(Thuốc Thủy Sản Tiệp Phát) Tổng hợp tin tức về nông nghiệp – thủy sản trong tuần từ 26/09/2022 – 02/10/2022.
An Giang: Triển vọng từ mô hình nuôi lươn giống
Thời gian qua, mô hình nuôi lươn thương phẩm được nông dân ở nhiều địa phương lựa chọn phát triển. Tuy nhiên, nguồn lươn đồng giống trong tự nhiên không đủ để cung ứng nên nhiều nông dân ở xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đã phát triển và mở rộng mô hình sản xuất giống lươn đồng theo hướng bán nhân tạo. Mô hình này không chỉ đáp ứng được nhu cầu nuôi lươn thương phẩm cho nông dân trong tỉnh, mà còn trở thành nguồn cung cấp giống chủ yếu cho khu vực ĐBSCL.
Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú vừa tổ chức hội thảo và thực hiện trình diễn về “Mô hình sản xuất giống lươn đồng” tại hộ ông Trương Thành Phong (xã Khánh Hòa). Theo Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Châu Phú Lê Hồ Minh Thiện, thông qua trình diễn mô hình giúp nông dân trên địa bàn có thêm cơ hội để trao đổi kinh nghiệm về quy trình, kỹ thuật sản xuất lươn giống bán nhân tạo. Từ đó, không chỉ giúp bà con hoàn thiện kỹ thuật, tăng năng suất và lợi nhuận mà còn sản xuất ra số lượng lươn giống chất lượng cung ứng cho thị trường, tạo được thương hiệu, uy tín.
Để sản xuất ra được lươn giống chất lượng, phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ xây bể nuôi, lựa chọn lươn bố mẹ, nguồn thức ăn cho đến thu trứng, con bột, ương lên lươn giống… Mỗi công đoạn đều rất quan trọng và đòi hỏi người nuôi nắm vững kỹ thuật chăm sóc.
“Qua thời gian thực hiện “Mô hình sản xuất giống lươn đồng” ở xã Khánh Hòa cho thấy, đàn lươn bố mẹ sinh trưởng tốt và tỷ lệ sống đạt hơn 96%. Từ đó, tỷ lệ nở của lươn bột cao, con bột khỏe mạnh. Từ hiệu quả của mô hình, Trạm Khuyến nông sẽ tiếp tục chia sẻ, nhân rộng đến những nông dân muốn nuôi lươn giống trên địa bàn, giúp nâng cao thu nhập cho bà con, cải thiện kinh tế gia đình” – ông Thiện chia sẻ.
Đợt này, theo hướng dẫn từ cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông, ông Phong nuôi với diện tích 75m2, được bố trí vào 6 bể nuôi theo kiểu bán nhân tạo. Đầu tiên, là khâu chuẩn bị bể nuôi khá quan trọng, đất làm tổ cho lươn bố mẹ phải chọn đất thịt pha sét và phải xử lý bằng vôi, phơi nắng trước khi bố trí thành luống vào bể nuôi. Trên luống đất nên trồng cỏ thưa, kèm theo bố trí vòi phun mưa ở 2 đầu bể nuôi, nhằm kích thích lươn bố mẹ sinh sản. Lươn bố mẹ được chọn lựa kỹ lưỡng, đảm bảo khỏe mạnh để giúp tỷ lệ sinh sản tốt nhất. Khi thả vào bể phải thật nhẹ nhàng, lươn sẽ tự đào hang và ẩn nấp.
Sau khi thả 1 ngày, bắt đầu cho ăn thức ăn viên >35% đạm và cá tạp tươi. Là nông dân trực tiếp thực hiện mô hình, ông Phong đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại hội thảo. Cụ thể, sau 20-30 ngày bố trí lươn bố mẹ vào bể, kiểm tra nếu thấy có nhiều tổ có bọt vàng nâu thì tiến hành thu trứng. Trứng được vớt bỏ vào khay và phải sục khí liên tục, thay nước 2 lần/ngày. Đến khi trứng nở được 5-7 ngày sẽ hết noãn hoàng. Khi đó, sẽ chuyển lươn bột sang khay hoặc bể ương lên giai đoạn lươn hương.
