Tin Thủy Sản tuần 29/11 – 05/12/2021

(Thuốc Thủy Sản Tiệp Phát) Tổng hợp tin tức về nông nghiệp – thủy sản trong tuần từ 29/11 – 05/12/2021.


Giá tôm tăng, công nhân ở miền Tây vào nhà máy giảm

Diện tích nuôi trên đồng đang hẹp dần vào cuối vụ khiến giá tôm thẻ chân trắng tăng nhẹ. Trong khi đó, công nhân vào nhà máy đang giảm dần vì ảnh hưởng dịch Covid-19.

Chiều 3/12, anh Lưu Trường Giang, đại diện Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cho công nhân kéo tôm mua được tại huyện Cù Lao Dung. Một nông dân xã An Thạnh Nam thu hoạch 2 ao tôm lót bạt được 10 tấn thẻ chân trắng kích cỡ 60-70 con/kg.

“Hai ao này người nuôi bán được 1,25 tỷ đồng, thu lãi 500 triệu. Giá tôm thẻ đang tăng 1.000-3.000 đồng mỗi kg đối với loại kích cỡ 30-100 con. Riêng loại tôm kích cỡ 25 con/kg giá 190.000 đồng, tăng 10.000 đồng so với 2 tuần trước”, anh Giang nói.

Theo anh Giang, tôm thẻ loại 20 con/kg giá ổn định 240.000 đồng, loại 30 con giá 168.000 đồng/kg, loại 40 con giá 148.000 đồng/kg, loại 100 con giá 102.000 đồng/kg…

Tôm thẻ chân trắng nuôi tại Sóc Trăng. Ảnh: Lưu Giang.

Trao đổi với Zing, lãnh đạo một công ty thủy sản tại thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) cho biết các đại lý cung ứng tôm nguyên liệu giảm dần vì cuối vụ và giá tăng nhẹ. Ngược lại với điều này là công nhân giảm vì ảnh hưởng dịch bệnh.

“Công nhân hoang mang không đi làm nên số lượng giảm hơn lúc áp dụng Chỉ thị 16. Lượng công nhân trong nhà máy chỉ còn 40-45% so với trước dịch. Chi phí sản xuất lúc này tăng cao và giá thuê tàu chở tôm sang nước ngoài cũng cao, chưa có dấu hiệu giảm”, lãnh đạo doanh nghiệp nói.

Ông Nguyễn Thanh Trong, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng, cho biết hơn một tháng trước, khi các địa phương áp dụng Nghị quyết 128 thì công nhân tại khu công nghiệp An Nghiệp khoảng 21.000 người. Những ngày gần đây một số tỉnh, thành trong khu vực có F0 tăng nên nhiều người không dám đi làm khiến công nhân trong khu công nghiệp An Nghiệp giảm còn khoảng 14.000 người.

Theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay địa phương này có diện tích nuôi tôm gần 51.880 ha, trong đó hẻ chân trắng 39.306 ha.

Mô hình nuôi tôm bằng ao lót bạt tại miền Tây. Ảnh: Lưu Giang.

Trong tuần, nông dân Sóc Trăng thu hoạch 1.642,5 ha tôm, nâng lũy kế từ đầu năm đến nay lên hơn 40.987 ha, ước sản lượng 176.012 tấn (thẻ chân trắng 160.206,4 tấn, tôm sú 15.805,6 tấn).

Hiện, Sóc Trăng còn khoảng 7.627 ha tôm trên đồng (thẻ chân trắng 4.902,4 ha, sú 2.724,9 ha). Trong đó, tôm nuôi dưới 30 ngày là 1.177 ha, 30-60 ngày là 1.581 ha, 60-90 ngày là 3.883,6 ha, 90-120 ngày là 850 ha, 120-150 ngày là 85,1 ha và trên 150 ngày chỉ còn 50,6 ha.

Việt Tường (ZingNews)


Hà Giang: Nuôi cá trong ruộng bậc thang – Mô hình canh tác hiệu quả ở Đồng Yên

Trong những năm gần đây, nhờ phát triển nuôi cá chép trong ruộng bậc thang một vụ mà đồng bào DTTS ở xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang (Hà Giang) đã nâng cao thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng/ha/vụ.

Những năm gần đây, mô hình nuôi cá chép trong ruộng lúa là hình thức canh tác xen canh, giúp tăng thu nhập trên cùng một diện tích canh tác. Mô hình này đang được một số địa phương trên địa bàn huyện Bắc Quang tích cực triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của bà con nơi đây. Đặc biệt là Đồng Yên – xã có tới 16 dân tộc thiểu số sinh sống.

Người Dao ở xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang thu hoạch cá trong ruộng lúa.

