(Thuốc Thủy Sản Tiệp Phát) Tổng hợp tin tức về nông nghiệp – thủy sản trong tuần từ 27/06/2022 – 03/07/2022.
An Giang: Nâng cao thu nhập từ mô hình nuôi lươn
Tận dụng thời gian rảnh rỗi, diện tích đất trống quanh nhà, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) đã phát triển các mô hình nuôi lươn. Nhờ nuôi lươn đã giúp nhiều nông hộ, đặc biệt là những hộ có ít đất sản xuất cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống…
Những năm qua, Huyện ủy và UBND huyện Phú Tân đã kịp thời đề ra các giải pháp khả thi, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Đặc biệt, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất… nông dân nhiều địa phương đã chủ động tìm kiếm, nhân rộng các mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, mô hình nuôi lươn đang được nhiều nông dân triển khai thực hiện.
Gia đình ít đất sản xuất, chị Nguyễn Thị Thu Tâm (ấp Phú Lợi, xã Phú Lâm, huyện Phú Tân) lựa chọn mô hình nuôi lươn với mục đích phát triển kinh tế gia đình. Với số vốn ít ỏi ban đầu, chị Tâm chỉ xây dựng 2 bồn để nuôi lươn thương phẩm. Trong quá trình canh tác, chị Tâm học thêm kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi lươn do địa phương tổ chức.
Đặc biệt, sau khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã xét cho vay 30 triệu đồng, chị Tâm đã xây dựng thêm 10 bồn, nâng số bồn nuôi lươn lên 12 bồn, trong đó có 4 bồn lươn giống, 8 bồn lươn thương phẩm. Từ khi phát triển mô hình, kinh tế gia đình chị có bước phát triển vượt bậc, con cái được học hành đến nơi đến chốn.
Không lựa chọn nuôi lươn thương phẩm như nhiều hộ khác, anh Bùi Văn Út (ngụ ấp An Hòa, xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân) lựa chọn mô hình nuôi lươn sinh sản. Theo anh Út, nuôi lươn thương phẩm trên địa bàn xã đang phát triển mạnh, trong khi nguồn cung con giống khan hiếm, anh Út quyết tâm xây dựng mô hình nuôi lươn giống nhằm cung ứng nguồn giống cho người dân.
Qua tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm những hộ nuôi lớn ở các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, đồng thời tham gia các lớp tập huấn do tỉnh tổ chức và bản thân tự nghiên cứu thêm, từ năm 2015, anh Út bắt đầu nuôi lươn, với số lượng 3 bồn nuôi. Năm 2017, anh Út phát triển thêm 3 bồn. Thấy mô hình mang lại hiệu quả cao, anh phát triển quy mô nuôi lươn lên 28 bồn, tổng kinh phí đầu tư hơn 300 triệu đồng.
Bồn nuôi được xây dựng với diện tích 20m2, dưới đáy lót đất. Mỗi bồn anh thả khoảng 150-200 cặp lươn bố mẹ. Sau khi bỏ lươn bố mẹ vào chung bồn, khoảng 20 -25 ngày sau thì lươn bắt đầu sinh sản, nếu thời tiết nắng nóng thì 12 ngày là bắt đầu sinh sản. Với 28 bồn nuôi có thể cho 50.000 – 60.000 con lươn giống.
“Hiện nay, trên địa bàn huyện có ít hộ nuôi lươn sinh sản, nhưng có nhiều hộ nuôi thương phẩm nên con lươn giống rất hút hàng, không đủ con giống. Do kỹ thuật chăm sóc lươn con rất khó và tỷ lệ hao hụt rất cao nên giá bán khá cao. Tùy theo kích thước, lươn giống có giá từ 4.000 – 6.000 đồng/con”- anh Út chia sẻ.
Nhờ mô hình nuôi lươn sinh sản mà anh Út có được kinh tế khá giả. Anh Út cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho nông dân khác khi đến tham quan, học hỏi và có ý định nuôi lươn để tăng thu nhập.
Theo đánh giá của nhiều nông hộ, nuôi lươn không khó, vì sau khi làm xong việc nhà hay đồng áng, tận dụng thời gian nhàn rỗi chăm sóc lươn, ít tốn thời gian, nhẹ công, sử dụng ít đất sản xuất. Trong quá trình nuôi, nông dân có thể cho ăn bằng thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn tự có tại địa phương.
Tuy nhiên, để nuôi lươn đạt hiệu quả, ngoài con giống chất lượng, chế độ ăn, quy trình chăm sóc rất quan trọng. Người nuôi lươn cần phải am hiểu về tập tính của lươn, cho lươn ăn đúng liều lượng, đúng cử, đặc biệt là phải giữ môi trường nước trong bồn nuôi luôn sạch. Trong quá trình nuôi, nông dân cần thường xuyên bổ sung một số loại vitamin cần thiết kết hợp men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho lươn ăn mỗi ngày nhằm giúp đường ruột lươn khỏe và tiêu thụ thức ăn tốt hơn.
