hẹp, kỹ thuật chăm sóc chưa nhiều nên tôm thường xuyên chết. Lứa đầu tiên thả nuôi được 39 ngày thì tôm bị bệnh hồng thân, chết hết. Tính riêng 2 năm đầu nuôi tôm, tôi thả 19 lượt giống, vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, tôi đã thuần hóa thành công con tôm nước mặn sang nuôi nước ngọt, mở ra hướng đi mới nên tôi tiếp tục đầu tư.
Theo chia sẻ của anh Trà, nuôi tôm thẻ chân trắng ở ao nước ngọt quan trọng nhất là khâu thuần hóa tôm giống và xử lý nguồn nước. Anh Trà tự học hỏi, xây dựng 3 bể xi măng, tôm giống nước mặn mua ở các cơ sở uy tín được thuần hóa qua 3 bể trước khi thả xuống ao nước ngọt. Thời gian thuần hóa khoảng 7 ngày. Ngoài ra, quá trình nuôi anh Trà nói không với kháng sinh, xử lý ao nuôi, môi trường nước bằng chế phẩm vi sinh; thức ăn cho tôm cũng được bổ sung chế phẩm vi sinh, tỏi để tăng sức đề kháng, tạo cho tôm hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Anh Trà chia sẻ thêm: Với hình thức nuôi bán thâm canh, mật độ tôi thả chỉ từ 50 – 70 con/m2. Để bảo đảm an toàn dịch bệnh nên thời gian nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt dài hơn so với nước lợ, khoảng 4 tháng/lứa, thu hoạch tôm trọng lượng đạt 40 – 50 con/kg. Một năm tôi chỉ thả 2 vụ đầu năm và cuối năm, 4 tháng giữa năm để cải tạo ao. Năm 2021, sau khi trừ chi phí tôi thu lãi 230 triệu đồng từ nuôi tôm, gấp 10 lần so với nuôi cá truyền thống.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành tự phát một số mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, đây là hình thức nuôi mới, chưa được ngành nông nghiệp khuyến cáo bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình nuôi.
Theo chia sẻ của anh Trà, vùng nuôi tôm nằm giữa vùng cấy lúa nên hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong nước cao. Mỗi năm anh chỉ thay nước trong ao nuôi tôm từ 1 – 2 lần vào dịp đổ ải. Ngoài ra, nước trong ao nuôi chỉ được bổ sung khi có mưa nên tôm chậm lớn hơn nuôi nước lợ.
Ngoài ra, ngành chuyên môn cũng e ngại việc người dân tự ý khoan giếng để lấy nước phục vụ ao nuôi sẽ ảnh hưởng đến mạch nước ngầm. Do quy mô nhỏ lẻ và mang tính tự phát nên việc người dân tự ý nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng nước ngọt có nguy cơ gây ô nhiễm hệ sinh thái khu vực do chưa có hệ thống xử lý nước thải hợp lý mà hầu hết là thải trực tiếp ra sông ngòi. Có trường hợp người dân bổ sung độ mặn cho ao nuôi tôm bằng cách rải thêm muối hạt vào ao, điều này làm cho nước ở khu vực nước ngọt này bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến quá trình canh tác lúa cũng như nuôi thủy sản ở vùng lân cận…
Ngân Huyền (Báo Thái Bình)
Chi phí và nguyên liệu, cơn “đau đầu” của ngành thủy sản
Chi phí sản xuất tăng, nguyên liệu hạn chế và nhu cầu thị trường có phần cầm chừng là những nguyên nhân khiến nhiều chuyên gia dự báo xuất khẩu thuỷ sản nửa cuối năm khó “bùng nổ”.
Kim ngạch “đội giá”
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) trong 5 tháng đầu năm ngành tôm có mức tăng trưởng rất khích lệ; tôm thương phẩm tăng trên 10% và kim ngạch xuất khẩu tăng trên 40% so cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, bước sang tháng 6 xuất khẩu tôm ghi nhận tăng trưởng âm với mức giảm 1%.