Nông dân xã Đồng Yên canh tác lúa chủ yếu trên những thửa ruộng bậc thang một vụ, do phải lệ thuộc vào nguồn nước mưa. Bắt đầu từ tháng 5 dương lịch, khi trời có mưa là thời điểm người dân xã Đồng Yên tiến hành làm đất để gieo cấy vụ lúa mùa (cũng là vụ lúa duy nhất trong năm). Đến thời điểm trung tuần tháng 6, khi lúa bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ là thời điểm người dân tiến hành thả cá giống vào trong ruộng lúa. Sau khi thả cá khoảng 3,5 – 4 tháng, từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 dương lịch, khi lúa bước vào giai đoạn chín người dân rút nước ruộng để thuận lợi cho thu hoạch lúa và đây cũng là thời điểm cá được thu hoạch.

Những loại cá được thả nuôi chủ yếu trong ruộng lúa là cá chép giống địa phương có trọng lượng nhỏ, cá giống khi thả có trọng lượng từ 0,15 – 0,2 kg/con và khi thu hoạch chỉ đạt từ 0,45 – 0,6 kg/con nhưng lại có chất lượng thịt thơm ngon và bán được giá cao, từ 110 – 120 nghìn đồng/kg. Ngoài cá chép, người dân xã Đồng Yên còn thả thêm cá diếc trong ruộng lúa nhằm tăng thu nhập.

Theo anh Hoàng Văn Khu, cán bộ khuyến nông xã Đồng Yên, muốn thả cá trong ruộng lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao thì người dân phải tiến hành làm một rãnh sâu từ 30 – 35 cm, rộng từ 30 – 40 cm chạy dọc theo mép ruộng ở phía giáp với phần ruộng bâc thang phía trên. Bên cạnh đó, bà con phải đắp bờ ruộng cao hơn bình thường để tránh cá bị trôi xuống các ruộng phía dưới khi trời mưa. Việc làm rãnh giúp cho cá dồn xuống để tránh nắng nóng khi gặp trời nắng và cũng thuận lợi trong thu hoạch cả cá lẫn lúa.

Cá Chép ruộng sử dụng thức ăn tự nhiên nên chất lượng thịt thơm, ngon và bán được giá.

Theo đánh giá của người dân xã Đồng Yên, đối với những ruộng lúa có thả cá, người dân chỉ được bón lót bằng các loại phân hữu cơ hoai mục, vừa để bổ sung dinh dưỡng cho lúa và cũng tạo nguồn thức ăn phù du cho cá. Bởi nếu bón phân vô cơ cho lúa sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự sinh trưởng của cá. Khi hết vụ lúa, người dân giữ lại một phần cá thả vào các ao của gia đình để làm giống cho vụ sau.

Anh Vi Hiệu Trưởng, Chủ tịch UBND xã Đồng Yên cho biết: “Trong những năm qua, người dân trong xã đã đẩy mạnh phát triển nuôi thả cá trong các ruộng bậc thang canh tác lúa một vụ. Công việc thả cá chép và cá diếc trong ruộng lúa không chỉ góp phần tăng thêm thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng/ha mà còn giúp hạn chế và tiêu diệt sâu bệnh hại lúa. Đối với những ruộng lúa có thả cá thì thuốc trừ sâu cũng không được sử dụng. Từ đó giúp người dân tiết kiệm được một khoản chi phí trong canh tác lúa và tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn…”.

Nhận thấy công việc thả cá trong ruộng lúa mang lại nhiều lợi ich về kinh tế và môi trường, UBND xã đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển và mở rộng qui mô canh tác lúa – cá, như mời các cán bộ Trung tâm Thủy sản của tỉnh về tập huấn kỹ thuật nâng cao hiệu quả của thả cá trong ruộng lúa; kỹ thuật nuôi cá giống qua đông, kỹ thuật phòng bệnh cho cá…

Trong những năm qua, mô hình canh tác lúa – cá của người dân xã Đồng Yên không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà còn là điểm tham quan của các đoàn khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Phạm Văn Phú (baodantoc.vn)


Giá cá khoai tăng cao

Cá khoai được biết đến với hương vị thơm ngon đặc biệt, loài cá này thường xuất hiện theo mùa nước. Hiện nay, đang bước vào mùa cá khoai, chất lượng cá tươi ngon và có công dụng tốt nên giá cá khoai tăng cao, liên tục được săn đón.

Cá khoai là đặc sản nổi tiếng tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Quảng Bình. Loại cá này thường có kích thước nhỏ, thân hình tròn, xương sụn và rất mềm. Cá khoai trưởng thành dài khoảng 12 – 18cm.

Được biết, cá khoai có hương vị thơm ngon và đặc biệt còn là một bài thuốc quý trong y học. Thịt cá khoai chưa nhiều chất đạm, chất xơ, chất béo không no… chính vì vậy loại cá này được rất nhiều người yêu thích và săn đón mỗi khi mùa cá đến.

Tại các trang mạng xã hội, chợ thủy hải sản hiện có rất nhiều gian hàng của các tiểu thương rao bán cá khoai do thời điểm này đang là mùa cá.

Tại Quảng Trị, hiện thương lái đang thu mua cá khoai tại bến với mức giá là 50.000 đồng/kg, khi cá được chuyển đến các chợ đầu mối sẽ có mức giá dao động từ 75.000 – 90.000 đồng/kg.