Theo ngành nông nghiệp huyện Phú Tân, mô hình nuôi lươn hiện đang phát huy hiệu quả kinh tế khá cao và được nông dân triển khai, nhân rộng mô hình nhằm đáp ứng nhu cầu lươn thịt thương phẩm. Hướng tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục vận động hội viên nông dân đổi mới tư duy “Chuyển đổi sản xuất hiệu quả, thích ứng với nhu cầu thị trường”, hình thành thói quen trong sản xuất và tiêu dùng, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới phù hợp với tình hình và đặc điểm địa phương.
ĐỨC TOÀN (Báo An Giang)
Cà Mau: Giải pháp nuôi tôm 15 con/kg
Đây là mô hình nuôi tôm mới, vừa được Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam tại tỉnh Cà Mau giới thiệu tại Hội nghị khách hàng CPF-COMBINE 2022 do công ty tổ chức sáng ngày 1/7. Đến dự có ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau.
“Gần 30 năm tham gia chuỗi giá trị ngành tôm tại nước nhà, C.P Việt Nam hạnh phúc được ghi nhận là “Nhà cung cấp giải pháp nuôi tôm kích cỡ lớn – lợi nhuận cao”. Kết quả này đến từ sự đổi mới liên tục, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất để đưa ra thị trường những sản phẩm tôm giống, thức ăn tôm, chế phẩm sinh học chất lượng cao. Cùng với đó là mô hình nuôi tôm công nghệ cao CPF – COMBINE và dịch vụ kỹ thuật chuyên nghiệp từ đội ngũ nhân sự năng động, đầy nhiệt huyết của C.P Việt Nam”, ông Boonlap Watcharawanitchakul, Phó Tổng giám đốc cấp cao Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, chia sẻ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ghi nhận những đóng góp của Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam đối với ngành nuôi tôm của tỉnh trong những năm qua. Hiện nay, công ty đã chủ động được nguồn giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, trung tâm xét nghiệm và nghiên cứu dịch bệnh…, tỉnh mong nhận được sự hỗ trợ tốt hơn từ công ty trong thời gian tới.
Ông Châu Công Bằng cũng chia sẻ, tới đây, để chuỗi liên kết khép kín thêm chặt chẽ, mong muốn công ty xúc tiến và đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất thức ăn ở xã Khánh An (huyện U Minh) và Trung tâm giống ở xã Lâm Hải (huyện Năm Căn).
Tại hội nghị, hơn 700 khách hàng tại tỉnh Cà Mau được chia sẻ, cung cấp thông tin những mô hình nuôi tôm theo hình thức CPF-COMBINE do công ty cung cấp. Trong đó, Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam tại tỉnh Cà Mau giới thiệu tới khách hàng về mô hình “Giải pháp nuôi tôm 15 con/kg”. Hiện nay, tại Cà Mau có 17 hộ nuôi thành công mô hình này, với 6.000 ao nuôi, diện tích 900 ha và năng suất 90.000 tấn/năm.
Đồng thời, hội nghị cũng vinh danh, tri ân những khách hàng nuôi tôm có hiệu quả khi triển khai mô hình CPF-COMBINE.
Phú Hữu (Báo Cà Mau)
Đồng Nai: Nhân rộng 65 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả
Tính đến nay, các địa phương trên địa bàn Đồng Nai đã hỗ trợ triển khai nhân rộng 65 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã triển khai nhân rộng được gần 2,3 ngàn ha cây trồng, 151 ngàn vật nuôi, 15ha nuôi trồng thủy sản theo mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Tham gia các mô hình này, nông dân được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi.
Cụ thể, TP.Long Khánh đã tổ chức 8 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa, sầu riêng, chôm chôm với 280 nông dân tham dự; H.Thống Nhất tổ chức 20 lớp tập huấn tuyên truyền về chính sách, quy trình kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt với 600 nông dân tham dự; H.Xuân Lộc triển khai 8 lớp tập huấn về phòng trừ dịch hại cây trồng, xây dựng mã số vùng trồng; H.Cẩm Mỹ tổ chức 15 lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng…
Tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nông dân đã ứng dụng trong thực tế sản xuất đạt năng suất, chất lượng cao hơn.
Bình Nguyên (Báo Đồng Nai)
Bến Tre: Phát triển ngành chế biến thủy sản
UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh. Đề án triển khai với mục tiêu phát triển chế biến thủy sản theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh phấn đấu tăng 17,38%/năm giá trị sản xuất. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 2.500 triệu USD. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng đạt trung bình trên 40%, trong đó tôm đạt 50%, cá tra đạt 20%, nghêu đạt 50%, thủy sản khác đạt 40%.
Trên 70% số lượng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất từ trung bình tiên tiến trở lên. Toàn tỉnh có ít nhất 20 nhà máy chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu với công suất thiết kế khoảng 300 ngàn tấn/năm (ít nhất có 3 nhà máy chế biến tôm). Các nhà máy chế thủy sản xuất khẩu đạt tiêu chuẩn chất lượng như: HACCP, ISO, BRC, IFS, HALAL, MSC, ASC và tương đương. Hình thành một số doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý thuộc tốp đầu của Việt Nam.
Để đạt mục tiêu đề án, tỉnh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó tập trung kiểm soát và phát triển nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản. Thu hút đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả chế biến thủy sản. Đẩy mạnh chế biến sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cao. Phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản. Tổ chức lại chuỗi sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản chế biến.
Tin, ảnh: Phan Hân (Báo Đồng Khởi)