Hiện nay, dịch bệnh Covid–19 đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau, nhất là đối với những hộ nuôi tôm. Việc giá tôm bị sụt giảm liên tục và đầu ra không ổn định đang khiến người nuôi tôm đứng ngồi không yên…
Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm hơn 280.000 ha. Trong đó, bao gồm diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh theo công nghệ hiện đại; sản lượng thu hoạch tôm hàng năm đạt khoảng 200.000 tấn và được chế biến, đưa đi tiêu thụ ở thị trường trong, ngoài nước. Tuy nhiên, hiện nay trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid–19, việc sản xuất, kinh doanh mặt hàng tôm trong tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, giá tôm bị giảm mạnh, đầu ra không ổn định do khó tìm đầu ra để tiêu thụ.

Hiện nay, tôm sú, thẻ chân trắng trong tỉnh được thu mua với giá dao động từ 60–200 ngàn đồng/kg (tùy loại), tôm sú giảm 30%, thẻ chân trắng giảm 15% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất tăng trung bình khoảng 10%. Việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội đã làm cho thị trường tiêu thụ tôm gặp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp, thương lái giảm sức mua hoặc mua với giá thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
Ông Nguyễn Thanh Phương, ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, cho biết: “Thời điểm này, giá tôm được các thương lái thu mua giảm mạnh vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid–19. Gia đình tôi chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng, trước đây bán được với giá 120 ngàn đồng/kg loại 50 con, nhưng giờ chỉ bán được khoảng 90 ngàn đồng/kg. Còn loại 100 con chỉ bán với giá 65 ngàn đồng/kg, trước đó thì bán được 90 ngàn đồng/kg. Hiện nay, giá tôm mỗi ngày sụt vài ngàn đồng, không duy trì ở mức ổn định; còn thương lái thì ngày mua, ngày không. Có lúc tôm nuôi đến đợt thu hoạch, nhưng không có thương lái đến thu mua hoặc mua với số lượng ít thì mình cũng đành chịu. Từ đó, gây ra nhiều khó khăn cho người nuôi tôm như chúng tôi. Mong sao dịch bệnh nhanh chóng qua đi để người nuôi tôm chúng tôi sớm ổn định sản xuất, có thu nhập trang trải cuộc sống”.

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có trên 40 nhà máy chế biến thủy sản, với sản lượng tôm chế biến khoảng 150.000 tấn/năm. Trong đó, có 31 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu được đầu tư hiện đại, xuất khẩu thuỷ sản khoảng 1 tỷ USD (chủ yếu là tôm), đứng đầu cả nước về xuất khẩu tôm chế biến nhiều năm liền. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid–19 hiện đang tác động đến các doanh nghiệp thu mua, chế biến thủy sản trong tỉnh. Các cơ sở chế biến tôm nhỏ, lẻ chưa đáp ứng các điều kiện sản xuất trong thời điểm dịch bệnh theo quy định phải tạm ngưng hoạt động khiến nguồn tôm nguyên liệu bị tồn đọng, giá có chiều hướng giảm.
Anh Lâm Vũ Linh, thương lái thu mua tôm trên địa bàn huyện U Minh và Thới Bình, cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid–19 nên lượng tôm tôi thu mua của người dân trở nên hạn chế, bởi một số cơ sở chế biến, tiêu thụ tôm hiện đã đóng cửa, nếu đi thu mua nhiều sẽ rất khó để tiêu thụ hết. Lúc trước, tôi thu mua được gần 1 tấn tôm nguyên liệu mỗi ngày, nhưng nay thì chỉ thu mua được trên 100 kg. Bên cạnh đó, do hiện nay đang thực hiện giãn cách xã hội nên việc vận chuyển tôm đưa đi tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn, không thuận tiện như trước, đã ảnh hưởng đến việc thu mua tôm của thương lái. Bản thân tôi thì vẫn duy trì thu mua tôm của bà con, nhưng hạn chế về số lượng, còn đối với các thương lái khác thì đều đã tạm ngưng thu mua, chờ tình hình dịch bệnh ổn định trở lại”.

Thời điểm hiện tại đã bước vào mùa mưa, đặc biệt hơn là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid–19 nên việc tái vụ thả giống nuôi tôm của người dân trong tỉnh đã giảm nhiều so với thời điểm những tháng trước cả về diện tích và mật độ nuôi.
Anh Nguyễn Hoàng Bạo, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết: “Diện tích nuôi tôm sú, tôm thẻ dự kiến tái vụ trong thời điểm từ nay đến cuối năm trên địa bàn huyện đạt khoảng 30.000 ha, số còn lại chuyển sang nuôi tôm càng xanh, nuôi cua biển. Trong bối cảnh tình hình dịch Covid–19 diễn biến phức tạp như hiện nay, để kịp thời chủ động tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, chúng tôi mong muốn ngành chức năng tỉnh có thể xem xét, hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp thu mua trong và ngoài tỉnh tìm kiếm mở rộng thị trường mới; phát triển mạnh thị trường nội địa, tiêu thụ sản phẩm như: Siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối,… Hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, giúp ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát chất lượng của toàn chuỗi giá trị từ con giống, thức ăn, thuốc thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, đến quy trình sản xuất, chế biến nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trực tuyến cho người dân tiếp cận, học tập, áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả; nghiên cứu các chính sách phục hồi kinh tế cho doanh nghiệp và người dân như khoản vay với lãi suất thấp, chính sách miễn, giảm, hoãn các thuế, phí,…”.
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid–19, nhằm tạo điều kiện thuận lợi người nuôi tôm trong tỉnh và để đảm bảo an toàn trong sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Công Thương tỉnh thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến, tình hình giá tôm trên thị trường, để có những thông tin kịp thời, chính xác, khách quan. Qua đó, đưa ra khuyến cáo cần thiết phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Ðồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất, đặc biệt là việc cung ứng giống, thức ăn, vật tư phục vụ sản xuất; kịp thời tham mưu thực hiện các biện pháp đảm bảo sản xuất của người dân trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt không để gián đoạn việc vận chuyển vật tư, hàng hoá phục vụ sản xuất.
Hồng Nhung (Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Cà Mau)
Công ty TNHH Tiệp Phát được thành lập từ năm 2001 trước những đòi hỏi khắc khe của thị trường về sản phẩm chất lượng dành cho thủy sản nuôi. Qua gần 20 năm hình thành và phát triển Tiệp Phát tự hào là một trong doanh nghiệp dẫn đầu về phân phối và sản xuất các sản phẩm Thuốc Thủy Sản tại Việt Nam. Tiệp Phát cũng là nhà nhập khẩu lớn các loại nguyên liệu chất lượng cao dùng trong Nông Nghiệp.