Trong chương trình Đối thoại về nuôi tôm thuộc sự kiện Health and Nutrition Asia 2024 tại Thái Lan, các chuyên gia nhấn mạnh ngành tôm châu Á đang đối mặt thách thức dịch bệnh và cạnh tranh gay gắt từ đối thủ Ecuador.
Trong bài thuyết trình của Hiệp hội Doanh nghiệp Nuôi trồng thủy sản Thái Lan (TABA), Phó Tổng thư ký Soraphat Panakorn đã chỉ ra những điểm đối lập giữa ngành tôm của châu Á Thái Bình Dương và Ecuador, cùng sơ lược xu hướng sản xuất tôm trong năm 2024 của từng quốc gia:
Trung Quốc: Sản lượng TTCT nuôi của Trung Quốc bằng mô hình nhà màng quy mô nhỏ sẽ sụt giảm mạnh do ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Tình hình nuôi tôm trên cả nước cũng chịu tác động dịch bệnh, đặc biệt là bệnh mờ đục hậu ấu trùng tôm (TPD), Vibrio và nấm. Cơ quan chức năng dự báo, nhiều nông dân Trung Quốc sẽ bỏ nuôi tôm do lợi nhuận thấp, chi phí sản xuất cao và không đủ sức cạnh tranh với tôm nhập khẩu giá rẻ từ Ecuador.
Ao nuôi tôm ở Ecuador. Ảnh: Ecuadortimes
Ecuador: Các trại nuôi tôm quy mô nhỏ đang chật vật vì chi phí sản xuất tăng cao và có thể tạm dừng sản xuất, trong khi các trang trại quy mô vừa sẽ được mua lại hoặc sáp nhập. Sản lượng TTCT của Ecuador năm 2024 dự kiến giảm 400.000 tấn so năm trước nhưng vẫn vượt đỉnh. Dịch bệnh trên tôm vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng tương tự dịch bệnh ở châu Á do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Việt Nam: Tình trạng ao nuôi bị “lão hóa” và trở nên “trơ”, thiếu khoáng chất trầm trọng, chi phí sản xuất tăng, chi phí thức ăn cao, tổn thất do dịch bệnh, lợi nhuận giảm và dịch bệnh TPD dự báo nghiêm trọng hơn. Đây là những nguy cơ làm giảm sản lượng tôm của Việt Nam trong hai năm liên tiếp.
Indonesia: Hoạt động sản xuất tôm hiện đang trong tình trạng trì trệ kéo dài. Các chuyên gia nhận định, ngành tôm Indonesia cần phải cải tiến kỹ thuật, chủ yếu là kỹ thuật phòng ngừa dịch bệnh. Một số vùng nuôi tôm mới đang bắt đầu gặp nhiều vấn đề trong sản xuất.
Ấn Độ: Theo Soraphat, ngành tôm Ấn Độ đang tiến triển khả quan nhất trong số các nước sản xuất tôm ở châu Á và sản lượng tôm năm nay có thể tăng 10%. Chi phí sản xuất tôm tại Ấn Độ cũng giảm do mật độ thả giống thấp.
Thái Lan: Sẽ duy trì hoặc giảm sản lượng, đồng thời tăng tiêu thụ nội địa khoảng 50% và tập trung sản xuất tôm chất lượng cao từ màu sắc đến hương vị. Thái Lan cũng tập trung sản xuất tôm giá trị gia tăng cho thị trường nội địa, các trại nuôi tiếp tục áp dụng mô hình chi phí thấp, bền vững và an toàn.
Theo Soraphat, di truyền học đang trở thành công cụ đắc lực cho ngành tôm châu Á. Tại Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, nhờ tiến bộ di truyền học, người nông dân đang mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm sú để gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, Soraphat cũng dự báo trong nửa đầu năm 2024, tổng sản lượng tôm của toàn cầu sẽ giảm, ước 4,65 triệu tấn và chưa đến 30% trang trại có lãi. Nhu cầu tiêu thụ tôm tại Mỹ được kỳ vọng mức 750.000 tấn, trong khi châu Âu và Nhật Bản giảm 10%, lần lượt còn 650.000 tấn và 180.000 tấn. Riêng nhu cầu tiêu thụ tôm của Trung Quốc sẽ giảm 5%, nhưng do tồn kho khoảng 300.000 tấn cộng với sản xuất trong nước 800.000 tấn, Trung Quốc sẽ nhập khẩu khoảng 600.000 – 700.000 tấn tôm.
Theo Asia Pacific Aquaculture