Tại Hà Nội, cá khoai được rao bán với mức giá từ 100.000 – 130.000 đồng/kg tùy kích cỡ cá. Các thương lái cho biết, năm nay, cá khoai được mùa và dễ tiêu thụ hơn so với các loại thủy hải sản khác do cá tươi, ngon và được nhiều người mua về để chế biến và sử dụng.



Hậu Giang: Giá cá thát lát thấp kỷ lục

Giá bán thủy sản ở mức thấp và tồn đọng với số lượng lớn khiến nhiều người nuôi cá thát lát ở ĐBSCL điêu đứng. Theo bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, hiện giá cá thát lát khoảng 40.000 đồng/kg cá loại 200-700 gram, còn cá lớn khoảng 38.000-39.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp kỷ lục từ đầu năm đến nay, với mức giá này, người nuôi cầm chắc thua lỗ, tính ra mỗi kg cá người nuôi lỗ khoảng 15.000 đồng. Bởi, theo như chị Kim Thùy, tính ra tiền vốn đầu tư khoảng 55.000 đồng/kg cá nuôi, do thức ăn năm nay tăng cao. Vì vậy, nếu giá cá khoảng 57.000-60.000 đồng/kg thì người nuôi mới có lời. Ngoài HTX có nhiều ao cá quá lứa nhưng chưa có người hỏi mua.

Giá cá thát lát đang thấp, sức tiêu thụ chậm.

Do giá rẻ nên thương lái lựa cá tốt mới mua. Mặt khác, một số người nuôi chờ giá nên chưa chịu bán, dẫn đến thua lỗ nặng. Còn trong HTX, có hợp đồng nên bắt buộc phải bán, nhiều người thấy giá sụt giảm cũng chia sẻ, giảm giá so với hợp đồng. Lý giải tình trạng giá cá rớt thấp, chị Kim Thùy cho biết, do đầu ra yếu, với lại lượng thả nuôi nhiều nên ùn ứ đầu ra. Tính riêng trong HTX hiện còn khoảng mấy trăm tấn.

Tin, ảnh: NGỌC HƯỞNG (Hậu Giang Online)


VASEP phát hành Poster “Toàn cảnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam, 2016-2020”

Để giúp doanh nghiệp (DN), đối tác và khách hàng nắm bắt nhanh và đầy đủ toàn bộ bức tranh, năng lực về sản xuất – xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam trong chuỗi thời gian 5 năm (2016-2020) chỉ bằng một ấn phẩm nhỏ gọn, tiện lợi, VPHH VASEP tổng hợp, phát hành Poster “Toàn cảnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam, 2016-2020”.

Với các bảng biểu, số liệu, hình ảnh và đồ thị minh họa sinh động, dễ hiểu, Poster thể hiện toàn bộ dữ liệu về diện tích, sản lượng nuôi trồng thủy sản, tôm, cá tra; sản lượng khai thác hải sản; xuất khẩu thủy sản, tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, cua ghẹ, cá biển sang các thị trường; vị thế của Việt Nam trong các bảng top thị trường xuất khẩu, nhu cầu của các thị trường nhập khẩu; đặc biệt, dữ liệu chi tiết Top 100 DN xuất khẩu thủy sản của 5 năm liên tiếp 2016-2020 và Top 10 các DN xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ.

Panorama of Vietnam Seafood Exports, 2016-2020 (VASEP)

Đây là ấn phẩm “Toàn cảnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam” đầu tiên của VASEP dưới hình thức Poster ngôn ngữ tiếng Anh (Panorama of Vietnam Seafood Exports, 2016-2020), in 2 mặt với kích thước 80cm x 90cm, phù hợp gấp nhỏ làm tài liệu bỏ túi hoặc đóng khung treo tường (như bản đồ) tại các không gian khác nhau. VPHH VASEP trân trọng thông báo và kính mời Quý DN có nhu cầu đặt mua theo Phiếu đăng ký.

Nguồn: VASEP

 


Cà Mau: Nuôi ếch để phát triển kinh tế gia đình

Nhờ siêng năng, cần cù, chịu khó mà trong gần 2 năm qua gia đình chị Dương Thị Thúy, ở ấp 6, xã Khánh Tiến, huyện U Minh đã có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình nuôi ếch trong lưới dèo. Nhờ đó, kinh tế gia đình chị ngày một phát triển, vươn lên.

Gia đình chị Thúy có 4 nhân khẩu, đất sản xuất ít. Nhiều năm liền, cuộc sống gia đình dựa vào tiền đi làm phụ hồ của chồng, thời gian chồng chị đi làm, ở nhà chị Thúy cuốc đất trồng rau màu bán kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình.

