Tài liệu kỹ thuật nuôi Ếch công nghiệp

I. CHỌN ĐỊA ĐIỂM NUÔI

Việc chọn địa điểm nuôi ếch cần hội đủ các yếu tố phát huy cao nhất hiệu quả của đầu tư nuôi ếch, các tiêu chuẩn cần được xem xét:
– Gần nơi ở của người nuôi để quản lý chăm sóc và thường xuyên tiếp xúc, làm cho ếch thuần, dạn dĩ, không sợ người. Thuận lợi đi lại kiểm tra thường xuyên ếch nuôi để bảo vệ chống trộm cắp.
– Ở vị trí cao vừa đủ chống ngập lụt trong mùa mưa, làm cho ếch không thoát ra ngoài dễ dàng.
– Có đủ nguồn nước sạch quanh năm để cung cấp cho mùa khô.
– Nên xa đường lộ lớn có nhiều xe đi lại vì tiếng ồn sẽ làm ếch giật mình, sợ không dám ra ăn, có khi ẩn mình cho tới chết vì trong tự nhiên ếch vốn sống ở nơi yên tĩnh.
– Nếu không dự tính tự sản xuất ếch giống để nuôi nên xây dựng trại nuôi ếch thịt ở gần nguồn cung cấp giống.
– Ở gần nơi có nguồn thức ăn tự nhiên hoặc có thức ăn công nghiệp và thị trường tiêu thụ.

II. MÔ HÌNH NUÔI

Hiện nay ở các địa phương có rất nhiều mô hình nuôi ếch như: Nuôi trong giai (vèo), nuôi trong ao đất hay nuôi trong đăng quầng đều mang lại hiệu quả. Nhưng nuôi ếch theo mô hình công nghiệp thì nuôi trong bể xi măng là cách nuôi phổ biến nhất hiện nay. Qui cách nuôi trong bể xi măng như sau:
– Bể có diện tích 12m2 (kích thước 3 x 4 m), cao 1,2 – 1,5 m, quanh hồ xây bằng gạch, tường trát xi măng, cao hơn nền 50cm, để phòng nước thấm nền, phía dưới đổ xi măng dày hay lót bằng gạch bông hoặc trải bạc. Nên có ống thoát nước đặt tại chỗ nghiêng nhất và có ống nước ngầm đối diện ống nước thải nối cao lên 30cm dùng để quản lý mức nước trong hồ lúc thay nước (bể tràn). Phần cửa ra vào xây cao hơn nền 50cm. Nếu là bể xây liền nhau sẽ gắn ống nước liền hai hồ với nhau.
– Khi nuôi cũng làm bè trôi, làm chỗ đựng thức ăn và làm chỗ để ếch lên nghỉ ngơi, có thể làm bằng cây tre, cây dừa hay các cây khác, thả nổi trên mặt nước hay làm giống giường bật có chân cao hơn mức nước trong bể. Trên giường phủ tấm nylon làm nơi trốn của ếch. Ngoài ra phần trên của bể không nên làm mái, nên mở ra rồi lấy cành dừa che lại để chắn bớt ánh sáng chiếu xuống nền bể và để nước trong bể không quá nóng ban trưa hay buổi chiều.
– Bể nên xây nghiêng, rộng có diện tích 12m2 (3 x 4 m), chiều cao 1,2m. Nền bể nghiêng 5o để nước tiêu tốt, không tốn nước. Nền hồ lát gạch men vàng nhạt hay xanh nhẹ, dễ làm vệ sinh và để ếch điều chỉnh màu theo môi trường, trong bể bỏ những vật nổi để cho ếch có chổ nghỉ và có chỗ ăn, ếch sẽ không bị stress. Khi cho ăn nên cho trên quầy bạt hay trên bè thả dưới nước. Mức nước trong hồ tuỳ thuộc vào từng loại ếch nuôi. Bể nghiêng là bể đa dạng có thể nuôi ếch giống bố mẹ, nuôi dưỡng ếch con, nuôi ếch cỡ lớn hay ếch thịt do vậy nước trong hồ cũng tuỳ theo cỡ ếch…

