(Thuốc Thủy Sản Tiệp Phát) Tổng hợp tin tức về nông nghiệp – thủy sản trong tuần từ 27/12 – 02/01/2022.
Bến Tre: Khung lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ năm 2022
Để triển khai kế hoạch sản xuất nuôi tôm nước lợ năm 2022 đạt các chỉ tiêu UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTTN) khuyến cáo khung lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ năm 2022.
Theo đó, Sở NN&PTTN đã có công văn 4619, ngày 28-12-2021 gửi đến Phòng NN&PTTN các huyện về thực hiện khung lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ năm 2022.
Cụ thể, đối với nuôi tôm sú quảng canh, tôm rừng, thả giống quanh năm. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, người nuôi cần ngắt vụ cải tạo ao để diệt mầm bệnh ít nhất 1 lần/năm. Nuôi tôm sú – lúa, thả giống từ tháng 1 đến tháng 5-2022. Nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh, thả giống từ tháng 1 đến hết tháng 9-2022. Nuôi tôm chân trắng, thả giống từ tháng 1 đến hết tháng 10-2022. Nuôi tôm sú, tôm chân trắng thâm canh ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát hoàn toàn điều kiện nuôi; chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh có thể thả giống nuôi quanh năm.
Sở NN&PTTN lưu ý: Các tháng 3 và 4-2022, dự báo cao điểm nắng nóng, khuyến cáo các vùng, cơ sở không chủ động được nguồn nước, hạ tầng không đảm bảo không nên thả giống tôm nước lợ nuôi. Để tránh thiệt hại cho người nuôi tôm với loại hình luân canh tôm – lúa nên thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 8-2022.
Các tháng đầu năm 2022, độ mặn tăng dần từ cửa sông xâm nhập sâu vào nội đồng đến mùa mưa thì giảm dần, do đó người nuôi tôm nước lợ căn cứ vào độ mặn để thả giống tôm nuôi.
Cụ thể: Đối với tôm thẻ chân trắng từ 5 – 20‰, tôm sú 10 – 20‰. Ngoài ra, người nuôi tôm nước lợ nên theo dõi kết quả quan trắc môi trường do Chi cục Thủy sản thực hiện đăng trên website của Sở NN&PTTN, Đài Truyền thanh các xã để chủ động triển khai vụ nuôi đạt hiệu quả.
Tin, ảnh: C. Trúc (Báo Đồng Khởi)
Bà Rịa – Vũng Tàu: Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 12 ước đạt 1.684 tấn, tăng 6,65% so với cùng kỳ năm 2020
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 12 năm 2021 là 1.684 tấn, tăng 6,65% so với cùng kỳ năm 2020; lũy kế 12 tháng ước đạt 19.792 tấn, tương đương 96,74% so với kế hoạch năm.
Cụ thể, diện tích đang nuôi trong tháng 12 năm 2021 là 6.008,2 ha. Trong đó, diện tích nuôi nước ngọt là 1.843,4 ha, chiếm 30,7%; nuôi nước mặn, lợ là 4.164,8 ha, chiếm 69,3%; nuôi quảng canh là 579,2 ha, chiếm 9,6%; nuôi quảng canh cải tiến là 5.029 ha, chiếm 83,7%; nuôi bán thâm canh là 121,5 ha chiếm 2%; nuôi thâm canh là 278,5 ha, chiếm 4,6%.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản trong tháng 12 là 1.684 tấn, tăng 6,65% so với cùng kỳ năm 2020; lũy kế 12 tháng đạt 19.792 tấn, tương đương 96,74% so với kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng tăng ở đối tượng tôm thẻ chân trắng, cá mặn lợ và thủy sản khác (hàu).
Trong tháng 12 năm 2021, dịch bệnh Covid -19 trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước được kiểm soát, không còn phong tỏa diện rộng, không hạn chế lưu thông; do đó, tình hình sản xuất nuôi trồng thủy sản hoạt động tương đối ổn định, một số cơ sở nuôi sau khi thu hoạch đã tiếp tục thả giống trở lại.
Thời gian qua, Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thực hiện công tác thu mẫu nước quan trắc và cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh tại một số điểm để đưa ra các khuyến cáo cụ thể cho bà con nông dân trong nuôi trồng thủy sản.
Trong tháng 01 năm 2022, Chi cục Thủy sản sẽ tập trung xây dựng Kế hoạch thu mẫu nước quan trắc và cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu năm 2022 và tiến hành lấy mẫu theo kế hoạch đề ra; phối hợp cùng Ủy ban nhân dân các địa phương, Sở, ngành tiếp tục triển khai kế hoạch cưỡng chế, giải tỏa bè nuôi trồng thủy sản ngoài vùng quy hoạch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu.
Tiếp tục triển khai cấp tạm giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè cho các cơ sở nuôi tại sông Dinh, sông Cỏ May, Rạch Cây Khế; cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản đối tượng thủy sản nuôi chủ lực cho các cơ sở nuôi tôm thâm canh đủ điều kiện cấp giấy để làm cơ sở truy xuất nguồn gốc sau khi đưa các hộ nuôi lên sàn thương mại điện tử để kết nối tiêu thụ thủy sản trong thời gian sắp tới và tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá các cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống, cơ sở nuôi trồng thuỷ sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.
Ngoài ra, Chi cục Thủy sản đặt ra mục tiêu trong tháng 01/2022 diện tích nuôi ước đạt 6.028 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 1.670tấn.
Thanh Thủy
Bảng giá thủy sản tuần 27/12/2021 – 02/01/2022
Bảng giá một số mặt hàng thủy sản cập nhật mới nhất hôm nay, giá thủy sản tuần 27/12/2021 – 02/01/2022.
