Vụ Nuôi Tôm Nước Lợ 2021: Chầm chậm về đích!

Vụ nuôi tôm nước lợ năm 2021 đang chầm chậm về giai đoạn cuối. Các hợp đồng xuất khẩu tôm trong năm cũng đang vào giai đoạn nước rút để kịp hoàn tất đúng thời hạn. Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm và ổ dịch mới luôn ở mức cao. Tuy nhiên, với kết quả thả nuôi và doanh số xuất khẩu sau 10 tháng cho thấy, dù có thể chậm hơn dự kiến, nhưng ngành tôm của tỉnh Sóc Trăng nhiều khả năng sẽ về đích đúng theo kế hoạch.

Từ đầu tháng 10 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với số ca nhiễm tăng cao và cùng với đó là sự xuất hiện các ổ dịch mới tại nhà máy chế biến thủy sản. Đặc biệt, số ca F0 ở các tỉnh như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang… gần đây rất đáng báo động. Tại các doanh nghiệp tôm ở các tỉnh trọng điểm như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, tình hình dịch trở nên căng thẳng, kéo dài hơn nửa tháng nay khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, người lao động thì lo lắng.

Với việc còn gần 12.000ha tôm nuôi chưa thu hoạch, ngành tôm Sóc Trăng sẽ kịp về đích với sản lượng và doanh số xuất khẩu đúng theo kế hoạch. Ảnh: TÍCH CHU

Ông H.Q.L – Chủ tịch HĐQT Công ty CP TP S.T chia sẻ: “Mỗi ngày, doanh nghiệp đều cập nhật tình hình dịch Covid-19 trong tỉnh để tiến hành rà soát lại người lao động của mình có ai liên quan hoặc chỗ ở gần gũi với nơi có dịch nhằm sàng lọc, xét nghiệm và sắp xếp chỗ ở tại chỗ”.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm và ổ dịch mới ngày càng nhiều, việc rà soát, cập nhật tình hình dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp ngành tôm trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm đảm bảo “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Cũng do dịch bùng phát trên phạm vi rộng, nên số lao động cũng giảm đi phần nào do người lao động ở vùng có dịch không thể ra vào như trước. Số lao động còn lại cũng luôn trong tâm trạng lo âu, căng thẳng mỗi khi kết quả xét nghiệm sàng lọc phát hiện có người nghi dương tính, còn doanh nghiệp thì tốn rất nhiều công sức, chi phí cho việc tăng tần suất kiểm tra nhằm phát hiện, loại bỏ F0 ngay từ ngoài nhà máy. Tuy đã rất nỗ lực kiểm tra, tầm soát dịch nhưng vẫn có sự xuất hiện ca F0 trong nhà máy chế biến tôm ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…

Những ngày gần đây, số ca nhiễm Covid-19 ở các tỉnh trọng điểm ngành tôm vẫn luôn ở mức cao, buộc các tỉnh phải nâng cấp độ phòng chống dịch lên mức cao hơn, nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, việc nâng cấp này không làm ảnh hưởng đáng kể đến lưu thông hàng hóa cũng như đi lại tham gia sản xuất. Hơn nữa, các tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin ngay trong tháng 11, kể cả mũi 1 và mũi 2, nên các doanh nghiệp có niềm tin sau tháng 11 này, tình hình dịch sẽ lắng xuống vì tỷ lệ tiêm mũi 1 quá 2 tuần và mũi 2 đã tăng lên đáng kể. Đây là cơ sở để phần lớn các doanh nghiệp tôm của tỉnh có thêm niềm tin vào việc sẽ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch doanh số xuất khẩu năm 2021. Điều này càng được củng cố hơn khi số diện tích tôm nuôi chưa thu hoạch của tỉnh hiện còn tương đối khá.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, tính đến ngày 5-11, toàn tỉnh thả nuôi hơn 51.000ha tôm nước lợ, đạt 100,2% kế hoạch và bằng 100,3% so với cùng kỳ. Điều đáng phấn khởi là số diện tích tôm nuôi thiệt hại đến nay chỉ chiếm 5,4% diện tích thả nuôi và thấp hơn 1.000ha so với cùng kỳ. Không chỉ khống chế diện tích thiệt hại ở mức thấp, kết quả thu hoạch hơn 36.500ha tôm nuôi cho sản lượng khá cao với gần 156.000 tấn. Hiện nay, dù đã vào cuối vụ nuôi nhưng toàn tỉnh còn khoảng 11.790ha tôm trên đồng gồm: tôm thẻ chân trắng 8.390,1ha và tôm sú 3.399,9ha, trong đó, tôm ở giai đoạn dưới 30 ngày tuổi là 1.756,6ha, giai đoạn 30 – 60 ngày tuổi 3.997,5ha, tôm giai đoạn 60 – 90 ngày tuổi 3.941,6ha, giai đoạn 90 – 120 ngày tuổi 1.644,4ha, tôm giai đoạn 120 – 150 ngày tuổi 425,4ha và trên 150 ngày tuổi 24,5ha. Hay nói một cách khác, nếu chăm sóc tốt và thời tiết thuận lợi, sản lượng tôm nuôi của Sóc Trăng năm nay sẽ đạt và thậm chí vượt chỉ tiêu kế hoạch năm.

Khó khăn chắc chắn vẫn còn ở phía trước khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn vùng ĐBSCL, cùng với đó là giá xăng dầu tăng cao, và thời tiết không mấy thuận lợi cho việc chăm sóc tôm trong mấy ngày qua… Tuy nhiên, nếu nhìn toàn cảnh sẽ thấy đoàn tàu ngành tôm của tỉnh vẫn đang chầm chậm tiến về đích và sẽ về đích đúng theo kế hoạch.

TÍCH CHU (Báo Sóc Trăng điện tử)


Công ty TNHH Tiệp Phát được thành lập từ năm 2001 trước những đòi hỏi khắc khe của thị trường về sản phẩm chất lượng dành cho thủy sản nuôi. Qua gần 20 năm hình thành và phát triển Tiệp Phát tự hào là một trong doanh nghiệp dẫn đầu về phân phối và sản xuất các sản phẩm Thuốc Thủy Sản tại Việt Nam. Tiệp Phát cũng là nhà nhập khẩu lớn các loại nguyên liệu chất lượng cao dùng trong Nông Nghiệp.