Việt Nam có trung tâm công nghiệp Tôm đầu tiên ở Bạc Liêu

UBND tỉnh Bạc Liêu vừa phê duyệt đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, với vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.

Mục tiêu của đề án là phát triển Bạc Liêu trở thành đầu mối của ngành tôm của cả nước, đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ cao cho 2 đối tượng tôm nước lợ chủ lực là tôm thẻ chân trắngtôm sú; là đầu mối liên kết các tỉnh trong cụm sản xuất tôm của cả vùng, nơi có sức hút các nhà đầu tư, các nguồn lực và có thể tạo được tác động lan tỏa để thúc đẩy ngành tôm, các ngành phụ trợ có liên quan đến tôm ở các tỉnh lân cận trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước cùng phát triển bền vững.

Bạc Liêu đặt ra trong năm 2020 có vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao từ 32 – 35 tỷ con giống và đến năm 2025 là từ 40 – 45 tỷ con giống, đảm bảo chất lượng đạt 90%, đáp ứng nhu cầu giống tôm nuôi của tỉnh và xuất sang các tỉnh lận cận.

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

Đến năm 2025, diện tích nuôi tôm là 147.900 ha, với nhiều mô hình, như: Ứng dụng công nghệ cao, thâm canh, bán thâm canh; tôm – lúa; nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp;… với sản lượng 249.000 tấn.

Sản lượng tôm chế biến năm 2020 đạt hơn 98.000 tấn (tỷ trọng sản phẩm tôm ứng dụng công nghệ cao đạt 20%), đến năm 2025 là 120.000 tấn (tỷ trọng đạt trên 30%). Tổng sản lượng tôm xuất khẩu đạt 73.000 tấn năm 2020 và năm 2025 đạt 90.000 tấn, chiếm trên 90% tổng sản lượng thủy sản chế biến của tỉnh.

Năm 2025, phát triển năng lực chế biến, đưa tổng công suất thiết kế đạt 160.000 tấn/năm. “Phấn đấu đến năm 2025, Bạc Liêu đứng ở vị trí hàng đầu về công nghệ chế biến tôm của cả nước”, đề án nêu rõ.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh này thực hiện hàng loạt giải pháp về cơ chế và chính sách, quản lý nhà nước và cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư, thị trường tiêu thụ, tổ chức sản xuất, cơ sở hạ tầng, khoa học và công nghệ, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, hợp tác liên kết vùng, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực,… với sự hỗ trợ của Trung ương và nguồn lực của địa phương.

Đáng chú ý, tỉnh này đề xuất cơ chế đặc thù lên Trung ương về tín dụng, vốn vay cho nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở cấp nông hộ; giữ vững và mở rộng xuất khẩu tại các thị trường truyền thống (Nhật Bản, Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc,…), các thị trường tiềm năng (Đông Âu, Châu Phi, Nam Mỹ,…).

UBND tỉnh Bạc Liêu cũng giao Sở Công thương và các sở, ngành liên quan xây dựng thương hiệu “tôm giống Bạc Liêu”, “tôm thương phẩm công nghệ cao Bạc Liêu”… với sản phẩm có dấu hiệu nhận diện rõ ràng, số lượng và chất lượng đảm bảo, ổn định và người tiêu dùng chấp nhận, tin tưởng, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc và phải tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, dự kiến nguồn vốn để triển khai đề án trung tâm công nghiệp tôm là hơn 3.000 tỷ đồng (trong đó năm 2020 là 450 tỷ đồng, đến năm 20205 là hơn 2.550 tỷ đồng) từ ngân sách Trung ương và địa phương, đóng góp của các doanh nghiệp, các nguồn hợp pháp khác.

Số kinh phí này để thực hiện ít nhất 5 chương trình và 20 đề án, dự án từ năm 2020 đến 2025 ở các địa phương trong tỉnh Bạc Liêu.


Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tháng 6/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 349,9 triệu USD, tăng 19,2% so với tháng 6/2019. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất kể từ tháng 3/2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 1,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn ở các thị trường chính.

Đáng chú ý, xuất khẩu tôm Việt Nam sang hai thị trường chủ chốt là Mỹ và Trung Quốc trong tháng 6 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực và dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường này vẫn tăng trưởng tốt trong những tháng tiếp theo.

Sáu tháng đầu năm nay, tôm chân trắng chiếm 70,1% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam, tôm sú chiếm 18,2%, còn lại là tôm biển. Tổng giá trị xuất khẩu tôm chân trắng tăng 11% trong khi xuất khẩu tôm sú giảm 15%. Xuất khẩu tôm chân trắng chế biến (mã HS 16) và tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (mã HS 03) tăng lần lượt 18% và 6%. Xuất khẩu tôm sú chế biến khác (HS16) tăng 32% trong khi xuất khẩu tôm sú sống/tươi/đông lạnh (HS03) giảm 18%. Xuất khẩu tôm biển khô (HS 03) tăng mạnh nhất 100%. Trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19, xuất khẩu tôm chân trắng có giá hợp lý tăng tốt hơn tôm sú, các sản phẩm tôm đã qua chế biến được tiêu thụ nhiều hơn so với sản phẩm tươi/sống/đông lạnh.

Không chỉ tăng xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc, tháng 6 năm nay, Việt Nam còn tăng xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc, Anh, Canada với mức tăng trưởng 2 con số.

Trong tháng 6/2020, trong top 4 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản và EU giảm. Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 18,3%. Tháng 6/2020, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản giảm 3,7% tuy nhiên nhờ tăng trưởng trong những tháng trước đó, nên xuất khẩu tôm sang thị trường này trong 6 tháng đầu năm đạt 278,2 triệu USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm sang EU trong tháng 6 giảm 7,9% tuy nhiên xuất khẩu sang 2 thị trường đơn lẻ trong khối là Hà Lan và Bỉ lại tăng trưởng dương lần lượt là 11% và 17%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sang EU đạt 200,7 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mỹ vươn lên vị trí dẫn đầu về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 21,2%. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 6/2020 tăng trưởng tốt 54,4% so với tháng 6/2019. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 323,3 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù dịch Covid-19, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng khá ổn định trong 6 tháng đầu năm nay.

Trên thị trường Mỹ, trong 6 tháng đầu năm nay, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau Covid-19 trong khi các nguồn cung như Ấn Độ và Ecuador vẫn còn đang phải chịu tác động nặng nề. Các nhà chế biến và xuất khẩu tôm của Ấn Độ, Ecuador không chỉ chịu tác động bởi đơn hàng giảm mà ngay cả hoạt động sản xuất trong nước bị đình trệ do lệnh phong tỏa, thiếu công nhân trong các nhà máy do họ không đi làm vì lo ngại bị nhiễm bệnh.

Tháng 6/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc cũng tăng trưởng tốt 23% đạt 57,7 triệu USD. Các nguồn cung tôm lớn cho Trung Quốc đều đang gặp phải các khó khăn trong xuất khẩu tôm sang thị trường này. Mới đây, Trung Quốc đình chỉ nhập khẩu tôm từ 3 công ty của Ecuador với lý do phát hiện virus corona trên bao bì sản phẩm. Xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Trung Quốc cũng gặp khó do một số lô hàng bị trì hoãn thông quan tại các cảng Trung Quốc với lý do để giám sát Covid-19.

Theo VASEP, giá tôm Việt Nam đã có xu hướng tăng trong tháng 6. Tồn kho tại các thị trường chính như Nhật Bản, Mỹ và EU không cao như những tháng trước đó. Do vậy, xuất khẩu tôm của Việt Nam dự kiến tiếp tục tăng trưởng khả quan trong các tháng tới.