Ghi chú:
– Các loại bể nên lát nền màu để dễ vệ sinh, hồ lát nghiêng làm vệ sinh dễ dàng nhất, giá làm bể không cao lắm có thể chỉnh sửa thành bể nuôi đa dạng từ sử dụng dùng nuôi ếch giống bố mẹ, bể đẻ, nuôi dưỡng ếch nòng nọc, nuôi dưỡng ếch con, nuôi ếch thịt bán. Số lượng bể tuỳ thuộc lượng ếch cần nuôi và nhu cầu của việc nuôi.
– Mặc dù mỗi loại bể có tính năng riêng biệt nhưng vẫn có thể dùng chung và phải có  nhiều bể để có thể san ra nuôi theo đúng mật độ nuôi của từng thời kỳ ếch tăng trưởng. Bể có diện tích trung bình với các kích cỡ là 3 x 4 m; 4 x 5 m; 4 x 6 m; 3,3 x 4 m và có chiều cao khoảng từ 1 – 1,2 m. Hồ nuôi ếch thịt, ếch hậu bị có thể có kích thước lớn hơn. Bể nuôi ếch bố mẹ có kích thước nhỏ hơn nhưng nếu dùng chung đều được, song không quá rộng vì  sẽ có khoảng rộng để ếch phóng nhảy đớp lẫn nhau.
– Bể để ươm san nòng nọc nên xây một đảo nhỏ ở giữa cao khoảng 20 – 30 cm để trồng thủy thực vật, nền đáy hồ cũng lát nghiêng về một góc để dễ dàng tháo nước.
– Để cấp thoát nước thuận lợi nhanh chóng cho các hồ nên dùng ống nhựa PVC loại đường kính 49mm, mỗi hồ nên có van cấp nước và tháo nước riêng. Ở lỗ thoát nước gắn ống nhựa PVC có bao lưới rây để chặn giữ nòng nọc hay ếch con, nối chôn ống ra ngoài tường hồ, dùng khỉu cong nối tiếp với ống cao su 40cm để tháo nước. Đối với bể nuôi ếch bố mẹ và hồ sinh sản nên lắp đặt thêm hệ thống phun nước làm mưa nhân tạo.
– Bể nuôi nên xây nơi thông thoáng quang đãng vì xây dựng ở nơi quá râm mát, ếch đẻ trứng sẽ không tốt, nuôi dưỡng nòng nọc cũng không tốt, giai đoạn này ếch cần môi trường có nhiệt độ cao trên 28oC, nơi quang đãng giúp cho ếch ăn nhiều, mạnh khỏe và có khả năng chống bệnh tốt.
– Nên làm mái che bằng lưới nhựa có giãn nở để lọc ánh sáng và giảm nắng gắt, nhiều nơi ưa dùng lưới màu xanh.
– Bể xi măng mới xây, nước trong hồ có chất kiềm chưa phù hợp để nuôi ếch, trước khi nuôi phải xả nước, không để nước vôi vữa ăn da ếch, làm cho ếch dễ bị ghẻ và nhiễm trùng. Lấy lá chuối cắt khúc thả ngâm trong hồ từ  5 – 7 ngày, mỗi ngày thay tàu lá chuối, hay sử dụng phèn chua với 1 kg/m2 hồ, ngâm 3 – 4 ngày xả nước làm lại lần nữa, sau đó xả hồ phơi khô rồi cho nước mới vào. Trước khi sử dụng nên đo pH, pH ở khoảng 7,5 – 8,5 là hồ đã sẵn sàng có thể nuôi ếch được.
– Đáy hồ tô vữa già chống thấm nước và nghiêng khoảng 5o về một góc để dễ thoát nước, gom cặn bã thức ăn dư thừa, lỗ thoát nước ở đáy hồ nối với ống PVC dựng đứng cao 30cm nhằm điều hòa nước trong hồ nuôi. Bốn vách trong cửa hồ nên xây tô láng cao lên 30cm, bên trong cạnh vách hồ nên xây các bệ rộng 10 – 15 cm làm chỗ cho ếch nghỉ. Hồ nuôi có cửa ra vào cao 50cm tính từ đáy hồ để dễ thao tác khi làm vệ sinh, thoát nước và thay nước.

III. NGUỒN NƯỚC

Có thể sử dụng nước sông, nước máy hay nước giếng, chỉ cần đảm bảo các yếu tố sau đây:
– Nước ngọt hoàn toàn (độ mặn < 5‰).
– Độ pH thích hợp: 7,5 – 8,5. Nên kiểm tra độ pH nước trước khi thả nuôi, nếu nước bị phèn, pH < 5,5 nên dùng vôi để nâng pH, hạ phèn rồi mới sử dụng.
– Nhiệt độ nước thích hợp: 25 – 32oC, tốt nhất 28 – 30oC.