Từ cuối năm 2019 khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, trong một thời gian dài, chồng chị không đi làm do giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Thời gian đó, cuộc sống gia đình chị Thúy gặp rất nhiều khó khăn, túng thiếu. Hàng ngày, vợ chồng chị cứ quanh quẫn xung quanh nhà và chăm sóc mấy công đất nuôi tôm, nuôi cua. Trong thời gian dịch bệnh Covid – 19 bùng phát, tôm, cua gia đình chị nuôi cũng thường xuyên thất bát. Nếu có thì bán cũng không được giá. “Trong cái khó ló cái khôn”, trong lúc cả 2 vợ chồng không có việc làm, mất thu nhập, chị Thúy tình cờ nhớ lại trong một lần đi thăm người thân ở tỉnh Sóc Trăng thấy nhiều mô hình nuôi ếch trong lưới dèo của bà con nông dân mang lại thu nhập khá cao nên chị Thúy tiến hành làm ô dèo, mua ếch giống về thả nuôi để tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật nên chị Thúy chỉ thả nuôi 200 con ếch giống. Nếu nuôi thấy hiệu quả sau đó chị mới mở rộng mô hình nuôi. Vụ đầu, sau khi nuôi được 2 đến 3 tháng, nuôi mỗi con ếch có trọng lượng từ 250 đến 300 gam, đến tháng thứ 4 chị tiến hành thu hoạch. Sau khi trừ chi phí, vụ nuôi ếch đầu tiên chị còn lời được 9 triệu đồng. Thấy nuôi ếch chi phí thấp, công chăm sóc không nhiều, ít rủi ro, một năm có thể nuôi được 3 đến 4 vụ, thu nhập lại khá cao nên chị Thúy quyết định mở rộng mô hình nuôi ếch của gia đình lên 4 ô dèo. Trong đó, 3 ô mỗi ô chị thả nuôi 300 đến 500 con ếch thịt và 1 ô chị thả nuôi 3.000 đến 5.000 con ếch giống.

Chị Thúy đang chăm sóc đàn ếch nuôi của gia đình.

Hiện nay, ếch thịt của chị đang phát triển tốt, mỗi con có trọng lượng 200 đến 300 gam, có con gần 400 gam và đang cho thu hoạch. Trên thị trường, giá ếch thịt bán tù 50.000 đến 55.000 đồng/kg, có bao nhiêu thương lái cũng đến tận nhà thu mua hết. Nếu số ếch thịt này, chị Thúy bán hết cũng kiếm lời khoản 20 triệu đồng. Trên thị trường mỗi con ếch giống có giá bán từ 2.000 – 3.000 đồng. Nếu chị bán hết số ếch giống hiện nay, chị Thúy cũng có thêm thu nhập trên 10 triệu đồng. Thu hoạch xong vụ này, chị Thúy lại thả con giống để nuôi vụ tiếp theo. Cứ thế, mỗi năm chị Thúy thả nuôi từ 3 đến 4 vụ. Từ mô hình nuôi ếch thịt, ếch giống này, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị Thúy có thu nhập gần 100 triệu đồng. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình chị Thúy ngày càng phát triển, vươn lên. Chị Thúy cho biết: “Những năm gần đây, nguồn ếch đồng rất khan hiếm, nhu cầu người tiêu dùng của người dân, nhất là ở nhà hàng, quán nhậu ngày càng nhiều. Sắp tới, sau khi thu hoạch vụ ếch này xong, tôi sẽ làm thêm 2 ô dèo nữa và tiếp tục nuôi ếch thịt và ếch giống. Thời điểm này, trong 1 tuần gia đình tôi bán được 300 đến 500 con ếch giống và vài chục kg ếch thịt, thu nhập khoản 2 triệu đồng mỗi tuần. Nếu so với nuôi gà, nuôi vịt, nuôi cá, nuôi heo… thì nuôi ếch thu nhập cao gấp đôi, đầu ra cũng dễ tiêu thụ. Nuôi ếch không cần phải mất diện tích nhiều, chỉ cần 2 đến 3 mét vuông là làm được 1 ô dèo nuôi ếch. Thức ăn cho ếch chủ yếu tự kiếm, không phải mua như ốc bươu vàng, rẹm, cá phi và nhiều loại cá tạp khác. Thức ăn cho chúng chỉ cần đập ra hoặc băm nhỏ rồi bỏ trong dèo là ếch tự ăn. Tuy nhiên, để nuôi ếch mang lại hiệu quả cao, đòi hỏi người nuôi phải nắm rõ kỹ thuật, thường xuyên theo dõi phát hiện các loại bệnh thường gặp ở ếch như lở loét, đỏ chân, bệnh về đường tiêu hóa, mù mắt… để phòng trị kịp thời. Để phát hiện được các chứng bệnh này, người nuôi cần theo dõi quá trình sinh trưởng của con ếch. Quan trọng nhất là không để nguồn nước nuôi bị ô nhiễm, tăng cường các khoáng chất đề kháng cho ếch và cho ếch ăn hợp lý. Nếu làm tốt các bước trên, tôi tin chắc bà con nuôi ếch sẽ đạt hiệu quả cao”.