Bà Kim Thu – chuyên gia thị trường tôm của VASEP cho rằng, nguồn cung tôm nguyên liệu trong nước hạn chế, nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường Mỹ, EU “chững” được coi là một trong những nguyên nhân khiến kết quả xuất khẩu tôm trong tháng 6 không được như mong đợi.
Kim ngạch xuất khẩu tôm tăng mạnh bất thường trong những tháng đầu năm nay còn được cho là do chi phí cước tàu tăng, góp phần làm tăng giá bán; hậu quả COVID-19 cuối năm 2021 khiến không ít doanh nghiệp tôm giảm chế biến và đẩy mạnh trả nợ đơn hàng vào đầu năm nay. Lạm phát tăng cũng phần nào tác động làm tăng giá tiêu thụ tôm.
Cùng quan điểm, ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta phân tích, chi phí cước tàu tăng đã góp phần tăng “ảo” thêm khoảng 10% giá trị kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, cuối năm 2021, hậu quả COVID-19 khiến không ít doanh nghiệp tôm giảm chế biến, dồn việc trả đơn sang nửa đầu năm 2022.
Theo ông Hồ Quốc Lực, nửa cuối năm xuất khẩu tôm khó bùng nổ khi chịu nhiều tác động từ chi phí sản xuất, nguồn nguyên liệu và thị trường. Xuất phát từ biến đổi khí hậu khiến nước trên hệ thống sông Cửu Long đã ngọt sớm hơn mọi năm không đáp ứng nhu cầu phát triển con tôm. Mặt khác, vụ nuôi chính năm 2022 tại miền Tây kết thúc sớm hơn dự kiến do ảnh hưởng bởi dịch bênh làm tôm chậm lớn, chết rải rác người nuôi phải thu hoạch sớm, khi cỡ tôm chưa đạt kỳ vọng.
Nếu mọi năm, đầu quý III là cao điểm mùa tôm chính của năm, đảm bảo đủ nguyên liệu cho chế biến thì năm nay mức phổ biến đáp ứng nguyên liệu ở các doanh nghiệp tôm là 2/3; thậm chí có ngày còn ít hơn, chỉ 1/2. Mặt khác, tôm cỡ lớn cũng giảm so năm trước, điều này ít nhiều gây khó khăn cho các doanh nghiệp tôm trả nợ đơn hàng.
Trong bối cảnh nêu trên, tại thị trường Mỹ, giá cả tiêu thụ lại có xu thế giảm vì tôm giá rẻ từ Ấn Độ và Ecuador thâm nhập mạnh mẽ. Lại thêm tôm không thuế chống bán phá giá từ Indonesia khiến tômViệt chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.
Hoàn cảnh này, thị trường mục tiêu là Nhật Bản. Mẫu mã sản phẩm tôm cung ứng thị trường Nhật Bản hết sức đa dạng, đòi hỏi chế biến tỉ mỉ, cầu kỳ, đẹp mắt, toàn là hàng tinh chế. Như vậy, năng suất sẽ không cao, mức tăng sản lượng không mạnh, nhưng rất phù hợp trong bối cảnh tình hình xuất khẩu tôm hiện nay.
Mặt khác chi phí cước tàu tới Nhật Bản không cao so các tuyến vận chuyển xa (Mỹ, EU) sẽ không làm tăng ảo giá bán, khiến việc tiêu thụ thuận lợi hơn. Mức lạm phát tại Nhật Bản thấp hơn các thị trường Mỹ và EU cũng là một lợi thế cho việc duy trì tiêu thụ. Năm 2022, ngành tôm phấn đấu đạt sản lượng 1 triệu tấn tôm thương phẩm. Mục tiêu trên còn phụ thuộc thời tiết ở 6 tháng cuối năm, nhưng có cơ sở là chuỗi hợp tác nuôi mới giữa nhà cung ứng, ngân hàng, đại lý và người nuôi ngày càng thể hiện tích cực rõ nét hơn.