TÊN MẶT HÀNG | ĐƠN GIÁ (VNĐ) | ĐƠN VỊ TÍNH | NGÀY BÁO GIÁ | ĐỊA PHƯƠNG |
Cá tra thịt trắng | 35.000 – 40.000 | đồng/kg | 12/30/2021 | An Giang |
Lươn loại 2 | 160.000 – 180.000 | đồng/kg | 12/30/2021 | An Giang |
Lươn loại 1 | 180.000 – 200.000 | đồng/kg | 12/30/2021 | An Giang |
Ếch nuôi | 55.000 – 60.000 | đồng/kg | 12/30/2021 | An Giang |
Tôm càng xanh | 220.000 – 240.000 | đồng/kg | 12/30/2021 | An Giang |
Cá lóc nuôi | 45.000 – 48.000 | đồng/kg | 12/30/2021 | An Giang |
Cá nàng hai | 38.000 – 40.000 | đồng/kg | 12/30/2021 | An Giang |
Cá điêu hồng | 45.000 – 50.000 | đồng/kg | 12/30/2021 | An Giang |
Cá rô phi | 35.000 – 40.000 | đồng/kg | 12/30/2021 | An Giang |
Tôm thẻ 100 con/kg | 97.000 | đồng/kg | 12/30/2021 | Sóc Trăng |
Tôm thẻ 80 con/kg | 116.000 | đồng/kg | 12/30/2021 | Sóc Trăng |
Tôm thẻ 70 con/kg | 120.000 | đồng/kg | 12/30/2021 | Sóc Trăng |
Tôm thẻ 60 con/kg | 128.000 | đồng/kg | 12/30/2021 | Sóc Trăng |
Tôm thẻ 50 con/kg | 138.000 | đồng/kg | 12/30/2021 | Sóc Trăng |
Tôm thẻ 40 con/kg | 149.000 | đồng/kg | 12/30/2021 | Sóc Trăng |
Tôm thẻ 30 con/kg | 168.000 – 175.000 | đồng/kg | 12/30/2021 | Sóc Trăng |
Tôm thẻ 25 con/kg | 183.000 – 188.000 | đồng/kg | 12/30/2021 | Sóc Trăng |
Tôm thẻ 20 con/kg | 240.000 | đồng/kg | 12/30/2021 | Sóc Trăng |
Lươn loại 1 (4-5 con/kg) tại trại | 115.000 | đồng/kg | 12/29/2021 | Cần Thơ |
Lươn loại 1 (4-5 con/kg) tại trại | 125.000 | đồng/kg | 12/29/2021 | Sóc Trăng |
Ếch (tại trại) | 45.000 | đồng/kg | 12/29/2021 | Sóc Trăng |
Ốc bươu | 38.000 | đồng/kg | 12/29/2021 | Đồng Tháp |
Cá sặc rằn tại ao | 50.000 | đồng/kg | 12/29/2021 | Đồng Tháp |
Cá tra tại ao | 24.000 | đồng/kg | 12/29/2021 | Cần Thơ |
Cá tra giống loại 30-35 con/kg | 31.000 | đồng/kg | 12/29/2021 | Cần Thơ |
Cá sát sọc tại ao | 80.000 | đồng/kg | 12/29/2021 | Cần Thơ |
Cá trắm cỏ giống | 80.000 | đồng/kg | 12/29/2021 | Tuyên Quang |
Cá chép giống | 2.000 | đồng/con | 12/29/2021 | Tuyên Quang |
Cá trê vàng giống | 2.000 | đồng/con | 12/29/2021 | Tuyên Quang |
Cá chim giống | 2.000 | đồng/con | 12/29/2021 | Tuyên Quang |
Cá rô giống | 1.500 | đồng/con | 12/29/2021 | Tuyên Quang |
Cá chuối hoa giống | 15.000 | đồng/con | 12/29/2021 | Tuyên Quang |
Cá nheo giống | 15.000 | đồng/con | 12/29/2021 | Tuyên Quang |
Tôm thẻ 50 con/kg tại ao | 140.000 | đồng/kg | 12/29/2021 | Tiền Giang |
Tôm thẻ (100con/kg) tại ao | 103.000 | đồng/kg | 12/29/2021 | Tiền Giang |
Tôm thẻ 50 con/kg tại ao | 141.000 | đồng/kg | 12/29/2021 | Long An |
Tôm thẻ 80 con/kg tại ao | 115.000 | đồng/kg | 12/29/2021 | Long An |
Tôm thẻ 100 con/kg tại ao | 107.000 | đồng/kg | 12/29/2021 | Long An |
Tôm sú 40 con (ao) | 180.000 | đồng/kg | 12/29/2021 | Trà Vinh |
Tôm sú 30 con (ao) | 220.000 | đồng/kg | 12/29/2021 | Trà Vinh |
Tôm sú 20 con (ao) | 265.000 | đồng/kg | 12/29/2021 | Trà Vinh |
Cá mè hoa tại ao | 13.000 | đồng/kg | 12/29/2021 | Thanh Hóa |
Cá rô phi | 29.000 – 30.000 | đồng/kg | 12/29/2021 | Đồng Tháp |
Cá trê vàng | 49.000 – 50.000 | đồng/kg | 12/29/2021 | Đồng Tháp |
Cá thát lát | 49.000 – 50.000 | đồng/kg | 12/29/2021 | Hậu Giang |
Cá thát lát giống | 1.400 | đồng/con | 12/29/2021 | Hậu Giang |
Cá tra | 23.500 – 24.000 | đồng/kg | 12/29/2021 | Hậu Giang |
Tôm sú 40 con (ao) | 170.000 – 180.000 | đồng/kg | 12/28/2021 | Sóc Trăng |
Tôm sú 30 con (ao) | 210.000 – 220.000 | đồng/kg | 12/28/2021 | Sóc Trăng |
Tôm sú 20 con (ao) | 260.000 – 270.000 | đồng/kg | 12/28/2021 | Sóc Trăng |
Hậu Giang: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với thị trường
Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết, trong năm 2022 sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với thị trường, với Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, góp phần vào thực hiện thành công xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch.
Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường phổ biến, chuyển giao các giống cây trồng mới có chất lượng và giá trị cao vào sản xuất. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh; tập trung phát triển các HTX gắn sản xuất với chuỗi cung ứng. Đồng thời, phát triển nông nghiệp đảm bảo an toàn chất lượng; tăng cường hướng dẫn, cấp chứng nhận mã số vùng trồng; khuyến khích sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh công tác quản lý vùng trồng để xuất khẩu và mở rộng thị trường cho nông sản. Nâng cao năng lực giám sát và dự báo, phòng trừ hiệu quả sinh vật gây hại cây trồng, chủ động phòng ngừa với loại sâu bệnh mới. Kiểm soát chặt chẽ sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để người dân sản xuất mang lại hiệu quả, tăng nguồn thu nhập…
Tin, ảnh: H.TÂM (Hậu Giang Online)
Cần Giuộc – Long An: Tổ chức Hội thảo nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao
Ngày 29/12, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An tổ chức hội thảo tổng kết mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao “Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn sử dụng ao ương nổi” tại xã Phước Vĩnh Tây.