Anh Trương Thanh Tú – người hàng xóm với chị Thúy – nhận xét: “Trước khi nuôi ếch, gia đình chị Thúy có cuộc sống khó khăn lắm. Từ đợt dịch Covid-19 năm 2020 bùng phát, chị Thúy bắt đầu nuôi ếch đến ngày nay. Nhờ nuôi ếch mà gần năm nay tôi thấy cuộc sống gia đình chị dần dần ổn định hơn trước đây nhiều, 1 tuần có thu nhập cũng được vài triệu đồng từ tiền bán ếch thịt, ếch giống. Có thể nói, chị Thúy là một trong những người phụ nữ siêng năng, cần cù, chịu khó để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Mô hình nuôi ếch mang lại hiệu quả cao của chị Thúy cần được nhân rộng ra cho nhiều phụ nữ khác học tập làm theo để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống theo hướng bền vững ở địa phương”.

Hùng Phước (Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Cà Mau)


Bắc Kạn: Vận động người dân tham gia tiêu thụ sản phẩm cá nước ngọt

Mặc dù dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm cá nước ngọt của huyện đã đạt được một số mục tiêu đề ra, đem lại thu nhập cho người dân, thế nhưng dự án vẫn chưa thực hiện được mục tiêu liên kết trong tiêu thụ sản phẩm.

Nuôi cá nước ngọt trên địa bàn huyện khó khăn về đầu ra.

Dự án phát triển sản xuất liên hết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cá nước ngọt được huyện thực hiện từ tháng 11/2019 đến tháng 11/2022 tại 5 xã Quang Thuận, Quân Hà, Tân Tú, Cẩm Giàng, thị trấn Phủ Thông với quy mô 16 ha, hơn 300 hộ dân tham gia. Sau khi được nghiệm thu, dự án cho thấy đàn cá sinh trưởng và phát triển tốt. Các giống cá rô phi, cá chép đã cho thu hoạch, còn cá trắm cỏ, cá trôi đang trong giai đoạn phát triển. Đến thời điểm này, việc tiêu thụ của người dân chủ yếu là tự đánh bắt và đem ra chợ bán, mặc dù đơn vị chủ trì dự án là Trại giống thủy sản tỉnh đã có kế hoạch thu mua, thế nhưng chưa có hộ nào đăng ký tham gia bán sản phẩm cho đơn vị. Để mục tiêu liên kết tiêu thụ sản phẩm được thực hiện, huyện đang tiếp tục vận động người dân đăng ký bán sản phẩm cho Trại giống thủy sản tỉnh.

Đào Kiên (bachthong.gov.vn)


Vĩnh Long: Nuôi thủy sản chịu được độ mặn

Ông Nguyễn Văn Tám – Trưởng Phòng NN&PTNT, cho biết: Năm 2021, ước toàn huyện có gần 600ha nuôi thủy sản, đạt 100,3% kế hoạch, tổng sản lượng nuôi và khai thác thủy sản ước đạt trên 15.100 tấn, đạt 100,8% kế hoạch. Trong đó, nuôi cá tra công nghiệp ven bãi bồi và cá lóc mương vườn vẫn là 2 mô hình nuôi thủy sản chính của huyện với 66,53ha.

Năm 2022, huyện chú trọng phát triển các loài thủy sản chịu được độ mặn và có giá trị kinh tế cao, như: cá tra, lươn, cá rô phi, sặt rằn, tôm càng xanh và phát triển nguồn lợi thủy sản hiện có, ổn định diện tích nuôi cá lóc.

Đồng thời, tiếp tục vận động nuôi thủy sản tập trung theo hướng công nghiệp, khuyến khích nuôi xen trong mương vườn, ruộng lúa; khuyến cáo các hộ nuôi cá tra thâm canh theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm.

TRÀ MY (Báo Vĩnh Long)


Chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại cho nuôi thủy sản lồng bè mùa mưa lũ

(Chinhphu.vn) – Để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh Nam Trung Bộ phối hợp với cơ quan liên quan bám sát tình hình thực tế, hướng dẫn các cơ sở nuôi biện pháp chăm sóc, quản lý lồng bè, thủy sản nuôi trong mùa mưa lũ.

Tổng cục Thủy sản đã có Văn bản số 2085/TCTS-NTTS chỉ đạo sản xuất và quản lý nuôi thuỷ sản lồng bè mùa mưa lũ.

Theo Tổng cục Thủy sản, từ ngày 16/11 đến nay, tại khu vực Nam Trung Bộ xuất hiện mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Dự báo thời gian tới thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt ảnh hưởng đối với thuỷ sản nuôi lồng bè (cá biển, tôm hùm…) do nước ngọt từ các cửa sông đổ ra.

Chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nuôi thủy sản lồng bè mùa mưa lũ.

Để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh Nam Trung Bộ phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III và chỉ đạo các đơn vị có chức năng liên quan bám sát tình hình thực tế, hướng dẫn các cơ sở nuôi các biện pháp chăm sóc, quản lý lồng bè, thủy sản nuôi trong mùa mưa lũ. Tập trung quản lý, đảm bảo an toàn cho người và lồng bè nuôi; quản lý môi trường; quản lý việc sử dụng thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

Di chuyển lồng bè nuôi tới nơi có môi trường ổn định, phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi. Tổ chức thu hoạch thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm ở khu vực không có khả năng hoặc khó di chuyển lồng bè nuôi. Về lâu dài, cần khuyến cáo, hạn chế nuôi tại khu vực môi trường không ổn định, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi điều kiện bất lợi môi trường hàng năm.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản tại Công văn số 993/TCTS-NTTS ngày 16/6/2021 về việc chủ động ứng phó với mùa mưa bão trong nuôi trồng thủy sản năm 2021, Công văn số 490/TCTS-NTTS ngày 5/4/2021 của Tổng cục Thủy sản về việc hướng dẫn, tăng cường quản lý nuôi tôm hùm lồng và các khuyến cáo tại bản tin thông báo kết quả quan trắc môi trường của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III.