IV. QUY TRÌNH THỰC HIỆN NUÔI ẾCH THÁI LAN

1. Chọn ếch giống thả nuôi
Khi nuôi tốt nhất nên chọn ếch giống đã được hơn 30 ngày tuổi kể từ ngày nòng nọc rụng đuôi, chuyển sang đời sống trên cạn có trọng lượng từ 10 – 13 g/con, dài khoảng 3 – 5 cm tức khoảng 125con/kg dù giá cao nhưng vẫn có nhiều lợi ích do ít phóng nhảy, tỷ lệ hao hụt ít. Nên tìm mua ếch giống ở các trại sản xuất ếch con giống có uy tín và có trách nhiệm. Một vấn đề quan trọng là tình trạng hiện nay ếch giống dễ bị đồng huyết, dị hình, nuôi không lớn được, tỷ lệ chết cao.

2. Xây dựng bể và chuẩn bị bể nuôi Ếch thương phẩm
Bể nuôi ếch thương phẩm nên là hồ xi măng lát bằng gạch men, nền hồ xây nghiêng để dễ làm vệ sinh, hồ rộng 3 – 4 m, cao 1,5m. Mặt trong hồ trát xi măng, có chất phụ gia chống thấm để phòng hồ bị thấm nước, dùng ống PVC làm ống xả nước thải tại chỗ thấp nhất, lấy tàu dừa đậy lên trên, đề phòng trời mưa và ánh nắng chiếu xuống quá nhiều, dùng viên ngói, thả vật nổi như tấm ván đặt giữa hồ cho ếch lên nghỉ ngơi sau đó làm vệ sinh nền hồ bằng POWER FORCE 100cc/20lit nước, tạt đều khắp hồ, ngâm khoảng 3 giờ, sau đó lấy nước sạch rửa hồ lại lần nữa.

a. Tỷ lệ thả ếch: Trường hợp có đủ nguồn nước và thường xuyên thay nước nên thả 100con/m2; nếu nguồn nước không đủ, không thể thường xuyên thay nước nên thả 50con/m2.

b. Cách chọn cỡ ếch:
– Chọn ếch cùng lứa nuôi trong cùng một bể để đề phòng ếch ăn thịt lẫn nhau.
– Cân bằng tỷ lệ ếch nuôi với diện tích hồ.
– Một tháng một lần tiến hành đo chiều dài và trọng lượng ếch, kiểm tra tốc độ tăng trưởng để điều chỉnh tỷ lệ thức ăn cho phù hợp.

3. Cho ăn và quản lý
Áp dụng với hồ nuôi cỡ 3 x 4 m với mật độ 100con/m2  tức 1.200con/hồ.
Nên cho ếch ăn theo tỷ lệ sau:

Bảng 1: Tỷ lệ thức ăn

Stt Tuổi ếch Thức ăn ( kg/ngày)
1 1 – 30 ngày tuổi 0,4
2 1 tháng tuổi trở lên 0,6
3 2 tháng tuổi trở lên 1
4 3 tháng tuổi trở lên 3
5 4 tháng tuổi trở lên 2 – 2,5
6 5 tháng tuổi trở lên 2,5 – 3

Ghi chú:
– Lượng thức ăn cho ăn phụ thuộc vào:
– Số lượng ếch nuôi trong hồ.
– Nhiệt độ nước và môi trường bên ngoài.
– Việc thay nước trong hồ.
– Việc  thay đổi thức ăn, thay đổi đột ngột ếch sẽ bỏ ăn.

Bảng 2: Bảng cỡ ếch và cỡ thức ăn

Cỡ ếch Cỡ viên thức ăn (mm)
1 – 2,5 cm 1,5 – 2
2,5 – 5 cm 2 – 4
5 – 10 cm 8 – 10
10 cm trở lên 10

Bảng 3: Tỷ lệ vitamin dùng cho các giai đoạn phát triển của Ếch
Để ếch khỏe mạnh mau lớn, không stress, không có bệnh nên cho ếch ăn vitamin và thức ăn phụ theo tỉ lệ hướng dẫn sau:

TUỔI ẾCH VITAMIN VÀ THỨC ĂN PHỤ
1 – 3 ngày Dùng Vitamin VITA COMPLEX 3 – 5 g/kg thức ăn, trộn đều xấp nước vừa phải, trộn đều lần nữa, cho ếch ăn hàng ngày. Vitamin trong VITA COMPLEX sẽ giúp ếch khoẻ mạnh, acid amin trong VITA COMPLEX sẽ giúp cho việc tiêu hoá thức ăn, phòng bệnh đầy bụng, giúp trao đổi chất được tốt hơn.
 