Mô hình nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao được chọn thí điểm tại hộ anh Trần Quốc Việt, ngụ ấp 2, xã Phước Vĩnh Tây với diện tích ao ương là 135m2, ao nuôi 2.000m2. Trong đó, mật độ ương là 1.480con/m2, với thời gian ương tối đa 30 ngày. Tham gia mô hình, anh được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ 40% vật tư thực hiện ao ương và công lao động làm ao ương.
Sau 60 ngày thả nuôi, tôm có trọng lượng 90 con/kg; sản lượng đạt 1,9 tấn, cao hơn so với nuôi truyền thống. Tôm nuôi trong mô hình được cung cấp oxy dồi dào, lớn nhanh, chống bệnh tốt, giảm hiện tượng chết sớm.
Tại hội thảo, nông dân đã trao đổi nhiều kinh nghiệm trong quá trình nuôi tôm như cách chọn con giống, sử dụng thức ăn, phương pháp phòng, chống bệnh hiệu quả trên tôm, bảo đảm tôm không bị mất đầu con và cho chất lượng, sản lượng tốt nhất.
Song Nhi (Báo Long An online)
Sóc Trăng: Mã số cơ sở nuôi tôm – Cấp thiết nhưng vẫn chậm
Tại Hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển nuôi tôm tháng cuối năm 2021 và kế hoạch triển khai năm 2022” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào ngày 10-12, Tổng cục Thủy sản cho biết, cả nước hiện mới có 1,38% được cấp mã số chứng nhận cơ sở nuôi tôm. Sóc Trăng là tỉnh làm tốt nhất công tác này cũng chỉ mới đạt 8,75%, tức khoảng 3.500/39.990 cơ sở thuộc diện cấp mã số.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận mã số cơ sở nuôi tôm thời gian qua, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc tại tất cả các địa phương trong cả nước. Một trong những khó khăn là do công tác tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục đăng ký của chính quyền địa phương đến người dân còn chậm và chưa được quan tâm thực hiện. Số cơ sở nuôi nhỏ lẻ chiếm đa số, người dân chưa nhận thức và chưa hiểu rõ mục đích của việc đăng ký, cấp mã số. Một số địa phương có cơ sở nuôi ở địa bàn xa cơ quan tiếp nhận hồ sơ và cấp mã số (cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh) nên khó khăn khi thực hiện nộp hồ sơ.
Phổ biến nhất theo Tổng cục Thủy sản là nhiều cơ sở nuôi tôm không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) hoặc hợp đồng giao, cho thuê đất, mặt nước để nuôi trồng thủy sản theo quy định hoặc do GCNQSDĐ không chính chủ hoặc GCNQSDĐ của các hộ dân nuôi trồng thủy sản là đất trồng lúa, đất rừng, trồng cây hàng năm, đất ven sông… nhưng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng sang nuôi trồng thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản 2017, nên người dân gặp khó khăn khi lập hồ sơ đăng ký nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, cũng còn nhiều cơ sở nuôi tôm đã dùng GCNQSDĐ để thế chấp cho ngân hàng vay vốn sản xuất nên gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sang đất nuôi trồng thủy sản.
Tại Sóc Trăng, dù ngành chức năng và địa phương đã rất quyết liệt với công tác này, với nhiều giải pháp linh hoạt như: xuống tận địa bàn để hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đăng ký… nhưng nhìn chung, kết quả cũng không đạt theo yêu cầu. Được đánh giá là địa phương làm khá tốt công tác này, nhưng Sóc Trăng cũng chỉ mới cấp mã số cơ sở nuôi cho 3.500 cơ sở trong tổng số 39.990 cơ sở thuộc diện cấp mã số cơ sở nuôi, trong khi đó, theo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm, mã số cơ sở nuôi là một trong những điều kiện quan trọng để con tôm Việt Nam đủ điều kiện thâm nhập vào một số thị trường lớn như: Mỹ, Trung Quốc. Do đó, mã số cơ sở nuôi được ví như “giấy thông hành” cho con tôm, nhằm đáp ứng yêu cầu về khả năng truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm… của quốc gia nhập khẩu.
Để xử lý các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ việc đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ, Tổng cục Thủy sản đã và đang nỗ lực triển khai một số nội dung như: tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định về đăng ký, cấp giấy xác nhận mã số trên các phương tiện thông tin đại chúng để người nuôi nắm được các quy định và tự giác thực hiện. Giới thiệu các địa phương có mô hình hay, kinh nghiệm tốt như Sóc Trăng, Quảng Ninh… để các địa phương khác học tập, nhân rộng. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong đăng ký nuôi trồng thủy sản. Đối với các vướng mắc liên quan đến quy định về hồ sơ, GCNQSDĐ, Tổng cục Thủy sản đã rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP cho phù hợp. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai nhanh việc cấp GCNQSDĐ, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định đối với các vùng đã quy hoạch, lập kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, xử lý các vướng mắc để tạo thuận lợi cho người nuôi trồng thủy sản thực hiện đăng ký.
Theo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm trong tỉnh, hiện hầu hết các nước đều đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm, nên việc cấp mã số cho cơ sở nuôi là một trong những việc làm rất cấp thiết nhằm giúp con tôm Việt Nam xâm nhập ngày một sâu rộng vào thị trường thế giới, nhất là những thị trường khó tính. Bên cạnh cấp mã số cơ sở nuôi, các địa phương cũng cần vận động người nuôi nhỏ lẻ liên kết lại thành hợp tác xã để vừa thuận tiện cho việc cấp mã số, vừa có thể liên kết với doanh nghiệp nuôi tôm đạt các tiêu chuẩn quốc tế như: ASC, BAP…
TÍCH CHU (Báo Sóc Trăng điện tử)
Siết chặt quản lý nuôi tôm nước mặn ở vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An
Tại các cuộc tiếp xúc trước kỳ họp thứ 4 (kỳ họp lệ cuối năm 2021) của HĐND tỉnh Long An khóa X, nhiều cử tri đề nghị tỉnh chỉ đạo mạnh hơn nữa, cần thiết kiểm điểm trách nhiệm các địa phương để diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng lên.