Giải bài toán chi phí và nguyên liệu
Các doanh nghiệp thuỷ sản cho biết, hiện nay họ đang gánh nhiều khoản chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm và ngành hàng.
Bà Tạ Hà nêu vấn đề, từ năm 2020 đến nay, với nhiều lý do từ “tắc cảng” do đại dịch COVID-19 và nay là giá nhiên liệu xăng dầu tăng, việc đặt container vốn đã khó khăn thì giá cước ở hầu hết các chặng tăng từ 4-5 lần. Tại thời điểm tháng 6/2022, dù đã giảm một chút, nhưng để xuất được một container 40 feet qua bờ Đông nước Mỹ thì giá cước đã khoảng 16.400 USD/container, tính cả chi phí vận chuyển đường bộ từ nhà máy tại các tỉnh tới Tp.Hồ Chí Minh(chiếm hơn 60%), thì trung bình 400-410 triệu đồng/container.
Xăng dầu tăng cao là nguyên nhân khiến 40-50% tàu khai thác hải sản đã nằm bờ. Nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến giảm từ 70-80% so với trước. Theo thống kê của cảng cá Hòn Rớ (Khánh Hòa), cho tới tháng 7/2022, đã có hơn 90% tàu đánh bắt không được hỗ trợ xăng dầu đã ngưng hoạt động. Sản lượng hải sản cập cảng cũng giảm từ 30-40%, chủ yếu từ các tàu đánh bắt ngắn ngày. Do nguồn nguyên liệu trong nước bị giảm mạnh nên các nhà máy chế biến hải sản cũng gặp khó khăn. Các doanh nghiệp buộc phải tăng nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng không đủ cho chế biến.
Giá xăng dầu tăng cũng đẩy chi phí vận chuyển đường bộ, logistics tăng từ 10-20% so với trước. Đây là bài toán khó đối với các doanh nghiệp thủy sản trong bối cảnh thị trường thủy sản thế giới đã hồi phục sau COVID-19 và các nguồn cung đối thủ đang gia tăng cạnh tranh mạnh mẽ. Một thách thức, khó khăn khác mà các doanh nghiệp thủy sản đang gặp phải là các thủ tục Chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác còn nhiều bất cập. Do đó, các doanh nghiệp vẫn còn vướng mắc khi sử dụng nguồn nguyên liệu khai thác có chứng nhận.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc – Chủ tịch Uỷ ban Hải sản VASEP thông tin, sau nhiều nỗ lực, EU vẫn chưa gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản Việt Nam. Vì vậy, VASEP đề nghị Nhà nước cần có chính sách đầu tư hạ tầng nghề cá và nâng cao năng lực thực thi quản lý tàu thuyền, khai thác biển. Trước mắt là cải tiến cơ sở dữ liệu quản lý tàu thuyền khai thác, sửa đổi quy định ghi nhật ký và số hóa quy trình kiểm tra, cấp xác nhận, chứng nhận khai thác.
Đối với việc phát triển nguyên liệu nuôi trồng, hiện chiếm 70% nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Các doanh nghiệp đều có nhu cầu mở rộng các vùng nuôi tập trung để tăng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay các địa phương đang đô thị hoá nên biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất và những quy hoạch về sử dụng đất đang là thách thực lớn cho doanh nghiệp và người nuôi thuỷ sản.
Do vậy, trong kiến nghị gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, VASEP đề xuất cần thúc đẩy nhanh việc sửa Luật Đất đai; trong đó cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, quy hoạch đất để ngành thủy sản phát triển được các vùng nuôi tập trung phù hợp. Chính phủ và các địa phương cũng cần có chính sách để phát triển và mở rộng vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung.