1 – 2 tháng tuổi

 

 

 

 

Khi ếch được 30 ngày cho tẩy giun bằng KILLING 3 – 5 g/kg thức ăn. Trộn thức ăn với VITA COMPLEX 3 – 5 g/kg thức ăn xấp nước trộn đều cho ếch ăn trong 3 ngày liền, sang ngày thứ tư thay nước khi cho nước mới vào phải diệt khuẩn bằng POWER FORCE theo tỷ lệ hướng dẫn đem hoà với nước tạt khắp hồ, cho ếch ăn C – QUICK 3 – 5 g/kg thức ăn ướp với BODY UP 3 – 5 g/kg thức ăn trộn đều hong gió cho ếch ăn. Cho ếch ăn hàng ngày theo tỷ lệ trên cho đến khi ếch đủ hai tháng để giảm stress, tăng sức đề kháng, BODY UP làm tăng khả năng bắt mồi, ếch ăn nhiều.
 

2 – 3 tháng trở lên

Khi ếch được 2 tháng tuổi cho tẩy giun lần nữa dùng KILLING cho ếch ăn liền 3 ngày, sau đó cho C – QUICK 3 – 5 g/kg thức ăn và MARINE PREMIX5g/kg thức ăn trộn đều xấp nước hong gió, trộn lại cho ếch ăn hàng ngày. Vitamin trong MARINE PREMIX là vitamin phù hợp với ếch trưởng thành, ếch có màu đẹp, thịt chắc, tăng sức đề kháng, ếch ít bệnh, tỷ lệ trao đổi chất tốt. Định kỳ tẩy giun cho ếch 14 ngày một lần, sau khi tẩy giun sang ngày hôm sau thay nước trong hồ.

4. Nguyên tắc thay nước và xử lý nước trong hồ nuôi
– Nên thay nước hàng ngày để xử lý được chất thải trong hồ
– Trước khi thay nước nên ngưng cho ếch ăn.
– Nước nuôi ếch nên có pH từ 7,5 – 8,5 và độ kiềm 100 – 150 mg.
– Vệ sinh nền hồ trước lúc đem ếch về nuôi. Dùng 100cc POWER FORCE hòa đều với nước tạt khắp hồ, ngâm 3 – 4 giờ lấy nước sạch rửa lại lần nữa.
– Sau khi thu hoạch ếch bán tiến hành vệ sinh hồ bằng POWER FORCE hoặc các sản phẩm vi sinh xử lý chất thải, khí độc, tạo môi trường nuôi tốt nhất cho vụ nuôi sau.
– Nước cho vào hồ nuôi phải sạch, diệt vi khuẩn bằng POWER FORCE theo tỷ lệ hướng dẫn.
– Nếu là nước ngầm nên lắng lọc trước, nên có hồ chứa nước riêng và diệt khuẩn bằng POWER FORCE.

So sánh phương pháp thay nước trong bể nuôi Ếch thương phẩm

CÁCH THAY NƯỚC Điểm mạnh Điểm yếu
Thay nước kiểu tràn bể phải có lối thoát nước ra vào cùng lúc, cho nước vào liên tục cho tới khi nước trong hồ trong thì ngưng. Cách thay nước này rất phù hợp cho hồ dưỡng ếch, nòng nọc, làm cho nòng nọc không stress, không giật mình, không xây xác vì trong hồ lúc nào cũng có nước. Mất nhiều thời gian và hao phí nước, cách thay nước kiểu này không làm cho hồ sạch như thay nước khô.
Thay nước khô: Xả hết nước dơ, vệ sinh hồ, sau đó cho nước mới vào. Phù hợp việc nuôi ếch  thương phẩm, cách thay nước này sử dụng thời gian ít, tiết kiệm nước và vệ sinh. Ếch sẽ giật mình, dễ bị stress đến mức động kinh, có thể chết, do vậy trước khi thay nước phải tìm nơi cho ếch trú  ẩn.