Theo cử tri, hiện nay, người dân có sự so bì vì nhiều địa phương chấp hành tốt chủ trương của tỉnh, trong khi một số hộ dân ở một vài địa phương lại phớt lờ sự vận động, xử lý của chính quyền về việc đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng (nuôi tôm nước mặn), thậm chí là có sự buông lỏng quản lý, khiến diện tích nuôi tôm ở một số nơi chẳng những không giảm mà ngày càng tăng.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Văn Út thông tin, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quản lý việc nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tại các địa phương này vẫn tiếp tục tăng.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức điều tra, thống kê, đánh giá hiệu quả kinh tế của tất cả các hộ nuôi tôm và thu mẫu đất, nước trong ao nuôi, ao thải và kênh, rạch xung quanh để phân tích chất lượng nhằm đánh giá sự thay đổi của chất lượng đất, nước khu vực nuôi tôm so với môi trường bên ngoài.
Trong tháng 11/2021, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp để nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả thực hiện và ý kiến các sở, ngành, địa phương có liên quan, từ đó đưa ra giải pháp quản lý tốt hơn hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Út, UBND tỉnh sẽ sớm ban hành văn bản chỉ đạo cụ thể hơn nhằm giải quyết có hiệu quả việc nuôi tôm thẻ chân trắng, cũng như chấn chỉnh công tác quản lý nuôi tôm thẻ tại các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười, tránh sự so bì giữa các địa phương và cử tri, nhân dân.
Hoàng Trà (Báo Long An online)
Tiền Giang: 25 sản phẩm được phân hạng sản phẩm OCOP
Ngày 28-12, Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Hội đồng) tổ chức họp đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 3 năm 2021. Đồng chí Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đã đánh giá, góp ý và phân hạng 25 sản phẩm của các chủ thể sản xuất ở TX. Gò Công (3 sản phẩm), huyện Gò Công Tây (11 sản phẩm), huyện Cai Lậy (3 sản phẩm), huyện Tân Phước (8 sản phẩm).
Kết quả, 19 sản phẩm được phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao, gồm: Gạo Đỗ Uyên, Gạo Khổng Tước Nguyên, Gạo lứt VietGap, gạo đặc sản ST24 (Công ty TNHH Vinh Hiển); nước ép trái nhàu tiệt trùng, cốm nhàu hòa tan, nước ép lên men không tiệt trùng, viên nhộng nhàu, viên nén nhàu, viên hoàn nhàu, cao nhàu, bột chiết xuất cô đặc (Công ty TNHH Xuất nhập khẩu NTV); nước đông trùng hạ thảo Nice, bánh đông trùng hạ thảo, bột dinh dưỡng đông trùng hạ thảo, nước sốt đậm đặc đông trùng hạ thảo vị mặn ngọt, nước sốt đậm đặc đông trùng hạ thảo vị chua ngọt, nước sốt đậm đặc đông trùng hạ thảo vị ngũ vị hương, rượu đông trùng hạ thảo – Quê nhà (Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân).
6 sản phẩm được phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao, gồm: Củ cải chua ngọt, củ cái trắng muối (nguyên củ), củ cải trắng muối sợi (Cơ sở sản xuất Trần Thị Ngọc Ngân), trà túi lọc Ngọc Hưng, trà tâm sen Ngọc Hưng, trà dưỡng nhang Ngọc Hưng (Doanh nghiệp tư nhân Trà túi lọc Ngọc Hưng).
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phạm Văn Trọng đánh giá cao sự nỗ lực, tâm huyết của các chủ thể trong tham gia sản xuất sản phẩm OCOP. Các thành viên của Hội đồng đã thẳng thắn đóng góp ý kiến để các chủ thể hoàn thiện sản phẩm của mình.
Đồng chí Phạm Văn Trọng hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều chủ thể tham gia sản xuất sản phẩm OCOP, để làm được điều đó thì mối quan hệ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương với các chủ thể sản xuất phải chặt chẽ hơn nữa, kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể tháo gỡ khó khăn trong thực hiện sản xuất sản phẩm OCOP.
CAO THẮNG (Báo Ấp Bắc)
An Giang: Triển vọng từ mô hình nuôi ốc bươu đen
Ốc bươu đen có đặc tính dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp và không đòi hỏi diện tích quá lớn, nên nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã tận dụng mặt ao trong vườn cây ăn trái hoặc xây dựng bể để nuôi. Mô hình bước đầu mang lại tín hiệu khả quan, giúp nông dân thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Kỹ thuật nuôi đơn giản
Tận dụng diện tích mặt nước giữa các liếp trồng chanh bông tím, ông Đặng Thanh Nguyên (ngụ xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn) thí điểm mô hình nuôi ốc bươu đen 2 vèo, tổng diện tích khoảng 18m2. Dù triển khai chưa lâu, nhưng ông Nguyên đánh giá, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn với nhiều loại thủy sản khác.
Theo ông Nguyên, ốc bươu đen rất dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, dưới nhiều hình thức, như: Nuôi thả trực tiếp trong ao, nuôi vèo lưới trong mương vườn hoặc nuôi trong bể bạt, mật độ nuôi bình quân từ 1.000 con/m2. Nguồn thức ăn cho loại vật nuôi này rất thông dụng, dễ tìm, chủ yếu là loại rau củ (bầu, bí, mướp, khoai mì), bèo cám… nên không mất nhiều chi phí. Đặc biệt, trong quá trình chăn nuôi, nông dân không cần dùng đến thức ăn công nghiệp, đảm bảo chất lượng vốn có của chúng. Ốc bươu đen nuôi từ 4-5 tháng có thể xuất bán, trọng lượng đạt từ 30-35 con/kg. Những con ốc to, khỏe mạnh được ông Nguyên giữ lại để tiếp tục nhân giống cho vụ tiếp theo. Quy trình nhân giống khá dễ, ai cũng có thể thực hiện được.
Mặc dù dễ nuôi, nhưng nông dân cần trang bị một số kiến thức cơ bản mới mang lại hiệu quả cao. Để ốc phát triển khỏe mạnh, lớn nhanh, người nuôi chú ý cung cấp lượng thức ăn vừa đủ, đều đặn, nhưng cũng không cho ăn quá nhiều, bởi thức ăn thừa sẽ dễ gây ô nhiễm môi trường nước, khiến ốc bị chết hoặc dễ mắc bệnh. Đặc biệt, nguồn nước sạch là tiêu chí quan trọng hàng đầu, đảm bảo ốc sinh trưởng và phát triển. Nông dân phải thay nước thường xuyên để tránh bị ô nhiễm.