Bên cạnh đó, tổ chức phòng, trị bệnh theo quy định của Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 quy định về phòng và chống dịch bệnh thủy sản. Khi thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị chết, người nuôi cần báo cáo cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương. Không di chuyển lồng bè từ vùng nuôi có tôm, cá bị bệnh sang vùng nuôi chưa xuất hiện bệnh nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh.

Tổ chức thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi lồng bè, nuôi biển nói riêng. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

HH (Báo điện tử Chính phủ)


Bến Tre: Bình Đại nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp toàn diện

Bình Đại là một trong các huyện có nền nông nghiệp (NN) với hai thế mạnh là kinh tế vườn và kinh tế biển, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng. Thời gian qua, bằng các giải pháp, huyện đã tập trung đầu tư phát triển NN khá toàn diện và đồng bộ, bước đầu đạt kết quả khả quan với nhiều mô hình tiêu biểu.

Phát triển nông nghiệp toàn diện

Huyện tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất NN, đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác với diện tích chuyển đổi trong năm là 20,3ha, chủ yếu chuyển sang trồng bưởi, trồng dừa, trồng cỏ nuôi bò, nuôi trồng thủy sản, nâng diện tích chuyển đổi toàn huyện hiện nay là 657ha. Rau màu được canh tác chủ yếu trên các chân đất ruộng và đất giồng. Các loại rau màu xuống giống chủ yếu là bí, bầu, cà chua, dưa leo, ớt và rau ăn lá. Cây rau màu trên ruộng lúa ở các xã tiểu vùng 1 và 2 đạt 430ha.

Diện tích dừa hiện có 7.880ha, trong đó có 7.800ha cho trái, sản lượng 68 triệu trái. Cây ăn trái có 2.466,6ha, chủ yếu là các loại nhãn, bưởi, xoài, sản lượng 32 ngàn tấn. Triển khai mô hình trồng xoài tứ quý trên vườn tạp kém hiệu quả kinh tế tại xã Đại Hòa Lộc, với quy mô 4,11ha, 1.644 cây, có 17 hộ tham gia.

Chăn nuôi phát triển ổn định. Huyện có đàn bò 11.860 con; đàn dê 13.863 con; đàn heo 14.350 con; đàn gia cầm 562 ngàn con.

Thu hoạch nghêu ở Hợp tác xã thủy sản Rạng Đông, xã Thới Thuận. Ảnh: H. Hiệp

Hoạt động khai thác thủy sản phát triển mạnh với tổng số đoàn tàu hiện có 1.195 chiếc, trong đó tàu đánh bắt xa bờ 594 chiếc. Sản lượng khai thác đạt 85.860 tấn, đạt 101,01% kế hoạch năm. Nhuyễn thể với diện tích 3.150ha, tổng sản lượng khai thác của 2 hợp tác xã (HTX) thủy sản là 3.016,67 tấn, doanh thu 60,3 tỷ đồng (trong đó, HTX thủy sản Rạng Đông 1.956 tấn, doanh thu 35 tỷ đồng, HTX thủy sản Đồng Tâm 1.065,67 tấn, doanh thu 25,3 tỷ đồng).

Diện tích thả nuôi thủy sản 18.613ha, đạt 103,41% so với kế hoạch. Trong đó, có 5.000ha nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh; diện tích nuôi tôm công nghệ cao đạt 819,22ha, đạt 74,47% so với kế hoạch năm. Ngành NN đã tổ chức hội thảo về “Giải pháp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bến Tre”; kiểm tra điều kiện hoạt động của các cơ sở sản xuất giống thủy sản trên địa bàn huyện.

Tổ chức tổng kết mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực 2ha tại xã Đại Hòa Lộc; mô hình nuôi tôm sú quảng canh theo quy trình cải tiến tại xã Thạnh Phước; mô hình nuôi tôm tích trong lồng bè tại xã Thừa Đức. Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực thích ứng biến đổi khí hậu gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Thạnh Trị, quy mô 2,8ha, 3 hộ tham gia, đã thả 196 ngàn con tôm giống. Hiện tôm phát triển tốt, đã hỗ trợ gần 3 tấn thức ăn tôm và 112kg men đường ruột. Tổ chức 8 cuộc sinh hoạt câu lạc bộ nông dân với các nội dung về chăm sóc bưởi, dừa sau hạn mặn; biện pháp quản lý sâu đầu đen hại dừa…

Đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp

Huyện đã xây dựng Kế hoạch phòng chống, ứng phó hạn mặn đến năm 2025; phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2021 – 2022; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong công tác phòng chống, ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian tới trên địa bàn huyện. Triển khai Hướng dẫn của Sở NN và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính về việc hướng dẫn chi tiết thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất NN để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đến các xã, thị trấn. Đã hoàn thành hỗ trợ cây ăn trái, rau màu bị thiệt hại với số tiền trên 2,5 tỷ đồng. Triển khai Nghị quyết số 05/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ cho người dân chăm sóc, khôi phục vườn dừa bị ảnh hưởng sau hạn mặn trên địa bàn huyện. Công tác hỗ trợ vườn dừa bị ảnh hưởng do hạn mặn 2019-2020, đã thực hiện hỗ trợ cho 12.829 hộ với tổng kinh phí trên 7,83 tỷ đồng.