5. Nguyên tắc theo dõi ếch thương phẩm khi nuôi
Đề phòng tỷ lệ chết cao, phải theo dõi ếch liên tục để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh khi nuôi:
– Chọn ếch giống cùng cỡ do ếch con rất háo ăn, nếu để đói dễ ăn thịt lẫn nhau nhất là những con nhỏ hơn, giai đoạn này tỷ lệ chết tương đối cao.
– Phải quét dọn thức ăn rơi rãi thường xuyên vì nếu thức ăn rơi rãi trong hồ nhiều sẽ làm nước thối, sinh bệnh, ếch dễ bị ghẻ lở, mù mắt, vẹo cổ, …
– Trong thời gian nuôi, nếu phát hiện trong bể có ếch bệnh, ốm yếu, bỏ ăn nên tách ra nuôi riêng, điều trị khỏi mới thả lại xuống bể nuôi.
– Trong thời gian nuôi nếu không thật cần thiết không nên vào quấy rầy ếch sẽ làm ếch giật mình, ếch có thể bỏ ăn.
– Mỗi lần thay đổi thức ăn nên cho ếch ăn chung với thức ăn cũ rồi từ từ bớt dần để thay mới hoàn toàn.
– Khi nhiệt độ thấp dưới 25oC ếch sẽ giảm ăn, nhưng nếu khi tiết trời nóng bức ếch cũng sẽ giảm ăn và trú nóng. Nuôi ếch thịt nên tránh nuôi những tháng lạnh và nếu nuôi những tháng nóng nên tạo môi trường mát mẻ cho ếch mới có hiệu quả cao.
– Nhiệt độ thấp, việc tiêu hóa thức ăn giảm, nếu cho ếch ăn nhiều sẽ làm cho ếch bị sình bụng. Chỉ được cho ếch ăn sau khi thay nước, cấm tuyệt đối cho ếch ăn trước khi thay nước vì môi trường nước dơ dễ làm ếch bị nhiễm bệnh.
– Cho ếch ăn 2 lần/ngày lúc 7 – 8 giờ sáng và từ  5 – 6 giờ chiều, phần ăn buổi chiều nhiều gấp 2 lần phần ăn buổi sáng, nên cho ăn đúng giờ vì khi ếch đói dễ cắn nhau, khi cho ăn rải đều thức ăn và giữ cho bệ ăn khô ráo, ở giai đoạn ếch non nên cho ăn ngày 3 lần sau đó giảm còn 2 lần/ngày.
– Ếch thải chất thải nhiều nên dễ làm dơ nước, cần thay nước ngay khi môi trường nước nuôi xấu, gây mùi hôi, những ngày oi bức nước xấu đi rất nhanh. Khi thay nước tháo bỏ hết nước cũ, xịt nhẹ nước từ đầu vào các góc hồ để tống đẩy các chất cặn bã tập trung ra lỗ xả, trường hợp phải vào hồ cọ rửa nên dùng thanh gỗ dài có gắn bàn chải để làm và cho nước vào từ từ. Những thao tác này nên nhẹ nhàng tránh gây tiếng động lớn làm ếch hoảng sợ, phóng nhảy bị trượt ngã, bỏ ăn hoặc vỡ bụng chết.
– Chế độ kiểm tra và xử lý: phải thường xuyên kiểm tra chất lượng nước, kiểm tra bệnh để chữa trị kịp thời, canh gác đề phòng mất trộm và ngăn tránh tối đa các loại địch hại của ếch như rắn, rắn mối, chuột, chim, cò xâm nhập. Nuôi ở vùng có địch hại nhiều phải có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu như tường hồ xây cao, bọc lưới kín, bao lưới xung quanh. Trong khi nuôi nên loại bỏ bớt các con còi cọc, kém phát triển vì nuôi tiếp ếch cũng không lớn.
– Mỗi ngày kiểm tra thấy ếch chết dùng vợt vớt bỏ đi, nếu ếch chết nhiều có dấu hiệu bị nhiễm bệnh nên cách ly những con bị bệnh để xử lý, xác định bệnh chữa trị.
– Nuôi ếch thịt phải nuôi đồng cỡ để tránh ăn lẫn nhau.
– Nên thường xuyên phân cỡ ếch nuôi, chuyển ếch đồng cỡ nuôi chung hồ để phòng ếch ăn thịt lẫn nhau, có thể làm việc này trong lúc thay nước, dùng vợt lưới vớt bắt nhẹ nhàng. Việc kiểm tra vừa phòng chống bệnh, vừa tách ếch bị bệnh ra nuôi riêng để tiện cho việc điều trị, cứ sau 2-3 tuần nên tuyển chọn những con ếch lớn vượt trội ra nuôi riêng, mặt khác kiểm tra mật độ của ếch đang nuôi để điều chỉnh kịp thời, nhằm đạt hiệu quả nuôi.
– Trong quá trình nuôi ếch nên có sự ghi chép các diễn biến: ngày thả giống, số lượng ếch của từng hồ, số lượng ếch chết, lượng thức ăn ếch dùng trong ngày, số lượng ếch thu hoạch, kích cỡ ếch khi thu hoạch, ngày thu hoạch, … ghi chép như vậy để đánh giá hiệu quả sản xuất và dùng các số liệu này để tính toán tỷ lệ chuyển đổi thức ăn, với kết qủa này sẽ rút kinh nghiệm để các đợt nuôi sau thành công hơn.
Tỷ suất đổi thịt = Số lượng thức ăn dùng (kg) / Trọng lượng ếch thu hoạch (kg)
– Ngoài ra cũng cần ghi chép các chi phí: tiền thức ăn, điều trị bệnh, dinh dưỡng bổ sung, thuốc kích dục tạo trứng, … để tính giá thành trong sản xuất và lợi nhuận trong mỗi đợt nuôi.