Là loài vật có sức đề kháng cao, nhưng ốc bươu đen vẫn mắc một số loại bệnh, như: Ký sinh trùng, sưng vòi, hư vòi… Do đó, người nuôi thường xuyên theo dõi để sớm phát hiện dịch bệnh để có giải pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời. Đặc biệt, loài vật này chịu nóng kém, mùa hè cần phải chú ý chống nóng bằng cách thả thêm bèo. Môi trường quá nóng có thể làm ốc bị chết, ảnh hưởng đến năng suất và thu nhập của người nuôi.
Chi phí thấp, hiệu quả cao
Nuôi ốc bươu đen không tốn nhiều chi phí sản xuất, chỉ cần đầu tư 1 lần là có thể sử dụng cho nhiều vụ tiếp theo. Đặc biệt, mô hình không đòi hỏi nhiều diện tích, chỉ cần nguồn nước sạch tự nhiên. Thức ăn của ốc hoàn toàn có thể tận dụng mà không mất chi phí. Ngoài yếu tố dễ chăm sóc, ốc bươu đen hiện dễ tiêu thụ, có đầu ra rộng mở, giá bán khá cao. Vì thế, mô hình này đang phát triển mạnh ở nhiều địa phương. Tại huyện Phú Tân, sau khi tham khảo nhiều mô hình phát triển kinh tế, anh Lư Thanh Sang (ngụ xã Phú Bình) nhận thấy, ốc bươu đen trở thành đặc sản, ngày càng ít ngoài môi trường tự nhiên. Anh Sang quyết định thả 9.000 con ốc thịt và 1.500 con giống vào ao của gia đình.
Để việc chăn nuôi được thuận lợi, anh Sang tích cực tìm tòi, học hỏi kỹ thuật trên phương tiện truyền thông để áp dụng vào chăn nuôi. Trong đó, chú trọng kỹ thuật sinh sản, ấp trứng, xử lý nước và tạo môi trường. Theo anh Sang, ốc bươu đen là loại ưa sạch sẽ, sống trong môi trường không ô nhiễm. Nếu đảm bảo được yếu tố này thì ốc sẽ phát triển mạnh, rút ngắn thời gian chăm sóc, sớm thu hồi vốn. Anh Sang chia sẻ: “Đến thời điểm này, tôi xuất bán được 5 triệu đồng tiền ốc giống và 100kg ốc thương phẩm (giá 50.000 đồng/kg). Mô hình khá dễ nuôi, không đòi hỏi nhiều thời gian chăm sóc mà vẫn đem lại nguồn thu nhập hấp dẫn. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục duy trì và phát triển mô hình này”.
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ ốc bươu đen trên thị trường rất lớn, nhưng nguồn cung hạn chế. Do đó, việc chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang nuôi ốc có thể là hướng đi mới để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân, nhất là đối với những hộ không có nhiều đất canh tác.
Ốc bươu đen là động vật thân mềm, chân bụng có vỏ tròn, kích thước trung bình, vỏ màu nâu đen cho đến đen tuyền. Loài vật nuôi này sinh sống ở nơi ẩm thấp (ao hồ, ruộng nước), nguồn thức ăn chủ yếu là thực vật, vi sinh vật trong bùn non. Vào mùa khô, ốc thường vùi sâu vào đồng ruộng nứt nẻ, khi mưa xuống mới mò ra và sinh sôi nảy nở trên mương, ruộng…
ĐỨC TOÀN (Báo An Giang)
Cần chủ động các giải pháp ứng phó hạn, mặn
Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam vừa đưa ra khuyến nghị về sản xuất và quản lý nước mùa kiệt 2021- 2022 đối với các tỉnh ĐBSCL.
Theo đó, tiềm năng nguồn nước tự nhiên về đồng bằng mùa kiệt này xem như ở những năm kiệt nước. Tuy nhiên, do có điều tiết gia tăng từ các thủy điện trên lưu vực, vì vậy nguồn nước cho sản xuất ở mùa kiệt năm 2021- 2022 được dự báo ở mức tương đương với năm 2020- 2021, nguồn nước phụ thuộc vào việc vận hành của các đập thủy điện thượng nguồn.
Khả năng mặn xâm nhập sớm, sâu, nước về ít ngay từ đầu mùa khô và có thể xảy ra những biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào do vận hành thủy điện. Vì vậy, song song với xây dựng kế hoạch xuống giống phù hợp với điều kiện của vùng, các địa phương cần chủ động chuẩn bị các giải pháp ứng phó, phòng chống hạn, mặn.
Vùng giữa ĐBSCL (trong đó có tỉnh Vĩnh Long) có thể bị ảnh hưởng bởi triều cường đến tháng 2/2022. Đến tháng 2, tháng 3, mặn với nồng độ 4‰ có thể xâm nhập sâu 50- 65km làm ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống lấy nước. Nguồn nước để xuống giống vụ Đông Xuân cơ bản vẫn đảm bảo với vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước; khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn trái.
LÊ SƠN (Báo Vĩnh Long)
Hậu Giang: Vì nền nông nghiệp bền vững
Nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực kinh tế nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng, chứng tỏ huyện Long Mỹ định hướng thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ và tập trung nguồn lực thực hiện để xây dựng nền nông nghiệp bền vững.
Theo đó, địa phương xác định tập trung thực hiện các đột phá là tái cơ cấu và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế tập thể, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với thị trường, phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu…
Nếu như trước đây, vai trò của kinh tế tập thể trên địa bàn chưa rõ nét, tỷ lệ các hộ sản xuất tham gia ít, tỷ lệ góp vốn thấp thì đây là mắt xích quan trọng trong tổ chức sản xuất, liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Hoạt động của các HTX ngày càng phát huy hiệu quả, nhất là sự quan tâm, tìm hiểu nhu cầu từ phòng chuyên môn để tham mưu, phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ kịp thời. Về số lượng so với năm 2018, số HTX của huyện đã tăng từ 16 lên 35, trong đó có 34 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từ lúa, cây ăn trái, chăn nuôi… Số lượng các tổ hợp tác cũng tăng lên 71. Ngoài số lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX có định hướng rõ ràng, gắn với các sản phẩm chủ lực cụ thể, thu hút nhiều thành viên tham gia.