Về nhập khẩu, VASEP cho rằng, các chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản cho sản xuất, xuất khẩu còn thiếu, các thủ tục cho nhập khẩu vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở chiến lược phát triển thủy sản đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021, Hiệp hội đề nghị Chính phủ ban hành quy định và chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam tận dụng lợi thế về năng lực chế biến hiện đại, tay nghề công nhân và đạt được mục tiêu trở thành “nhà máy gia công” lớn của thuỷ sản thế giới.
Xuân Anh/TTXVN
An Giang: Nuôi ốc bươu đen trong ao đất
Được người quen cho mượn 2 ao đất trống với diện tích 14.000m2, cộng thêm việc nắm bắt nhu cầu của thị trường, ông Đỗ Văn Nhiều (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) cải tạo môi trường thuận lợi để phát triển mô hình nuôi ốc bươu đen. Với mô hình này, ông Nhiều vừa bán được ốc bươu đen thương phẩm, vừa cung cấp lượng ốc giống cho những nông hộ có nhu cầu phát triển.
Đến nay, mô hình nuôi ốc bươu đen của ông Nhiều phát triển gần 6 năm. Thời gian đầu, được người quen cho mượn 2 ao đất trống, ông Nhiều chủ yếu trồng bông súng, thả một số loại cá để phát triển tự nhiên, nhờ vậy có được nguồn thu mỗi ngày. Thấy được môi trường nước thuận lợi cho ốc phát triển, không bị ốc bươu vàng tấn công, ông Nhiều mua ốc giống thả xuống ao để nuôi thử nghiệm. Bất ngờ, chỉ từ nguồn thức ăn tự nhiên, như: Rong rêu, lá bông súng già, ốc sinh sôi nảy nở nhanh chóng nên sau 3,5 tháng có thể thu hoạch. Trong những năm đầu, ốc trong ao nuôi của ông Nhiều phát triển tự nhiên, từ sinh trưởng đến đẻ trứng.
Tuy nhiên, sau vài năm, do ảnh hưởng bởi thời tiết nắng hạn nhiều, làm trứng bị khô, không nở được. Thấy vậy, ông Nhiều bắt đầu thu gom, áp dụng kỹ thuật ấp trứng ốc. Ông Nhiều cho biết, thông thường khi đến lúc đẻ trứng, ốc sẽ bò lên cặp mé bờ và đẻ theo từng ổ, nên việc thu gom trứng dễ dàng hơn. Ổ trứng sau khi gom được xếp đều vào thùng xốp, rải 1 lớp cỏ hoặc rơm mềm tạo độ ẩm cho trứng nở. Sau khoảng 13 ngày, trứng ốc sẽ từ màu trắng đổi sang xám, đây là thời điểm ốc chuẩn bị nở thành con. Sau khi trứng nở, ốc con sẽ được dưỡng lại trong vèo dưới ao, đến khi ốc con khoảng bằng đầu ngón tay út, có thể thả tiếp vào ao nuôi hoặc xuất bán cho những hộ muốn phát triển mô hình.
Theo ông Nhiều, đối với mô hình nuôi ốc, nói khó không khó, dễ cũng không dễ vì chưa có nhiều người thành công. Ốc được nuôi trong môi trường tự nhiên, phát triển rất nhanh, ít hao hụt, người nuôi nhẹ chi phí. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu nuôi ốc, bà con phải chuẩn bị ao nuôi có nguồn nước sạch, không bị nhiễm phèn hay bị ốc bươu vàng tấn công. Ngoài ra, phải tiến hành loại bỏ những loài cá thích ăn ốc trong ao để tránh hao hụt. Bên cạnh đó, trong ao phải tạo được môi trường nuôi có nhiều thức ăn, ụ đất để ốc có chỗ bám, đẻ trứng… Thức ăn chính của ốc là những loại thực vật thủy sinh, vi sinh vật có trong bùn non, bởi vậy trong ao nuôi, ông Nhiều trồng thêm nhiều bông súng, vừa tạo độ mát cho ao, vừa giúp ốc có thêm thức ăn.