Thu hoạch:
Khi ếch nuôi được 3 -4 tháng đạt 3 – 5 con/kg và trọng lượng 200 – 400 g/con, cỡ này thị trường rất ưa chuộng. Trước khi thu hoạch, cho ếch nhịn ăn từ 10 – 12 tiếng để ếch không bị shock khi thu hoạch và vận chuyển. Thu hoạch phải đúng phương pháp, nên thu hoạch một lần cho hết một hồ nuôi, khi thu hoạch xong phải tuyển ếch cùng cỡ để bán sẽ có giá cao hơn.

Vận chuyển ếch thịt:
Dụng cụ chứa thường là thùng giấy đục lỗ cho thông khí, dùng lưới mùng may thành túi cỡ 12 – 25 cm đựng ếch cho vào thùng kèm với mouse xốp nhúng nước chở đến nơi tiêu thụ.

V. BỆNH CỦA ẾCH VÀ CÁCH PHÒNG TRỊ

Những nguyên nhân làm ếch bệnh: thời tiết thay đổi, mật độ nuôi quá dày, chuẩn bị hồ nuôi không tốt, không diệt khuẩn, không vệ sinh hồ, chất lượng nước không thích hợp, không thường xuyên thay nước, thay nước không đúng kỹ thuật, vị trí nuôi ếch không thích hợp, thức ăn không tươi, không đủ dinh dưỡng, cách cho ăn không đúng và cho ăn quá nhiều,…

1. Cách phòng bệnh theo phương pháp đơn giản nhất:
– Vệ sinh hồ nuôi, xử lý nguồn nước.
– Nguồn dinh dưỡng đảm bảo.
– Tách ếch bệnh ra khỏi ếch khỏe.
– Không sử dụng chung dụng cụ ếch bệnh với ếch khỏe.
– Ếch chết phải chôn hoặc đốt.
– Tránh gây stress cho ếch.

2. Các loại bệnh thường gặp:
a. Bệnh đỏ chân
Nguyên nhân: Do vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây ra, ếch hay mắc bệnh vào mùa mưa.
Hiện tượng: Ếch di chuyển chậm chạp, ăn ít đi, có những nốt chấm đỏ trên chân và vùng da dưới bụng, chấm đỏ khắp mình, chân bị sưng, gốc đùi có màu đỏ. Khi mổ bụng sẽ thấy tình trạng chảy máu trong và có nước trong ổ bụng, gan bị bầm và đọng máu.
Cách điều trị:
– Trước hết phải thay nước trong hồ ngay khi hết mưa và sử dụng POWER FORCE với tỷ lệ 40cc/hồ (3 x 4 m), sâu 5 – 7 cm (hoặc dùng High Clean với liều hướng dẫn). Lấy thuốc hòa 5 lít nước tạt khắp hồ vào buổi sáng, ngâm để diệt khuẩn nước trong hồ, ngày hôm sau thay nước, lấy nước mới vào 50%.
– Đối với nòng nọc và ếch con: Dùng TOMO 5g/1kg thức ăn trộn đều, ướp với VITA COMPLEX tỷ lệ 10g/1kg thức ăn, cho ăn liên tục từ 5 – 7 ngày.
– Đối với ếch từ 45 ngày tuổi đến 3 tháng tuổi: Dùng FLOXIN 100 với tỉ lệ 5cc/1kg thức ăn, trộn đều (hoặc dùng M1 với liều hướng dẫn) và ướp với BODY UP 10g/1kg thức ăn, hong gió cho khô rồi cho ếch ăn, cho ăn 5 – 7 ngày liên tục.
– Đối với ếch trên 3 tháng tuổi: Sử dụng FLOXIN 100 với tỉ lệ 20cc /1kg thức ăn (hoặc dùng M1 với liều hướng dẫn), trộn đều với thức ăn và ướp với BODY UP 10g/1kg thức ăn hong gió cho khô rồi mang cho ếch ăn, cho ăn 5 – 7 ngày liên tục.