HTX Tiến Nông, ở thị trấn Vĩnh Viễn, đã hình thành vùng sản xuất hơn 37ha bưởi da xanh. Điều làm nên khác biệt của cây bưởi vùng này chính là hơn một nửa (gần 22ha) đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP. Dự kiến đến năm 2022 sẽ hoàn thành công nhận VietGAP cho diện tích còn lại. Đây là thành quả qua 2 năm áp dụng, tuyên truyền cho thành viên HTX sản xuất theo hướng an toàn. Nhận thấy đây là xu thế tất yếu, hướng tới yêu cầu sử dụng sản phẩm sạch của người tiêu dùng ngày càng cao trên thị trường. Nếu thực hiện ở diện tích nhỏ lẻ, rất khó phổ biến và triển khai các ứng dụng khoa học để sản xuất sạch. Ông Đặng Văn Út, Phó Giám đốc HTX, cho biết: Các thành viên được hướng dẫn các bước bài bản, sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, các loại thuốc bảo vệ thực vật không gây hại môi trường. Cái lợi trước mắt chính là tiêu chuẩn cao hơn nên giá bán tăng hơn trước và khách hàng ưa chuộng. Về lâu dài, diện tích trồng bưởi bón phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh sẽ hạn chế tình trạng thoái hóa đất.
Bên cạnh kinh tế hợp tác, huyện tập trung xây dựng sản phẩm OCOP, chăm bồi cho sản phẩm tiềm năng và khuyến khích các cơ sở tiếp tục nâng chất, đa dạng hóa để có nhiều sản phẩm được công nhận. Trong đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP mới đây, huyện Long Mỹ có 4 sản phẩm đạt 3 sao là mật ong nguyên sáp Hương Tràm, mắm cá lóc Việt Dũng, mắm cá lóc chưng Việt Dũng và mắm cá sặc Việt Dũng. Còn 1 sản phẩm đạt 4 sao là trà mãng cầu túi lọc Phụng Phát.
Để chắp cánh cho các cơ sở, hộ kinh doanh mới nhưng sản phẩm đặc trưng và tiềm năng, các chương trình hỗ trợ từ máy móc thiết bị, xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ “đúng và trúng” theo yêu cầu của chủ thể và cả thị trường nên hiệu quả mang lại thấy rõ trong thời gian ngắn.
Vừa qua, anh Trần Nìm, ở ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, có thêm 1 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, nâng số sản phẩm OCOP mà anh sở hữu lên 2. Anh Nìm chia sẻ: “Khi mới phát triển sản phẩm mật ong nguyên sáp, tôi nhận được phản hồi khá tốt từ thị trường khi đi giới thiệu, đây là động lực để tôi hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn để đăng ký sản phẩm OCOP”.
Thời gian qua, huyện Long Mỹ và các ngành tỉnh quan tâm đến cơ sở của anh Nìm để cơ sở sản xuất được tham gia chương trình khuyến công địa phương năm 2021, mua máy móc thiết bị cải tiến quy trình làm mật ong, đạt độ tinh khiết cao hơn. Thiết kế và bao bì cũng có bước tiến đáng kể so với những năm đầu tiên, số lượng bán ra tăng cao hơn và lợi nhuận thu được lên mức hàng trăm triệu đồng. Không chỉ tạo dựng cơ sở vững mạnh, anh Nìm còn phối hợp với địa phương phát triển tổ hợp tác nuôi ong lấy mật với khoảng 40 thành viên, góp phần tạo nghề cho lao động và tăng thêm thu nhập gia đình.
Theo UBND huyện Long Mỹ, trước mắt ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không được chủ quan và triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, nền tảng để phát triển kinh tế. Phát huy vai trò của từng cá nhân trong công tác phòng chống dịch trong tình hình mới. Trong năm 2022, huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ các chương trình, đề án, dự án trọng điểm về nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn mặn, đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đến năm 2025, đặt mục tiêu xây dựng 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thành lập mới 20 hợp tác xã, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 1,5%…
Bài, ảnh: T.TRANG (Hậu Giang Online)
Sóc Trăng: Chuẩn bị rau màu phục vụ thị trường Tết
Theo thông lệ hàng năm, cách Tết khoảng 2 – 3 tháng là bà con nông dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh chuẩn bị sản xuất vụ rau màu mới để cung ứng cho thị trường tết Nguyên đán. Vì vậy, trong thời điểm hiện tại, bà con nông dân đã hoàn tất xuống giống các loại rau màu khác nhau bán trong dịp tết. Mặc dù trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp nhưng việc xuống giống các loại rau màu của bà con nông dân vẫn đảm bảo theo đúng tiến độ.
Theo thông tin của ngành chuyên môn, diện tích rau màu năm nay tăng hơn cùng kỳ năm trước 3% và dự kiến trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, lượng rau màu sẽ rất dồi dào để cung cấp đến người tiêu dùng mua trong dịp tết.
Trong buổi sáng se lạnh của những ngày sắp vào xuân mới, chúng tôi có dịp đến xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), đây được xem là một trong những địa phương có diện tích trồng màu chuyên canh quanh năm tại huyện. Dọc theo các tuyến đường nông thôn, nhìn thấy nhiều rẫy màu của bà con nông dân phát triển xanh tốt, với đa dạng các loại màu và nhiều nhất có thể kể đến là các loại: bắp cải, ớt, khổ qua, hành lá, hẹ bông… tạo thành một mảng xanh giữa cánh đồng bao la rộng lớn.
Cần mẫn làm cỏ cho từng luống bắp cải của gia đình đã xuống giống hơn 1 tháng, ông Hồ Sinh, ấp Trà Mẹt, xã Tham Đôn phấn khởi cho biết: “Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các địa phương áp dụng biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây lan nên việc tiêu thụ màu của người dân gặp khó khăn, thương lái ngừng thu mua dẫn đến giá rau màu xuống thấp. Tuy nhiên, khoảng hơn tháng trở lại đây, giá rau màu tăng vọt, bà con rất vui khi đầu ra ổn định. Chính vì vậy, trong thời gian tới chắc chắn rau màu sẽ tiêu thụ tốt trên thị trường, khi các chợ truyền thống có nhiều người dân đi chợ lúc tết đến. Thường Tết đến, người tiêu dùng mua nhiều bắp cải về sử dụng nên tôi đã xuống giống 3.500m2 bắp cải, hiện tại bắp cải phát triển rất tốt. Với diện tích bắp cải trên, tôi ước tính sản lượng hơn 7 tấn. Hiện tại, giá bắp cải được thương lái thu mua tại rẫy là 13.000 đồng/kg, nếu dịp tết Nguyên đán bán giá 10.000 đồng, thu về lợi nhuận hơn 30 triệu đồng…”.
