Trong tháng 3/2021, theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 137 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này trong quý I/2021 lên 336 triệu USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong tháng 3/2021 tăng sau đợt suy giảm hồi tháng 2/2021. Cụ thể, xuất khẩu cá tra, cá basa tháng 2/2021 đạt 38,4 nghìn tấn, trị giá 75 triệu USD, giảm 29,3% về lượng và giảm 30,9% về trị giá so với tháng 2/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cá tra, basa của cả nước đạt 101,5 nghìn tấn, trị giá 201,3 triệu USD, giảm 2,4% về lượng và giảm 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Nhu cầu sản phẩm cá tra nuôi từ Việt Nam đã tăng trở lại, kéo giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long tăng lên. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thị trường cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu cho thấy những chuyển biến khả quan với nhu cầu mua cá thịt (chủ yếu từ 800gr trở lên) sôi động hơn từ phía các đơn vị gia công trong khi nguồn cá nguyên liệu đến size thu hoạch không nhiều. Mức giá tính đến thời điểm hiện nay tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với tháng trước, dao động 21.000-22.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, nhu cầu vẫn thấp hơn so với thời điểm này các năm trước đây, nguyên nhân được đưa ra là do sức mua hạn chế từ thị trường nhập khẩu lớn nhất cá tra của Việt Nam là Trung Quốc.
Theo các doanh nghiệp trong ngành, người nuôi cá tra Việt Nam vẫn trông ngóng xem liệu người mua Trung Quốc bao giờ mới quay trở lại hoạt động kinh doanh và giao thương như trước đây. Điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến giá nguyên liệu. Trên thực tế, giá cá tra nguyên liệu tại ao nuôi hiện nay dù chưa thực sự tốt nhưng đã có sự tăng dần.
THÔNG TIN GIÁ CÁ, GIÁ ẾCH HÔM NAY ∼ THUỐC THỦY SẢN CÁ
Việc hạn chế nhập khẩu thực phẩm của Trung Quốc vẫn nghiêm ngặt như trước nhưng hoạt động giao thương thông suốt hơn. Theo Global Times, Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế đi lại trong nước, cho phép người dân di chuyển tự do bằng tàu hỏa mà không cần giấy xác nhận đã kiểm tra axit nucleic. Tuy nhiên, việc kiểm soát coronavirus đối với thủy sản đông lạnh nhập khẩu vẫn được giữ nguyên. Các sản phẩm cần được chứng nhận kiểm tra và khử trùng trước khi đưa vào thị trường.
Tại thị trường Mỹ, nhu cầu cá tra hiện đang tăng rất mạnh vì các nhà bán lẻ và nhà khai thác dịch vụ ăn uống đều bận rộn mua hàng cho mùa xuân – hè. Các nhà đóng gói Việt Nam tiếp tục gia công thêm nguyên liệu từ các ao ngoài để hoàn tất các hợp đồng đã ký. Hiện, giá cá tra nhập khẩu vào Mỹ đã tăng khoảng 6-7% kể từ cuối tháng 2/2021. Giá phi lê cá tra tại Mỹ đã tăng từ 1,6-1,65 USD/pound (tương đương 81.000-83.500 đồng/kg) hồi cuối tháng 2/2021 lên 1,7-1,75 USD/pound (tương đương 86.000-89.000 đồng/kg).
Trong khi đó, tại EU, thị trường bán lẻ khu vực này tăng khá mạnh, thậm chí tăng 30% so với năm trước trong khi ngành dịch vụ thực phẩm vẫn còn đang uể oải. Mặc dù các nhà nhập khẩu lớn tại đây đang phải đối mặt với việc chi phí vận chuyển đường biển cao, giá bán cá tra ở EU vẫn ổn định.
Theo các chuyên gia, thị trường cá tra đang dần khởi sắc và đón những tín hiệu tích cực từ các thị trường nhập khẩu. Dù vậy, người nông dân vẫn đang chờ đợi tín hiệu từ các thị trường lớn trước khi thả nuôi cá mới.
Nguyễn Hạnh (Theo Báo Công Thương)
Công ty TNHH Tiệp Phát được thành lập từ năm 2001 trước những đòi hỏi khắc khe của thị trường về sản phẩm chất lượng dành cho thủy sản nuôi. Qua gần 20 năm hình thành và phát triển Tiệp Phát tự hào là một trong doanh nghiệp dẫn đầu về phân phối và sản xuất các sản phẩm Thuốc Thủy Sản tại Việt Nam. Tiệp Phát cũng là nhà nhập khẩu lớn các loại nguyên liệu chất lượng cao dùng trong Nông Nghiệp.