1. Đặc điểm sinh thái, cấu tạo
– Ếch thuộc lớp lưỡng thể vừa sống dưới nước vừa sống trên cạn, trong chu trình sống của lớp này phải có giai đoạn sống dưới nước và thời gian sống dưới nước dài hay ngắn tùy loại.
– Ếch có giai đoạn nòng nọc sống dưới nước khoảng 3 tuần và thở bằng mang. Ếch trưởng thành thở bằng phổi nhưng phổi còn ở dạng sơ khai chỉ tham gia hô hấp 20%, chủ yếu ếch hô hấp bằng da nhờ hệ thống mạng lưới mao mạch dưới da. Đặc biệt da ếch dễ lột do cơ dưới da chỉ dính vào da ở 1 vài điểm chứ không dính hoàn toàn. Ngoài ra trên da của ếch còn có tuyến nhờn vừa giúp bảo vệ da vừa có tác dụng tự vệ.
– Ếch thích sống nơi đầm lầy, đồng ruộng nước ngọt, không phèn, đặc biệt phải yên tĩnh, mát mẻ (không có nắng gay gắt). Trong tự nhiên ếch thường đào hang để trốn tránh kẻ thù ( người, rắn, chuột, … ) và để trú đông.
– Ếch là loại dị hình phái: con cái > con đực.
2. Tính ăn
– Trứng ếch sau khi nở ra thành nòng nọc, sống trong nước và tự dưỡng bằng noãn hoàn trong 3 ngày. Nòng nọc thích ăn động vật phù du: trùng chỉ, tảo, bobo.
– Ếch trải qua quá trình biến thái gồm 2 giai đoạn chính:
+ Nòng nọc phát triển thành ếch con. Lúc này thức ăn chủ yếu của chúng là các động vật nhỏ như côn trùng sống trong nước, …
+ Khi trưởng thành ếch là loài ăn tạp thiên về động vật, đặc biệt động vật sống. Ếch bắt mồi bằng lưỡi. Nhiều nghiên cứu cho rằng ếch nuôi bằng côn trùng sống sẽ tăng trưởng nhanh hơn và trưởng thành sinh dục sớm hơn.
– Hiện nay, trên thực tế tại các mô hình nuôi thâm canh hay bán thâm canh ếch Thái Lan, ếch đã được tập cho ăn thức ăn công nghiệp như cám viên dạng nổi hay các loại thức ăn chế biến khác. Tuy nhiên, nhu cầu dinh dưỡng của ếch khá cao, vì thế khi nuôi nên chọn thức ăn đủ dưỡng chất, nhất là độ đạm phải bảo đảm từ 26 – 40 %.
3. Sinh trưởng
– Đối với ếch đồng (Rana rugulosa): Nếu nuôi từ ếch giống cỡ 20 – 30 g/con, sau 5 – 6 tháng nuôi và cung cấp đủ thức ăn ếch có thể đạt trọng lượng 90 – 100 g/con.
– Đối với ếch có nguồn gốc từ Thái Lan (Rana tigerina): Cung cấp thức ăn đầy đủ sau 3 – 4 tháng có thể đạt 150 – 250 g/con.
4. Sinh sản
– Trong tự nhiên ếch bắt cặp sinh sản vào mùa mưa khoảng từ tháng 5 – 11, mùa khô ếch không sinh sản. Nhưng với các tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện nay, sản xuất giống nhân tạo có thể cho đẻ quanh năm. Ếch nuôi được 8 tháng tuổi là có thể sinh sản.
– Số lượng trứng một lần ếch cái sinh sản từ 1.000 – 4.000 trứng/lần, ếch có thể đẻ 3 – 4 lần trong năm, đối với ếch cho sinh sản nhân tạo có thể để từ 6 – 8 lần trong năm.
– Sau 18 – 24 giờ trứng nở ra thành nòng nọc. Sau 48 giờ nòng nọc bắt đầu ăn thức ăn ngoài. Sau 20 -28 ngày nòng nọc biến thái thành ếch con (đã rụng đuôi và ra đầy đủ 4 chân). Thời gian và tỉ lệ biến thái từ nòng nọc thành ếch con phụ thuộc vào điều kiện môi trường và dinh dưỡng. Ếch con sẽ nhảy lên cạn nhưng thích sống nơi đầm lầy, ẩm ướt và ăn được nhiều loại thức ăn, thức ăn chính là các loại động vật nhỏ trong môi trường. Đối với ếch Thái Lan có thể dùng thức ăn tổng hợp dạng viên cho ăn.
Xem thêm: Xổ Lãi định kỳ cho Ếch sau khi thả nuôi | Bệnh Đỏ Chân, Đỏ Đùi trên Ếch | Điều trị bệnh trên Ếch nuôi