“Thời gian ương lươn bột lên giống từ 60-70 ngày. Trong giai đoạn này, nguồn thức ăn chủ yếu là trùn chỉ và thức ăn viên. Những ngày đầu sẽ cho ăn trùn chỉ, từ ngày thứ 16, bắt đầu chuyển dần sang thức ăn viên hoàn toàn đến khi xuất bán” – ông Phong giải thích.
Ông Lê Hoàng Hiếu (ngụ xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú) là nông dân có gần 10 năm kinh nghiệm nuôi lươn giống cũng dành thời gian đến tham dự hội thảo, tham quan trình diễn mô hình nuôi lươn giống ở xã Khánh Hòa. Trước đây, ông Hiếu biết đến nghề nuôi lươn giống thông qua các lớp dạy nghề của Hội Nông dân xã. Bởi vậy, cứ khi nghe có thông báo ở đâu có hội thảo, tập huấn kỹ thuật về mô hình nuôi lươn giống, anh Hiếu đều đến để tham quan, cập nhật thêm kiến thức, học hỏi kinh nghiệm.
“Khi đến tham quan, quy trình nuôi, chăm sóc cũng tương tự như tôi đã áp dụng. Tuy nhiên, qua buổi trình diễn có một số kỹ thuật mới, rất hay và hiệu quả đạt đến 80%. Bởi vậy, thời gian tới tôi sẽ ứng dụng trên mô hình của mình với mong muốn cải thiện năng suất, chất lượng, giúp bà con nuôi lươn giống tăng thêm lợi nhuận” – anh Hiếu phấn khởi.
Với mô hình sản xuất lươn giống tại xã Khánh Hòa, qua 6 tháng sản xuất và xuất bán, có tổng doanh thu 230 triệu đồng. Sau khi trừ hết chi phí, nông dân thu được lợi nhuận trên 100 triệu đồng, rất triển vọng để nhân rộng vùng nuôi.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Phú Huỳnh Ngọc Vỵ, trên địa bàn xã Khánh Hòa có khoảng 7 hộ đang sản xuất lươn đồng giống, Hội Nông dân huyện đang chuẩn bị để thành lập tổ hội sản xuất lươn giống tại địa phương. Đồng thời, phối hợp với ngành nông nghiệp địa phương tổ chức 1 lớp dạy nghề sản xuất lươn giống. Với cách làm này, sẽ trang bị thêm kiến thức, kỹ thuật, quy trình sản xuất mới để bà con sản xuất lươn giống an tâm phát triển. Bên cạnh đó, còn giới thiệu nhiều nguồn vốn vay hỗ trợ nông dân tiếp cận và mở rộng mô hình.
“Khi nông dân có kỹ thuật, có vốn thì trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng trên địa bàn xã. Đồng thời, tiến tới thành lập chi hội nghề nghiệp với nhiều hướng phát triển bền vững, mang lại lợi nhuận cho bà con. Qua đó, xây dựng thương hiệu, cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh” – ông Vỵ thông tin.
ÁNH NGUYÊN (Báo An Giang)
Khó phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên sông Vàm Cỏ Đông
Tây Ninh có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, như: hệ thống thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng, hệ thống sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông.
Tuy nhiên, trong những năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước làm cá chết hàng loạt vẫn thường xuyên diễn ra, gây khó khăn cho hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.
Gắn bó với nghề nuôi cá lồng bè trên sông Vàm Cỏ Đông gần 20 năm, ông M.T.D- ngụ ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành cho biết, vào khoảng thời gian đầu mùa mưa hằng năm (từ cuối tháng 3 đến hết tháng 5), nguồn nước trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn khu vực Bến Kéo thường có hiện tượng ô nhiễm làm chết cá và các loại thuỷ sản, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.