Tổ chức thực hiện các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn huyện như thực hiện gia cố sạt lở khu vực cồn Ông Bang, cồn Ông Cha, khu vực Ấp 1, xã Tam Hiệp. Triển khai Dự án kè chống xói lở bờ biển xã Thừa Đức; Dự án hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản huyện. Nạo vét 10 tuyến kênh thủy lợi nội đồng tại các xã Vang Quới Tây, Bình Thới, Thạnh Phước, Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị và thị trấn Bình Đại, với tổng chiều dài khoảng 18km. Sửa chữa, lắp đặt các nắp cống tròn trên hệ thống đê sông Tiền. Nâng cấp tuyến đê biển, gồm đoạn đê khu dân cư Thới Bình, ấp Thới An, xã Thới Thuận; đoạn đê biển từ cống Bến Đình đến cống Bà Nhật. Triển khai Dự án Âu thuyền An Hóa.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại Võ Văn Quân, thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng tỉnh, tình hình sản xuất NN trên địa bàn huyện có sự chuyển biến tích cực. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng có hiệu quả. Công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được quan tâm, góp phần hạn chế dịch bệnh xảy ra. Công tác thủy lợi nội đồng cũng được các xã quan tâm thực hiện. Kịp thời tham mưu cho UBND huyện triển khai chỉ đạo công tác phòng chống hạn mặn mùa khô 2020-2021.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện kế hoạch chưa đồng bộ, còn gặp khó khăn, lúng túng trong việc định hướng đối tượng sản xuất cho người dân. Kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa rõ nét, hiệu quả mang lại từ sản xuất NN chưa thật sự ổn định, còn gặp khó khăn trong việc liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra và ổn định đầu vào. Đội ngũ quản lý, điều hành các tổ hợp tác, HTX còn yếu, thiếu nhiệt tình. Phần lớn không có chuyên môn, nghiệp vụ dẫn đến công tác quản lý điều hành đôi lúc chưa thực sự hiệu quả. Công tác tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm còn hạn chế, chủ yếu do nông dân tự tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua hệ thống thương lái.

Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre có kế hoạch vận hành các cống phù hợp với tình hình diễn biến thời tiết hiện nay tại địa phương. Đề nghị các ngành tỉnh tiếp tục hỗ trợ các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản trị, kỹ năng quản lý HTX, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, kỹ năng tổ chức sản xuất và tham gia chuỗi giá trị. Sở NN và Phát triển nông thôn quan tâm hỗ trợ gia cố sạt lở bờ sông xã Tam Hiệp, sạt lở bờ biển xã Thừa Đức. Sửa chữa và vận hành hệ thống cống Đê Đông; hoàn chỉnh, nâng cấp tuyến đê biển và đê sông Tiền; khôi phục cống N18 trên tuyến quốc lộ 57B. Sớm triển khai Dự án Hạ tầng nuôi tôm công nghệ cao.

“Để ngành nông nghiệp huyện trong thời gian tới phát triển mạnh, hiệu quả cao, cần tăng cường chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, quy mô sản xuất lớn để tạo ra số lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao và đồng nhất theo yêu cầu của thị trường. Kiểm soát chặt chẽ các hóa chất cấm sử dụng trong sản xuất nông nghiệp; có giải pháp xử lý hữu hiệu môi trường trong chăn nuôi, từ đó thu hút các doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm”.

(Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại Võ Văn Quân)

Hoàng Phương (Báo Đồng Khởi)


Vĩnh Long: Nuôi thủy sản đạt hiệu quả cao

Theo Phòng NN&PTNT, nông dân ngày càng nâng cao kỹ thuật, áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Các mô hình nuôi thủy đặc sản: cá lóc, lươn, cua đinh, ếch, tai tượng,… được duy trì và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Trong đó, mô hình nuôi lươn không bùn (tại xã Bình Hòa Phước) do hộ dân tự nuôi cũng rất hiệu quả. Trong năm, Phòng NN&PTNT và Trung Tâm Khuyến nông đã đầu tư mô hình nuôi lươn cho các xã: Phú Quới, Long An, Thanh Đức và thị trấn Long Hồ, được nhiều địa phương khác đến tham quan học hỏi. Đến nay, đã nhân rộng đạt trên 50.000 con lươn. Bên cạnh đó, mô hình nuôi ếch trong vèo (tập trung tại xã Tân Hạnh, An Bình) ít rủi ro, thời gian nuôi ngắn, dễ quay vòng vốn.