Không giống như ốc bươu vàng phá hoại tất cả các loại cây trồng, ốc bươu đen được nuôi trong ao bông súng chỉ ăn những lá già, nên bông súng vẫn phát triển và cho thu hoạch thường xuyên. Ngoài lượng bông súng có trong ao, ông Nhiều còn gom lá cải dạt của các tiểu thương ngoài chợ về cho ăn bổ sung thêm. “Nhờ vậy, ốc lớn nhanh, mập mạp, thịt trắng, không có mùi tanh nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Cứ chiều là bỏ cải xuống cho ốc ăn thêm, sáng thì nó còn bám trên lá cải, nhờ vớt sớm, nên lựa được ốc lớn. Người ta mua một vài ký, tôi cũng đi giao. Ốc mình nuôi tự nhiên nên ăn ngon rồi được giới thiệu, nhờ vậy bán được lai rai, có đồng ra đồng vô trang trải cuộc sống hàng ngày” – ông Nhiều chia sẻ.
Giá ốc hiện nay dao động theo thị trường, mùa nắng, ốc khan hiếm nên giá thường cao hơn, từ 50.000-60.000 đồng/kg, còn mùa mưa là mùa thuận lợi cho ốc sinh trưởng nên số lượng nhiều, giá trung bình khoảng 30.000-40.000 đồng/kg. Ngoài nguồn thu nhập từ bông súng, nguồn thu từ ốc bươu đen cũng giúp ông Nhiều cải thiện được kinh tế. Nhờ biết cách chăm sóc, hiểu được đặc tính của con ốc bươu đen, chỉ thu hoạch ốc lớn, còn ốc nhỏ được dưỡng lại nên mỗi ngày ông Nhiều đều có ốc để giao cho khách hàng.
“Nói là thu hoạch lai rai mỗi ngày, nhưng vì là ốc được nuôi và phát triển tự nhiên, nên khi thu hoạch chừng 1 tháng thì phải tạm ngưng 1-2 tuần để dưỡng cho lượng ốc nhỏ đủ lớn” – ông Nhiều giải thích thêm. Hiện nay, lượng ốc bươu đen trong tự nhiên gần như đã khan hiếm, trong khi thị trường lại có nhu cầu cao, nhất là ở những quán ăn, nhà hàng lớn vì có thể chế biến nhiều món ăn hấp dẫn. Chính vì vậy, mô hình nuôi ốc bươu đen đang được nhiều nông dân quan tâm và mong muốn đầu tư phát triển. Dù vẫn có người nuôi đạt hiệu quả, điển hình như ông Nhiều, tuy nhiên tỷ lệ thành công của các mô hình nuôi ốc chưa nhiều, từ nuôi thả tự nhiên hay nuôi trong vèo lưới, bể bạt…
“Đối với con ốc bươu đen này, môi trường ao nuôi rất quan trọng, nước phải sạch, không bị nhiễm tạp chất. Muốn cho ốc mau lớn thì ngoài lượng thức ăn thiên nhiên có sẵn trong ao thì có thể cho ăn thêm rau, củ, quả. Tuy nhiên, cho ăn có liều lượng vừa phải, tránh tình trạng cho ăn quá nhiều làm dơ nước mà ốc lại khó tiêu hóa, dễ chết, hao hụt mà người nuôi không hay” – ông Nhiều thiệt tình chia sẻ kinh nghiệm.
Trước khi phát triển mô hình kinh tế, dù là chăn nuôi hay trồng trọt, nông dân cần phải học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, phòng bệnh, cũng như tìm hiểu thị trường… Đây là yếu tố quyết định đến sự thành công của mô hình, giúp nông hộ có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế.
ÁNH NGUYÊN (Báo An Giang)