Theo ông D, mỗi khi có cơn mưa đầu mùa là vài ngày sau, nước sông sẽ chuyển từ trong sang hơi đục, mặt nước xuất hiện nhiều bọt. Tiếp theo đó, nhiều loại cá trên sông sẽ nổi đầu, đớp móng liên tục, những loại cá có sức chống chịu thấp sẽ bị chết trước.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Hùng, cùng ngụ ấp Bến Kéo nhớ lại, vào tháng 4.2018, khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, nguồn nước sông có dấu hiệu ô nhiễm, số cá nuôi mới hơn 6 tháng tuổi trong 4 lồng bè của gia đình ông liên tục nổi đầu chết trắng, ông phải gọi thương lái đến bán tháo để thu hồi vốn nhưng do thu hoạch sớm, cá chưa đủ tuổi lại trong hoàn cảnh “không thể không bán” nên bị thương lái ép giá, số cá còn sống gần cả tấn nhưng ông chỉ bán được hơn 10 triệu đồng. Số cá còn lại ông cùng người nhà tranh thủ làm thịt, phơi khô.
Ông Hùng cho biết, mỗi đợt nước sông ô nhiễm, gần như tất cả những hộ nuôi cá lồng bè trong khu vực này đều có cá chết, hộ nào nhanh nhạy bán sớm thì vớt vát được vốn, còn nhiều hộ bị mất trắng hàng trăm triệu đồng.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, những năm qua, diện tích nuôi thả thuỷ sản ở Tây Ninh chủ yếu tập trung ở những khu vực có hồ, sông lớn. Trong đó, hồ Dầu Tiếng rộng đến 27.000 ha với dung tích khoảng 1,5 tỷ mét khối nước, ngoài việc cung cấp nước tưới cho nông nghiệp thì nguồn lợi thuỷ sản trong hồ rất lớn.
Để bổ sung và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, tạo điều kiện cho người dân đánh bắt hiệu quả cao hơn, hằng năm tỉnh trích ngân sách gần 1 tỷ đồng để thả hàng chục triệu con cá giống các loại xuống lòng hồ, gồm cá mè trắng, trắm cỏ, lăng nha, cá trôi, cá lóc bông, cá thác lác cườm, cá tra dầu, cá lăng vàng, lăng nha… Hệ thống thuỷ lợi của hồ Dầu Tiếng trên địa bàn tỉnh trước đây chủ yếu phục vụ nước tưới tiêu sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều diện tích đất dọc các tuyến kênh đã được chuyển đổi sang mô hình nuôi trồng thuỷ sản.
Ngoài ra, nghề nuôi trồng thuỷ sản ở Tây Ninh cũng rất phát triển ở những địa phương có sông Vàm Cỏ Đông đi qua. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 498,37 ha, đạt 84,47% so với kế hoạch và bằng 90,12% so với cùng kỳ. Sản lượng ước đạt khoảng 9.721,2 tấn đạt 84,5 % so với kế hoạch và bằng 94,39% so với cùng kỳ.
Để nâng cao năng suất và sản lượng nuôi thả thuỷ sản, Sở NN&PTNT đã trình UBND tỉnh Đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Theo Sở NN&PTNT, thời gian qua, tình hình nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh có chiều hướng phát triển với các loại thuỷ sản có giá trị cao, như cá lăng nha, ba ba, cá lóc, cá chình, cá bống tượng… Ngành NN&PTNT cũng đã mở nhiều lớp tập huấn, nhiều điểm trình diễn kỹ thuật, nhiều buổi hội thảo chuyên đề, thực hiện nhiều mô hình như nuôi cá rô đồng, nuôi tôm càng xanh và nuôi cá rô phi đơn tính; khuyến khích người dân tận dụng những ao, hồ, các vùng đất trũng cải tạo lại để nuôi trồng thuỷ sản bằng nhiều hình thức thâm canh, bán thâm canh, nuôi kết hợp để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có.
Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là nước trên sông Vàm Cỏ Đông làm cá và các loại thuỷ sản chết hàng loạt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên và đời sống của ngư dân sống trên lưu vực sông. Để ngành nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh phát triển có hiệu quả, các ngành chức năng thường cần xuyên kiểm tra và xử lý triệt để các nhà máy gây ô nhiễm môi trường khi xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép ra sông Vàm Cỏ Đông.
Nguyên An (Tây Ninh Online)