Xuôi theo tuyến Quốc lộ 1A từ huyện Mỹ Xuyên đến huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng), chúng tôi tìm đến xã Châu Hưng, bởi đây cũng là địa phương có nhiều diện tích trồng màu chuyên canh lâu đời. Ghé rẫy trồng màu của ông Thạch Sương, ấp Xóm Tro, xã Châu Hưng đúng lúc “chủ rẫy” đang bón phân cho từng gốc cây ớt đã xuống giống hơn 30 ngày. Theo ông Sương, ông gắn bó với cây màu hơn 20 năm và trồng chuyên canh nhiều loại màu khác nhau gồm: dưa leo, khổ qua, rau cải các loại… Tết năm 2022 này, ông Sương trồng đậu ve, ớt chỉ thiên, bởi theo dự đoán của ông thì tới đây giá ớt sẽ tăng cao, vì hiện giá ớt 50.000 đồng/kg, đậu ve 13.000 đồng/kg. Ông hy vọng tết đến giá tiếp tục tăng để người sản xuất thu về lợi nhuận tốt trong vụ màu Tết.
Trong lĩnh vực trồng trọt thì ngoài cây lúa, cây ăn trái, nhiều địa phương còn sản xuất cây màu quanh năm, diện tích được trồng phân bố tại hầu hết các xã, phường, thị trấn tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh, với đa dạng các loại màu phục vụ cho người tiêu dùng. Đặc biệt là trong dịp Tết, một số loại màu như: bắp cải, hành tím, dưa hấu, khổ qua… sẽ được trồng tăng về diện tích hơn so với các loại màu thông thường.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thành Phước, hiện tại, bà con nông dân tại các địa phương đang tích cực xuống giống các loại màu, với diện tích 52.363/51.800ha (kế hoạch), tăng 3% so cùng kỳ năm trước và toàn tỉnh có 117 nhà lưới, nhà màng đang hoạt động với diện tích là 6,7ha. Sở dĩ diện tích trồng màu tăng là do giá bán các loại màu tăng nên nông dân rất phấn khởi xuống giống màu phục vụ thị trường tết Nguyên đán sắp tới. Bên cạnh đó, thời tiết năm nay se lạnh, nắng không gay gắt, thuận lợi cho các loại màu phát triển.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng: “Để tiêu thụ rau màu tốt trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, kể cả sau tết thì khuyến cáo bà con nông dân không nên trồng tập trung một loại màu, phải trồng nhiều loại màu khác nhau trên cùng diện tích, đặc biệt là nên rải vụ màu để đảm bảo có rau màu bán sau Tết. Về chăm sóc rau màu cần tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, các loại thuốc sinh học, vừa giảm chi phí sản xuất, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như đảm bảo rau màu bảo quản được thời gian lâu hơn…
THÚY LIỄU (Báo Sóc Trăng điện tử)
Thị xã Duyên Hải (Trà Vinh): Đẩy mạnh phát triển thủy sản, góp phần nâng cao tăng trưởng
Năm 2021, do khó khăn chung, nên tăng trưởng GRDP của tỉnh âm 3,92%, thấp nhất từ khi tái lập tỉnh (5/1992) đến nay. Tuy nhiên, có một số địa phương trực thuộc vẫn có mức tăng trưởng dương, trong đó, thị xã Duyên Hải đạt mức tăng trưởng kinh tế 1,87% so với năm 2020. Ngoài đóng góp quan trọng từ các công trình lớn của tỉnh, của Trung ương, đầu năm 2021, thị xã Duyên Hải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển thủy sản.
Chuyển đổi cơ cấu gắn với phát triển thủy sản
Ông Huỳnh Văn Màu, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duyên Hải cho biết: thực hiện Nghị quyết năm 2021 của Thị ủy, HĐND thị xã Duyên Hải, đơn vị phối hơp với các địa phương tiếp tục tập trung thực hiện Quyết định số 2368/QĐ-UBND, ngày 13/12/2013 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Năm 2021, thị xã Duyên Hải có 548 hộ nuôi tôm thâm canh mật độ cao, diện tích 181,45ha, đạt giá trị bình quân khoảng 700 triệu đồng/ha/năm (tăng khoảng 400 triệu đồng so với nuôi thâm canh thông thường).
Qua đó, năm 2021, thị xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được 111ha; trong đó, 81ha từ nuôi tôm thẻ ao đất, tôm sú ao đất sang nuôi tôm thâm canh mật độ cao, 30ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị. Nâng đến nay, thị xã đã chuyển đổi 334,4ha (sang trồng các loại màu ngắn ngày 246,8ha; cây lâu năm 11,6ha và kết hợp nuôi trồng thủy sản 76ha), góp phần tăng mức giá trị lợi nhuận thêm trên cùng diện tích từ 30 – 70 triệu đồng/ha/năm. Năm 2021, thị xã Duyên Hải có 548 hộ nuôi tôm thâm canh mật độ cao, diện tích 181,45ha, đạt giá trị bình quân khoảng 700 triệu đồng/ha/năm (tăng khoảng 400 triệu đồng so với nuôi thâm canh thông thường). Đồng thời, tăng cường và củng cố kinh tế tập thể, thị xã hiện có 07/11 hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người lao động, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và XDNTM.
Xác định năm 2021, đối với thủy sản, lĩnh vực đánh bắt gặp khó khăn so với nuôi trồng; với phương châm: lấy sản lượng nuôi trồng bù khai thác, đánh bắt; lấy lĩnh vực thủy sản bù trồng trọt, nên năm 2021, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và đánh bắt của thị xã Duyên Hải đạt 34.408,53 tấn. Trong đó, nuôi trồng 24.959,36 tấn; khai thác, đánh bắt 9.449,17 tấn. So với năm 2020, tổng sản lượng tăng 895,65 tấn, tăng 2,7%. Trong đó, nuôi trồng tăng 1.205,61 tấn (tăng 5,1%); khai thác giảm 309,96 tấn (giảm 3,2%), đúng như xác định và hiệu quả đúng kế hoạch.
