Các biện pháp Phòng Chống Nắng Nóng cho thủy sản nuôi

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm 2020 hiện tượng thời tiết diễn biến bất thường như nắng nóng, mưa đá. Thời tiết thay đổi đột ngột sẽ làm ảnh hưởng tới môi trường ao nuôi như pH, nhiệt độ, oxy hòa tan… Do đó, động vật thủy sản dễ bị sốc hoặc phát sinh dịch bệnh, có thể gây chết trên đàn vật nuôi. Do đó các biện pháp phòng, chống nắng nóng rất quan trọng.

Vào mùa nắng nóng, nhiệt độ cao và kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của cá nuôi mà còn gây ra thiệt hại do dịch bệnh phát sinh nếu không phòng bệnh và quản lý môi trường tốt. Thông thường, nhiệt độ nước trong ao nuôi cá thường cao nhất khoảng từ 11h đến 16h hàng ngày. Để chủ động phòng, chống nắng nóng cho đàn thủy sản, các hộ nuôi trồng thủy sản và các cơ sở sản xuất cá giống cần thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật sau:

– Luôn duy trì giữ mực nước ao nuôi từ 1,5 m trở lên. Nếu ao không đủ độ sâu, nguồn nước cấp khó khăn ta cần che phủ một phần diện tích ao (15% diện tích) để làm nơi trú ẩn, tránh nắng nóng cho đàn thủy sản bằng bèo tây (lục bình), lưới đen…

Trồng một số loại cây có bóng mát rộng xung quanh trên bờ ao.

– Đối với cá nuôi lồng trên sông, có thể hạ lồng lưới xuống sâu hơn; hoặc phủ lưới đen chiếm 1/2-1/3 diện tích mặt nước để tránh nắng cho cá.

Tăng cường vệ sinh lồng nuôi, đối với nhưng nơi có nguồn nước lưu thông lớn cần phải dùng những tấm sắt hàn thành mũi thuyền chắn phía trước khu lồng bè nuôi thủy sản để ngăn cản dòng chảy mạnh trực tiếp vào lồng nuôi, chắn được rác vào lồng cản trở lưu thông nước, gây thiếu oxy khu vực lồng nuôi tránh bị cây gỗ lớn va đập.

Tăng cường oxy cho ao nuôi: Thời tiết nắng, nhiệt độ càng cao thì khả năng hòa tan oxy từ tự nhiên vào ao nuôi càng thấp. Vì vậy, cần phải đảm bảo ao nuôi cá luôn đầy đủ oxy. Có thể tăng cường oxy cho cá bằng cách bổ sung thêm nước hoặc sử dụng chạy máy quạt nước hoặc máy bơm tạo mưa cho ao nuôi để tuần hoàn nước, tăng oxy, giảm các khí độc trong ao nuôi.

Sử dụng máy quạt nước tạo oxy trong ao nuôi cá thâm canh.

Quản lý bùn đáy ao và chất lượng nước bằng chế phẩm sinh học, tránh để hiện tượng tảo tàn, tảo độc phát triển trong ao nuôi khi nhiệt độ nước cao và nắng kéo dài. Khi tảo tàn sẽ bám vào mang dẫn tới mắc bệnh về hô hấp, một số chất độc do tảo tàn phân hủy có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe động vật thủy sản nuôi.

Quản lý thức ăn: Nhiệt độ cao khiến động vật thủy sản giảm khả năng bắt mồi và tiêu hóa thức ăn. Nên giảm lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng 30-400C, giảm vào bữa trưa hoặc bỏ bữa ăn trưa. Điều này rất quan trọng, nhất là đối với một số loại cá nuôi sử dụng thức ăn tươi sống như: cá tạp, don…. Những loại thức ăn tươi sống sẽ bị ôi thiu nhanh khi nhiệt độ cao, gây ô nhiễm nước và làm cho cá nuôi bị mắc bệnh. Do vậy cần bổ sung dinh dưỡng, vitamin như: Trộn Vitamin A, Vitamin B, Vitamin C… và các khoáng chất vào thức ăn để tăng sức đề kháng, chống stress và sử dụng một số loại chất dẫn dụ, kích thích tiêu hóa sẽ giúp cá nuôi bắt mồi và tiêu hóa thức ăn tốt hơn (liều lượng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất) trong thời gian từ 5 – 7 ngày liên tục. Nên cho động vật thủy sản vào thời điểm mát trong ngày (sáng từ 7 – 8h, chiều từ 17 – 18h).

 

– Riêng đối với cá giống: Nắng nóng kéo dài có thể làm cho cá dễ mắc bệnh, thậm chí bị chết. Vì vậy cần che và chống nắng cho cá thật tốt, nhất là cá giống ương trong giai.

Xem thêm: Các biện pháp Phòng Chống Rét cho Cá | Kinh nghiệm xử lý ô nhiễm nước ao nuôi sau khi mưa lũ