b. Bệnh do nhiễm khuẩn, bệnh  lở loét (bệnh ghẻ)
Nguyên nhân: Do nước dơ bẩn sinh ra vi khuẩn gây bệnh.
Hiện tượng: Ếch ốm yếu, da bị lở loét, mầm bệnh lây lan từ con này qua con khác, ếch hoảng sợ phóng nhảy gây ra vết thương. Trên mình ếch xuất hiện các vết lở loét, ếch có hiện tượng đau nhức, biếng  ăn, dẫn đến kiệt sức và chết.
Cách chữa trị:
Trường hợp tắm cho ếch:
– Đối với ếch trưởng thành: Cách ly ếch bị bệnh riêng, lấy High Clean 3 – 5 cc (hoặc BIDINE 100 theo liều hướng dẫn)hoà với 10 lít nước rồi cho ếch bị ghẻ ngâm khoảng 3 – 5 phút, sau đó vớt ếch ra thả lại xuống hồ. Dùng Gentacine với liều hướng dẫn trộn đều với thức ăn và cho ếch ăn liện tục từ 5 – 7 ngày.
– Đối với ếch con: Dùng POWER FORCE theo tỉ lệ 20cc hòa tan với 20 lít nước tắm cho ếch 1 – 2 phút, ngày một lần vào buổi sáng hoặc chiều mát, sử dụng liên tục đến khi vết thương lành.
Trường hợp cho ăn:
– Đối với ếch từ 45 ngày tuổi đến 3 tháng tuổi: Dùng FLOXIN 100 với tỉ lệ 5cc/1kg thức ăn hoặc dùng GENTACIN, trộn đều và ướp với BODY UP 10g/1kg thức ăn, hong gió cho khô rồi cho ếch ăn, cho ăn 7 ngày liên tục.
– Đối với ếch trên 3 tháng tuổi: Sử dụng FLOXIN 100 với tỉ lệ 20cc/1kg thức ăn hoặc dùng GENTACIN, trộn đều và ướp với BODY UP 10g/kg thức ăn, hong gió cho khô rồi cho ếch ăn, cho ăn liên tục từ 5 – 7 ngày. Để phục hồi sức khỏe nhanh, dùng C – QUICK  3 – 5 g/1kg thức ăn và ướp với VITA COMPLEX 3 – 5 g/1kg cho ăn liên tục đến khi khỏi bệnh.

c. Bệnh sình bụng, ăn không tiêu và viêm ruột:
Nguyên nhân: Ếch ăn quá nhiều thức ăn không tiêu hoặc thức ăn bị ôi thiu.
Hiện tượng: Bụng ếch bị trương phình, ếch nằm yên một chỗ, một vài con có ruột và mỡ thoát ra ở lỗ hậu môn, ruột bị sưng và mỏng, bên trong có dịch trong lỏng lẫn với cặn thức ăn không tiêu và có mùi thối.
Cách chữa trị: Ngưng cho ăn trong 1 hay 2 ngày hoặc giảm lượng thức ăn xuống, làm vệ sinh chỗ ăn, hồ nuôi, tăng độ tươi sống của thức ăn.
– Đối với ếch từ 45 ngày tuổi đến 3 tháng tuổi: Dùng M1 với tỉ lệ 10 – 15 g/1kg thức ăn, trộn đều và ướp với BODY UP 10g/1kg thức ăn, hong gió cho khô rồi cho ếch ăn, cho ăn liên tục từ 5 – 7 ngày.
– Đối với ếch trên 3 tháng tuổi: Sử dụng M1 với tỉ lệ 25 – 30 g/1kg thức ăn, trộn đều và ướp với BODY UP 10 g/1kg thức ăn  hong gió cho khô rồi cho ếch ăn, cho ăn liên tục từ 5 – 7 ngày.
Để phục hồi sức khỏe nhanh, dùng C – QUICK 3 – 5 g/1kg thức ăn và ướp với VITA COMPLEX 3 – 5 g/1kg cho ăn liên tục đến khi khỏi bệnh.
– Đối với ếch dưới 45 ngày tuổi: Định kỳ dùng YUCCA PRO, ENVIZYME để phân hủy chất thải trong bể nuôi.
– Trong suốt quá trình nuôi nên bổ sung men vi sinh LACTO giúp cân bằng và phát triển đường ruột ếch, dùng với tỷ lệ 3 – 5 g/1kg thức ăn.