Năm 2021, tăng trưởng kinh tế của thị xã Duyên Hải đạt 1,87% so với năm 2020. Kết quả này phải kể đến sự đóng góp rất lớn và tích cực từ các công trình trọng điểm của Trung ương, tỉnh trên địa bàn thị xã nhờ đã đưa vào sử dụng; đóng góp trên 2.500 tỷ đồng vào kinh tế chung của thị xã, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất năm 2021 lên 29.544 tỷ đồng (đạt 81,5% nghị quyết, tăng 1,84% so với năm 2020).
Qua rà soát, năm 2021 thị xã Duyên Hải đạt 54/59 tiêu chuẩn đô thị loại IV, 32/59 tiêu chuẩn loại III – ông Dương Hiền Hải Đăng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy cho biết.
Tăng diện tích nuôi thâm canh mật độ cao, đa dạng con nuôi
Năm 2021, phong trào nuôi tôm thẻ thâm canh với mật độ cao của thị xã Duyên Hải phát triển mạnh nhất từ trước đến nay. Theo ông Nguyễn Văn Ưa, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Duyên Hải, năm 2021, trên địa bàn có 548 hộ nuôi nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao, với 770,58 triệu con giống, diện tích gần 391ha (2.618 lượt ao). So với năm 2020, số hộ nuôi tăng 425 hộ, số giống tăng 163,15 triệu con, diện tích tăng 209,53ha; sản lượng đạt 15.595,4 tấn, năng suất đạt 41,6 tấn/ha.
Song song đó, thực hiện chủ trương đa dạng con nuôi thủy sản, phát huy thế mạnh, nông dân thị xã đẩy mạnh phong trào nuôi cua biển. Qua đó, năm 2021, thị xã có 2.885 lượt hộ thả nuôi 27,043 triệu con cua giống, diện tích 3.463,63ha, nuôi theo 02 hình thức chủ yếu: xen trong ao tôm và nuôi quảng canh. So với năm 2020, số hộ nuôi tăng 332 hộ, số giống tăng 1,7 triệu con, diện tích tăng 367,48ha. Sản lượng đạt 2.070 tấn, so với năm 2020, tăng 644,33 tấn, năng suất bình quân 0,59 tấn/ha, tăng 0,13%. Đặc biệt, xã Long Hữu, Hiệp Thạnh nông dân đẩy mạnh nuôi tôm càng xanh; năm 2021, thị xã có 102 hộ thả nuôi 7,42 triệu con giống, diện tích 79,8ha, năng suất bình quân 3,25 tấn/ha, sản lượng 259,7 tấn.
Ngoài ra, một số nông dân có điều kiện còn đầu tư nuôi nghêu, thông qua 03 hợp tác xã và tổ hợp tác nuôi nghêu ở xã Hiệp Thạnh và Trường Long Hòa; đã thả nuôi 202 tấn nghêu giống, diện tích 340ha. Trong năm, đã thu hoạch 610 tấn, số sản lượng còn lại sẽ tiếp tục thu hoạch phục vụ thị trường tết Nguyên đán năm 2022.
Trong những năm qua, trên địa bàn thị xã cũng xuất hiện nhiều con nuôi khác đang triển vọng: nuôi vọp, năm 2021, thị xã có 36 hộ đang thả nuôi 87,4 tấn giống vọp, diện tích 29,3ha, nuôi theo hình thức “thu tỉa thả bù”. Kết quả, trong năm thu hoạch 102,9 tấn. Một số hộ có điều kiện, các địa bàn ven sông, tập trung nuôi hàu, hiện có 16 điểm nuôi của 16 hộ, diện tích 1,26ha mặt nước (27 bè). Kết quả trong năm thu hoạch 47 tấn.
Ngoài ra, năm 2021, Phòng Kinh tế thị xã tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đầu tư, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, giống để thực hiện một số con nuôi theo phương pháp mới: nuôi cá kèo, cá bớp… Hiện có 05 hộ thả nuôi 12.000 con giống cá bớp, diện tích 1.460m2. Mô hình nuôi này hiện phát triển tốt, đã có một số hộ thu hoạch, nhưng chờ đánh giá hiệu quả của cơ quan chuyên môn trước khi nhân rộng.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN (Báo Trà Vinh)
Kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm dịp Tết Nhâm Dần 2022
Đó là chủ đề diễn đàn trực tuyến phiên thứ 17 được Tổ Điều hành diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp- PTNT) tổ chức ngày 25/12/2021.
Tại diễn đàn, các địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp đã thông tin về tình hình sản xuất, xuất khẩu, tiêu thụ nông sản thực phẩm và khả năng cung ứng nông sản phục vụ thị trường tết.
Tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, cho biết: Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Vĩnh Long có đa dạng loại sản phẩm nông sản như cây có múi, khoai lang, cá tra, thủy sản lồng bè…. Diện tích sản xuất lúa hàng năm hơn 146.000ha, sản lượng 900.000 tấn. Hiện nay, toàn tỉnh có 74 sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận OCOP 3 sao trở lên. Về sản phẩm cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán 2022, tỉnh Vĩnh Long có những sản phẩm nổi trội có thể cung cấp và mong muốn kết nối tiêu thụ, cụ thể như: bưởi Năm Roi, bưởi da xanh khoảng 400 tấn; dưa hấu 8.000 tấn; các loại rau, củ, quả hơn 3.000 tấn; hành lá 2.000 tấn; cá điêu hồng hơn 100 tấn; dưa lưới 20 tấn. Vùng chuyên canh khoai lang hàng năm khoảng 14.000ha, có thể cung cấp 400.000 tấn khoai thương phẩm…
Tại diễn đàn, còn diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông sản thực phẩm giữa các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội. Trong đó, có ký kết biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam với Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long.
Diễn đàn tổ chức nhằm thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản của các tỉnh- thành trên cả nước trong dịp Xuân Nhâm Dần 2022; đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn; kết nối người sản xuất, kinh doanh hàng nông đặc sản với các doanh nghiệp phân phối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn các tỉnh- thành trên cả nước.
Tin, ảnh: NGUYÊN KHANG (Báo Vĩnh Long)