Long Hồ hiện có trên 360ha nuôi thủy sản, 109ha nuôi cá tra và 1.610 lồng bè. Bên cạnh đó, có trên 119 hộ nuôi các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao như: lươn, ếch, ba ba, cá thát lát cườm, cá tai tượng, tôm càng xanh, cá chạch lấu, cá mú,… Tổng sản lượng thủy sản năm 2021 đạt trên 40.000 tấn.

NGUYÊN KHANG (Báo Vĩnh Long)


SẢN PHẨM THUỐC THÚ Y THỦY SẢN TIỆP PHÁT

HOT MINER

KHOÁNG NÓNG LÀM TĂNG ĐỘ KIỀM, ỔN ĐỊNH pH NƯỚC KÍCH THÍCH TÔM LỘT XÁC VÀ MAU CỨNG VỎ

Công dụng: - Làm tăng độ kiềm và ổn định pH nước. - Kích thích tôm lột xác và mau cứng vỏ. - Cung cấp các khoáng chất cần thiết cho tôm sinh trưởng và phát triển. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
BEST BKC

DIỆT KHUẨN, NẤM, NGUYÊN SINH ĐỘNG VẬT TRONG AO NUÔI

Công dụng: - Tiêu diệt vi khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật trong ao nuôi tôm cá. - Sát trùng bể ương, thiết bị, dụng cụ nuôi. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
C TẠT

TĂNG SỨC ĐỀ KHÁNG, CHỐNG STRESS CHO TÔM

Công dụng: - Tăng cường sức đề kháng và chống stress cho tôm khi thời tiết xấu, môi trường thay đổi đột ngột. - Giúp tôm giống khỏe mạnh khi mới thả, khi vận chuyển sang tôm và nâng cao tỉ lệ sống. - Ổn định pH và độ kiềm nước ao nuôi. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
YUCCA PLUS

HẤP THU KHÍ ĐỘC

Công dụng: - Hấp thu nhanh khí độc NH3, H2S trong ao nuôi tôm - cá. - Cấp cứu kịp thời tình trạng tôm - cá nổi đầu, tấp mé do nồng độ khí độc tăng cao. - Chống stress, giúp gia tăng tỉ lệ sống, giảm hao hụt khi nuôi mật độ cao. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
TEA PLUS

TẠO NHANH MÀU TRÀ, NGĂN NGỪA TẢO ĐÁY

Công dụng: - Tạo nhanh màu trà cho nước ao nuôi khó gây màu và những ao thay nước liên tục. - Hiệu quả nhanh trong việc cải tạo màu nước, làm giảm hàm lượng ánh sáng gây căng thẳng cho tôm cá nuôi, ngăn ngừa tảo đáy phát triển. Tạo môi trường nước an toàn cho tôm cá. - Chuyển nước ao từ không màu hoặc màu xanh sang màu trà nhanh chóng. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
KON PRO

SÁT TRÙNG PHỔ RỘNG TIÊU DIỆT VI KHUẨN VIBRIO GIẢI PHÁP PHÒNG & TRỊ BỆNH TPD TRÊN TÔM

Công dụng: - Diệt vi khuẩn Vibrio, vi khuẩn gây gan tụy, phân trắng, phát sáng. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
M-1

ĐIỀU TRỊ BỆNH QUẸO CỔ, MẮT MÙ MỘT BÊN Ở ẾCH, CHƯỚNG HƠI, SÌNH BỤNG, VIÊM Ổ BỤNG, VIÊM GAN, THẦN KINH

Công dụng: - Chuyên điều trị bệnh quẹo cổ ở ếch, mù mắt một bên. - Trị nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng máu trên cá, ếch do vi khuẩn Aeromonas hydrophila, Pseudomonas, Vibrio spp.. - Điều trị các trường hợp nhiễm trùng đường ruột, chướng hơi, sình bụng, viêm ổ bụng,… do các vi khuẩn nhạy cảm với Amoxicillin gây ra trên đối tượng thủy sản. [sc name="sg6"]
not rated
Đọc tiếp
ANTIMAX

GIẢI ĐỘC GAN, TĂNG SỨC ĐỀ KHÁNG, CHỐNG STRESS

Công dụng: - Bổ sung vitamin C, Sorbitol giúp tăng sức đề kháng, chống stress cho tôm, cá. - Giải độc gan, tái tạo tế bào gan, tăng cường chức năng gan. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp
TST 250

THUỐC SÁT TRÙNG THẾ HỆ MỚI

Công dụng: - Tiêu diệt vi khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật trong môi trường nuôi và dụng cụ nuôi. - Diệt khuẩn gây bệnh gan tụy, phân trắng, phát sáng. - Tiêu diệt nhanh chóng và triệt để vi khuẩn gây ra đốm đỏ, lở loét, đỏ kỳ, đỏ mỏ, tuột vảy, lang ben trên cá. [sc name="sg4" ]
not rated
Đọc tiếp