d. Một số hiện tượng bệnh mắt mù, cổ quẹo và quay cuồng
Nguyên nhân: Do vi khuẩn Pseudomonas. sp gây ra, do môi trường nước bị dơ hoặc nguồn gốc từ các loài chim cò.
Hiện tượng: Mắt trắng, bị đục mù, viêm sưng vùng mắt, có mủ ở mí mắt, có hiện tượng về thần kinh, thường nằm ngửa bụng thể hiện tình trạng quay cuồng, cổ quẹo. Nếu ếch mù một mắt sẽ có khả năng chữa khỏi, nếu 2 mắt ếch đều mù, cổ quẹo không ăn được hãy bắt ra ngay vì không thể chữa được nữa, ếch sẽ chết.
Cách chữa trị:
Trường hợp cho ăn:
– Đối với ếch từ 45 ngày tuổi đến 3 tháng tuổi: Dùng M1 với tỉ lệ 10 – 15 g/1kg thức ăn, trộn đều và bao bọc với BODY UP 10g/1kg thức ăn, hong gió cho khô rồi cho ếch ăn, cho ăn liên tục từ 5 – 7 ngày.
– Đối với ếch trên 3 tháng tuổi: Sử dụng M1 với tỉ lệ 20 – 25 g/1kg thức ăn, trộn đều và bao bọc với BODY UP 10g/1kg thức ăn, hong gió cho khô rồi mang cho ếch ăn, cho ăn liên tục từ 5 – 7 ngày.
Để phục hồi sức khỏe nhanh, dùng C – QUICK 3 – 5 g/1kg thức ăn và ướp với VITA COMPLEX 3 – 5 g/1kg cho ăn liên tục đến khi khỏi bệnh.
– Cho thay nước ngay ngày đầu cho ăn M1, sử dụng POWER FORCE  hoà tan với nước tạt khắp hồ hoặc HIGH CLEAN.
– Đối với người nuôi ếch mỗi lần vào hồ phải rửa tay chân kể cả dụng cụ cầm theo, sử dụng bằng POWER FORCE với tỉ lệ 30cc/10lít nước làm vệ sinh trước khi vào hồ để phòng bệnh lan truyền.

e. Bệnh giun sán
Nguyên nhân: Do các loại sán lá, sán sơ mít và giun đũa gây ra.
Hiện tượng: Ếch chậm lớn, ăn yếu.
Cách chữa trị: Tẩy sán lãi bằng KILLING 3 – 5 g/1kg thức ăn, trộn với VITA COMPLEX 3 – 5 g/1kg thức ăn, xấp nước trộn đều cho ếch ăn trong 3 ngày liền, sang ngày thứ tư thay nước, khi cho nước mới vào phải diệt khuẩn bằng POWER FORCE tỷ lệ 30cc/nền hồ 12m2, đem hòa với 10 lít nước tạt khắp hồ. Sau khi cho tẩy giun, cho ếch ăn C – QUICK 3 – 5 g/1kg thức ăn ướp với BODY UP 3 – 5 g/1kg thức ăn, trộn đều hong gió rồi cho ếch ăn. Định kỳ 15 ngày tẩy giun cho ếch một lần.

f. Bệnh viêm gan, gan có mủ
Nguyên nhân: Ếch bị nhiễm khuẩn từ môi trường nước dơ hay các động vật gây bệnh trung gian.
Hiện tượng: Ếch mắc bệnh thường bỏ ăn, ít hoạt động, gầy đi rất nhanh. Gan ếch sưng to, tái nhợt, có chấm vàng.
Cách chữa trị:
– Đối với ếch từ 45 ngày tuổi đến 3 tháng tuổi: Dùng M2 với tỉ lệ 10 – 15 g/1kg thức ăn, trộn đều và bao bọc với BODY UP 10g/1kg thức ăn, hong gió cho khô rồi cho ếch ăn, cho ăn liên tục từ 5 – 7 ngày.
– Đối với ếch trên 3 tháng tuổi: Sử dụng M2 với tỉ lệ 20 – 25 g/1kg thức ăn, trộn đều và bao bọc với BODY UP 10g/1kg thức ăn, hong gió cho khô rồi mang cho ếch ăn, cho ăn liên tục từ 5 – 7 ngày.
Để phục hồi sức khỏe nhanh, dùng C – QUICK 3 – 5 g/1kg thức ăn và ướp với VITA COMPLEX 3 – 5 g/1kg cho ăn liên tục đến khi khỏi bệnh.
– Tiến hành thay nước hồ nuôi, diệt khuẩn bằng POWER FORCE hay HIGH CLEAN, kết hợp tạt YUCCA PRO giúp giảm khí độc trong hồ nuôi, giúp ếch khỏe hơn, tăng tác dụng của việc dùng thuốc điều trị bệnh.
– Tùy tình trạng bệnh mà có thể điều chỉnh liều dùng của thuốc điều trị, ngoài M2, có thể sử dụng M1, FLOCIN MAX, SULTRI MAX điều trị các bệnh về gan ở ếch.


Xem thêm: Bộ đôi sản phẩm Dinh Dưỡng cho Ếch | Bệnh Đỏ Chân, Đỏ Đùi trên Ếch | Điều trị bệnh trên Ếch nuôi

 

Tiệp Phát